Mỗi lần có bằng hữu văn nghệ, báo chí Hà Nội vào, Sài Gòn lên, chúng tôi thường rủ nhau: Tối nay, thưởng thức rượu cần, bê quay… và âm hưởng cồng chiêng “Những người bạn Lang Bian” nhà Krajan Plin! Đến đây lại thêm bạn mới từ các tỉnh Bắc bộ, đồng bằng sông Cửu Long cũng chung đam mê vòng xoang bên cột lửa reo phần phật…
Đạm Bri
Ơ! Blih, ơ Jú, ơ Jòng
Đầu nguồn Đắkkrong
Nơi mẹ sinh ra
bến nước sơmpa
Cha anh cúng Yàng
Nhà dài buôn làng
Ông bà “thổi tai”*
Ngọn núi “Rơmai”**
Cha ông cắt rốn
Ở chốn rừng xanh
Cha anh “cà răng”
Jrơibang năm xưa
Mẹ anh “căng tai”
Suối nguồn Đa mae
Anh bơi ngược xuôi
Ngọn Chư Yang Sin
Anh trèo lên xuống
Như chim Kring
Xé gió mây ngàn.
* Lễ thôi nôi
** Tục cà răng, căng tai
KRAJAN PLIN
Mỗi lần có bằng hữu văn nghệ, báo chí Hà Nội vào, Sài Gòn lên, chúng tôi thường rủ nhau: Tối nay, thưởng thức rượu cần, bê quay… và âm hưởng cồng chiêng “Những người bạn Lang Bian” nhà Krajan Plin! Đến đây lại thêm bạn mới từ các tỉnh Bắc bộ, đồng bằng sông Cửu Long cũng chung đam mê vòng xoang bên cột lửa reo phần phật…
Từ lâu đã nghe Krajan Plin – người đàn ông K’Ho trung niên hát và chơi nhạc cụ truyền thống Nam Tây Nguyên, thậm chí cả organ hay guitar điện tử nữa… thế mà đầu năm nay, tôi ngỡ ngàng khi nhận tập thơ “Cao nguyên của tôi” (NXB Hội Nhà văn 2010). Lớn lên bằng sương, gió, nước suối mạch nguồn Đăng Kia – Suối Vàng, núi Bà nên huống hồ chi Krajan Plin không tự hào tựa muốn hét vang trời “Cao nguyên của tôi”!
Ai đã từng đọc nhà văn Xô viết Raxun Gamzatốp với tác phẩm nổi tiếng “Đagetxtan của tôi”… tất nhận ngay ra giọng điệu, phong cách của người miền cao, tuyết trắng xứ sở vùng núi Kapkazơ có 36 dân tộc anh em chung sống. Nhà văn từng khẳng định “Dân tộc nhỏ cần phải có bạn bè lớn”… Đọc xong 96 bài trong tuyển thơ “Cao nguyên của tôi”, tuy đề tài và không gian thơ rộng song gom một số bài viết về đời thực của tác giả, của đồng bào miền núi… chợt liên tưởng tới Raxun Gamzatốp bởi âm hưởng của chiêng, của đàn Goong, Đinh buốt ngân nga… và rung lên qua góc cảm, nhịp cảm, ngôn ngữ không pha quyện.
“Nếu anh là voi rừng Đăknông
Thì xin em hãy là dòng sông
Để anh ngâm mình tắm mát
Sau cơn nắng cháy lưng trần.
Nếu em là cây hương trầm
Thì anh làm dây leo K’iốt’
Cuốn chặt thân em
Khi gió lay cành khi trời đổ mưa…”
(Đăknông)
hay
“Em yêu…
Em có dám bỏ hết đàn trâu nhà mình
Để cưới anh về làm chồng?
Để một mai
Em dắt anh về làm trâu
… Trâu này
Không chỉ ăn cỏ hàng ngày
Mà là uống ngày ăn đêm
Lấy đêm làm ngày
Anh sẽ cày cho đất tung lên
Cho nước tràn bờ
Để ngày mai cây lúa cây ngô
Lên xanh giữa đồng mênh mông…”
(Thách cưới)
Chân thành, mộc mạc và cũng rất hiện đại thế nhưng tác giả đã có những câu thơ phản ánh chân thực sinh hoạt đời thường của miền sơn cước với “cái nhìn, cái nghĩ” của người con từng trải gắn bó núi rừng, nương rẫy để nhận biết “Tây Nguyên vào mùa/ Chim c’rao làm tổ/ con hổ tìm mái/ con gái tìm trai” nên không ngạc nhiên khi Krajan Plin khái quát:
“Người tiền sử!
Khi chưa có lửa
Ăn gì cũng sống
Người mọc đầy lông
Người làm nương!
Có nương có rẫy
Khi bị mất mùa
Ăn gì cũng lá…”
(Người tiền sử)
Không dừng ở trải nghiệm ấy mà tác giả còn đi xa hơn trong thơ khi nhắn nhủ độc giả hướng tới bản ngã, tính nhân văn:
“Thời xưa thời nay
Vẫn gọi là người
Cũng sống dưới đất
Suốt một cuộc đời
Ai có làm trời?
Ai có làm mây?
Cũng về với đất
Có ai hơn ai?”
Sinh trưởng trong vòng tay núi rừng Lang Bian hùng vĩ, không như một số người ngộ nhận thân phận người cao nguyên cả cuộc đời chỉ bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, lam lũ với ruộng nương, trong bài “Sóc con” Krajan Plin thể hiện tinh tế phong cách, phẩm chất khoáng đạt của Lang Bian:
“Lớn lên từ bếp nhà sàn
Nhanh chân như chú sóc con
Ơi con trai mắt rực sáng
Trèo lên ngọn đồi…
Lớn lên từ bếp nhà sàn
Nhanh như chú mèo con
Ơi con gái mắt nhìn xa
Trông ra biển rộng…
(Sóc con)
Trong thời kinh tế thị trường, đô thị hoá khiến tác giả bức bối: “Nếu/nhà dài/ không còn tiếng Ching/sẽ có…/ tivi, casset đua nhau sập sình”, vì vậy, ta đồng cảm với Krajan Plin:
“Một ngày đêm
Nơi phố xa
Không bạc tiền
Không bạn bè…
Bằng một tháng
Đi lang thang
Ăn lá rừng
Bạn với thú
Đùa với chim…”
(Rừng và phố)
Tuy còn lất phất những cảm xúc chưa thực chín, ngôn từ và hình tượng thơ còn dễ dãi, giản đơn trong hình thức biểu lộ cảm xúc song tôi vẫn cứ miên man đọc… Chợt trở về trang sách đầu gặp dòng tựa của nhà nghiên cứu văn hoá, nhà thơ Inrasara: “Krajan Plin, cuống rốn không lìa Tây Nguyên”. Quả vậy, “Cao nguyên của tôi” là một tập thơ đáng trân trọng!
NGUYỄN THANH