Có hay không một thánh địa của nghi lễ phồn sinh tại Cát Tiên

03:01, 03/01/2013

Chẳng hiểu lấy thông tin ở đâu ra mà anh bạn cùng quê gọi điện cho tôi, bảo: “Nghe đâu ở Lâm Đồng có một thánh địa của nghi lễ phồn sinh?”...

Chẳng hiểu lấy thông tin ở đâu ra mà anh bạn cùng quê gọi điện cho tôi, bảo: “Nghe đâu ở Lâm Đồng có một thánh địa của nghi lễ phồn sinh?”. Rồi anh ta gửi qua thư điện tử cho tôi một bài báo khá dài; trong đó, có đoạn: “Khi đến đô thị tôn giáo và khi lễ hội bắt đầu, cư dân của nền văn hóa phồn thực được phép quên tất cả những tháng ngày vất vả của quá khứ. Họ được quyền quên cả vợ chồng của chính họ. Trong các đền tháp thờ Linga - Yony, tất cả cư dân dự lễ hội hoàn toàn khỏa thân. Họ đi vòng quanh và nhiều lần sờ và hôn lên ngẫu tượng. Họ uống nước thần chảy từ lỗ thoát hồn trên đỉnh tháp qua Linga - Yony trong một chóe lớn. Thành kính cầu xin về sự sinh sản cho cây lúa, gia súc, gia cầm và con người. Trong những ngày lễ hội, họ hoàn toàn trở về với cội nguồn xưa, là nơi được tự do quan hệ tính giao mà không hề giấu giếm. Hàng trăm cặp khỏa thân san sát nhau, ngay dưới sân gạch bằng phẳng, rộng mênh mông nối liền giữa các đền tháp. Người đàn bà nào may mắn có thai trong dịp này thì đứa con của họ được coi là con của thần”.

Linga và Yony tại Khu Di tích Cát Tiên
Linga và Yony tại Khu Di tích Cát Tiên

         
Tôi vội ghi ra giấy, rồi mang về Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên và bắt đầu “truy vấn” ông Lương Nguyên Minh - Trưởng Ban quản lý Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên, về vấn đề “Có hay không một thánh địa của nghi lễ phồn sinh tại Cát Tiên?” như bài báo đã nêu. Đọc xong, ông Lương Nguyên Minh chậm rãi nói: Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1985. Nhiều cuộc thám sát, khai quật đã được các nhà khoa học tiến hành trong những năm qua và đã có 2 cuộc hội thảo lớn về Di tích Cát Tiên. Song cho đến nay, chủ nhân thực sự của Thánh địa Cát Tiên là ai vẫn đang nằm trong vòng “bí mật”. Còn chuyện hàng trăm cặp khỏa thân đứng san sát nhau và đang thực thi quyền năng sinh sản như bài báo nói thì tôi dám khẳng định rằng: Đó hoàn toàn là bịa đặt. Bởi, Cát Tiên là nơi linh thiêng để cho các tín đồ thờ tự. Hơn nữa, đạo Bàlamôn là một tôn giáo có đẳng cấp, không phải ai cũng được vào đền tháp để hành lễ.
          
Tiến sĩ khảo cổ học Đào Linh Côn, người có nhiều năm gắn bó với Di tích khảo cổ Cát Tiên, nói rõ thêm: Cổ dân Cát Tiên chịu khá nhiều ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Cụ thể, là tôn giáo Bàlamôn. Vì vậy, phải là dòng dõi hoàng tộc mới được phép vào hành lễ trong đền tháp. Còn dân thường không được phép. Vả lại, đây là nơi trú ngụ của các thần linh (theo quan niệm tôn giáo) và là nơi để “thầy cả”, các tín đồ thuộc hoàng tộc tiến hành những nghi lễ tôn giáo nên không thể có chuyện ô uế xảy ra ở đây được.
        
Qua tìm hiểu, tôi được biết: Đạo Bàlamôn là một tôn giáo đa thần, xuất hiện vào những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ I trước công nguyên; trong đó, cao nhất là thần Brama. Đó là vị thần sáng tạo nên thế giới. Tuy vậy, có nơi cho thần Shiva - vị thần phá hoại, là thần cao nhất; có nơi lại cho thần Visnu - thần bảo vệ, thần ánh sáng, thần bốn mùa, thần làm cho nước sông Hằng dâng lên và làm mưa tưới cho ruộng đồng tươi tốt, là vị thần cao nhất. Do vậy, đến những thế kỷ đầu công nguyên, đạo Bàlamôn chia thành 2 phái: phái thờ thần Shiva và phái thờ thần Visnu. Để thống nhất các phái đó, đạo Bàlamôn nêu ra quan niệm: thần sáng tạo Brama, thần phá hoại Shiva và thần bảo vệ Visnu, tuy là 3 thần nhưng vốn là một.
         
Trong tôn giáo Bàlamôn có 4 đẳng cấp: Brama, Ksatơrya, Vaisya và Suđra. Brama (Bàlamôn) là đẳng cấp của những người làm nghề tôn giáo. Ksatơrya là đẳng cấp của các chiến sĩ. Vaisya là đẳng cấp của những người bình dân làm các nghề, như: chăn nuôi, làm ruộng, buôn bán và một số nghề thủ công… Suđra là đẳng cấp của những người cùng khổ, vốn là con cháu của các bộ lạc bại trận, không có tư liệu sản xuất. Trong 4 đẳng cấp ấy, đẳng cấp Bàlamôn có địa vị cao nhất. Ngoài Bàlamôn, chỉ có 2 đẳng cấp Ksatơrya và Vaisya mới được trở thành tín đồ của đạo Bàlamôn và cả 3 đẳng cấp trên được quan niệm là những người sinh 2 lần. Còn Suđra không được dự các buổi lễ tôn giáo và được quan niệm là những người sinh 1 lần.
         
Như vậy, đã rõ, đây hoàn toàn là câu chuyện của những “thầy bịa”, những người dư thừa trí tưởng tượng, nhưng lại thiếu sự cẩn trọng khoa học cần thiết. Sự phóng bút một cách vô tội vạ khi chưa có sự xác thực của các nhà chuyên môn dẫn đến hậu quả là anh bạn tôi bị… lừa. Vẫn biết rằng, cổ dân Cát Tiên theo tín ngưỡng phồn thực, thờ sinh thực khí (Linga - Yony), song không vì thế mà áp đặt cho Cát Tiên là “Thánh địa của nghi lễ phồn sinh” được. Bởi, như nhà sử học Phan Huy Lê phát biểu: “Có lẽ còn lâu mới xác định được chủ nhân của Di tích Cát Tiên. Vấn đề này không hề đơn giản”. Mà một khi chưa xác định được ai là chủ nhân thực sự của văn hóa Cát Tiên, thì không nên “võ đoán” để rồi áp đặt này nọ!

TRỊNH CHU