Có một Kinh Bắc ở Nam Ban

03:01, 23/01/2013

Những câu hát, những nốt nhạc mới đầu cất lên khiến lòng những người xa quê sôi lên, quặn thắt. Lâu dần nó làm nguôi ngoai bớt nỗi nhớ quê và dâng lên niềm tự hào. Tiếng hát đã kéo người Bắc Ninh từ khắp các khu trong thị trấn Nam Ban tìm đến với nhau, nghe hát, học hát.

Anh Vũ Đình Nhiễu – Phó chủ nhiệm CLB quan họ Nam Ban, Phó Ban liên lạc Hội đồng hương Bắc Ninh - người đem quan họ “gieo” ở Nam Ban kể: Lâm Hà có khoảng 900 hộ là người Bắc Ninh di cư vào lập nghiệp trong 2 đợt (1976 – 1977) và (1989 – 1990), thì thị trấn Nam Ban đã tập trung hơn 600 hộ, hình thành nên 6 chi hội đồng hương ở 6 khu phố. Khu Chi Lăng 3 nơi anh Nhiễu sinh sống có hơn 100 hộ gia đình thì đến 80 hộ là người Bắc Ninh. Những năm đầu vào khai hoang lập nghiệp, nỗi nhớ quan họ vẫn di theo từng cuộc mưu sinh… Khi kinh tế đã đủ đầy, sau giờ lao động anh Nhiễu lại cùng những người hàng xóm đồng hương quần tụ và hát. Những câu hát, những nốt nhạc mới đầu cất lên khiến lòng những người xa quê sôi lên, quặn thắt. Lâu dần nó làm nguôi ngoai bớt nỗi nhớ quê và dâng lên niềm tự hào. Tiếng hát đã kéo người Bắc Ninh từ khắp các khu trong thị trấn Nam Ban tìm đến với nhau, nghe hát, học hát.

Một tiết mục dân ca quan họ của CLB
Một tiết mục dân ca quan họ của CLB


Cách đây hơn 2 năm, khi Hội đồng hương Bắc Ninh ra đời, nhóm hát quan họ tại xóm Chi Lăng 3 trở thành CLB quan họ thị trấn Nam Ban. Từ hơn chục thành viên, nay đã có hơn 60 hội viên, 30 hội viên thường xuyên tập luyện các tiết mục đi biểu diễn. Anh Nhiễu vừa là “liền anh” trong các cuộc chơi quan họ vừa phụ trách nghệ thuật CLB, sưu tầm các bài hát cổ, sáng tác lời mới cho các làn điệu; vừa là đạo diễn, chơi trống. Bên cạnh đó, các thành viên tích cực cũng làm nên “linh hồn” của CLB như các liền anh, liền chị: Đỗ Văn Ấu, Nguyễn Đức Đoàn, Trần Thị Lan, Trần Văn Xuất, Đỗ Thị Nga, Trần Đức Long, Trần Thị Hanh, Trần Thị Nga, Lê Cao Thơ... Ngoài ra không thể thiếu chị Nguyễn Thị Cầm người có bàn tay khéo têm trầu cánh phượng, điệu sáo véo von của Nguyễn Ngọc Tươi, tiếng đàn bầu réo rắt của anh Trần Văn Linh từ bé chăn trâu trên bờ sông Đuống đã lấy ống bơ làm đàn bầu....

Người lớn hát, trẻ nhỏ cũng hát theo, nhiều cháu mới đi học mẫu giáo đã theo ông bà, bố mẹ đi hát quan họ. Có đến 20 cháu mới học mẫu giáo, tiểu học đã hát thành thạo những làn điệu quan họ. Các ông bà, cha mẹ trong thôn xóm tỏ ra rất phấn khởi, tự hào khi thấy con cháu mình hát nhuần nhuyễn những bài quan họ, biết chơi các nhạc cụ và tấm tắc “Đúng là con nhà nòi”. Rất nhiều gia đình cả 3 thế hệ ông bà – con – cháu, 2 vợ chồng, con cái, chị em ruột cùng tham gia CLB, có gia đình 5 người cùng tham gia …

Không chỉ tham gia phục vụ các sự kiện chính trị của huyện, thị trấn, tổ chức giao lưu; CLB nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại lễ mừng thọ, tại đám cưới, hiếu hỉ làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Cũng tuỳ vào tính chất từng chương trình phục vụ mà đưa đội ngũ “liền anh, liền chị” phù hợp lứa tuổi đi biểu diễn (trẻ, trung tuổi, già, các cháu nhỏ...). Tất cả các buổi biểu diễn, các tiết mục của CLB đều được đón nhận nồng nhiệt. Mới thấy rằng, đã qua cái thời sôi động của nhạc trẻ với những lời hát vô nghĩa, trống phách đinh tai; nên những gì là giá trị bền vững sẽ luôn khẳng định chỗ đứng; ai cũng muốn trở về cội nguồn, lắng nghe sự sâu lắng trong các làn điệu quan họ. Nhiều hạt nhân của CLB đã đoạt giải giọng hát trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện.

Chiều cuối năm, Lâm Hà không có cái giá lạnh của miền Bắc, không có không gian là sân đình, không là thuyền rồng trên một bến nước cho các anh chị biểu diễn, nhưng dư âm câu hát “Người ơi người ở đừng về/ Người về em vẫn í i ì í i í i i có mấy trông i ì theo/ Trông ì í aa nước tình a chung là như nước chảy/ Mà này cũng có a trông bèo, trông bèo là bèo trôi/ Người ơi người ở đừng về...” cứ luyến lưu vướng vít mãi không thôi. Người Kinh Bắc ở Nam Ban đang nuôi dưỡng bảo tồn một mạch nguồn văn hoá từ lời ca quan họ đến nét đẹp văn hiến tình người Kinh Bắc trên miền đất mới.

QUỲNH UYỂN