Dâu tây (truyện ngắn)

03:01, 09/01/2013

Đó là một đêm tháng chạp, mới bảy giờ trời đã nổi gió, gió hun hút thổi qua thung lũng khiến cho những mảnh ny lông đầu hồi nhà kính trồng rau phát ra những tiếng lạch phạch trong đêm vắng...

Đó là một đêm tháng chạp, mới bảy giờ trời đã nổi gió, gió hun hút thổi qua thung lũng khiến cho những mảnh ny lông đầu hồi nhà kính trồng rau phát ra những tiếng lạch phạch trong đêm vắng. Một hàng đèn vàng chiếu sáng con đường đất có vài ngọn thông lưa thưa trên triền một quả đồi, hàng đèn đường lên đến đỉnh rồi xuống một con dốc dài và mất hút vào tận cùng thung lũng xa xăm. Nói cho đúng đó là một con đường được trải đá, qua một mùa mưa, những dòng nước hung hãn chảy từ đồi cao xuống đã cuốn đi phần lớn lớp đá để lộ ra mặt đất màu đỏ quạch. Màu đất đỏ ba dan nguyên thuỷ khi cư dân xóm mở con đường từ ngày lập ấp, đó là những năm năm mươi của thế kỷ trước. Vậy là con đường đã có trên sáu chục năm trời, bây giờ người ta mới đổ đá lên để thành một con đường dẫn vào một trường dạy và sát hạch lái xe, nghe đâu người ta còn xây một khu cư xá cho sinh viên ở, vì vậy mới phải lắp đèn đường.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Ông Hiền ngồi trên bộ phản gỗ thông, bộ phản này có từ thời cha ông để lại đang lên nước bóng. Bộ phản gồm ba tấm, rộng gần hai mét rưỡi, dầy một tấc. Phải là cây thông có tuổi trên trăm năm mới ra được bộ phản này. Ông Hiền quý bộ phản lắm, bây giờ mấy nhà có được? Trên bộ phản ông Hiền để một điếu cày cũng lên nước bóng, nhìn kỹ hình như đã lâu lắm cái nõ không được têm thuốc vào. Đúng vậy, ông Hiền bỏ thuốc đã trên hai chục năm, nhưng ông vẫn thích để cái điếu trên bộ phản như ngày xưa vậy. Cái điếu để làm cảnh và cũng là kỷ niệm của cha ông. Thuở tuổi hai mươi, lúc nghỉ ngơi sau một hồi lao động, Hiền thường ngồi trên bộ phản và rít điếu cày nhả ra từng đám khói dày đặc bên cạnh bát nước chè xanh.

Ông Hiền nhớ lại hồi đó ông nổi tiếng mát tay về vụ trồng cà rốt. Củ cà rốt vườn nhà dài trên ba tấc, đỏ bóng rất bắt mắt. Một giò đất dài khoảng hai chục thước cũng nhổ được gần một tạ. Một năm ông trồng ba vụ như vậy, cái thứ đất “phin” nhà ông hình như hợp với cà rốt, vì vậy ông cứ gieo cà rốt hoài. Sau này ông không gieo cà rốt nữa, ông quay qua cấy hành tây. Những luống hành tây màu tím “một củ rưỡi” đều tăm tắp dưới bàn tay ông. Rồi cái thời hành tím cũng qua, người ta lại chuộng hành vàng ông phải đổi qua giống đó. Cuối tháng tám, ông Hiền gieo mấy hộp hành để khoảng đầu tháng mười mang ra cấy trên năm sào đất. Ra giêng hành xuống củ, những cọng hành bụ bẫm ngả rạp để lộ ra những củ hành to bằng cái chén ăn cơm che kín hết mặt đất nhìn sướng mắt. Mấy chục tấn hành thu được ông Hiền không vội bán, ông phơi khô rồi trữ trong nhà kho phía sau nhà. Trước kia đó là một vườn hồng ăn trái, những cây hồng nước cha ông trồng ông chặt hết chỉ để lại một cây ở góc vườn như một cử chỉ nhớ công lao của người cha quá cố. Cả vườn hồng mà một năm chỉ thu được chừng vài trăm bạc thì để làm gì, chi bằng làm một nhà trữ hành trên vạt đất đó thì hiệu quả hơn nhiều. Đầu mùa giá hành hạ, ông trữ trong kho để vài tháng sau khi giá lên mới đem ra bán tuy phải loại bỏ những củ hành thúi hoặc lên tim có khi hết một phần ba số hành thu được. Nhưng giá cả tăng đã bù vào sản lượng bị hư hao thì cũng sống được và nuôi ba đứa con ăn học.

Đứa lớn nhất con ông là con gái, nó tên Thương. Thương học giỏi từ nhỏ, lại hiếu thảo nên ông hài lòng lắm. Ông chợt nhớ đến cái thời đi học của mình, ông cũng cố cho được cái bằng tú tài hai rồi ghi danh vào khoa xã hội của trường chính trị kinh doanh. Hiền không đủ điều kiện để được làm giấy “động viên tại chỗ”, nên Hiền đi học bằng cách lội bộ qua những đường vườn để đến trường, chắc chắn chẳng có một thằng cảnh sát áo trắng hoặc quân cảnh nào lại đi rình ở những con đường nhỏ bé, đôi khi lầy lội khó đi đó để hỏi giấy những người trốn lính như anh. Anh không khi nào ra phố, dù lòng muốn lắm, với thanh niên phố phường là một lời réo gọi đầy quyến rũ, vậy mà… Lúc đó là thời của dân Hip py, Hiền cũng phải theo thời, cũng để tóc dài phản chiến, cũng mặc quần ống loe, cũng áo rách… nhưng anh khác đám Hip py bạn anh là đôi dép râu. Đôi dép của cha Hiền mang vô từ khu Tư hồi còn đi làm dân công hoả tuyến thời đánh Pháp. Đôi dép được cắt ra từ một vỏ xe nhà binh của lính Pháp, dầy cỡ năm phân không biết cha ông đã đi được mấy vạn dặm đường mà nó chỉ mòn phần đế phía bên ngoài. Lúc đó, khi mang đôi dép râu Hiền chỉ tỏ ra lập dị thôi chứ không biết được bên trong bốn sợi dây được cắt ra từ cái ruột xe hơi là đôi chân của cha ông đã đi bao nhiêu ngàn cây số? Còn bạn bè thì xì xào khi thấy Hiền mang đôi dép đó, đôi dép được cho là của VC (Việt Cộng). VC thì đã sao nào, Hiền mang nó như một thứ hành động phản kháng đám cảnh sát chuyên bắt thanh niên rồi biến họ thành những người mặc quần áo màu cứt ngựa! Vậy mà anh chỉ học chưa đến hai năm thì phải nghỉ, mới giải phóng cái khoa học xã hội cũng như anh vậy, đành phải chờ thôi!

Thương học giỏi, Thương đậu vào đại học Trường Khoa học tự nhiên và chọn ngành sinh vật những mong sau này đem chút kiến thức của mình ra, lai tạo một bộ giống rau hoa để ba khỏi phải mua giống nước ngoài. Đó là hoài bão của Thương, nên Thương cố học cao học và lấy bằng thạc sĩ, Thương sẽ xin vào làm việc ở một viện sinh học để nghiên cứu các giống rau hoa. Nhưng ở đời đâu phải cứ muốn là được, lúc Thương ra trường với bằng thạc sĩ loại giỏi Thương không xin việc được ở các viện nghiên cứu, ở đâu cũng đã đủ người. Thấy vậy thầy hướng dẫn gợi ý Thương nếu muốn đi dạy ở trường năng khiếu thầy sẽ xin cho. Vậy là nghề giáo đã chọn Thương, chuyện giống má cho ba làm vườn Thương ấp ủ bao năm giờ đây cũng vẫn là hoài bão! Rồi Thương có chồng, rồi Thương sẽ có con và hoài bão đó không biết có đứa con nào tiếp tục khi mà Thương đã quyết định ở hẳn đất Sài Gòn?

Trang không như Thương, Trang không học giỏi lắm, chỉ đậu vào cao đẳng. Vậy mà khi ra trường lại tìm được việc làm ngay, Trang cũng ở luôn đất Sài Gòn như chị, Trang có chồng trước chị và chỉ nghĩ về Đà Lạt mỗi khi lễ tết hay nghỉ hè. Đà Lạt đã trở thành một thứ quê hương, một nơi chốn đi về. Còn thằng Tâm, con út ông Hiền, nó lại chọn ngành kinh tế, một ngành thời thượng không biết rồi sẽ ra sao? Thì thôi vậy, cuộc đời đang tiến lên phía trước mà, rồi Tâm cũng sẽ tìm cho mình một nghề nghiệp như bao người khác vậy. Chắc lại cũng Sài Gòn, ông Hiền nghĩ, cái đất ấy nó thu hút bọn trẻ dữ lắm, vợ chồng ông lại cu ky với nhau giống như mấy người bạn của ông thôi! Ông Hiền thở dài, cái tính của ông đã ít nói, cả nghĩ giờ lại phát sinh thêm chuyện thở dài nên ông Hiền có vẻ già hơn tuổi sáu mươi.

Tháng chạp. Ngoài trời giờ này chắc chỉ hơn mười độ khiến ông Hiền nhớ đến những buổi sáng mùa đông của biết bao năm, trước lúc mặt trời mọc, Hiền phải xuống vườn giật máy nổ và cầm vòi tưới cho đám rau khỏi nạn sương muối. Nếu để mặt trời lên, những tia nắng ấm sẽ làm tan chảy lớp sương giá bám trên mặt lá, những loại rau hoa sẽ cháy nám như vừa trải qua một cơn hoả hoạn. Bây giờ ông Hiền cũng phải tưới buổi sáng sớm để rửa sương muối cho mấy chục giò dâu tây trồng cuối tháng bảy, nhưng chỉ cần bật công tắc điện là những vòi nước tự động sẽ làm việc thay cho con người, chả bù với ngày xưa…

Ông Hiền vẫn ngồi trên bộ phản với ấm nước chè xanh. Bát nước chè xanh ông hãm từ nãy giờ ra một màu nước vàng xanh mới đẹp làm sao. Hàng chè trước nhà chính tay cha ông trồng khi vào xóm này lập nghiệp, năm nào cũng ra quả, những quả chè to chắc bên trong là một thứ cơm màu trắng đục. Lúc nhỏ ông Hiền thường cắn những quả chè xanh, vị chát của quả chè trên đầu lưỡi đến giờ ông vẫn còn nhớ như in. Ông đang rót chén nước chè thứ hai thì thằng Lâu vô, nó chào ông rồi nói:

     - Chú nghe gì chưa?

     - Chuyện chi hè?

Chắc là chuyện làm vườn, chuyện giá cả, chuyện giống má, nhưng đêm nay thằng Lâu lại kể cho ông Hiền nghe chuyện nó cóp nhặt ở quán cà phê hồi sáng. Đó là chuyện  tiếp theo trường lái và khu cư xá sinh viên, người ta quy hoạch vùng đất ngoài này, chỗ nhà ông Hiền và nhà Lâu thành một khu dân cư, nghĩa là những miếng đất mầu mỡ trồng rau của ông Hiền, của thằng Lâu sẽ biến mất. Thay vào đó là những khu nhà liên kế, những biệt thự sân vườn, những toà chung cư với hàng ngàn ô cửa sổ. Ông Hiền ngồi nghe thằng Lâu nói, người ta sẽ phân lô đất này rồi bán cho những ai muốn có một căn nhà liên kế, hoặc biệt thự sân vườn, và di dời những người như Lâu vô chung cư ở. Lâu là con trai trưởng ông Năm, lớn lên không một nghề ngỗng nào, nên Lâu chọn nghề làm vườn như một chuyện tất nhiên. Thằng Hạnh em Lâu đi học nghề sửa chữa xe hơi và ra làm thợ từ lâu, Hạnh không mặn mà với mảnh vườn mà ông Năm để lại. Ông Năm chia cho Hạnh một nửa vườn nhưng Hạnh từ chối, chỉ xin ông bà Năm một miếng đất trên đồi để sau này có làm nhà ở riêng tiện cho việc đi về. Lâu nói với ông Hiền chắc là Hạnh sẽ tìm mua một căn nhà nhỏ gần gara Hạnh đang làm việc cho tiện sinh hoạt, chớ cái miếng đất trên đồi Hạnh chọn đâu có ai cho Hạnh cất nhà? Còn Lâu không biết tính sao, hai vợ chồng Lâu ở nhà của vợ chồng ông Năm để lại sau khi ông bà mất, Lâu định sang năm sửa lại cái nhà trên cho đỡ dột, nhưng nghe chuyện quy hoạch thì Lâu đành phải bỏ chuyện đó thôi. Lâu nói như than:

     - Không biết người ta đền bù mình ra sao, vợ chồng cháu đâu biết làm gì nếu người ta lấy đất, còn chú tính sao hả?

Tính sao? Ông Hiền cũng không biết tính sao từ lúc nghe phong thanh chuyện quy hoạch. Từ ngày thay cha tiếp tục làm vườn lúc thất lúc được, ông bám vào nghề làm vườn để sống, vậy mà ở tuổi sáu mươi vợ chồng ông phải chuyển nghề sao? Mà nghề gì, ông chắc cũng giống chú thím Lâu không biết chuyển nghề gì nữa. Mình già rồi, cái nếp ăn ở bấy lâu đã từng quen, bây giờ thay đổi hết liệu có chịu được không? Ông Hiền nói:

     - Cũng chưa biết tính sao, tao nghĩ chú Lâu mày học lái xe đi, tìm mua một cái xe vừa vừa làm cần câu cơm biết đâu lại được, còn tao thì già rồi biết làm gì giờ?

Chuyện ông Hiền gợi ý như một tia sáng loé lên trong đầu Lâu. Ừ há, mình chuyển nghề còn kịp mà, thằng Hạnh có gara, mình mua xe có gì về phần xe cộ em út nó lo cho, vậy mà bấy lâu nay cứ canh cánh bên lòng. Còn vợ Lâu, ở không chắc là buồn, mà vợ Lâu trước khi về làm dâu nhà ông Năm, vợ Lâu cũng buôn bán lặt vặt, vậy thì vợ Lâu sẽ mở một cái quán tạp hoá nho nhỏ bán cho sinh viên và học viên trường lái, cái nghề này chắc là Lành rành lắm. Lâu sẽ đăng ký mua một nền nhà liên kế trong khu quy hoạch để cất nhà và mở cửa hàng. Lâu uống cạn bát nước chè xanh, chào ông Hiền rồi huýt sáo ra về. Đêm nay Lâu sẽ bàn với vợ chuyện đổi nghề, biết đâu mình sẽ đổi đời thì sao, Lâu mải mơ mộng với viễn cảnh vẽ ra trong đầu quên mất mô đất giữa hai nhà, Lâu vấp một cái đau điếng, Lâu lẩm bẩm mồ tổ cha mày…

Ông Hiền ngồi ngẩn ngơ trên bộ phản, ông rót một bát nước chè nữa và chậm rãi uống. Ngoài trời tối om, tiếng côn trùng rỉ rả nghe buồn thúi cả ruột mà ông Hiền vẫn chưa định đi ngủ. Hình bóng một ông già tịch mịch cô đơn trong căn nhà vắng càng khiến cho khung cảnh trở nên buồn chán. Không buồn chán sao được, cả ba đứa con chỉ ở với vợ chồng ông đến năm lớp mười hai, chúng thi vào đại học ở Sài Gòn, học ở đó và cũng làm việc ở đó. Căn nhà rộng rãi của ông càng rộng hơn khi tối tối bà Hiền qua nhà mẹ ngủ để trông chừng mẹ bà, một bà cụ đã gần chín mươi không biết sẽ ra đi lúc nào?

Ông tỉnh giấc lúc năm giờ sáng, đó là thói quen từ hồi còn trẻ. Sau khi làm vệ sinh, việc đầu tiên của ông là xuống vườn. Đang độ cuối đông, sương mù hình như càng đậm đặc hơn mỗi đầu buổi sáng. Chỉ vài ngày nữa thôi là mùa xuân đến, hơi xuân dường như đang phảng phất đâu đây, nó ẩn tàng trong cơn gió lạnh khiến những chiếc lá dâu lay động. Mấy chục giò dâu tây ông Hiền trồng ven hồ xanh tốt quá. Loại cây này hợp với mùa nắng, dâu tây khó trồng lắm, ông Hiền bỏ công cũng nhiều mới có được kết quả như vậy. Ông trồng dâu tây không phải chỉ để bán như người ta, ông có ý để cho ba đứa con ở Sài Gòn về có cái làm quà cho người quen. Bà Hiền còn thực tế hơn ông nữa, bà làm mứt dâu để mấy đứa con mang vào Sài Gòn ăn sáng. Một ổ bánh mì nóng giòn, phết lên một lớp bơ và một lớp mứt dâu là có được một bữa sáng tuyệt vời. Cái vị chua chua ngọt ngọt của mứt dâu tây cứ đọng lại trên lưỡi như mang cả thiên nhiên vào tận dạ dày. Bà Hiền bỗng dưng nổi tiếng trong đám bạn của Trang và Thương, mỗi lần mấy cô về, lúc vào lại Sài Gòn ai cũng lỉnh kỉnh mang vào chục lọ mứt dâu mẹ nấu để làm quà biếu.

Ông Hiền bật công tắc điện, những vòi nước ngang dọc đan chéo khắp mảnh vườn, những tia nước đang rửa tan sương giá bám vào từng chiếc lá. Vườn dâu tây dường như hớn hở trong màn múa nước và dưới cơn gió lạnh cuối đông.

     Ông Hiền dặn vợ khi lên đến nhà:

     - Bà coi kêu người hái dâu, mười giờ người ta đến cân rồi đó?

     Bà Hiền nhìn chồng than:

     - Bộ ông tưởng kiếm người dễ lắm sao, tụi nó bắt đầu về quê ăn tết từ ngày rằm lận!

Ông Hiền biết chuyện thuê người hái dâu không phải dễ trong những ngày cuối năm, nhưng ông vẫn dặn vợ như một thói quen. Ông không làm được việc lom khom cúi xuống những giò dâu để nhặt từng trái dâu chín đỏ cho vào rổ, việc đó là của đàn bà, cái lưng của ông đau lắm không chịu được. Ông nói:

     - Hôm qua tui gặp hai chị em Hồng, Hào ở ngã ba mà, bà gọi tụi nó thử coi?

     - Chị em Hồng, Hào à, ừ để tui gọi xem sao?

Bà Hiền dắt xe ra khỏi nhà, chiếc xe Dream màu mận một thời ông Hiền đưa Thương, Trang, Tâm đi học giờ ông giao lại cho bà. Ông đã có chiếc xe Suzuki Wagon làm chân chạy, thỉnh thoảng mua những thứ cần thiết chở về nhà. Bà chạy xe trên con đường tráng nhựa, con đường song song với con đường vào trường lái và đi ngang qua những vườn rau, bằng giờ này trước ngày rằm bọn thanh niên nam nữ đang vui vẻ toả ra những thửa vườn, còn bây giờ thì con đường vắng ngơ vắng ngắt. Có lẽ chúng rủ nhau về quê ăn tết, chúng bỏ lại đằng sau lưng nỗi lo toan thiếu người làm của những người chủ đất. Bà Hiền gặp Hồng Hào tại nhà trọ, chị em con bé có vẻ không đi làm sáng nay. Bà nói:

     - Hồng Hào à, sáng nay hai đứa giúp bác hái ít dâu, được không?

Ra vẻ lưỡng lự, nhưng Hồng và Hào cũng vội đi thay đồ rồi ngồi lên yên sau chiếc Dream. Vừa chạy xe bà Hiền vừa hỏi Hồng sao chưa về quê ăn tết? Hồng nói nhớ nhà lắm nhưng nếu về thì mất toi bạc triệu, lại tiền quà tiền cáp, cháu định thử ở lại ăn một cái tết trong này coi ra răng? Bà Hiền tức thì ủng hộ ngay cái ý của con bé, bà còn mời Hồng, Hào vô nhà bà ăn tết cho vui, ngày hăm tám như mọi năm bà sẽ gói bánh chưng, Hồng hứa sẽ phụ bà. Hồng kể không hết chuyện với bà Hiền, Hồng định mùng hai sẽ về quê ăn tết muộn, ngày đó xe cộ sẽ bình thường trở lại, không hét giá trên trời như những ngày trước tết. Và, những ngày neo người trong tháng chạp, chắc chắn người ta sẽ trả công cao cho Hồng. Hồng cố gom tiền mang về quê cho mẹ sửa căn nhà và để dành cho thằng em đi thi đại học, nó ham học lắm. Còn Hào không về quê ăn tết như chị, tết này Hào sẽ ra chơi hội tết với Cảnh. Cảnh đang học năm thứ ba, mấy ngày tết Cảnh đi làm, còn trước tết Cảnh bán đào thuê. Hào giấu Hồng chuyện Cảnh…

Lúc bà Hiền về đến nhà, ông Hiền đang ngồi trên bộ phản với bát nước chè xanh, thằng Tâm đang đặt cái túi du lịch xuống phản. Thấy mẹ, Tâm mừng rỡ:

     - Mẹ, con mới về!

Sau khi hỏi con mấy câu, bà tất tả cắp nón xuống vườn hái dâu cho kịp cân hàng, bà ngạc nhiên dừng chân khi nghe Tâm dặn “mẹ để cho con mấy ký dâu đẹp nhất nghe, con mang vào Sài Gòn làm quà”. Bà Hiền hỏi lại “bộ con chưa nghỉ tết sao?”. “Mới hăm hai mà mẹ, phải hăm chín con mới về lại”. Cái thằng, vừa đi bà Hiền vừa nghĩ, không biết sao nó chưa chịu ở nhà phụ cha mẹ dọn dẹp nhà chuẩn bị đón tết? Hay là nó có công chuyện chi, lâu nay bà tin tưởng hoàn toàn vào Tâm, bà biết Tâm không phải là đứa cạn nghĩ, hễ nó nói ra chuyện gì thì y như rằng đã nghĩ chín rồi. Bà sẽ chọn cho Tâm mấy ký dâu tây hạng nhất, những trái dâu mọng đỏ chua chua ngọt ngọt làm các cô con gái phải lòng. Trên nhà ông Hiền cũng nghĩ gần giống bà, ông chậm rãi uống ngụm nước chè xanh rồi hỏi Tâm:

     - Con định ra sao, nói đi?

Tâm nói liền một mạch, dường như đã nghĩ rất kỹ chuyện mình nói với ba:

     - Con bảo vệ luận văn xong, qua tết là con có bằng, nhưng chuyện con muốn thưa với ba là chuyện khác, chuyện làm ăn, ba à!

Làm ăn! Ông Hiền ngạc nhiên quá sức, thằng Tâm trong mắt ông vẫn là một đứa trẻ, ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà lại tính chuyện làm ăn? Ông Hiền mừng thầm trong bụng, vậy là thằng Tâm có một bước trưởng thành rồi, nó tính chuyện làm ăn là đã thành người lớn, tuổi trẻ của Tâm khác hẳn thời ông, ông Hiền kế nghiệp làm vườn của ba ông bởi không có sự lựa chọn nào khác, ông làm và tích luỹ kinh nghiệm và gắn bó với nghiệp làm vườn mãi đến giờ. Tâm nói tiếp:

 - Thưa ba, số là con quen một cô bạn, cô bạn con ở Pháp học ngành canh nông. Vừa qua gia đình Jac về Đà Lạt mở trang trại trồng dâu, cô ấy rủ con hùn vốn với nhà cô ấy, con định về nhà hỏi ba cho con mượn ít tiền để hùn hạp làm ăn với bác Phạm!

Tâm trình bày với ông Hiền dự án kinh doanh của Tâm và cô bạn người Pháp gốc Việt cứ như ông Hiền là vị giám khảo ngồi nghe Tâm trình bày luận văn tốt nghiệp vừa qua mà Tâm đạt được điểm tám. Ba Jac đã xin với chính quyền thuê đất ở Đạ Nghịt để lập dự án mở trang trại trồng dâu tây, giống dâu chất lượng cao Mara des Bois. Đó là một công ty gia đình, ông Phạm mời Tâm tham gia và phụ trách phần tiêu thụ, Tâm sẽ đưa dâu tây chất lượng cao vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn đúng với chuyên ngành học của Tâm.

     Tâm kể chi tiết chuyện đầu tư với ông Hiền. Ông khi nghe xong hỏi lại:

     - Vậy con cần bao nhiêu tiền?

Tâm trình bày với ông suất đầu tư trong việc trồng dâu tây thuỷ sinh theo công nghệ mới của Pháp khá đắt, phải gởi đất, gởi nước qua Pháp phân tích, rồi chuyện làm nhà kính, chuyện môi trường, chuyện thương hiệu… và Tâm sẽ đóng góp cổ phần của mình theo khả năng. Những chuyện làm nông mà Tâm kể ra ông Hiền nghe như vịt nghe sấm, đời ông lăn lộn với vườn tược nhưng chưa bao giờ ông tính như Tâm tính nãy giờ. Ông không hiểu lắm những điều Tâm nói, nhưng trong sâu thẳm trong lòng, ông tin Tâm sẽ thành công với công việc trồng dâu. Ông kể cho con nghe chuyện quy hoạch khu dân cư và kết luận:

     - Ba cũng chưa biết tính sao, còn chuyện tiền nong thì phải bàn với mẹ con cái đã!

     Mắt Tâm rực sáng:

     - Hay quá, con tính vầy, ba mẹ già rồi nghỉ làm vườn là đúng rồi, ba cứ đăng ký mua một nền biệt thự đi, rồi cất nhà cho công ty con thuê làm văn phòng giao dịch. Con mời ba làm cố vấn kỹ thuật cho công ty để sử dụng kinh nghiệm của ba… Tâm hăng say nói, hăng say vẽ tương lai cứ như cái tương lai ấy đang sờ sờ trước mặt:

     - Ba à, qua tết công ty mới cần góp vốn, tối nay con đi Sài Gòn để làm hợp đồng ghi nhớ với đối tác để hoàn chỉnh phương án kinh doanh.

Tâm không biết ông Hiền đang day dứt việc phải chia tay với nghề làm vườn, nỗi buồn này nó không tên và mênh mang quá đỗi. Tâm cũng không biết ông Hiền thắc mắc tên cô bạn gái của Tâm “dị” quá, ông linh cảm con bé sẽ trở thành con dâu ông.

Ông Hiền không biết ngày mai sẽ là sinh nhật bạn gái Tâm, Tâm sẽ xếp những trái dâu tây vườn nhà đỏ mọng trong một khay vuông trắng thành hình một trái tim. Màn tỏ tình mùa xuân bằng dâu tây đầy lãng mạn mà Tâm suy nghĩ bấy lâu có lẽ khiến Jacqueline bất ngờ và thú vị?

Năm nay mùa xuân đến sớm, cây mai anh đào trước ngõ nhà ông Hiền đang độ mãn khai. Sáng mồng một tết, xịch đỗ trước cổng, một vị khách sang trọng bước xuống. Ông Hiền từ phòng khách đi ra định hỏi “ông hỏi nhà ai?”, nhưng khi nhìn vị khách, ông ngờ ngợ bởi những nét quen thuộc trên gương mặt, câu hỏi của ông chưa ra tới miệng ông đã vội nuốt vào. Ông khách cười tươi bước nhanh tới rồi nói:

     - Chào gã “hippy nhà quê mang đôi dép lốp”, nhớ ra bạn cũ chưa?

     Ông Hiền ôm chầm lấy bạn:

     - Trần Phạm Thiên Thư, hoá ra ông là ba cô Jac… bạn con tôi à?

Ông Hiền đãi khách bữa ăn sáng bằng bánh mì phết bơ và mứt dâu tây, chưa bao giờ ông đãi khách một bữa ăn như vậy trong những ngày đón tết cổ truyền!

Truyện ngắn: Võ Anh Cương