Đêm, phố núi Đà Lạt đang dần khuất vào màn sương mỏng mảnh. Vị ngọt lạnh mùa xuân đang tràn thốc vào những ngõ ngách rêu phong. Giọng ả đào du dương len qua ngọn thông, vang vọng giữa đại ngàn… “Nào say đi em… Nào… say đi em… hứ…hư… hứ... hư… Say cho đất trời ngả nghiêng, ngả nghiêng”...
Đêm, phố núi Đà Lạt đang dần khuất vào màn sương mỏng mảnh. Vị ngọt lạnh mùa xuân đang tràn thốc vào những ngõ ngách rêu phong. Giọng ả đào du dương len qua ngọn thông, vang vọng giữa đại ngàn… “Nào say đi em… Nào… say đi em… hứ…hư… hứ... hư… Say cho đất trời ngả nghiêng, ngả nghiêng”...
Hát ả đào |
Tối 25/1, bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng, người dân xứ Đà thành được du xuân, mê đắm trong cuộc “hội ngộ” của năm di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận từ năm 2003-2011: Dân ca quan họ, ca trù, hát xoan cùng “âm nhạc tao nhã” chốn cung đình… quyện hòa trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” xé toang màn sương mỏng mảnh giữa đại ngàn.
Ngọn lửa cao nguyên đã được thắp lên trong sự háo hức, đợi chờ của nhiều khán giả. Chị Thúy Ngọc, một người con của xứ “quyện hòa” Lâm Hà cho hay, mình lên Đà Lạt chơi và duyên… tình cờ được đến với đêm biểu diễn nghệ thuật đặc biệt này. Rời quê ở chốn Hà thành vào đây lập nghiệp lâu rồi, nhớ… nhớ cái “giọng” này lắm!
Đào nương Nguyễn Thị Thảo đến từ giáo phường ca trù Lỗ Khê (Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) vừa cất giọng, vừa điểm phách gõ nhịp trên nền nhạc đàn đáy và trống chầu… người thưởng ngoạn lộ tình đắc ý. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thanh nhạc, khí nhạc tạo nên sự độc đáo của ca trù. Sang trọng, đài các, nhưng gần gũi, chân tình. Cùng với giọng ca truyền cảm của đào nương quyện hoà cùng tiếng phách giòn giã là âm thanh trầm đục của đàn đáy, tiếng trống chầu, cùng ý, cùng tình của lời hát đem đến người nghe cảm giác vừa hoài cổ, vừa thanh cao.
Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa nhân loại có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Theo dòng chảy của thời gian, tùy theo không gian văn hóa hay loại hình xã hội mà ca trù mang những tên gọi với nhiều ý nghĩa khác nhau, như hát ả đào, hát cửa quyền, hát cửa đình, hát ca công… Bài “Dạo hồ Tây”, “Ru con”… hư… hừ… thao thiết, đặc quánh giữa đêm Đà thành. Anh Thắng ở làng hoa Hà Đông không giấu cảm xúc, thú thực, mình người gốc Bắc, nhưng chưa từng được nghe giọng đào nương. Đây là “vị” Bắc đầu tiên của đời mình trên vùng quê mới.
Biểu diễn làn điệu quan họ. Ảnh: Thanh Đạm |
Lần đầu tiên có sự “hội ngộ” của năm trong bảy di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, cũng là lần đầu tiên liền chị Nguyễn Thị Thềm (làng Diềm, Bắc Ninh) được biểu diễn giữa không gian đại ngàn Tây Nguyên. Chị nói: Đêm nay thật đặc biệt. Nhưng, có lẽ… hấp dẫn nhất đối với mình là được “sống” trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, được “hưởng” cái lạnh hiền dịu của xứ sở mộng mơ Đà Lạt.
Năm 2009, dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO tôn vinh, đưa vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Không gian văn hóa quan họ vùng Kinh Bắc được gìn giữ, lan tỏa đến nhiều vùng miền trong cả nước và trên thế giới. Dân ca quan họ đã trở nên gần gũi trong cuộc sống hàng ngày, trong lời nói, hơi thở của người dân vùng Kinh Bắc. Các liền anh, liền chị tung tẩy trong cung bậc “vang, rền, nền, nẩy”, đưa chúng ta vào không gian văn hóa được lưu giữ và trao truyền tự đời xưa. Giữa đêm sâu hoang hoải phố núi Lâm Viên, không phân biệt giọng Nam, giọng Bắc, đâu là người Kinh, người Thượng… đều hòa nhịp hà… hội… hà; hừ… hội… hừ…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên phát biểu, Việt Nam chúng ta là một quốc gia đa dân tộc, cộng đồng từng dân tộc đã chung sức, chung lòng, gìn giữ và trao truyền một nền văn hóa đa dạng trong thống nhất, sinh động và đậm đà bản sắc văn hóa, được cộng đồng quốc tế nhận biết, tin yêu và tôn vinh.
Đôi mắt sắc ngọt của đào nương Nguyễn Thị Hạnh ở làng xoan An Thái (Phù Ninh, Phú Thọ) lúng liếng trong đêm hội ngộ, chị cho hay: Những bài xoan đã ăn sâu trong tâm khảm mình từ khi sinh ra và lớn lên trong “cái nôi” của hát xoan Phú Thọ. Và ở đây, hát xoan được trao truyền từ đời này sang đời khác như một lẽ tự nhiên vậy. Từ trước tới giờ đã diễn chung với loại hình văn hóa nào chưa? - Tôi hỏi. Hát chung nhiều rồi, nhưng hôm nay mới có lần “hội tụ” đầy đủ năm di sản văn hóa phi vật thể cùng loại hình biểu diễn. Thật đáng quý!
Đào nương Hà Thị Thu Nga cùng làng An Thái cũng chung tâm trạng. Đây là lần đầu tiên họ đến Đà Lạt, lần đầu tiên họ được “sống” trong không gian văn hóa Tây Nguyên. Chị tâm sự: Đà Lạt là một “thiếu nữ tiềm ẩn”. Có lẽ, cây cổ thụ ở đất này cũng sẽ trổ hoa. Hơn nữa, được hát xoan giữa miền đất lạnh, bên bếp lửa cao nguyên đang chực cháy đến nao lòng… sẽ không thể nào quên được.
Góp mặt và khai hội đêm biểu diễn nghệ thuật là "âm nhạc tao nhã", được trình diễn trong cung đình Việt Nam từ thế kỷ thứ XV đến giữa thế kỷ XX: Nhã nhạc cung đình Huế. Theo GS Trần Văn Khê, vai trò của nhã nhạc không chỉ giới hạn ở việc hòa nhạc phục vụ các nghi lễ, mà còn cho thấy là một phương tiện giao tiếp và thể hiện lòng tôn kính đối với thần linh, các vua chúa thời phong kiến, cũng như truyền tải được những tư tưởng triết lý và tri thức về vũ trụ của người Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh vào năm 2003.
Ngọn lửa cao nguyên đã bừng cháy. Tiếng tù và vang xa lên đến đỉnh LangBiang huyền thoại. Trời đất giao hòa. Vòng xoang giữa đại ngàn đã rộng ra, anh em các dân tộc Cơ ho, Ê đê, Jrai, Xơ đăng… của các buôn làng Tây Nguyên dặt dìu những vị khách về với lễ Mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu… quanh ngọn lửa thiêng, trong tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng núi rừng và bên những ché rượu cần không bao giờ cạn.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, đã trở thành kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại năm 2005.
Già làng K’Tin (K’Long, Đức Trọng) nói, hôm nay già vui lắm, hơn 20 năm chơi ching (chiêng), rồi dạy chiêng cho nhiều đứa trong làng, bây giờ mới được diễn chung với nhiều thể loại… Tốt quá. Cồng chiêng là tiếng nói tâm linh. Tiếng cồng, tiếng chiêng khi lan xa lên tận đỉnh núi, khi trầm hùng xuyên qua khe suối… như cung bậc tâm hồn của bà con bản làng Tây Nguyên.
Đây là lần đầu tiên chúng ta có cuộc hội ngộ văn hóa đặc biệt này. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng các dân tộc thể hiện lòng tự hào của mình, thời điểm đáng nhớ cho mục tiêu mở rộng quảng bá giá trị di sản, phát triển du lịch văn hóa trong phạm vi cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam và quốc tế. - Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh.
Đêm Đà Lạt đã chạm vào giấc sâu… đây là điệu hát xoan, kia là làn quan họ say đắm lòng người và những ca trù lúc ẩn, lúc hiện; đâu đó xốn xang của nhã nhạc cung đình Huế; dữ dội và mạnh mẽ là âm thanh của cồng chiêng đất lửa Tây Nguyên vẫn vang lên giữa đại ngàn. Đó là những giá trị di sản góp phần vào sự trường tồn của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Còn với tôi… lần đầu tiên được nghe giọng đào nương cất lên giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ…
MAI VĂN BẢO