Tôi vẫn gọi Đình Nghĩ là dòng sông Hương chảy ngược. Âm nhạc Đình Nghĩ chính là sự hợp hôn giữa dòng Hương và dòng K’rông Nô. Một dòng Hương ray rứt, trầm lặng và một dòng K’rông Nô cuồn cuộn gió sóng, gầm gào chảy về phía thẳm xa đại ngàn.
Tôi vẫn gọi Đình Nghĩ là dòng sông Hương chảy ngược. Âm nhạc Đình Nghĩ chính là sự hợp hôn giữa dòng Hương và dòng K’rông Nô. Một dòng Hương ray rứt, trầm lặng và một dòng K’rông Nô cuồn cuộn gió sóng, gầm gào chảy về phía thẳm xa đại ngàn.
Sức sống cao nguyên. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Tuổi thơ Đình Nghĩ sớm thiếu vắng hơi ấm người mẹ (mẹ nhạc sĩ qua đời khi nhạc sĩ mới 13 tuổi). Thiếu cho nên nhạc sĩ mãi luôn đi tìm. Tìm trong hơi ấm người tình, tìm trong vòng tay yêu thương bè bạn, tìm trong sự bao dung, độ lượng của đất trời. Bởi vậy, trên suốt hành trình, nhạc sĩ Đình Nghĩ chỉ sáng tác tình ca. Tình ca cho mẹ, tình ca cho em, tình ca cho quê hương, xứ sở… Nhưng khốn nỗi, càng tìm càng thiếu, càng yêu càng mãi bơ vơ. Vì tình yêu tự thân đã là một phạm trù siêu lý nên đau đắng cũng cứ theo đấy mà dặc dài. Dẫu vậy, thì âm nhạc Đình Nghĩ vẫn luôn là tiếng hát của tình nhân.
Năm 2012 vừa rồi, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao giải ba (không có giải nhất) thể loại thanh nhạc cho tình khúc Lặng sầu điệu gian giao(*). Tôi không ngạc nhiên khi nghe thông tin này. Bởi, với một con người luôn day trở, tìm kiếm sáng tạo như Đình Nghĩ, việc không có giải mới là điều lạ.
Như đã trở thành một mô thức định sẵn, tất cả các ca khúc của Đình Nghĩ đều được chia thành 3 đoạn: Đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 3. Lặng sầu điệu gian giao cũng không nằm ngoài mô thức đó.
Trên nền âm nhạc dân gian Tây Nguyên, nhạc sĩ Đình Nghĩ mở ra một không gian thiêng, không gian đêm đại ngàn. Bên ánh lửa nhà sàn bập bùng, bên ché rượu cần mềm môi vít cong, các điệu ru, kể hát của dân tộc K’ho, Mạ, Cill được cất lên, hoà cùng tiếng cồng, tiếng chiêng trầm thiêng. Mà cồng chiêng chính là tiếng nói của Yàng, là lời của thần linh: “Nghiêng trời đêm tự kể/ Mơ nghìn điệu gian giao/ Nghìn điệu sầu co ro mải mòn kiếp đá/ Nghìn điệu hời xanh xao võ vàng lá nắng/ Say choàng cơn huyền mật/ Mơ nghìn điệu gian giao/ Nghìn điệu sầu mê hoang bủa tràn dốc trắng/ Nghìn điệu hời qua truông cuồn cuộn sóng núi dặc dài…”. Âm nhạc mênh mang, diệu vợi. Sắc nhạc mang màu tâm linh. Qua đoạn 2 là nỗi buồn trong lành của những chương đoạn trong khan. Tiếng kèn M’buốt trầm buồn, tiếng cồng chiêng tha thiết, yêu tin. Tôi nghe trong ấy có sự xào xạc của núi, của rừng, của thác…, và cả sự xạc xào của thân phận con người. Âm nhạc của đoạn 2 được nhạc sĩ đẩy lên cao trào, mạnh mẽ: “Nghe tiếng rơi nghe tiếng rơi giữa cội hiền thiên thai/ Triền vắng hát khan miền cháy hát khan hoang tràn/ Mưa hoàng hôn giàn giụa mây phủ chiều liêu xiêu/ Thương ngàn xa vàng vọt giọt ngày hong khô/ Nghe tiếng rơi nghe tiếng rơi hỡi người tình chiêm bao/ Lặng vắng khát xanh lặng cháy khát xanh hương nguồn/ Bên gành hoa cỏ lạ khoả trần bờ trăng non/ Muôn trùng giăng ngà ngọc ngọc ngà phiêu sương”. Đến đoạn kết, như thường lệ, bao giờ nhạc sĩ Đình Nghĩ cũng “đai” lại phần đầu. “Nghe tiếng rơi nghe tiếng rơi đùng đình điệu gian giao/ Nghe tiếng rơi nghe tiếng rơi đùng đình điệu gian giao…”. Dân gian mà không hẳn dân gian; hiện đại, mới nhưng cũng như thể loại nhạc Pop phổ thông là vì vậy.
Âm nhạc là cuộc đời Đình Nghĩ. Nó giúp Đình Nghĩ giải thoát khỏi những đớn đau, trăn trở, những sự bất như ý trong đời thực và làm phục sinh những điều tưởng không còn tái tạo được nữa. Ở tình khúc Lặng sầu điệu gian giao cho ta thấy một Đình Nghĩ mới, khác. Một Đình Nghĩ của đau đắng, nghiệm sinh, mê hoặc đến mộng mị.
(*) Gian giao (Yal yau) là những điệu ru, hát kể chuyện của các dân tộc K’Ho, Mạ, Cill
TRỊNH CHU