Địa chỉ đỏ dưới chân Phật đài

04:01, 09/01/2013

Nhưng người Đà Lạt và nhiều người yêu nhạc đã thuộc câu thơ phổ nhạc từ những năm 60 của thế kỷ trước “Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều, như ru ai say trong giấc mơ dạt dào, cho thế nhân buồn, rũ hết ưu phiền …”.

Chùa Linh Sơn nằm trên đồi cao nhìn xuống đường Nguyễn Văn Trỗi – Đà Lạt và nhìn xa xuống trung tâm thành phố làm cho ta có cảm giác ngôi chùa cao lớn, uy nghi, từ cổng đi lên giữa 2 hàng cây cao vút, người đi phải ngửa mặt nhìn lên mới có thể thấy được cặp rồng chầu trước cửa chánh điện. Thực ra, kiến trúc của Linh Sơn tự khiêm tốn, giản dị theo lối kiến trúc đình chùa Việt Nam, không bề thế, thơ mộng như thiền viện Trúc Lâm, hay Vạn Hạnh. Linh Sơn cũng không có bề dày lịch sử như chùa tổ Linh Quang. Nhưng người Đà Lạt và nhiều người yêu nhạc đã thuộc câu thơ phổ nhạc từ những năm 60 của thế kỷ trước “Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều, như ru ai say trong giấc mơ dạt dào, cho thế nhân buồn, rũ hết ưu phiền …”.

Một nét Linh Sơn Tự. Ảnh: N.Minh
Một nét Linh Sơn Tự. Ảnh: N.Minh


Linh Sơn tự còn có một điều thú vị khác rất đỗi tự hào đó là “một địa chỉ đỏ dưới chân Phật đài”: Vào tháng 12/1970, tại giảng đường chùa Linh Sơn, đã diễn ra cuộc đại hội sinh viên phật tử miền Nam Việt Nam với nhiều nội dung lên án tội ác của quân đội Mỹ giết hại đồng bào ta ở Mỹ Lai, nêu cao truyền thống yêu nước của dân tộc và lên án chính sách xâm lược của Mỹ cũng như vai trò bù nhìn của chính quyền Sài Gòn. Đại hội đã thổi một luồng gió chính trị tác động mạnh vào giới trẻ và đồng bào thị xã Đà Lạt chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh sau này. Năm 1971 Linh Sơn là nơi xuất phát cuộc đấu tranh chống bầu cử độc diễn của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu với sự tham gia của hàng ngàn sinh viên, học sinh và đồng bào Đà Lạt kéo dài hơn một tuần làm cho cuộc bầu cử tổng thống trở thành một trò hề thực sự.

Từ những ngày hạ tuần tháng 9 năm 1971, trên chiếc xe LaDalat của một uỷ viên ban chấp hành đoàn, một nhóm sinh viên phật tử tung ra đi gửi thư mời và truyền đơn kêu gọi sinh viên, học sinh và đồng bào dự hội thảo về chủ đề: “Sinh viên với hiện tình đất nước”. Lúc đầu chỉ có khoảng 20 người tham dự nhưng suốt một tuần liền chiều nào cũng tổ chức hội thảo, số lượng người tham gia mỗi lúc một đông hơn, lực lượng được tập hợp dần chuẩn bị cho ngày xuống đường. Sáng ngày 28 tháng 9 năm 1971, tại giảng đường Linh Sơn, diễn ra một cuộc hội thảo qui mô lớn của sinh viên, học sinh và các nhân sĩ trí thức cùng đồng bào thành phố với nội dung: “Nhận định về cuộc bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu”. Thầy chánh đại diện tỉnh giáo hội, một số nghị viên hội đồng thành phố và một số đại biểu từ Sài Gòn lên cùng tham dự, trong đó có luật sư Trần Ngọc Liễng - một nhân vật có tiếng trong phong trào tranh đấu ở Sài Gòn. Sau khi sinh viên Trương Trổ - Tổng thư ký đoàn SVPT Đà Lạt đọc diễn văn tố cáo trò hề bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu do ngoại bang đạo diễn và kêu gọi đốt thẻ cử tri tẩy chay trò hề bầu cử bịp bợm thì lập tức các vị chức sắc của Phật giáo bước lên tuyên bố hưởng ứng và đốt thẻ cử tri. Tiếp theo là các nghị viên, các vị nhân sĩ trí thức và sinh viên cùng đồng bào tham dự đã đồng loạt đốt thẻ. Trong khí thế hừng hực  ấy các bạn sinh viên giăng lên các biểu ngữ đã chuẩn bị trước với khẩu hiệu “Đả đảo trò hề bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu” và một số khẩu hiệu chống Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam, chống chính quyền tay sai bán nước… Với nhiều tiếng hô xuống đường, một thầy giáo ở trường Bùi Thị Xuân đã cầm biểu ngữ chạy trước xuống sân chùa ra cổng ở đường Hàm Nghi đạp lên hàng rào thép gai ở ngã ba chùa vượt qua chốt cảnh sát ở góc  đường Phan Đình Phùng - Hàm Nghi. Theo sau là hàng trăm học sinh, sinh viên và đồng bào với biểu ngữ, áp phích trên tay vừa đi vừa hát các bài ca tranh đấu và hô khẩu hiệu kêu gọi tẩy chay bầu cử. Đoàn biểu tình kéo ra đến rạp Ngọc Hiệp (Rạp Giải phóng) thì bị khoảng một đại đội quân cảnh và cảnh sát dã chiến đeo mặt nạ, dàn hàng ngang chặn lại ném lựu đạn cay, bắn phi tiễn, đạn M16 nổ dữ dội. Một số sinh viên, học sinh bị bắt, đoàn biểu tình giữ đội hình đi tắt qua con hẻm lên đường Hàm Nghi tiếp tục tiến ra khu Hoà Bình. Những ngày tiếp sau đó, các toán thanh niên xung kích chia nhau đột kích rải truyền đơn ở các trường học và chợ Đà Lạt kêu gọi lãn khoá, đình công bãi thị tẩy chay bầu cử độc diễn. Các tổ xung kích cướp các bích chương vận động bầu cử “liên danh dân chủ” của Thiệu về sửa thành “liên danh dân chửi” rồi treo lại ra đường phố. Tại giảng đường chùa Linh Sơn, loa phóng thanh công suất lớn phát đi lời kêu gọi của uỷ ban đấu tranh, đọc những bài viết phân tích những sai trái của nhà cầm quyền vi phạm quyền dân chủ, lên án chế độ miền Nam là tay sai của ngoại bang… và phát đi những bài hát hừng hực lửa đấu tranh. Nhà cầm quyền Đà Lạt đã điều cả tiểu đoàn cảnh sát dã chiến bao vây khu vực chùa Linh Sơn và trường Bồ Đề. Chợ búa, trường học, phố phường vắng ngắt. Cả thành phố đầy lính, cảnh sát, dây kẽm gai, xe bọc thép và súng đạn. Bên trong hàng rào lực lượng đấu tranh mỗi ngày một đông thêm. Nhà cầm quyền đưa xe thông tin đến Lữ quán thanh niên đối diện với chùa Linh Sơn, mở loa công suất lớn phát đi những bài kích động, nhạc, hòng làm nhiễu tiếng nói của lực lượng đấu tranh. Đồng thời cho mật vụ thâm nhập vào hàng ngũ đấu tranh để phá hoại hệ thống phát thanh, gây rối nội bộ và tạo cớ cho chúng nổ súng đàn áp mạnh, nhưng số mật vụ này đã bị đồng bào phát hiện bắt giữ. Sáng ngày 2 tháng 10, cảnh sát tấn công vào chùa từ hướng cổng chính, một nhóm nữ sinh ở hướng  này do một nhóm trưởng có trình độ nhất đẳng huyền đai taekwondo phụ trách đã đánh nhau quyết liệt với cảnh sát ngay trong vườn trà và được các thanh niên nam kéo đến hỗ trợ. Chuông chùa vang lên liên hồi báo động nguy cấp. Cùng với tiếng của thầy chánh đại diện trên loa tố cáo nhà cầm quyền tấn công vào nơi tôn nghiêm của Phật giáo và kêu gọi đồng bào phật tử về cứu chùa. Thế là lực lượng kéo về mỗi lúc một đông phản đối nhà cầm quyền Đà Lạt - Tuyên Đức… xâm phạm tín ngưỡng, xúc phạm nơi thờ cúng! Yếu thế trước sức mạnh của đồng bào, cảnh sát bị buộc phải rút lui.

Kết thúc hơn một tuần tranh đấu với những ngày xuống đường; những đêm không ngủ; những buổi phát thanh với nhiều tin tức và bài bình luận sắc sảo; những lần tranh luận trực tiếp với các sĩ quan cảnh sát trên đường phố; những trận lựu đạn cay, lựu đạn, những chiếc dùi cui ma trắc bổ xuống đầu… Các báo đài miền Nam đã đưa tin, Đài Giải phóng, Đài Hà nội đã đưa tin và Đài BBC cũng đưa tin, tất nhiên với những quan điểm khác nhau. Phong trào đấu tranh chính trị ở Đà Lạt tạo được tiếng vang hoà cùng tiếng súng tiến công vũ trang trên chiến trường Nam Tây Nguyên. Trước khi chuyển sang phương thức hoạt động sau cao trào, Uỷ ban đấu tranh đã thông qua một nghị việnxxxxxxxxxxxxxxxpháng với nhà cầm quyền trao đổi những người bị bắt, lực lượng tranh đấu thả 2 nhân viên mật vụ đổi lại chính quyền thả 20 sinh viên học sinh bị bắt nhốt trong những ngày sôi động vừa qua. Cuộc trao đổi được diễn ra công khai tại ngã 3 chùa trước đại diện các bên, trước đông đảo nhân dân và trước các ký giả của các báo.

Sau sự kiện ngày 3 tháng 10 năm 1971, những người tích cực trong phong trào được kết nạp vào tổ chức, một số phải lánh đi nơi khác, một số được đón vào căn cứ báo cáo tình hình, học tập chính trị và phương thức hoạt động đô thị mà cũng là để tránh sự truy lùng của cảnh sát. Sau Tết Nguyên đán tình hình bớt căng thẳng, từng người lần lượt trở lại Đà Lạt bí mật xây dựng tổ chức Đảng, đoàn trong nội thành. Chùa Linh Sơn và Văn phòng đoàn sinh viên phật tử Đà Lạt là nơi gặp gỡ thường xuyên của các đảng viên, đoàn viên nhân dân cách mạng miền Nam Việt Nam. Một tu sĩ ở Chùa Linh Sơn cũng nhận nhiệm vụ làm giao liên chuyển và nhận thư từ thành phố ra căn cứ và ngược lại. Từ trong rừng ra, vài anh em đến thăm thầy trụ trì, thầy nghĩ là chúng tôi về quê mới lên, thầy hỏi thăm nhiều về gia đình và với ánh mắt trìu mến thầy nói “Thầy rất mừng vì gặp lại thấy các con vẫn mạnh khoẻ và bình an”.

Mùa xuân năm 1975, một số cơ sở của sinh viên, học sinh nội thành vào rừng học tập tình hình nhiệm vụ mới. Trung tuần tháng 3 hầu hết anh em có mặt ở Đà Lạt. Đêm 26 rạng sáng 27 tháng 3 chia nhau rải truyền đơn trên nhiều tuyến đường trong thành phố. Cuộc di tản trở nên nhộn nhịp hơn của những gia đình có máu mặt và những gia đình sợ cộng sản. Tin quân giải phóng đã vượt qua Nha Trang tiến về Phan Rang và tin thị xã Bảo Lộc được giải phóng, thành phố càng rối loạn, chính quyền không kiểm soát nổi. Khuya 31/3, quân Sài Gòn đốt các kho đạn rồi rồng rắn nhau tháo chạy, quần áo lính, nón sắt và súng đạn vương vãi khắp nơi. Chùa Linh Sơn một lần nữa được chọn làm nơi tập hợp lực lượng. Một số đơn vị nhân dân tự vệ đã được xây dựng từ trước nay kéo về nhận nhiệm vụ, một số cơ sở được phân công đưa xe ô-tô vào chiến tranh chính trị lấy vũ khí về trang bị cho anh em và phân công đi bảo vệ các nơi mà thư của Thị uỷ đã chỉ đạo. Một cặp loa sắt được treo lên trước hiên chùa phát đi lời kêu gọi sĩ quan, binh sĩ và công chức chính quyền Sài Gòn giao nộp vũ khí, kêu gọi đồng bào bình tĩnh hợp tác với Uỷ ban tự quản Đà Lạt và lực lượng tự vệ thành để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Uỷ ban tự quản và lực lượng tự vệ thành Đà Lạt sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho những người đã giao nộp vũ khí. Trong buổi sáng đầu tiên đó (1/4/1975), vũ khí thu được đã khá nhiều. Trưa ngày 1 tháng 4, một thị uỷ viên đã về triệu tập họp và quyết định lập Uỷ ban Khởi nghĩa Đà Lạt, dời toàn bộ ra phố lấy rạp Hoà Bình làm trụ sở. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay khắp phố phường. Sáng ngày 2 tháng 4 đón một đơn vị bộ đội đầu tiên vào thành phố.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã đồng hành với dân tộc trong nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, văn hoá Phật giáo đã thẩm thấu sâu vào trong tình cảm, văn hoá người Việt. Có lẽ nhờ vậy mà ở Đà Lạt và trong Chùa Linh Sơn, cách mạng mới có thể tạo được một địa chỉ đỏ dưới chân Phật đài trong nhiều năm liền cho đến ngày thắng lợi.

TRỌNG NGUYÊN