Có thể thấy rất rõ những hình ảnh phong cảnh Đà Lạt được lặp đi lặp lại trong nhiếp ảnh nghệ thuật Lâm Đồng như: Sương khói hồ Xuân Hương, rừng thông và sương mù, chiều, hoàng hôn, chợ đêm, sự vất vả mưu sinh, bản sắc văn hoá Tây Nguyên.
20 năm qua, nhiếp ảnh Lâm Đồng đã khẳng định vị thế với nhiều tên tuổi nghệ sĩ nhiếp ảnh, gặt hái được nhiều vinh quang trên các “đấu trường” thế giới và đỉnh cao nhất là vào những năm 2000 – 2007. Hàng năm, các nghệ sĩ đã mang về hàng trăm tấm huy chương từ các cuộc thi, liên hoan, triển lãm ảnh quốc tế, toàn quốc và khu vực Đông Nam bộ. 3 hội viên được tặng tước hiệu “Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc” EFIAP là Lý Hoàng Long, Lê Thái Sơn, Nguyễn Bá Trung; 3 hội viên được tặng tước hiệu “Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam” EVAPA là Lý Hoàng Long, Lê Thái Sơn, Nguyễn Văn Thương; 7 hội viên đạt “Nghệ sĩ nhiếp ảnh” AFIAP. Năm 2000, CLB nhiếp ảnh Đà Lạt đoạt Cúp Vàng với bộ ảnh tốt nhất tại cuộc thi Hassamblad Trizebbregcircuit – một cuộc thi danh tiếng do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP bảo trợ. Từ hơn 10 hội viên, nay đã có 30 hội viên, trong số đó có 21 hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Chưa địa phương nào trong cả nước có đến 2 chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam như ở Lâm Đồng với 14 hội viên sinh hoạt ở chi hội I – Đà Lạt, 7 hội viên sinh hoạt tại chi hội II – Bảo Lộc.
Tác phẩm ảnh “Trên cánh đồng trà” của NSNA Nguyễn Văn Thương |
Nhiếp ảnh Lâm Đồng đã ra mắt công chúng 3 tuyển tập ảnh nghệ thuật Lâm Đồng. Tuyển tập 3 “Ảnh nghệ thuật Lâm Đồng” được xem là công trình VHNT chào mừng Đại hội văn học nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ V (2012 – 2017) vừa phát hành gồm 65 tác phẩm của 25 tác giả được tuyển chọn từ hàng ngàn tác phẩm sáng tác qua 5 năm trở lại đây. Với niềm say mê sáng tạo, các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã không chỉ ghi lại hình ảnh đất và người Lâm Đồng, mà còn đi khắp miền đất nước như: Bình Thuận, Hội An, Tây Bắc... Nhiều tác phẩm để lại dấu ấn với công chúng xem ảnh như: Xuân về (Bảo Bườn), Thu hoạch nhỏ (Nguyễn Đình Hiến), Chiều Tây Bắc (Nguyễn Thanh Liêm), Nghệ nhân (Nguyễn Phúc Lộc), Thu hoạch cói (Nguyễn Minh Luyện), Giữ gìn bản sắc (Nguyễn Bá Nhân), Cung bậc (Lê Thái Sơn), Bữa cơm trên đồng (Nguyễn Văn Thương)... Điều mà ai cũng có thể nhận thấy, đó là tác phẩm không nhiều, đề tài chưa có gì mới mẻ, chưa có sự đột phá, chưa xuất hiện những tác phẩm mang tầm vóc lớn mang tính thời đại.
Nhiếp ảnh nghệ thuật Lâm Đồng đã có sự chững lại. Mặc dù những năm gần đây, các nghệ sĩ nhiếp ảnh vẫn tích cực tham gia các cuộc thi, triển lãm trong nước và quốc tế; bình quân hàng năm mỗi hội viên gửi dự thi 20 – 30 lượt tác phẩm, nhưng giải thưởng cũng thưa dần. Sự chững lại đã thể hiện từ việc tìm kiếm đề tài, tư duy sáng tạo nghệ thuật tỏ rõ sự lúng túng, chưa khơi được mạch nguồn sáng tạo mới. Ở khía cạnh khác, một số nghệ sĩ luôn mong muốn có được tác phẩm thật hiếm, ý tưởng thật “nghệ thuật”. Sự lạm dụng kỹ thuật số với những bức ảnh được “vẽ” như tranh, sự sắp đặt vụng về trái với quy luật cũng gây nhàm chán cho công chúng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sẽ chẳng ai có thể rung cảm trước cảnh: một hồ nước không lớn, xung quanh có rừng cây, đồi núi (chứng tỏ đây là hồ nước nằm ở địa hình cao) mà lại xuất hiện hàng chục chiếc thuyền giương buồm xanh đỏ (như đua thuyền buồm) dù phong cảnh bình yên không có gió, những bóng người lúi húi trên thuyền gần cùng một tư thế (như được nhân bản). Hay trên một đồi cát Bình Thuận trải mênh mông như sa mạc lại xuất hiện vài em bé kéo vài ba con trâu đen trắng (có con béo, có con gầy), khi thì trâu trắng đi trước, lúc thì trâu đen. Một đứa trẻ chăn trâu tồi cũng biết tìm chỗ có cỏ để chăn, chứ không ai chăn trâu trên cát... Không thể kể ra hết những bức ảnh không hợp quy luật cuộc sống được đưa đến công chúng. Logic của nghệ thuật cũng chỉ xuất phát từ logic cuộc sống. Nghệ thuật chỉ bắt nguồn từ cuộc sống, bám rễ vào cuộc sống thì mới sinh sôi.
Với yêu cầu đặt ra của nghệ thuật là khơi nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có, với nghệ thuật nhiếp ảnh thì chụp những gì chưa ai chụp. Sáng tạo nghệ thuật sẽ không thể là những motip, ví như nói về văn hoá Tây Nguyên không thể mãi là hình ảnh những người đàn ông thổi tù và, những cụ ông cụ bà cầm tẩu thuốc rê trầm ngâm phả khói vào không gian, những thiếu nữ ngực trần; nói về quy luật thời gian không còn là những em bé da căng bên cạnh những cụ già da mồi rạn nứt vết chân chim... Trước đây những hình ảnh này là mới, nhưng khi đã xuất hiện một vài lần rồi thì giờ đây đã trở nên thành đề tài quá cũ với người xem. Nhất là thời của máy hình kỹ thuật số, mọi người đều sắm được phương tiện, ai ai cũng có thể chụp được những hình ảnh đẹp dễ nhìn, dễ rung cảm và công bố nhanh chóng, với sức truyền chóng mặt trên các mạng xã hội. Điều đó cũng là một thách thức đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh, đòi hỏi góc nhìn nghệ thuật, tư duy nghệ thuật cũng cần hoàn toàn đổi mới để khẳng định mình, thoát ra khỏi đám đông có máy hình, nghệ sĩ nhiếp ảnh phải lao động nghệ thuật thật sự.
Có thể thấy rất rõ những hình ảnh phong cảnh Đà Lạt được lặp đi lặp lại trong nhiếp ảnh nghệ thuật Lâm Đồng như: Sương khói hồ Xuân Hương, rừng thông và sương mù, chiều, hoàng hôn, chợ đêm, sự vất vả mưu sinh, bản sắc văn hoá Tây Nguyên được phản ánh nhỏ lẻ... Hiếm thấy tác phẩm nào gắn liền với sự kiện chính trị, văn hoá, nghệ thuật được cả cộng đồng vào cuộc hưởng ứng mà được các nghệ sĩ công bố; hiếm hoi có một vài nghệ sĩ có mang tư duy sáng tạo gắn liền với các vấn đề của thời cuộc. Trong khi Lâm Đồng đã 4 lần Festival Hoa, lễ hội cồng chiêng toàn tỉnh 2 năm tổ chức 1 lần, hiếm thấy nghệ sĩ nhiếp ảnh nào có mặt... Nghệ sĩ chân chính là người không xa rời với nhịp đập sôi động của cuộc sống cộng đồng. Nhiếp ảnh lại càng phải gắn với sự kiện, gắn với cuộc sống, phản ánh thực tiễn. Những tác phẩm ảnh nghệ thuật có giá trị được đánh giá cao là những tác phẩm chụp lại những khoảnh khắc từ thực tiễn cuộc sống. Để có những tác phẩm nhiếp ảnh mang hơi thở của thời đại, đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh phải chủ động nhập cuộc, hoà mình vào sự kiện, chớp đúng thời điểm dưới lăng kính của người nghệ sĩ thì mới mong có tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đạt được những vinh quang, không để thời “hoàng kim” của nhiếp ảnh Lâm Đồng dần xa.
THÁI AN