Hồi nhỏ ở quê, bà tôi đang sàng gạo dưới luỹ tre thì con rắn cạp nong (khoanh đen khoanh vàng) bò sau lưng. Biết nó là rắn độc, bà bảo tôi ngồi im, không được chạy. Loanh quanh một lúc thì nó bỏ đi. Bà nói thỉnh thoảng vẫn thấy nó, và nó gặp bà thường xuyên thành ra “quen” nhau. Cứ theo bà thì con rắn nào cũng linh thiêng, động đến nó sẽ có chuyện chẳng lành, chưa kể đến rắn trả thù. Bà bảo rắn hiểu mình hơn mình hiểu nó, vì thế cứ lòng thành, tâm thiện là không gì phải sợ.
“Rắn!”, chỉ cần hô lên một tiếng đủ để ta giật mình hoảng hốt sợ hãi nhìn quanh, ngay cả hổ cũng không sợ bằng. Tại sao vậy? Vì rắn nhỏ lại khuất lấp, khó phát hiện, loằng ngoằng, không có chân mà phóng như tên bay, gieo cái chết bất ngờ. Thế nên bắt gặp rắn ở đâu là người ta tìm cách đánh chết nó. Thực ra rắn rất biết điều, nếu không nói là hiền. Vấn đề là ta phải nhìn nhận đối xử với nó như những con vật khác. Ở nhiều nước, người ta nuôi rắn trong phòng sinh hoạt gia đình, trời lạnh nó chui cả vào chăn ngủ cùng với chủ. Rắn biết doạ người lạ, có thể giữ nhà, nhảy múa làm trò giữa đám đông.
Minh họa: Ngọc Minh |
Hồi nhỏ ở quê, bà tôi đang sàng gạo dưới luỹ tre thì con rắn cạp nong (khoanh đen khoanh vàng) bò sau lưng. Biết nó là rắn độc, bà bảo tôi ngồi im, không được chạy. Loanh quanh một lúc thì nó bỏ đi. Bà nói thỉnh thoảng vẫn thấy nó, và nó gặp bà thường xuyên thành ra “quen” nhau. Cứ theo bà thì con rắn nào cũng linh thiêng, động đến nó sẽ có chuyện chẳng lành, chưa kể đến rắn trả thù. Bà bảo rắn hiểu mình hơn mình hiểu nó, vì thế cứ lòng thành, tâm thiện là không gì phải sợ.
Năm 1956, tôi đang học lớp 4 ở làng Đại Tráng, ngoại thành thị xã Bắc Ninh thì thấy phóng viên đến chụp ảnh một ông nông dân cho rắn cuốn từ đầu đến chân, đem đăng báo Nhân Dân với chữ đề “Vua rắn”. Lớn lên mới biết làng nào cũng có người “sát” rắn, nhưng Lệ-Mật mới là làng nghề truyền thống. Làng Lệ Mật thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh ngày ấy, sát đê sông Hồng. Báo tết năm Tỵ nào cũng có bài viết về làng này.
Từ ngày có phong trào xuất khẩu rắn sang Trung Quốc thì xuất hiện rất nhiều vua rắn là các vị… thành niên. Về làng đi qua bụi tre hoặc tắt ngang vườn rậm tôi sợ rắn thì bà con cười. Giờ lấy đâu ra rắn. Trẻ con nó bắt hết. Nó bắt bằng cách nào? - Thì cứ cầm đuôi xách lên cho vào túi ni lông (!). Ngày xưa vua rắn còn phải dùng cái móc sắt, đầu uốn chữ U hướng ra ngoài để ấn vào cổ rắn mới bắt được, như thế đâu đã là “tay không bắt giặc”, đẳng cấp còn thấp lắm. Tại sao bọn trẻ túm đuôi rắn dễ dàng thế? - Vì rắn cứ nhìn thấy chúng là sợ, quay đi định chuồn thì bị túm đuôi kéo lại. Rắn độc gặp người mà như cua gặp ếch, không dám nghĩ đến chống cự.
Một hôm đang lơ đãng đi trên hè phố Hà Nội, tôi giật mình thấy con rắn nằm dài thượt trước mặt, suýt nữa giẵm phải. Ngẩng lên thì thấy ông già phì cười, tay cầm đuôi nó. Ông cầm chụm ba cái đuôi của một bộ tam xà: Hổ mang, cạp nia, rắn ráo. Ba con tõe ra hình nan quạt, đầu quay ba hướng, ngóc lên. Quảng cáo giật gân thế này phải người yếu tim thì chết.
Liên quan đến rắn thị trường thuốc lúc đó có hai mặt hàng: Rượu Hội trị rắn cắn và rượu rắn uống trị đau nhức xương khớp, còn kem xoa bóp có nọc rắn đang được dược sĩ Phan Quốc Kinh và giáo sư Đỗ Tất Lợi nghiên cứu. Có một thợ rắn chuyên môn lấy nọc. Bóp dưới mang tai cho rắn há miệng, khạp vào miệng cốc thuỷ tinh (hai răng nanh ở phía trong thành cốc), môi trên của nó ép lại, nọc tứa ra từ hai tuyến chân răng chảy xuống theo thành cốc sền sệt như lòng trắng trứng. Làm khô bằng cách để trong bình có chất hút ẩm hoặc sấy ở nhiệt độ thấp dưới chân không là cách tốt nhất để bảo quản nọc rắn, nhưng lúc đó tôi hoà vào glyxegin vì đó cũng chính là một thành phần của kem xoa bóp. Trong lúc lấy nọc thì một con ruồi sà xuống, vừa chạm miệng cốc thuỷ tinh dính nọc rắn, lập tức như bị điện giật, run lên, chết cứng, mấy cái chân tan đi trong nháy mắt. Về sau tôi có dùng chi tiết này trong truyện ngắn “Thung lũng rắn” đăng trên báo Lâm Đồng số Tết Tân Tỵ 2000.
Trong truyện ngắn trên, con hổ mang xông vào mâm cơm mọi người đang quây quần ngồi ăn là có thật. Người túm cổ con rắn ấy là anh Nguyễn Bá Nguyên, công nhân Xí nghiệp Tùng tiêu Lang Hanh, huyện Di Linh, cháu ruột ông Nguyễn Bá Hưng giám đốc lúc ấy. Gia đình anh Nguyên ở mảnh đất mà anh gọi là đất tam xà (đất dữ), cách phân xưởng tinh dầu thông 200 mét, đầy tre và cây dại, nay thành vườn cà phê. Con rắn anh Nguyên đánh được treo trên xà nhà, đuôi quết đất kéo đến gần cửa ra vào, chừng 4-5 mét, tôi không đo. Để độc giả có thể “chấp nhận” được, tôi tính hư cấu ngắn lại. May có cuốn “Rắn độc ở Việt Nam” của nhà động vật học Trần Kiên, mở ra xem có đoạn: “Rắn hổ mang ở vùng Đông Nam Á là lớn nhất thế giới. Con trung bình ở tuổi trưởng thành dài 8 mét!”. Và tôi yên chí hư cấu dài thêm ra cho đuôi kéo tận ngoài sân. Độc giả có người gọi điện thoại hỏi, nó là con rắn hay là con trăn? Tôi bảo giở sách của ông Trần Kiên ra mà xem, có con dài những 12 mét.
Quay lại chuyện ba con rắn ở vỉa hè. Tôi mua về mới biết, thì ra họ bẻ răng cạo nọc rồi, đành tự tay làm thịt với sự giúp đỡ của ông thợ rắn. Buộc cổ rắn bằng sợi dây kẽm, treo lên cái đinh to đóng vào cột gỗ dựng đứng. Cứa đuôi rắn cho máu chảy (cắt tiết), hướng vào cốc đựng rượu sẵn. Ông chìa ra mời, tôi lắc đầu, ông uống luôn. Hỏi có vị thế nào, ông bảo vị “bình thường”, riêng mật rắn thì ngọt. Khi viết sách, giáo sư Lợi chỉ ghi mật rắn không đắng. Tiếp theo, dùng dao khoanh một vòng đủ rách da cổ rắn, nắm chắc phần da phía dưới, kéo thật mạnh liên tục, đi đến đâu da lộn lại đến đấy. Càng xuống đuôi càng phải kéo mạnh tay hơn mới qua được vì rất chắc. Tôi đem da rắn thuộc làm ví (bóp) và bao kính. Thịt chia làm hai, nửa băm viên rán lên, nửa nấu cháo. Thịt rắn thơm, ngọt và săn, có thể ngon nhất trong các loại thịt, rất ấn tượng. Có sách ghi thịt rắn hơi độc, may mà không bị quá liều, ai lại làm thịt con rắn ngồi ăn một mình?
Chỉ nghe nói rắn lột xác ta tưởng nó lột da, không phải, nó chỉ lột lớp sừng ngoài cùng, tương ứng da giấy ở người nhưng dày hơn. Vì lẽ đó, con rắn màu gì thì xác rắn vẫn màu trắng như bao xác rắn ni lông đựng gạo (thực ra là không màu). Cũng là bò sát, ở rùa thì lớp sừng không cần lột xác vẫn lớn lên được, khi đó các múi của mai to rộng, giãn xa nhau ra như quả na mở mắt.
Bây giờ nói đến nọc rắn.
Trời đã sinh ra loài vật không chân thì cũng phải cho nó một vũ khí để tồn tại và kiếm sống. Với đa số con nhỏ có thể lẩn trốn dễ dàng và nhặt nhạnh những con mối, sâu bọ để ăn thì thiếu nọc độc không sao, con khác cần đến nọc độc. Mức độ độc không giống nhau, đại khái là 1mg có thể giết chết người. Nọc rắn là thứ nước miếng của nó, đựng trong hai tuyến nước bọt ở chân hai răng nanh hàm trên, phía ngoài. Người có kinh nghiệm, nhìn vết rắn cắn đã biết khá nhiều thông tin về con rắn và cách chữa trị.
Hàm rắn là hàm động, hai hàm trên dưới không gắn trực tiếp vào nhau mà riêng biệt từng cái vào hộp sọ, hàm dưới có thể hạ rất thấp để miệng ngoác rộng, ngoạm được con mồi lớn hơn chiều ngang cơ thể. Mới đầu con mồi giẫy giụa mãnh liệt hòng thoát thân, không đầy một phút sau thì im. Trong nọc độc có men (Enzym) thuộc proteaza, phân giải protit rất mạnh, tế bào con mồi ruỗng ra và chất độc ngấm nhanh. Vào máu, men làm vỡ hồng cầu, hoại huyết mất khả năng vận chuyển oxy, máu trở nên xanh tím. Theo dòng máu, một loại men khác (phosphataza) đầu độc, phân giải tế bào thần kinh (neurotoxin). Vì thế con mồi nhanh chóng bị liệt, không giẫy giụa được nữa. Các proteaza xúc tiến việc phân giải tế bào làm con mồi nhão ra, bị nuốt sâu nữa vào trong thì dần dần hoá lỏng. Ngoài quai hàm có khớp động, đây mới là lý do chính để rắn nuốt được những con mồi lớn hơn mình. Trong nọc rắn độc còn có các ancaloit, một loại hợp chất có dược lực mạnh nhất trong tự nhiên, thường thấy ở thực vật (lá ngón, ô đầu, mã tiền…). Những thành phần khác trong nọc rắn gây dị ứng cho con mồi, với lượng rất nhỏ nó kích thích cơ thể con mồi sinh ra hystamin tự đầu độc mình. Người bị rắn cắn, tế bào vết cắn loét rữa ra, máu bị hoại, thần kinh bị tê liệt, ngạt thở, tím tái, truỵ tim mạch, dễ đi đến tử vong nếu không kịp chữa trị.
Vì chỉ rất ít nọc đã gây chết người, nên mau chóng rạch vết thương bóp máu ra thì khả năng được cứu sống là rất lớn. Làm giảm lượng nọc độc vào cơ thể là quan trọng nhất. Bản thân các men trong nọc rắn cũng thuộc loại protit rất dễ mất hoạt lực. Có người xẻo thịt chỗ bị cắn, người đốt cháy bằng lửa hay áp vật nóng vào. Chạy vội, cử động nhiều, quá hồi hộp đều làm tăng tuần hoàn, chất độc sẽ phân tán nhanh hơn vào cơ thể. Trong cơ thể có men lysosym phân giải từ từ các chất độc, mọi biện pháp (như ga rô, uống thuốc…) kéo dài thời gian sống của nạn nhân, chờ cơ thể tự giải độc từ từ đều rất quý. Đa số thuốc trị rắn cắn là gây biến tính các chất men có trong nọc rắn, nâng cao thể trạng nạn nhân. Người từng bị rắn độc cắn hoặc quen với chất độc thần kinh như nicotin có sức chống chịu tốt hơn. Đó cũng là cơ sở sản xuất vác xin trị rắn cắn. Nạn nhân rắn cắn thường được hỏi bị cắn lâu chưa, có hút thuốc lá thuốc lào không. Nếu nói vừa bị cắn thì thầy lang thận trọng, nhưng bảo bị cắn từ hôm qua thì yên tâm, có thể nói mạnh về thuốc và phương pháp trị liệu của mình. Lysozym có nhiều trong dịch âm đạo, lính Trường Sơn bị rắn cắn được chị em cứu sống không ít. Thuốc đắp vết rắn cắn thường có kim loại nặng (phèn) và chất chua, đều là những tác nhân tủa chất độc trong nọc rắn.
Một miligam nọc rắn làm chết người, nhưng 0,1mg trong 100g thuốc xoa bóp (1 phần triệu) thì lại có tác dụng điều trị, giảm đau ở vết thương cùi, khối u ác tính, thấp khớp. Rắn ngâm rượu nên chặt đầu hoặc cạo nọc, ngâm lâu mới dùng và không uống nhiều một lúc. Xác rắn sau khi ngâm rượu nên tìm cách sử dụng vì đôi khi uống rượu rắn mới chỉ là uống nước rửa rắn mà thôi. Hiểu kỹ bản chất nọc rắn để định hướng sử dụng rắn trong đời sống và y học, kịp thời sơ cứu khi bị rắn độc cắn trước khi đến cơ sở điều trị.
Rắn là một chủ đề lớn đầy giai thoại, góp thêm vài thông tin mục sở thị làm phong phú chuyện trà dư tửu hậu Xuân Quý Tỵ 2013 là niềm vui lớn của người viết bài này.
Dược sĩ Chu Bá Nam