Sử thi Tây Nguyên là một trong 12 di sản văn hoá phi vật thể mới của Việt Nam dự kiến được lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn từ nay đến năm 2016.
Sử thi Tây Nguyên là một trong 12 di sản văn hoá phi vật thể mới của Việt Nam dự kiến được lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn từ nay đến năm 2016. Mới đây, Bộ VH-TT-DL đã có văn bản gửi Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam xin ý kiến bước đầu về danh sách 12 di sản văn hoá phi vật thể dự kiến sẽ trình UNESCO này. Trong 12 di sản, nghệ thuật truyền khẩu sử thi Tây Nguyên là di sản gây được sự chú ý đặc biệt. Được biết, ngay từ năm 2001, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận tiến hành điều tra, sưu tầm, biên dịch, bảo quản và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên với hàng trăm tác phẩm đã được ra mắt bạn đọc.
Cùng với sử thi Tây Nguyên, danh sách các di sản phi vật thể dự kiến được lập hồ sơ trình UNESCO lần này còn có múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ, nghệ thuật hát giao duyên ví dặm Nghệ Tĩnh, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, nghệ thuật xoè Thái ở Việt Nam, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên đá Hà Giang, nghệ thuật dù kê của người Khơme Nam Bộ, nghi lễ quá tang (lễ cấp sắc) của người Dao ở Việt Nam, nghi lễ chầu văn của người Việt, nghi lễ then của người Tày và tục chơi bài chòi mùa xuân của người Việt vùng Nam Trung Bộ.
K.D