Gặp gỡ “lão thi” xứ Đạ Tẻh

02:01, 16/01/2013

Gặp nhau tại Nhà sáng tác Nha Trang, Lê Thế Thanh Nguyên đọc tôi nghe mấy câu thơ tâm đắc: Tâm nhân ái gieo mầm nhân ái / Trí tài hoa ươm hạt tài hoa. Đây là hai câu thơ mở đầu trong tập Thi Khúc (NXB Hội Nhà văn 2012) – tập thơ đầu tay mà ông dành nhiều tâm sức để viết nên...

Gặp nhau tại Nhà sáng tác Nha Trang, Lê Thế Thanh Nguyên đọc tôi nghe mấy câu thơ tâm đắc: Tâm nhân ái gieo mầm nhân ái / Trí tài hoa ươm hạt tài hoa. Đây là hai câu thơ mở đầu trong tập Thi Khúc (NXB Hội Nhà văn 2012) – tập thơ đầu tay mà ông dành nhiều tâm sức để viết nên. Quả thật, thầy giáo già Lê Thế Đạt (tên thật của ông) về hưu đã trên 20 năm, thời gian còn lại ông dành cho thơ, một thể loại văn học hằng yêu quý từ thuở còn “gõ đầu trẻ”.

Quan họ người ơi. Tranh: Hoàng Khai
Quan họ người ơi. Tranh: Hoàng Khai


Đạ Tẻh - một huyện cực Nam của tỉnh Lâm Đồng. Ở đó có một Chi hội VHNT, mà Lê Thế Thanh Nguyên là Chi hội phó. Được hòa mình vào thơ, theo ông là một hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc hơn là được xướng lên Khúc Tâm thi của một vùng đất còn nhiều trăn trở đi lên, mà vẻ huyền ảo của nó luôn quyến rũ hồn thơ:

Lưỡi liềm trăng buông huyền ảo
Lung linh thung lũng sao sa
Vời vợi cao nguyên lộng gió
Âm vang tiếng cồng ngân nga…
(Đạ Tẻh một thoáng đêm)

Chỉ một “thoáng đêm”, ông đã vẽ nên linh hồn của một phố huyện. Miền núi là vậy, âm thanh của “hồn làng” bao giờ cũng là tiếng cồng, tiếng chiêng. Nhưng qua thơ, tiếng cồng chiêng của Đạ Tẻh còn âm u và đầy bí ẩn.

Ai đã từng yêu hoang sơ, thì Đạ Tẻh vẫn còn hoang sơ lắm. Những huyền tích còn lưu lại không nhiều, nhưng cũng đủ làm nên một hồn vía của Đạ Tẻh qua thơ Lê Thế Thanh Nguyên. Này là dốc “Mạ ơi!”:

Nước mắt đắng người xưa hóa thạch
Ngàn đời lăn lóc dốc “Mạ ơi!”
Vườn rừng xứ Mạ mùa trái chín
Thánh thót ngọt lành tiếng chim rơi…
(Qua dốc Mạ ơi)

Đọc Dốc “Mạ ơi !” bằng “nước mắt đắng” chúng ta mới hiểu ra rằng, thuở khai hoang đi qua con dốc này “đắng” đến nỗi phải thốt lên hai tiếng “Mạ ơi!” để than thở với trời cao núi thẳm. Tác giả đã dùng từ “lăn lóc” một cách nhẹ nhõm mà nặng như đá núi, khiến người đọc hình dung ra cảnh trượt chân của khách bộ hành gùi vác thực phẩm qua đây. Đúng là xứ Mạ có con dốc “có một không hai” này đã được truyền khẩu. Ngày nay, dốc “Mạ ơi” không còn độ dốc lắm, nhưng cũng đủ tạo ra nguồn cảm xúc cho người thơ khi bước qua đây.

Còn đây là mưa Đạ Lây, những giọt mưa trĩu hương rừng đã được cách điệu bằng thế “vây” kín núi đồi:

Chiều hạ mưa giăng mờ Đạ Lây
Trắng đồi trắng núi trắng mưa vây
Từ trong hoang dã em về phố
Gùi trĩu hương rừng ấm lối mây !
(Mưa Đạ Lây)

Đây chỉ có thể là mưa Tây Nguyên. Điệp từ “trắng” liên tiếp ở câu hai, diễn tả cơn mưa dài mùa hạ: Dũng mãnh và dai dẳng không dứt! Rồi từ trong mưa, sơn nữ gùi mưa về phố khiến bài thơ sinh động và ấm áp lạ thường. Một nét đẹp khỏe khoắn của khí hậu, thời tiết và con người đã làm cho vẻ đẹp cao nguyên khoáng đạt hơn lên.

Vì thế, thơ Lê Thế Thanh Nguyên không mới nhưng chứa đựng cái hồn rừng đắm say, thì không phải ai cũng làm được. Đọc và hiểu được “lão thi” này, một phần là nhờ ở sự khiêm tốn, giản dị của ông. Tính tình ông hiền hậu và nhân ái, dễ gần. Còn thơ thì ẩn kín, ít lộ ra ngoài. Đó là nhân cách của thi nhân, điều khiến người tiếp xúc với ông phải cảm phục.

Khi ông viết bài thơ “Hồ trên núi” với những câu sau đây:

Cao nguyên khát ngàn năm
Đang xanh màu huyền thoại
Đất chuyển mình trở dạ sinh sôi…

Thì tính dự báo nằm ở câu: “đang xanh màu huyền thoại”. Có nghĩa rằng, cao nguyên được tưới bởi một suối nguồn tươi mát. Và sẽ sinh sôi nẩy nở những nụ mầm tươi đẹp cho tương lai. Bởi vùng đất ấy ngày đêm chuyển động không ngừng, nhịp chảy xiết của nó luôn bồi đắp cho những cánh rừng bạt ngàn chập chùng thêm xanh:

Sông Mẹ cuồn cuộn đỏ
Rừng già chập chùng xanh
Hoang sơ trinh nguyên gió
Hương Cát Tiên ngọt lành…
(Ghi ở Dốc Khỉ)

Cát Tiên - Đạ Tẻh là hai huyện cực Nam Lâm Đồng, đồng sẻ chia nghèo khó và đồng vươn lên. Khi Buôn Go ở Cát Tiên có điện là tín hiệu vui mừng, chứng tỏ ánh sáng văn minh đã về đây xây đời dân no ấm:

Điện Buôn Go lấp lánh
Trăng Đạ Đờng lung linh
Huyền sử còn trầm tích
Trang rừng già nguyên sinh
(Đêm Cát Tiên)

Đấy là đêm trăng ở Rừng Quốc gia Cát Tiên, đầy bí ẩn với vẻ đẹp còn nguyên sinh, nơi lưu giữ kho tàng sinh học quý giá. Còn với Lê Thế Thanh Nguyên, nhìn thấy cảnh sạ lúa đêm của người con gái Mạ cũng là một bức tranh quý giá không kém mà ông đã lưu giữ bằng hình ảnh thơ rất đặc sắc rằng:

Ruộng mật sánh đen đêm vũ trụ
Hạt mầm nõn trắng sáng thiên hà
Dẻo tay em rải ngàn tinh tú
Mát mắt đất ngời muôn chấm hoa
(Em gái Mạ sạ lúa)

Vâng, thật là một bức tranh lung linh huyền nhiệm, cảnh cô gái Mạ sạ lúa về đêm đã đi vào tâm thức lúa nước của nhiều dân tộc. Có thể hình ảnh này ngày nay không còn nữa, nhưng thơ đã phản ánh một cuộc đấu tranh đầy cam go, nhưng sinh động giữa thiên nhiên kỳ thú và con người cần cù lao động. Và trong quan niệm của người Mạ, hồn lúa luôn giữ cho niềm vui no ấm của buôn làng:

Hồn lúa vàng Buôn Mạ
Mùa vui nở trắng đêm
(Ninh Nong)

Từ đó, niềm vui đầy ắp trong Thi Khúc – tập thơ của “lão thi” xứ Mạ Đạ Tẻh, đã góp vào hương sắc Lâm Đồng một ánh lấp lánh, mang phong cách núi non, và đầy bản sắc dân tộc…

NGUYỄN THÁNH NGÃ