Văn hoá Cưới

03:01, 30/01/2013

Trong truyền thống văn hoá của người Việt, đám cưới, lễ cưới hay nói nôm na: Cưới có ý nghĩa đặc biệt. Song, dưới tác động của cuộc sống đương đại và chạy theo “thị hiếu” thị trường, nhất là ảnh hưởng văn hoá Tây, Tàu… đã làm cho việc cưới của Việt Nam ngày càng biến tướng…

Trong truyền thống văn hoá của người Việt, đám cưới, lễ cưới hay nói nôm na: Cưới có ý nghĩa đặc biệt. Song, dưới tác động của cuộc sống đương đại và chạy theo “thị hiếu” thị trường, nhất là ảnh hưởng văn hoá Tây, Tàu… đã làm cho việc cưới của Việt Nam ngày càng biến tướng…

Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Hồ Toàn
Ảnh mang tính minh hoạ. Ảnh: Hồ Toàn


Đám cưới của người Việt xưa

Trong đời sống hôn nhân của người Việt Nam, khi trai gái lấy nhau, gọi theo tiếng Hán-Việt là giá thú, gọi theo tiếng Nôm là đám cưới, lễ cưới hoặc gọn hơn là cưới. Đối với người Việt, lễ cưới là một trong bốn nghi lễ quan trọng và được xã hội quan tâm nhiều nhất. Trước đây (và cả bây giờ) người Việt gọi lễ cưới là hôn lễ. Theo giải thích của Đào Duy Anh, chữ "hôn" nguyên nghĩa là chiều hôm (lễ tục xưa người ta làm lễ cưới vào buổi chiều tối). Cưới là hoạt động văn hoá mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Dân gian coi cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người (sự nghiệp, làm nhà và cưới vợ) nên có câu ca dao: "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà...".

Dưới thời phong kiến, do ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc, hôn nhân của người Việt xưa thường có sáu lễ chính: Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn, nhà trai mang sang nhà gái một cặp "nhạn" để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy. Lễ vấn danh: là lễ do nhà trai sai người làm mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái. Lễ nạp cát: lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi. Lễ nạp tệ (hay nạp trưng): là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tang chứng cho sự hứa hôn chắc chắn. Lễ thỉnh kỳ: lễ xin định ngày giờ rước dâu. Sau cùng là lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới).

Do việc cưới rất hệ trọng có ảnh hưởng tác động đến đời sống văn hoá, xã hội và chính trị, nên nhà nước phong kiến Việt Nam đã can thiệp vào việc giá thú (cưới) của người dân bằng những điều lệ hay luật. Điều lệ hương đảng do vua Gia Long ban hành năm 1804 đã dẫn câu từ sách cổ: "Hôn lễ là mối đầu của đạo người", "Giá thú mà bàn của cải là thói quen mọi rợ". Năm 1864, vua Tự Đức cũng có quy định rõ về lễ cưới xin của dân gian: "Từ lúc vấn danh đến khi xin cưới, cho kỳ hạn là 6 tháng, đều theo tiết kiệm, không được quá xa xỉ"…

Rõ ràng, tư tưởng tiết kiệm, chống xa xỉ, đua đòi, lãng phí… trong cưới hỏi đã có quy định từ thời xưa. Và, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, những lễ nghi rườm rà, tốn kém không cần thiết trong cưới hỏi của người Việt đã dần được loại bỏ. Từ sáu lễ chính, đến nay chung quy mỗi cặp vợ chồng trẻ cưới nhau, gia đình hai bên thường tổ chức 2, hoặc 3 lễ (Dạm ngõ, ăn hỏi và lễ cưới); hoặc có nơi chỉ còn 2 lễ (dạm ngõ và cưới). Trong lễ cưới của người Việt xưa được tổ chức gọn nhẹ, ấm cúng. Lễ cưới là dịp để bà con ruột thịt, họ hàng và bạn bè thân hữu chúc phúc cho cô dâu, chú rể và hai gia đình đúng nghĩa nên thường không mời nhiều khách (giới hạn trong gia đình, họ tộc và những người thực sự thân quen) mà ít khi mời “đại trà” như bây giờ. Quà mừng hỷ cũng không nặng nề, cốt là cái tình; ví như người dự cưới có thể tặng xoong, nồi, bát, chén… Nếu mừng bằng tiền thì cũng tuỳ hỷ chứ chả có quy định “giá sàn” là bao nhiêu(!). Tiền mừng cưới được bỏ trong phong bì giấy màu đỏ, hay gói trong vải điều… Đám cưới ngày xưa vui và đầm ấm mang nét truyền thống văn hoá người Việt…

Buồn - vui chuyện cưới bây giờ

Như đã nói trên, những lễ nghi trong việc cưới ngày nay không còn rườm rà mà đã thu gọn lại. Các phần lễ mang nét truyền thống của người Việt: cúng gia tiên, ra mắt hai họ, đôi trẻ nhận quà mừng hỷ và chúc phúc của ông bà, chú bác, cô dì… được tổ chức tại gia (trước hoặc sau lễ đưa dâu về nhà chồng). Điều muốn nói chính là những chuyện rườm rà, phiền toái không đáng có diễn ra ở tiệc cưới và dành cho khách dự tiệc!

Những năm gần đây, nhiều người rất “sợ” khi nhận thiệp cưới; nhất là vào “mùa cưới”, khủng hoảng cho những ai nếu trong một ngày nhận từ 3, 4 tấm thiệp có chữ “song hỷ” trở lên ! Nếu đang là công chức thì coi như đi tong… tháng lương, còn như người lao động phổ thông, nông dân… thật đau đầu! Đành rằng ở đời “lúc mình, lúc người”, coi như “trả nợ… miệng”; Song thật oái oăm, có những đám cưới mà người được mời chả hề biết tên cô dâu lẫn chú rể, hay chả có quan hệ gì với cha, mẹ của đôi uyên ương này(!). Tìm hiểu về “trào lưu” này thì ra, các cặp vợ chồng trẻ ngày nay chịu quá nhiều áp lực: tâm lý sĩ diện, áp lực gia đình, áp lực xã hội chạy theo một nếp cưới đã ăn sâu vào lối sống hiện đại. Các cô dâu, chú rể không còn được cưới cho riêng mình nữa mà phải cưới cho cả gia đình, họ hàng… Do vậy, dù gia đình khá giả hay nghèo khó cứ đua nhau đưa đến các nhà hàng sang trọng, thuê mướn dịch vụ cưới tổ chức thật hoành tráng. Và, thiệt thòi nhất thuộc về người “bị” mời dự tiệc cưới!

Dân gian có câu "Phú quý sinh lễ nghĩa", nhưng ngày nay phải nói lại: "Sĩ diện sinh thực dụng"! Tiệc cưới tổ chức ở nhà hàng chả lẽ rước dâu bằng… xe đạp? Lèo tèo vài vị khách là bà con ruột rà và vài người bạn thật sự thân thiết thôi sao? Phải mời thật đông khách mới sum tụ. Vậy là, toàn bộ cơ quan, lối xóm và những ai thân thiết dĩ nhiên mời; ai chỉ biết sơ sơ, ai chỉ quen với cha mẹ, gia đình… Mời tuốt! Tâm lý người nhận thiệp mời không đi dự thì thấy áy náy và nếu không đi cũng phải gởi quà, nên đường nào cũng không… thoát!

Khi đến dự tiệc cưới tại các nhà hàng, khách mời thêm một lần nữa bực mình, khó chịu. Dù muốn hay không, quý khách cứ phải ngồi… chờ! Bởi những nghi lễ rườm rà pha tạp Tây, Tàu do dịch vụ thuê mướn nhà hàng đã hợp đồng trước với gia chủ. Đó là những màn “tra tấn” múa hát cũ mèm; rồi cảnh rước kiệu đưa cô dâu, chú rể và thân phụ, thân mẫu hai bên tiến vào hôn trường kèm theo màn xịt kim tuyến choàng lên đầu, lên tóc quan khách. Khi yên vị trên sân khấu, hàng loạt các tiết mục: lời giới thiệu inh tai, nhức óc của MC; cảnh cô dâu, chú rể mời rượu cha mẹ hai bên (kèm theo những câu hát “công đức sinh thành…”); cô dâu, chú rể đổ rượu vào tháp Sampanh; uống rượu giao bôi v.v… Chờ cho xong những tiết mục này diễn xong, khách đói rã ruột! Trong thiệp mời thường ghi thời gian dự tiệc 11h30 (buổi trưa) nhưng tới gần 13 giờ chiều mới được khai tiệc. Và, khi cô dâu vừa thay “xiêm y” bước ra, tiệc đã tàn, khách mời ngao ngán ra về…!

Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, mọi thứ được xem là cũ kỹ, rườm rà, hình thức mà lại nặng nề, tốn kém không cần thiết phải xoá bỏ. Việc tổ chức tiệc cưới sao cho đầm ấm, gọn nhẹ, văn minh, phù hợp với thu nhập của từng gia đình, của cô dâu, chú rể sao không chú trọng. Sao cứ phải đua đòi, chạy theo xu hướng thương mại hoá  việc cưới gây hệ luỵ cho nhiều người? Nếu quan sát các “cảnh diễn” của một lễ cưới pha tạp đủ kiểu: Ta - Tây - Tàu không giống ai! (Nếu bảo là “văn hoá” không biết có đúng không). Đã đến lúc ngành quản lý về văn hoá phải “vào cuộc”; cần có hướng dẫn và vận động nhân dân tích cực hưởng ứng “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới…” mới xứng đáng là con người văn minh trong một xã hội văn minh!  

THANH  DƯƠNG HỒNG