Cuộc sống tín ngưỡng trong tranh làng Sình

09:02, 06/02/2013

Trên nước ta hiện nay, ngoài tranh Đông Hồ được khắc in từ mộc bản, thì tại làng Sình tỉnh Thừa Thiên Huế, những nghệ nhân nơi đây đã và đang ngày ngày giữ gìn một nghề in tranh từ mộc bản mang đậm bản sắc tín ngưỡng dân gian, nhưng không thể thiếu đối với những người dân đất cố Đô từ bao đời nay.

Trên nước ta hiện nay, ngoài tranh Đông Hồ được khắc in từ mộc bản, thì tại làng Sình tỉnh Thừa Thiên Huế, những nghệ nhân nơi đây đã và đang ngày ngày giữ gìn một nghề in tranh từ mộc bản mang đậm bản sắc tín ngưỡng dân gian, nhưng không thể thiếu đối với những người dân đất cố Đô từ bao đời nay.

Tín ngưỡng và sinh hoạt của dân gian đã đóng một vai trò to lớn, gần gũi và quen thuộc với phong tục người Huế nói riêng và cả dân tộc nói chung. Từ đó đã nảy sinh hình thành những làng tranh mang những đặc điểm tiêu biểu cho loại hình dân gian của mỗi vùng quê khác nhau. Tranh làng Sình mang một tín ngưỡng dân dã, nhưng thông qua chất liệu, màu sắc, chủ đề, đường nét, bố cục, tranh làng Sình đã tạo nên một nét đặc thù, không chỉ trong khía cạnh thẩm mỹ, mà nội dung tranh còn biểu lộ một thái độ, một quan niệm, một nếp sinh hoạt con người ở đây trước thiên nhiên, xã hội, lịch sử văn hóa của quê hương mình.

Huế, mảnh đất của rất nhiều những tín ngưỡng văn hóa dân gian như lễ thờ cúng tổ tiên; lễ kỵ giỗ; lễ cúng “bất đắc kỳ tử”; lễ tảo mộ; lễ cúng gia tiên theo sóc vọng lễ tiết; lễ trai điếu bạt độ; thờ thần cửa ngõ; lễ cúng tiên sư;… Chính vì đặc điểm này mà tranh làng Sình có cơ sở để phát triển lâu dài. Nghề tranh hình thành từ khi lỵ sở của Huế còn ở Hóa thành, nghề tranh phát đạt không lâu sau đó. Tranh làng Sình hay làng Lại Ân là một loại tranh in rời từng tờ một bằng khuôn khổ gỗ thị, mít, kền để tạo đường nét. Sau khi in xong người ta tô lại bằng những gam màu được chế từ vỏ sò điệp, màu lá, tro, gạch…

Tranh làng Sình hoàn toàn là tranh cúng lễ, phục vụ tín ngưỡng dân gian. Cho nên, đề tài và hình tượng đều tuân thủ tín ngưỡng cầu cúng tại Huế. Bộ tranh cúng thần bảo hộ nhà cửa đầu năm gồm những hình ảnh vẽ tượng trưng 3 vị Thổ công; Tiên sư; Táo quân. Tranh cúng thế mạng trong lễ nhượng sao giải hạn đầu năm hay lễ chuộc mạng trong lễ cúng thành gồm tranh đàn ông uy nghi trong áo dài, khăn đóng, tranh đàn bà yểu điệu với khăn bịt, áo dài, tranh em gái hồn nhiên cầm cành hoa, tranh bé trai cầm cây bút và hai ông điệu…

Có lẽ phong phú nhất cho những bộ tranh cúng này là tranh cúng lễ thành của phụ nữ, gồm có các bức Vua Thủy phù, Mẫu thủy cung, Ngũ vị long cung hoàng tử. Tam vị phạm tính, các tờ tranh lốt rồng rắn…

Ngoài những bộ tranh nói lên phong tục tín ngưỡng của người dân xứ Huế ra, thì tranh làng Sình cũng đề cập đến những nét văn hóa cộng đồng, gia đình, những con vật gần gũi với người dân như trâu, bò, lợn…

Cũng như những người dân ở những vùng quê khác, người làng Sình bên cạnh những sinh hoạt lễ nghi, phong tục như bao làng xã nông nghiệp khác, cũng cúng Thành Hoàng với ngài khai canh. Hàng năm xuân thu nhị kỳ còn có lễ cầu an, cầu siêu, chạp mộ cho những người vô tự…

Nằm trong lòng mảnh đất đậm đà tín ngưỡng dân gian như Huế, tranh làng Sình đã đáp ứng yêu cầu đơn giản và trực tiếp của tập thờ cúng. Hầu hết tranh thờ cúng đều tiêu hóa, chỉ trừ một vài tờ tranh Bà, tranh Ông, tranh bếp cuối năm mới đốt để tống tiễn qua năm mới. Chính điều đó đã ổn định tình hình sản xuất cho làng. Tranh làng Sình chẳng phải tranh treo chơi để làm đẹp nhà cửa thưởng thức mà là tranh thờ cúng, mỗi bức tranh chuyên chở cả niềm kính cẩn, nỗi sợ hãi của người dâng cúng, như gửi về một cõi thiêng mơ màng, nơi ấy có các vị thần sẽ lắng nghe được những tấm lòng, niềm mong ngóng khắc khoải về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy vậy, cũng đã gây nên những thói quen mà không gây được những cảm hứng sáng tạo trong mỗi bức tranh cũng như những ý tưởng đơn thuần của sáng tạo nghệ thuật.

Những gam màu thể hiện trên tranh làng Sình tùy thuộc vào những bức tranh cụ thể như những màu sau đây đã được các nghệ nhân làm chất liệu chủ yếu như màu trắng, màu xanh dương, màu vàng, màu đỏ, màu đơn, màu lục, màu tím, màu xanh chàm, màu xám, màu đen. Tất cả những màu trên đều được trộn với hồ điệp để tạo nên màu chủ đạo cho từng bức tranh.

Ngày nay, với những nhu cầu của thời đại, tranh làng Sình có thể phát triển thêm về thể loại tranh trang trí, kết hợp với tranh thờ cúng. Điều ấy có lẽ không nằm ngoài mong muốn của các nghệ nhân. Bởi những gam màu trang trí, những chất liệu, đường nét, hoa văn tranh làng Sình cũng không kém tranh Đông Hồ. Nhưng ý tưởng đó vẫn còn ở tương lai khi mà ngày ngày tranh làng Sình và những nghệ nhân vẫn phải lấy nghiệp nuôi thân, cũng như đang cố gắng gìn giữ những sáng tác quen thuộc của tín ngưỡng dân gian của người Huế. Rời làng Sình (Lại Ân), chúng tôi đều có một mong muốn rằng nét văn hóa tín ngưỡng dân gian xứ Huế sẽ mãi mãi còn đó, cũng như những bộ tranh thờ cúng của làng sẽ ngày càng phong phú nhưng vẫn giữ được những nét tinh tế của một làng nghề truyền thống.

NGUYỄN HUY KHUYẾN