Mang tên thủ trưởng buộc chân con gà…

10:02, 06/02/2013

Nhớ những năm 1980-1990, kinh tế khó khăn quá. Tại cơ quan các tổng cục, nhà trường quân đội, việc bảo đảm hàng tết diễn ra rất “điển hình bao cấp”. Một trăm phần trăm là hiện vật. Thường thì, sau giỗ ông Táo là bắt đầu cấp hàng tết...

Nhớ những năm 1980-1990, kinh tế khó khăn quá. Tại cơ quan các tổng cục, nhà trường quân đội, việc bảo đảm hàng tết diễn ra rất “điển hình bao cấp”. Một trăm phần trăm là hiện vật. Thường thì, sau giỗ ông Táo là bắt đầu cấp hàng tết... Không phải vì nhiều hàng hoá nên phải làm sớm như thế. Mà ngược lại, là do khan hiếm quá xá; “thượng vàng, hạ cám” đều phải chia bôi… Có bao nhiêu mặt hàng (bích quy, thịt, bánh chưng, gà công nghiệp, dầu hoả, đường, mì chính…) thì có bấy nhiêu sự phân phối.

Hàng tết hồi đó không bao giờ chỉ cấp một lần là xong. Cứ phải là nay một thứ, mai một thứ. Giờ một thứ, chốc lại một thứ. Nhân viên quân nhu cầm sổ hướng dẫn việc cấp hàng đến từng bộ phận để thông báo. Cũng có khi loan báo qua loa truyền thanh. Không ai là không thấp thỏm, bồn chồn. Phương thức phân phối là nhận trên, cấp dưới. Nhận cho cả phòng ở cơ quan bảo đảm, về lại chia cho từng người. Tuỳ theo lượng vật phẩm mà cắt cử người đi nhận. Ít thì một, hai người, tay xách nách mang. Nhiều thì dùng xe ba gác hoặc xe đạp để chở hàng về. Nhà ăn là nơi chủ yếu để cấp hàng tết, thường xuyên nhộn nhịp. Đương nhiên, phòng làm việc vắng vẻ hơn.

Những ngày chờ xe tuyến về quê ăn tết là những ngày tuyệt vời. Giấc ngủ cũng không yên vì phải canh chừng chuột, mèo cắp mất thịt. Khó khăn nhất là phải chăm sóc con gà công nghiệp mới được phân phối. Vì thức ăn, đồ uống, chỗ ở cho nó không giống như đối với gà ta. Nuôi không khéo, gà xơ lông, sút cân từng giờ! Gói buộc hàng tết là một trong những việc thích thú nhất trần đời! Hình như lúc nào cũng thích mở mở, gói gói! Nâng niu tất cả. Người có thể sa sút, quyết không để hàng thất thoát, hư hỏng. Hàng thất thoát, hư hỏng, đố mà mua sắm lại được; cũng tức là đồng nghĩa với vợ con không có tết! Hồi ấy, cái can nhựa dân dụng mỏng lắm, mà lại giòn. Tay bóp hơi mạnh một chút cũng có thể nát chiếc can như chơi. Có trường hợp lúc bước lên xe tuyến, tay xách can dầu hoả, hấp tấp va vào cửa xe, can vỡ đôi… Cả xe ngao ngán chia buồn!

Ngày hai tám tết, xe tuyến chạy về từng miền quê, tưởng như mùa xuân hiển hiện ngay từ lúc đó… Xuống xe, sắp xếp đồ thứ vào ba lô cóc, chằng buộc cẩn thận, đưa tất cả lên sau lưng, dáng người hơi đổ về phía trước, hùng dũng bước đi, hồi hộp xen lẫn hãnh diện - thứ cảm giác mỗi năm chỉ xuất hiện một lần đúng vào thời điểm tương tự…

Có một chàng sĩ quan yêu thơ, lại hóm hỉnh, mừng xuân mới, hồi tưởng cảnh chuẩn bị Tết nhất, đã vẽ nên bức tranh bằng thơ như sau:

“Xuân về ai cũng hân hoan
 Người người tấp nập nhận hàng đó đây
Ít - thì lủng lẳng cầm tay
Nhiều - thì báo “sếp” điều ngay xe thồ.
Nhà ăn chen chúc, nhấp nhô
Còn phòng làm việc “như Chùa bà Đanh”.
Nối nhau xe đạp chạy quanh
Bánh chưng, thịt mỡ… nhận nhanh, chia phần...
Xếp hàng thứ tự chờ cân
Đem tên thủ trưởng buộc chân con gà!
Có can dầu xách về nhà
Nhựa thì lão hoá, vỡ ra mặt đường.
Đêm nằm gõ gậy chân giường
Thịt treo, chuột gặm… coi thường sĩ quan!
Gió nồm là gió nồm nam
Giò không tủ lạnh, biết làm sao đây?
Chờ mong xe tuyến từng ngày
Con gà công nghiệp đã gầy nửa phân!
Bạn rủ ra chợ hoa xuân
Còn lo gói, buộc… tần ngần chẳng ra.
Ngày mai hướng tới quê nhà
Dẫu rằng khó nhọc, “lạc đà” vẫn vui!”

Các câu thơ phần nào đã mô phỏng cảnh tết được nêu ở nửa đầu bài viết này. Tuy nhiên có 2 câu cần phải giải nghĩa thêm để bạn đọc 8X, 9X không hiểu sai ý tứ: “Xếp hàng thứ tự chờ cân/ Đem tên thủ trưởng buộc chân con gà”. Ấy là cảnh nhân viên nhận gà tết cho các thủ trưởng. Cân gà cho thủ trưởng nào xong thì người nhận lấy miếng bìa các-tông nhỏ bằng mặt bao diêm, viết tên của thủ trưởng vào đấy, rồi luồn dây buộc vào chân gà để khỏi lẫn lộn.

Tết thế mà vui ghê. Không thể nào quên được. Trộm nghĩ, tết nay thì vật chất chẳng thiếu thứ gì. Có nhà còn phởn đến độ chơi cây hoa cỡ tiền trăm bạc tỷ, sau tết đưa lên xe rác… nhưng đố mà tìm thấy được cái sự sung sướng, mãn nguyện: “Ngày mai hướng tới quê nhà / Dẫu rằng khó nhọc, lạc đà vẫn vui” hồi ấy!

PHẠM XƯỞNG