Mặt trời hồng và nhành mai từ một bài thơ của Bác

04:02, 15/02/2013

Trong thơ ca Phương Đông, hình ảnh một mặt trời, hình ảnh một nhành mai xuất hiện thật nhiều. Có khi đó là sự thể hiện nét hài hoà tuyệt mỹ giữa ý chí và tâm hồn. Có khi là một hình ảnh tu từ ẩn dụ…

Trong thơ ca Phương Đông, hình ảnh một mặt trời, hình ảnh một nhành mai xuất hiện thật nhiều. Có khi đó là sự thể hiện nét hài hoà tuyệt mỹ giữa ý chí và tâm hồn. Có khi là một hình ảnh tu từ ẩn dụ, ẩn đi sự vật so sánh để nổi lên hình ảnh so sánh. Cũng có thể là sự nhớ tiếc một quá khứ, một thời hoàng kim đã lùi vào dĩ vãng. Trong thơ Bác, hình ảnh mặt trời xuất hiện nhiều lần mà không lặp lại. Đó là những khoảnh khắc tươi sáng của một vầng dương rực rỡ.

Hoa xuân. Ảnh: BN
Hoa xuân. Ảnh: BN


Một vầng dương xuất hiện nơi đầu núi:

Đầu non sớm sớm vầng dương mọc
Khắp núi nơi nơi rực ánh hồng
(Cảnh buổi sớm)

Một vầng dương xuất hiện ngay trong lao tù tăm tối:

Trong ngục giờ đây còn tối mịt
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi
(Buổi sớm)

Cũng có khi một vầng dương xuất hiện trên đường giải lao, vào thời điểm nhất thứ kê đề, dạ vi lan (gà gáy một lần, đêm chưa tàn):

Phương đông bạch sắc dĩ thành hồng
(phương đông màu trắng chuyển sang hồng).

Hoài Thanh cho rằng: Trong cái màu hồng ấy, có màu hồng của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, có màu hồng của lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam vừa mới xuất hiện thời bấy giờ.

Nhưng có lẽ, vầng dương xuất hiện đầu tiên trong thơ Bác là hình ảnh mặt trời trong Thượng sơn, một bài thơ mở đầu cho đề tài lên núi, một đề tài nổi bật trong thơ Người. Bài thơ sáng tác tại Cao Bằng, năm 1942:

Lục nguyệt nhị thập tứ
Thượng đáo thử sơn lai
Cử đầu hồng nhật cận
Đối ngạn nhất chi mai
(Hai mươi tư tháng sáu
Lên ngọn núi này chơi
Ngẩng đầu mặt trời đỏ ở gần
Bên suối một nhành mai).

Chỉ với bốn câu, 20 chữ. Hai câu đầu chưa phải là thơ. Đó mới chỉ là lời tự sự bình thường, một lời kể thật tự nhiên, giản dị: Hai mươi tư tháng sáu, lên ngọn núi này chơi. Âm hưởng nhẹ nhàng như phong thái ung dung, tự tại, luôn làm chủ được mọi hoàn cảnh của Người. Câu thơ thông báo thời điểm diễn ra hoạt động (lên núi), và rất tự nhiên, hoạt động ấy gợi ra những bậc đá cheo leo, in dấu chân người lên núi, đó là con đường hiểm trở, rậm rập, chông chênh, dẫn ta đến câu thơ tiếp theo:

Cử đầu hồng nhật cận
(ngẩng đầu mặt trời đỏ ở gần)

Câu thơ 5 chữ, gửi một thông điệp ngắn, một thông báo nhanh: người lên núi đã hiện hữu giữa vũ trụ bao la. Một sự kiện tưởng mới xuất hiện: sau thời gian vượt qua chặng hành lộ nan, ngẩng đầu lên, chợt tiếp cận với mặt trời! Cả vũ trụ huy hoàng hiện ra, mặt trời gần đến mức có thể chạm vào được. Phút giây bất ngờ không chỉ thể hiện cảm xúc mạnh trước thiên cảnh mà còn là quy luật muôn đời của cuộc sống: hào quang rực rỡ thường chờ đợi ta sau một lộ trình thử thách, gian nan rèn luyện ắt thành công. Dẫu rằng, trong cả bài thơ, không có câu chữ nào diễn đạt nội dung này. Thượng sơn với Bác chỉ là thượng đáo thử sơn lai, nhẹ nhàng như một cuộc du ngoạn, vãn cảnh, không đặt ra vấn đề vượt qua hay chinh phục một độ cao nào đó. Nhưng thực sự, Bác đang đứng trên một độ cao vừa được Người chiếm lĩnh.

Cũng viết về việc chinh phục độ cao để có tầm nhìn xa, Vương Chi Hoán, một nhà thơ Trung Quốc viết:

Dục cùng thiên lý mục
Cánh thượng nhất tằng lâu
(Muốn đưa mắt (mình) tới nơi ngàn dặm
(thì) hãy bước thêm lên một tầng lầu)

Câu thơ của Vương Chi Hoán tả cái lầu cao. Cao đến mức: chỉ cần bước thêm lên một tầng lầu nữa là thoả mắt quan sát ngàn dặm thiên lý. Từ câu thơ tả sự vật (cái lầu cao), Vương Chi Hoán đã rút ra một lẽ nhân sinh: chỗ đứng phải cao thì tầm nhìn mới xa. Bác Hồ đã kết hợp cái tứ ấy, để từ câu thơ chỉ nói về lý, chuyển sang nói về tình, mà tình lại thật trong sáng, thiên lương.

Thiên lý quan hà vô hạn cảm
Khuê nhân cánh thượng nhất tầng lâu
(Nạn hữu xuy dịch)
(Muôn dặm quan hà khôn xiết nổi
Người phụ nữ chốn phòng khuê lại bước thêm lên một tầng lầu)

Cái uyên bác của Người thể hiện cả ở cái tính, sự tỉ mỉ, óc quan sát và tâm hồn biết lắng nghe để thấu hiểu. Trở lại Thượng sơn để thấy: Bác không truyền thống hoá phong cảnh nhưng lại gợi một bức tranh phong cảnh phương Đông rõ nét. Đứng ở trên cao, cả vũ trụ bao la trong tầm mắt. Người không thể vì thế mà dễ choáng ngợp, chói loà trong ánh hào quang rực rỡ. Ánh mắt Người vẫn dừng lại để khám phá cuộc sống, để quan sát, phát hiện và trân trọng một vẻ đẹp tiềm ẩn trong một nhành mai bé nhỏ bên suối:

Đối ngạn nhất chi mai
(bên suối một nhành mai)

Trường liên tưởng chuyển đổi đột ngột. Giữa huy hoàng ánh sáng ở độ cao tuyệt đối, cặp mắt vui vui, hiền từ của Bác bỗng dừng lại ở một nhành mai bên suối bằng một tâm hồn nhạy cảm. Câu thơ như một tiếng reo, một phát hiện thú vị: đối ngạn nhất chi mai (bên suối một nhành mai).

Nhành mai bên suối - một thân thảo hoa, mỏng manh bé nhỏ, kín đáo và lặng lẽ ẩn mình giữa lá hoa và cỏ sắc - đối diện với nó là mặt trời - một tạo vật của vũ trụ, khối cầu lửa mang tầm vóc vĩ đại, chói loà - trong một cảnh tương ngộ. Nhưng nhành mai sinh ra bởi mặt trời, và mặt trời đem lại nguồn sống cho nhành mai. Hai sự vật tưởng chừng như đối lập: một ở trên cao vô cùng/ một ở dưới thấp vô hạn; một cực đại, rộng lớn/ một cực tiểu, nhỏ bé; một rạng rỡ, huy hoàng/ một kín đáo, lặng lẽ… mà đối sánh nhau trong bức tranh giữa hai bờ không gian hư thực theo trục dọc, tạo sự cân đối hài hoà về màu sắc, đường nét, như hai mặt của một vấn đề về triết lý nhân sinh.

Nhành mai bên suối tươi mát, làm dịu đi màu hồng rực lửa của mặt trời trên đỉnh núi. Không chỉ đối sánh, đây còn là sự song hành mà đối xứng về tính chất: mặt trời là nguồn sáng vô cùng của vũ trụ/ nhành mai là nguồn sáng biểu trưng cho một cốt cách thanh cao, một khí tiết cứng cỏi, một vẻ đẹp bản chất, đích thực. Mãn Giác Thiền Sư viết: mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua - sân trước - một nhành mai ). Một nhành mai sân trước cũng khiến cho sự liên tưởng đến tâm thế của đấng đứng một mình giữa trời đất… Đạo bàn vô nhân sắc, nhưng ta thì có thể thấy được nhất chi mai kia là vật của đất trời, độc lập, hồn nhiên như hữu sự mà như vô sự… là hiển nhiên của sinh diệt mà cũng là bất diệt. Nhưng trong chỗ diệt diệt sinh sinh ấy có một thứ vượt ra ngoài sinh tử, và một lúc bỗng nhận ra được nhành mai trước sân, tức là đang sống, đang vui đùa với ông Phật vĩnh cửu của chính mình. Nhà thơ Cao Bá Quát cũng thể hiện một thái độ đáng trân trọng: nhất sinh đê thủ bái mai hoa (một đời chỉ cúi đầu bái hoa mai).

Nhành mai bên suối, đó là vẻ đẹp mang một giá trị nền tảng, làm nên bản sắc văn hoá cho bức tranh Thượng sơn. Trong tín ngưỡng, người phương Đông vẫn xem bộ tứ quý quân tử tùng cúc trúc mai thanh cao, tao nhã, được xem như biểu tượng tinh thần đáng giá của cuộc sống, một nhu cầu tinh thần thuần khiết của những người hiểu rõ chân giá trị cuộc sống, biết sống đẹp, biết đưa cái hữu hạn của đất trời đồng hành cùng lẽ nhân sinh.

Như vậy, nghĩa biểu hiện của hình ảnh mặt trời hồng, hình ảnh một nhành mai bên suối không còn giữ nguyên nét nghĩa ban đầu của nó. Tính biểu tượng của các hình ảnh này đã làm nên vấn đề “ý tại ngôn ngoại” cho Thượng sơn. Hai câu kết phác hoạ thành công cái hùng vĩ của non xanh, suối biếc, cái êm đềm của bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Và tâm điểm của bức tranh tuyệt mĩ ấy là nhà thơ - chiến sĩ.

Và, quả thật, Bác đã là “mặt trời người kín đáo cạnh nhành mai”.

Thượng sơn mang âm hưởng Đường thi với những nét chấm phá của hội hoạ phương Đông. Bài thơ có cái súc tích, khoáng đạt, hùng vĩ nhưng cũng ánh lên chất thép của một hồn thơ cách mạng. Ta biết, những năm tháng này, cách mạng Việt Nam đang ở trong tình thế đối đầu bởi hoạ phát xít, niềm lạc quan và khí tiết cứng cỏi của người cách mạng giữa phong ba bão táp ấy như truyền vào cảnh vật để cháy lên một mặt trời hồng: rực sáng mà vẫn dịu hiền, kín đáo như nhành mai bên suối.

Bài thơ ngắn. Nội dung chủ yếu trong mười từ của hai câu thơ ngũ ngôn kết bài, nhưng lại mở ra cả một ý thơ rộng lớn, tình thơ sâu sắc, có sức hấp dẫn, lan toả. Bài thơ là sự hài hoà tuyệt đẹp giữa lý tưởng và tâm hồn, tiêu biểu cho bút pháp tả thực mà trữ tình, cổ điển mà hiện đại.

NGUYỄN VĂN THANH