Một đêm tình yêu “đắng”

03:02, 17/02/2013

Chương trình ca nhạc “Đêm tình yêu nồng nàn” diễn ra tại Đà Lạt trong đêm tình nhân 14.2 đã trở thành một đêm tình yêu đầy “vị đắng” bởi cách tổ chức thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng khán giả và nghệ sỹ của Công ty cổ phần Truyền thông Cốt Lõi.

Chương trình ca nhạc “Đêm tình yêu nồng nàn” diễn ra tại Đà Lạt trong đêm tình nhân 14.2 đã trở thành một đêm tình yêu đầy “vị đắng” bởi cách tổ chức thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng khán giả và nghệ sỹ của Công ty cổ phần Truyền thông Cốt Lõi.

“Đêm tình yêu nồng nàn” dự kiến diễn ra đúng vào đêm lễ tình nhân 14.2 và được quảng bá với rất nhiều tên tuổi nghệ sỹ có tiếng như: ca sỹ Mỹ Linh, ca sỹ Nguyễn Hưng cũng như những giọng hát vừa tạo được nhiều sức hút qua chương trình “Giọng hát Việt”. Tuy nhiên, khi diễn ra, chương trình được quảng bá hoành tráng ấy chỉ có một giọng hát duy nhất của ca sỹ Nguyễn Hưng. Sau tiếng hát này, người dẫn chương trình ra sân khấu chào tạm biệt khán giả. Nỗi phẫn uất, bực bội vì bị lừa và cách hành xử thiếu tôn trọng khán giả của Ban tổ chức đã để lại một không khí khó diễn tả trong một đêm tình yêu đã được chờ đợi sẽ thi vị và lãng mạn!
 

Ca sỹ Nguyễn Hưng - ca sỹ duy nhất biểu diễn trong chương trình
Ca sỹ Nguyễn Hưng - ca sỹ duy nhất biểu diễn trong chương trình

Chiều 29 Tết, phóng viên của báo chí địa phương và cơ quan thường trú tại Lâm Đồng nhận được lời mời tham dự buổi họp báo về chương trình này khi thời điểm diễn ra chương trình chỉ còn 5 ngày. Lý do tổ chức họp báo muộn được đại diện đơn vị tổ chức là Công ty cổ phần Truyền thông Cốt Lõi đưa ra là quá trình xin giấy phép diễn ra dài hơn dự kiến. Ở thời điểm ấy, các báo đều đã ra báo số Tất niên và chương trình lại diễn ra trước khi số báo Tân niên khởi động nên giới truyền thông không thể thông tin về sự kiện này trên các trang báo in.

Ông Lê Thanh Quý, đại diện Công ty cổ phần Truyền thông Cốt Lõi cho biết chương trình chủ yếu nhắm vào du khách và để quảng bá cho chương trình trong tình thế ấy, các poster quảng cáo được gửi đến tận các trạm thu phí để giới thiệu với du khách di chuyển bằng xe khách. Đồng thời, vé cũng được phân phối giới thiệu ở các khách sạn, nhà nghỉ. Sân khấu được thiết kế hoành tráng với dàn âm thanh, ánh sáng và cả ghế ngồi cũng được vận chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt. Sức chứa của khuôn viên ngoài trời dự kiến có lượng người tham dự khoảng từ 3.000 đến 4.000 người. Giá vé được ấn định lúc đầu là 600 vé mệnh giá 1,5 triệu đồng; 600 vé giá 1,2 triệu đồng; 800 vé giá 800 ngàn đồng, 800 vé mệnh giá 500 ngàn đồng; 1.200 vé dạng phổ thông mệnh giá 300 ngàn đồng, còn lại là một lượng vé mời. Đêm 13.2, có mặt tại sân khấu Trường Cao đẳng Sư phạm, chúng tôi vẫn ghi nhận một không khí tập luyện rất sôi động để chuẩn bị cho đêm diễn. Lượng vé bán được đến lúc đó cũng chỉ là vài chục vé và Ban tổ chức quyết định giảm giá vé để kích cầu, chờ đợi tình hình khả quan hơn vào ngày hôm sau.

Tuy nhiên, đến đêm 14.2, một số khách đến điểm biểu diễn giật mình trước lượng người quá thưa thớt, bãi giữ xe vắng lặng. Anh N.T, một khách mời đi cùng vợ đến điểm diễn cho hay không biết mình có đi nhầm chỗ không vì không gian quá vắng. Giờ diễn được thông báo là 19h30 nhưng suốt từ khung giờ ấy đến 21h30, khán giả cứ liên tục phải nghe các màn trình diễn nhạc nền, xen kẽ là kéo violon, saxophone và biểu diễn trống nước. Từ trong khán đài, Ban tổ chức cáo lỗi vì lý do kỹ thuật. Đến gần 22h, ca sỹ Nguyễn Hưng bước ra sân khấu, anh trình diễn một loạt các ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả trong đêm đầy sương. Bản thân ca sỹ Nguyễn Hưng cũng không thể biểu diễn các động tác vũ đạo vốn là thế mạnh của anh vì sân khấu đầy nước, anh liên tục nhờ Ban tổ chức can thiệp để có sân khấu khô ráo hơn khi biểu diễn, thật lâu sau anh mới nhận được sự hỗ trợ mang tính đối phó. Cuối cùng, Nguyễn Hưng xuống dưới sân khấu, vừa gần hơn với khán giả và có lẽ cũng an toàn hơn khi thể hiện động tác. Sau phần trình diễn này, người dẫn chương trình ra chào tạm biệt, sân khấu vụt tắt, không một lời giải thích lẫn xin lỗi các khán giả đang ngồi dưới khán đài.

Liên hệ ngay sau đêm diễn với bà Hồng Loan, đại diện Trung tâm dịch vụ lữ hành Hai Mùa, đơn vị cộng tác cùng Công ty Cốt Lõi, bà Loan cho biết Hai Mùa chỉ nhận đảm trách về truyền thông, cho Cốt Lõi thuê địa điểm để bán vé và bà Hồng Loan với quá trình hoạt động du lịch lâu năm tại Đà Lạt chỉ muốn có một chương trình thực sự chuyên nghiệp được tổ chức tại địa phương, cuối cùng công ty cũng là nạn nhân của chương trình này. Thực sự, các ca sỹ đã ra đến sân khấu trong đêm 14.2 nhưng vì tình hình khán giả quá vắng, các ca sỹ buộc Ban tổ chức phải trả thù lao trước khi diễn. Quá trình thương lượng không thành, các ca sỹ đồng loạt không ra sân khấu, chỉ có nghệ sỹ Nguyễn Hưng quyết định ra biểu diễn vì nghệ thuật, anh không tính đến thù lao.

Sau đêm diễn, khán giả lững thững ra về với nỗi bực tức vì đã dành thời gian, tiền bạc cho một đêm nhạc không đúng quảng cáo mà không có một lời xin lỗi. Sự cố này thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, buông xuôi của Ban tổ chức. Dư vị một “Đêm tình yêu nồng nàn” của các cặp tình nhân đã bị sự thiếu chuyên nghiệp ấy tước đoạt, thay vì “nồng nàn” đã trở nên thật “đắng”! Chiều 15.2, Thanh tra Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã lập biên bản đối với Công ty cổ phần Truyền thông Cốt Lõi do hành vi thực hiện không đúng những nội dung đã đăng ký trong biểu diễn.

Hải Yến