Mùa xuân, người Tày và cây đàn tính

09:02, 06/02/2013

Đến làng Tày ở thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm vào những ngày đầu xuân, ngoài việc được thưởng thức các món ngon, như: bánh khảo, bánh chưng, thịt gà trống thiến và rượu ngô, tôi còn được nghe Tính tẩu (đàn Tính) cùng những làn điệu Then tha thiết, ngọt ngào.

Bà Kim và cây đàn Tính
Bà Kim và cây đàn Tính

Đến làng Tày ở thôn 12, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm vào những ngày đầu xuân, ngoài việc được thưởng thức các món ngon, như: bánh khảo, bánh chưng, thịt gà trống thiến và rượu ngô, tôi còn được nghe Tính tẩu (đàn Tính) cùng những làn điệu Then tha thiết, ngọt ngào.

Hơn 160 gia đình người Tày Cao Bằng tại Lộc Ngãi vẫn còn gìn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, bà con người Tày lại quây quần, thăm viếng nhau. Sau lời chào, lời chúc năm mới an khang thịnh vượng, là mừng nhau ly “thắng cố” và thể nào cũng nâng cây đàn Tính để hát Then. Đàn Tính là loại nhạc cụ có mặt hầu như trong tất cả các buổi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Tày. Bầu đàn được làm từ vỏ quả bầu khô, cán đàn bằng gỗ, dây đàn bằng tơ. Mỗi cây đàn tính thường có từ 2 đến 3 dây. Bao đời nay, hồn người Tày luôn gửi trong cây đàn Tính. Và, cây đàn Tính là chỗ dựa tinh thần cho cả bản Tày.

Nâng cây đàn Tính, bà Lục Thị Kim lời rằng: “Hôm nay gặp bạn đường xa/ Cũng như ong bướm gặp hoa giữa đường/ Kẻo rồi ngày tháng thoi đưa/ Chúng ta còn biết bao giờ gặp nhau/ Gặp nhau ta hãy chào nhau/ Phòng khi đi lại mai sau được chào”. Dẫu không điệu nghệ, không lảnh lót như những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng tôi nghe trong ấy cả một sự thẳm sâu và rưng rức nhớ nguồn cội. Bà quê ở Cao Bằng, năm 1993, cùng chồng con đi tìm cuộc sống mới tại đất Lộc Ngãi. Trong hành trang của bà luôn có cây đàn Tính.

Mà chúng chỉ chạy theo “làn sóng” nhạc trẻ rồi quên lãng đi hồn cốt của dân tộc. “Tôi thấy tiếc thì lưu giữ lại. Chứ không hy vọng bọn trẻ sẽ nhớ tới di sản của dân tộc mình” - bà chia sẻ. Cũng theo bà Lục Thị Kim, để gìn giữ và phát huy được những làn điệu Then Tày cùng cây đàn Tính, đòi hỏi cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành; bên cạnh đó, cần có những nhà chuyên môn am hiểu nghệ thuật Then, đàn Tính và cần có kế hoạch đưa xuống thôn, bản, tổ chức cho bà con những lễ hội thì mới lưu giữ được. Cái quan trọng nhất vẫn là làm sao cho người trẻ hiểu và nhận thức được vốn quý của di sản của cha ông, rồi có ý thức gìn giữ, lưu truyền. Như vậy, mới tránh được tình trạng dần mất đi bản sắc của dân tộc mình.

Bà Lục Thị Kim cho biết: “Đàn Tính dùng để đệm trong hát Then - một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của đồng bào Tày. Người Tày có nhiều làn điệu dân ca, gồm: Phong sư, phuối pác, phuối rọi, vén ẹng, lượn cọi, lượn then, lượn hà lèo, lượn nàng ới… là những lối hát giao duyên được lượn trong hội lồng tồng, trong đám cưới, mừng nhà mới hay khi có khách đến bản”. Nỗi trăn trở của bà, là lớp trẻ hiện nay không còn yêu truyền thống đàn, hát các làn điệu dân ca Tày nữa.

Còn ông Bế Đình Lân (60 tuổi) tâm sự: “Hồi còn trẻ, tôi mê Then lắm. Hễ trong bản có hội, là thể nào tôi cũng đi cho bằng được để nghe Then. Hát Then là loại hình văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày chúng tôi”. Vào Lộc Ngãi làm ăn sinh sống, nhưng ông vẫn không quên được điệu hát Then. Hát Then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của người đàn ông đã bước qua tuổi 60 này. “Bọn trẻ bây giờ đứa nào cũng lo làm kinh tế. Chẳng như chúng tôi ngày xưa, lễ hát Then nào cũng có mặt. Cứ cái đà này thì chẳng bao lâu nữa những giá trị tinh hoa của dân tộc Tày sẽ bị mai một dần” - ông xót xa nói.

Trong cái lạnh đến nao lòng của núi rừng Tây Nguyên đương độ xuân về, tôi ngồi bó gối bên hiên nhà ông Bế Đình Lân với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì có những con người luôn biết trân quý những di sản dân tộc, như ông Lân, bà Kim. Buồn vì không có người thừa kế và phát huy những di sản của dân tộc. Bà Lục Thị Kim cho biết thêm: Bà đang làm thủ tục cho cô cháu gái, người vừa tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, chuyên ngành đàn Tính, xin chuyển vào Bảo Lâm công tác. Hy vọng trong tương lai gần, tôi lại được nghe những làn điệu dân ca Tày cất lên tha thiết, gọi mời như vương, như níu chân người để cùng say với núi, cùng chung chiêng với rừng từ chính bàn tay luyến láy của người con gái Tày Cao Bằng này.

TRỊNH CHU