Cũng như đồng bào Kinh ở miền xuôi, đồng bào Nùng ở vùng cao cũng có những tục lệ cổ truyền khá độc đáo trong những ngày tết, đầu xuân. Đối với người Nùng, họ coi ngày tết là một ngày thiêng liêng nên tất cả mọi người phải được sum họp vui vầy với gia đình...
Cũng như đồng bào Kinh ở miền xuôi, đồng bào Nùng ở vùng cao cũng có những tục lệ cổ truyền khá độc đáo trong những ngày tết, đầu xuân. Đối với người Nùng, họ coi ngày tết là một ngày thiêng liêng nên tất cả mọi người phải được sum họp vui vầy với gia đình. Nếu ai đó phải xa nhà trong những ngày tết thì thật là buồn tủi. Trong những ngày tết, nhà nào cũng sửa soạn, trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ. Hai bên cửa chính được dán đôi câu đối có nội dung chúc phúc, phát tài. Phía trên cổng thì dán giấy “li xi” có nghĩa là thịnh vượng, phát đạt.
Trong ngày tết, người Nùng có một số tục lệ khá độc đáo như: Lễ “Xưởng cồng”, tục “Gánh nước hoa hồng”, ăn chay ngày đầu xuân, quét nhà xua nghèo đón giàu (tống bần nghinh phú), lễ “Lồng tồng”…
Lễ “Xưởng cồng”.
Lễ “Xưởng cồng” thường được tổ chức hàng năm vào ngày 25 tháng chạp. Đây là lễ thờ cúng tổ tiên của người Nùng nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân khai sinh ra dòng họ, cũng như để tôn sùng sự nghiệp của tổ tiên đã để lại tiếng thơm cho con cháu sau này. Ngày lễ “Xưởng cồng” được tổ chức không cầu kỳ nhưng rất trang nghiêm mang đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở mọi người trong gia đình phải nhớ tới công ơn tổ tiên để sống sao cho xứng đáng với các bậc tiền nhân. Lễ cúng đặt ở bàn thờ tổ tiên gồm có 6 bánh chưng và 3 bát gạo nếp xào chung với đường thẻ. Bánh của người Nùng được dùng trong lễ cúng “xưởng cồng” cũng như trong ngày tết là bánh chưng (tiếng Nùng gọi là chông ệt) và bánh “tài lồng ệt” (một loại bánh có dạng tròn được làm bằng bột gạo nếp với đường thẻ).
“Gánh nước hoa hồng” đêm trừ tịch.
Trong đêm trừ tịch, sau khi đã cúng giao thừa, mọi người thức đợi khoảng chừng 5 giờ sáng thì tất cả các gia đình đều cho người mang thùng lấy nước cùng với 3 cây nhang, giấy tiền, vàng đi ra sông, suối gần đó. Đứng giữa trời khấn vái tứ phương, đốt nhang, giấy tiền, vàng xong thì xuống múc đầy thùng nước rồi đi tìm bẻ mấy cành hoa, lộc bỏ vô thùng xách về nhà. Tục lệ này người Nùng gọi là “gánh nước hoa hồng”. Theo quan niệm của họ thì làm như vậy thì sẽ mang theo được sự may mắn, thịnh vượng về cho gia đình trong năm mới. Nước sau khi lấy về sẽ để riêng dùng vào việc pha trà, làm bánh cúng tổ tiên trong những ngày tết.
Chay tịnh ngày đầu xuân.
Ngày mùng một tết theo tục lệ người Nùng, mọi người trong gia đình đều phải ăn chay (tuyệt đối chay tịnh). Sau khi ăn mặc chỉnh tề thì mọi người tới vái lạy tổ tiên rồi tới chúc mừng bố mẹ tiếp đến là những người lớn tuổi trong gia đình, anh chị em. Họ chúc tụng nhau những lời chúc có nội dung, ý nghĩa tốt đẹp, làm ăn phát đạt, thịnh vượng trong năm mới.
Tống bần nghinh phú.
Ngày mồng ba tết là một ngày người Nùng kiêng cữ thận trọng nhất, trước hết nhà nào cũng quét nhà, vừa quét vừa hò hét: “Quỷ nghèo xéo đi, quỷ giàu bước vào”. Sự việc này có nghĩa như là xua đuổi sự nghèo thiếu, túng quẫn đi rước sự giàu sang, phú quý vô nhà. Đây là một tục lệ độc đáo mà không một gia đình người Nùng nào là không thực hiện để cầu mong cho mình một cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn khi mỗi độ xuân về.
Trong những ngày mồng hai, mồng bốn, mồng sáu tết, mọi người ăn mặc đẹp và chỉnh tề đi thăm bà con họ hàng, bằng hữu. Con gái thì về thăm bố mẹ đẻ, ông bà nội ngoại và phải mang theo về bánh chưng, gà và bánh “Tài lồng ệt” để làm quà biếu.
Lễ hội lồng tồng (lễ hội xuống đồng).
Đây là lễ cúng thần nông và một số vị thần được người Nùng cho là có tác động tới đời sống và hoạt động sản xuất của họ như: thiên - địa, sơn thần, thủy thần. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người người no ấm. Lễ hội lồng tồng của người Nùng thường được tổ chức vào mồng 5 tháng giêng hàng năm. Cả làng kéo nhau ra ruộng từ sáng sớm, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cúng có gà luộc, thịt heo, bánh chưng, hai đĩa xôi nhuộm phẩm màu đỏ, màu vàng tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng (mong muốn âm dương giao hòa để vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu). Sau khi tiến hành nghi lễ cúng, mọi người cùng xuống ruộng cày theo nghi thức. Sau đó cùng nhau ăn, uống rượu ngay tại ruộng, múa hát, vui chơi đến tận chiều tối.
Trong những ngày đầu xuân và trong tháng giêng đồng bào Nùng cũng ăn tết vui xuân rất tưng bừng náo nhiệt. Họ thường tổ chức hát “Hội chè”.
Thanh niên nam nữ chia làm hai phe: “Hội chè Lang” và “Hội chè Nương” hát ví von theo nhịp trống, nhịp mõ, nhịp kèn. Đây là những câu hát giao duyên tình tứ nói lên mộng ước được xe duyên chỉ thắm với người mình yêu. Thường sau những ngày hội xuân có rất nhiều cặp trai tài, gái sắc đã được nên vợ nên chồng, sống đến trăm năm hạnh phúc. Hết trung tuần tháng giêng đồng bào Nùng lại trở về với cuộc sống bình thường.
Hiện nay ở Lâm Đồng có hơn 10.000 đồng bào Tày di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào lập nghiệp cư trú chủ yếu ở các xã Phước Cát (Cát Tiên), An Nhơn, thị trấn Đạ Tẻh (Đạ Tẻh), Tân Hội (Đức Trọng), Đam Rông… Đồng bào mang theo nhiều phong tục tập quán, lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, do môi trường sống mới, sự hòa nhập với đồng bào các dân tộc khác cũng đã ảnh hưởng và dần mai một đi. Vì vậy, chính quyền địa phương đang rất quan tâm trong việc tạo điều kiện để đồng bào Nùng gìn giữ bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hương Ngàn