Niềm vui bất ngờ

02:02, 20/02/2013

Trong một lần học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình chống chế độ áp bức của nhà cầm quyền lúc bấy giờ, anh gặp Thanh Hằng, sinh viên đại học văn khoa, cô nữ sinh hăng hái, bạo dạn, nổi bật trong đám sinh viên, học sinh thời ấy, đang bị cảnh sát ngụy tấn công, đàn áp, Tường đã ra tay hào hiệp, ứng cứu, giải thoát.

Tường là cán bộ đặc tình hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn sau tết Mậu Thân. Trong một lần học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình chống chế độ áp bức của nhà cầm quyền lúc bấy giờ, anh gặp Thanh Hằng, sinh viên đại học văn khoa, cô nữ sinh hăng hái, bạo dạn, nổi bật trong đám sinh viên, học sinh thời ấy, đang bị cảnh sát ngụy tấn công, đàn áp, Tường đã ra tay hào hiệp, ứng cứu, giải thoát.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

Từ đó hai người dần dà quen nhau rồi trở nên thân thiết, gắn bó, ăn ý nhau trong các hoạt động chống kẻ thù chung. Họ thành đôi bạn không thể thiếu của nhau. Nhưng, do hoàn cảnh chiến tranh lại hoạt động khác tuyến nên xa nhau rồi mất liên lạc, mặc dù Tường cố công tìm kiếm nhưng không thành. Mãi sau ngày thống nhất đất nước và đổi mới, nhất là lần “gặp gỡ định mệnh” của anh với ông Mậu, Tường mới nhen nhóm hy vọng tìm lại dấu người xưa.

Từ khi gặp ông Mậu ở cánh đồng An Giang về, Tường như có điều gì vẫn canh cánh bên lòng, anh cứ trăn trở cho số phận con người. Anh xuất thân từ con nhà lao động, luôn sống trong cảnh túng quẫn nghèo nàn, nên anh sẵn mối đồng cảm với lớp người cùng cảnh ngộ, dù nay anh đã có một chỗ đứng trong xã hội, một công việc ổn định để làm, có cuộc sống sung túc, nhưng anh không thể quên những ngày cùng khổ mà anh và lớp người như anh đã trải qua. Hơn nữa, nếu anh tìm được Thanh Hằng, làm sống lại mối tình thời chiến đầy thơ mộng ấy thì hẳn ông Mậu sẽ là người bà con phía vợ, lẽ nào anh lại dửng dưng với ông ấy như người ngoài cuộc.

Nghĩ thế nên anh quyết tâm tìm thăm ông Mậu theo địa chỉ ông ấy đã cho anh biết. Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Đồng ruộng lại mang màu áo mới… một màu xanh mướt của lúa đang vào đòng.

Xe anh chạy qua những cánh đồng phẳng lì với những kênh rạch ngang dọc. Xa xa những cánh cò trắng đang chao lượn như vẫy gọi anh. Gió từ biển thổi vào nhè nhẹ, sóng lúa dập dờn. Một miền quê thanh bình. Anh thấy tâm hồn vui phơi phới. Xe chạy đến  ngã ba sát vườn cây sum suê, trù phú thì anh không biết nên rẽ theo lối nào. Tường dừng xe, bước xuống đường lấy thuốc ra hút và phóng tầm mắt bao quát để nhận ra con đường nào anh sẽ phải đi tiếp. Anh lục túi lấy sổ ghi chép ra xem lại địa chỉ ông Mậu. Một tốp học sinh tiểu học chạy ùa đến chiếc xe, chúng cười nói ríu rít. Anh đến gần một bé gái, chìa quyển sổ tay có ghi địa chỉ: - Cháu có biết địa chỉ này không? Cháu có biết ông tên Mậu, đấy là một ông già làm nghề mộc đang sống gần đây không?

- Dạ! Dạ! Cháu có biết ông ấy. Chú rẽ theo lối này đi chừng một khoảng nữa, chú sẽ thấy một làng mới xây. Ông Mậu đang ở trong làng ấy đấy.

Nói xong cháu gái chào anh rồi chạy theo đám bạn đang chạy nhanh phía trước. Tường chậm rãi hút thuốc và khoan thai nhả những sợi khói dài, có lúc chúng cuộn thành vòng tròn chữ o cứ lãng vãng trong không gian một lúc rồi mới tan hẳn. Ném mạnh tàn thuốc xuống vệ đường, trước khi lên xe đi tiếp, Tường nhìn đăm đăm con đường phía trước như để ước lượng độ gần xa và suy đoán: liệu cháu gái có chỉ nhầm đường cho anh không.

Xe chạy theo hướng cháu gái chỉ chừng mươi lăm phút, xe phải dừng lại ở đầu làng vì đến đây đường bắt đầu hẹp, xe ô tô không chạy được nữa. Tường bỏ ô tô, lững thững đi bộ, vừa đi vừa hỏi thăm đường. Gần đến nhà ông Mậu theo địa chỉ, qua hàng rào thưa anh phát hiện một ông già đang tắm lại có một cô gái trông chừng còn rất trẻ đang múc nước giếng dội cho ông gội đầu. Đúng là ông Mậu đây rồi, nhưng sao lại có cô gái kia? Ông ấy đã từng nói là vợ con ông bị giặc giết hết rồi mà. Khi cô gái ngẩng đầu lên thì chính đó lại là Thanh Hằng. Mà! Sao lại có chuyện này? Ông già tìm được Thanh Hằng hay Thanh Hằng tìm gặp ông già? Anh cứ đứng ngẩn người ra trước bất ngờ, một tình huống mà anh không hề dự liệu. Thì cũng là chuyện trời xui đất khiến, chuyện không hẹn mà nên. Âu cũng là số trời định. Nghĩ vậy nên anh mạnh dạn  bước đến và cất tiếng chào. Ông Mậu nhướng mắt nhìn, chưa kịp lên tiếng, Thanh Hằng đã buông tay đánh tuột dây gầu. Chiếc gầu rơi  tũm xuống đáy giếng nghe đánh ùm. Ông Mậu hốt hoảng: Ôi! Cái gầu. Trong lúc ấy Thanh Hằng đã kịp chạy ùa ra nắm lấy tay Tường. Niềm vui sướng hiện lên trên nét mặt và trong ánh mắt, nàng dắt tay anh định giới thiệu với ông Mậu.

- Chào bác! Bác còn nhớ cháu không?

- Hả! À! À! Bác nhớ ra rồi. Bác gặp cháu ở cánh đồng hôm bác đi úp nơm, nhưng ông Mậu quay nhìn xuống giếng… Tường nhanh nhẩu: Bác để đấy cháu lo. Tường gỡ tay Thanh Hằng, cởi quần áo ngoài lao xuống giếng, khuờ khoạng một lúc thì Tường túm được dây gầu và tìm cách leo lên. Ông Mậu, Thanh Hằng cũng cúi người trông chừng từng bước leo của Tường. Cuối cùng anh cũng leo lên được và chuyền dây gầu cho Thanh Hằng giữ.

- May quá, nếu không có cháu thì bác chẳng biết làm sao. Cháu thay ngay quần áo và vào nhà, vào nhà đi!

Trong lúc ông Mậu thay quần áo, Thanh Hằng đã kịp hỏi Tường. Sao anh lại biết nhà dượng em mà tìm đến đây? Anh quen biết dượng em thế mà anh cứ lặng thinh. Anh thật…

- Chuyện dài lắm, thong thả rồi anh sẽ kể cho nghe với lại anh muốn tìm hiểu kỹ trước khi báo cho má, anh Hùng và em biết.

Dù có trách Tường thì Thanh Hằng cũng chỉ trách yêu. Cuộc gặp bất ngờ này làm nàng vui sướng. Sự vui sướng lộ ra từ ánh mắt, nụ cười đến cử chỉ, đi đứng, nói năng.

Thay quần áo xong, ông Mậu ra ngồi ở chiếc chõng tre trước hiên, dùng  năm ngón tay vuốt  ngược mái tóc ra phía sau.

- Thanh Hằng! Cháu pha cho dượng ấm trà.

Hướng mắt về phía Tường ông bảo:

- Mời cháu ngồi xuống đây, uống nước.

- Ừ! Mà này, sao cháu tìm được nhà bác, cháu giỏi thật.

- Cháu cứ theo địa chỉ bác nói mà tìm. Vừa đi vừa hỏi thăm đường. Xin lỗi bác. Cháu chạy ra chỗ chiếc xe chút xíu, cháu sẽ quay lại ngay. Thanh Hằng cũng chạy theo Tường. Chỉ một loáng Tường đã khệ nệ ôm vào một túi lớn.

- Cháu có mang theo cho bác chút quà. Xin biếu bác!

- Cảm ơn cháu! Quý hóa! Quý hóa quá. Cháu để đó, ngồi xuống, uống nước. Thanh Hằng, cháu chạy ra chợ lo liệu cơm nước giúp dượng. Hôm nay cháu phải ở lại đây chơi và … và nói cho bác biết cháu và Thanh Hằng quen nhau từ lúc nào. Thật bất ngờ. Có thể, khi gặp bác ở cánh đồng về, cháu đã kể lại cho gia đình chị Kim nghe, phải không?

- Thưa bác! Cháu chưa kể gì ạ. Cháu định tìm gặp bác cho rõ đầu đuôi rồi mới thưa lại với má, anh Hùng và Thanh Hằng, cháu không ngờ được gặp cả Thanh Hằng ở đây.

- Thì cháu Thanh Hằng cũng vừa mới đến đây được vài hôm. Nó cho bác biết má nó vừa tìm được gia phả dòng họ. Nó kể, hôm ấy má nó đem khung ảnh ông nhà ra lau chùi, phát hiện phía sau tấm ván giữ khung ảnh có tập giấy bồi viết chữ Nho…, nhờ các cụ đồ nho đọc, giải thích mới biết và cho cháu Thanh Hằng đi tìm. Nó lặn lội về Bạc Liêu rồi lần ra nơi ở của bác hiện nay. Thế là dượng cháu gặp nhau. Thiệt ông trời cũng có mắt.

Nói chuyện với ông Mậu một lúc, Tường xin phép được đi quanh quẩn… Anh vào nhà… Nói là nhà chứ thật ra chỉ là một chỗ ở nhỏ, chật hẹp vẻn vẹn chỉ chừng 30 mét vuông, ngăn làm hai, phía trong làm bếp, phía ngoài kê một cái giường lửng, bếp đun nấu bằng củi nên nhà ám khói, bồ hóng bám đen kịt. Đồ đạc trong nhà hầu như chẳng có gì đáng giá ngoài cái nơm cá. Phía trước nhà có một cái sân nhỏ và cái giếng nước sát hàng rào tre dùng chung cho nhiều hộ gia đình.

Thanh Hằng đang lui cui làm cơm, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm cả lưng áo. Thấy Tường vào, nàng cười:

- Em làm cơm, nấu bếp dở lắm. Chút nữa ăn, anh đừng có chê đấy. Anh mà chê…

Tường đến bên vén mớ tóc xòa xuống trán của Thanh Hằng và lấy khăn thấm mồ hôi trán cho nàng.

- Em nấu thứ gì, anh cũng cảm thấy ngon. Thật đấy.

- Anh đừng khéo nịnh.

Tường đưa tay vuốt nhẹ lên má Thanh Hằng rồi đi ra ngoài. Thanh Hằng mặt đỏ bừng vì nóng, vì vui sướng. Nàng cảm thấy rất hạnh phúc khi ở gần Tường. Cơm nước xong thì trời cũng vừa tối. Lúc này ông Mậu mới nghĩ đến việc ngủ ngáy cho ba người. Nhà chỉ có một chiếc giường và một chiếc mùng (màn), những đêm trước ông nhường cho Thanh Hằng ngủ, ông ngủ ngoài chiếc chõng tre. Ngủ ở chõng tre suốt đêm ông phải phe phẩy chiếc quạt mo để đuổi muỗi. Nay có thêm Tường, biết ngủ ngáy thế nào đây? Suy nghĩ một lúc, bỗng ông phán một “quyết định táo bạo” trái với gia phong mà ông từng được răn dạy: “Nam nữ thọ thọ bất thân”.

- Đêm nay chú và con Thanh Hằng “ngủ chung” ở cái giường có mùng màn ấy, bác ngủ ở cái chõng tre này, cháu Hằng nó kể cho bác  nghe hết cả rồi. Trước sau gì các con cũng thành thân, phải không?

Nghe ông Mậu nói thế, cả Tường và Thanh Hằng đều bị bất ngờ. Tường và Thanh Hằng đưa mắt nhìn nhau, một lúc sau Tường mới lên tiếng:

- Thưa bác! E, e… không tiện ạ, với lại…

- Với lại, với lại cái gì. Đổi mới, mở cửa lâu rồi. Ngại cái gì? Bây đừng khinh tao già lẩm cẩm. Tao vẫn xem Tivi, nghe đài đấy mà xem ké thôi. Má bây có biết thì tao chịu trách nhiệm, chịu tội, mà làm sao chị ấy biết được, với lại bác trông mặt chú không phải thằng Sở Khanh…

Thanh Hằng cứ ngồi lặng thinh. Nàng còn biết nói gì.

Mới nghe dượng nói thế, nàng đã thấy mắc cỡ đỏ bừng cả mặt. Tuy yêu Tường tha thiết nhưng nàng chưa hề nghĩ đến chuyện phải nằm chung giường, chung chăn gối với anh, nhưng từ chối thì nàng lại sợ phật lòng Tường. Thật tình nàng nửa muốn nửa không. Nàng cứ lóng ngóng xếp chén bát vào rổ mang đi rửa, cũng là cách tránh né bộc lộ ý nghĩ của riêng mình. Tường thưa:

- Thưa bác! Từ nay bác cho phép cháu gọi bác bằng dượng, có được không ạ?

Không đợi ông Mậu có đồng ý hay không, Tường nói tiếp:

- Thưa! Tối nay cháu xin phép được ngủ ngoài ô tô để vừa trông xe, vừa đỡ muỗi cắn lại khỏi phải nhờ người khác trông xe. Thế có được không ạ?

Ông Mậu vội chụp lấy ý kiến của Tường. Ông lỡ “quyết định” cho hai đứa ngủ chung, nhưng ông lại sợ nhỡ có “bề gì” sẽ bị chị mắng: Già rồi mà còn dại. Với lớp trẻ bây giờ thì khó nói trước điều gì. Nhưng ông lại tự ái không chịu rút lại cái quyết định táo bạo kia. Giờ Tường đã nói ra, nên ông vờ á à… rồi đồng ý ngay.

- Cháu nói thế cũng phải, thế cũng được.

Dù ở dưới bếp và đang rửa chén bát nhưng Thanh Hằng vẫn dỏng tai nghe câu chuyện trao đổi giữa ông Mậu và Tường. Nàng thở ra nhè nhẹ mừng thoát được thế khó xử, vừa tiếc nuối cơ hội bằng vàng, cơ thể nàng đang tràn đầy nhựa sống, nó luôn mách bảo nàng, nó luôn khao khát chuyện lứa đôi nhưng nàng lại sợ “cái chuyện ấy”, cứ nghĩ đến là nàng lại cảm thấy mắc cỡ, thẹn thùng.

Sáng hôm sau, Tường cáo từ ông Mậu xin được trở lại Sài Gòn vì công việc, Thanh Hằng cũng xin phép được cùng đi với Tường vì tiện xe. Tường và Thanh Hằng cố mời ông Mậu cùng đi Sài Gòn để gặp má Thanh Hằng và thăm thú Sài Gòn nhưng ông viện cớ này cớ khác để thoái thác, hứa dịp khác sẽ đi. Xem chừng ông Mậu nhận cháu, nhận bà con đấy nhưng còn e dè, còn ngại ngần, ông tự ngẫm mình: nước da đen nhẻm vì suốt ngày phơi nắng ngoài đồng để kiếm cái ăn, quần áo lại chẳng có gì ngoài mấy bộ đồ cũ trông đã tơi tả lắm rồi. Lên cái đất Sài Gòn phồn hoa đô hội mà ăn mặc lôi thôi lếch thếch quá khiến người ta khinh nhà quê ra tỉnh. Lúc mới nghe Tường mời thì ông cũng muốn đi đấy, được đi cùng con cháu lại được ngồi trên chiếc xe con sang trọng cũng mở mày mở mặt với hàng xóm láng giềng. Ngày xưa thời ông, chỉ có các quan mới được đi loại xe ấy mà xe “cà tàng” chứ đâu được xe đời mới giá bạc tỷ như bây giờ. Suy đi nghĩ lại, cuối cùng thì ông lại hẹn lần sau. Ông còn chờ xem bụng dạ bà chị tức má của Thanh Hằng.

Xe Tường từ từ lăn bánh, Thanh Hằng còn đưa tay vẫy vẫy chào tạm biệt ông Mậu. Ông Mậu cũng đưa tay vẫy chào tạm biệt. Ông nghĩ: Cái thằng Tường này trông hào hoa thế mà chín chắn ra phết. Nó đã khôn khéo tháo gỡ cái quyết định vội vàng “cho ngủ chung” của ông. Nếu nó không từ chối mà “cứ làm tới”, lỡ có bề gì … ông lẩm bẩm quay lưng vào nhà.

Chiếc xe Tường đã ra đến đầu làng.

Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU