Trao đổi về “Bên thắng cuộc” – sự ngộ nhận cố ý

02:02, 24/02/2013

(LĐ online) - Sau khi được tung lên mạng Internet, Bên thắng cuộc của Huy Đức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Nội dung chủ yếu của Bên thắng cuộc, là những ghi chép tư liệu lịch sử mà theo tác giả thì anh đã bỏ hàng chục năm trời để sưu tập, ghi chép lại từ nhiều nguồn và để hoàn thành Bên thắng cuộc, Huy Đức đã phải mất 3 năm miệt mài.

(LĐ online) - Sau khi được tung lên mạng Internet, Bên thắng cuộc của Huy Đức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Nội dung chủ yếu của Bên thắng cuộc, là những ghi chép tư liệu lịch sử mà theo tác giả thì anh đã bỏ hàng chục năm trời để sưu tập, ghi chép lại từ nhiều nguồn và để hoàn thành Bên thắng cuộc, Huy Đức đã phải mất 3 năm miệt mài.
    
1. Huy Đức là ai ?
    
Huy Đức, tên khai sinh là Trương Huy San, sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Huy Đức nhập ngũ, từng là chuyên gia quân sự tại Campuchia. Trước khi trở thành nhà báo, Huy Đức là người viết văn. Một số tác phẩm đầu tay của anh như Dòng sông cụt, Anh ấy sẽ trở về được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bắt đầu sự nghiệp báo chí ở Báo Tuổi Trẻ, tiếp đó là các Báo Thanh Niên, Diễn đàn Doanh nghiệp, Nông thôn ngày nay, Sài Gòn tiếp thị. Độc giả biết và nhớ đến bút danh Huy Đức trên Báo Tuổi Trẻ khi nhà báo là phóng viên điều tra phanh phui vụ “Nhà hàng Đường Sơn quán”, một tụ điểm ăn chơi ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi làm việc ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Huy Đức cũng có một số bài viết về các chính sách kinh tế của chính quyền, đặc biệt là loạt bài về PMU và Bộ Giao thông - Vận tải. Chuyển sang Báo Sài Gòn tiếp thị, Huy Đức lại tiếp tục mạch viết của mình với các bài viết phân tích về các chính sách của chính quyền qua các bài viết và phỏng vấn như: “Những chiếc ghế nóng”, “Đất đai không phải là chiến lợi phẩm”. Sau khi bị kỷ luật thôi việc ở Báo Sài Gòn tiếp thị, vào tháng 8 năm 2009, tháng 5 năm 2012, Huy Đức xin được học bổng của chương trình Nieman sang tu nghiệp tại Viện Đại học Harvard.
    
Cuốn sách Bên thắng cuộc do Huy Đức biên soạn và cho ra mắt cuối năm 2012 tại Mỹ đã gây nhiều chú ý ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
    
2. Sự ngộ nhận cố ý:
    

Bên thắng cuộc hiện đã được xuất bản hoàn chỉnh tại Mỹ. Sách gồm có 2 tập, có độ dài hơn 1500 trang. Tập 1, với tiêu đề “Giải phóng” có 126 tài liệu được tác giả tham khảo và 608 chú thích; Tập 2: “Quyền bính”, tác giả đã tham khảo 96 tài liệu và 654 chú thích. Chỉ riêng phần tham khảo và chú thích đã chiếm gần hết 250 trang in.
    
Bao trùm lên toàn bộ Bên thắng cuộc, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nó đầy ắp tư liệu. Tác giả đã sưu tầm, tra cứu, tìm hiểu để cung cấp cho người đọc rất nhiều tư liệu vốn là những góc khuất trong cuộc sống. Với một tác phẩm khá dày và đồ sộ tư liệu như thế, thì không thể ngày một, ngày hai chúng ta có thể đọc, suy nghĩ và nghiền ngẫm, nhất là tính xác thực của khối tư liệu rất lớn mà tác giả đã sử dụng. Vì vậy, trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ mới nêu ra những nhận xét ban đầu về Bên thắng cuộc.
    
Ngay ở những trang đầu tiên của Bên thắng cuộc, phần “Mấy lời của tác giả”, đã thấy sự phi lý khi Huy Đức cho rằng “Trong thời khắc lịch sử ấy (tức là thời điểm loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”), trong đầu tôi, một tác phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối (chúng tôi nhấn mạnh). Cho đến tận bây giờ, khi chúng tôi đã sắp bước vào lứa tuổi “Xưa nay hiếm”, thì vẫn không thể nào hiểu nổi, làm thế nào mà một chú bé mới 13 tuổi, nghĩa là chỉ mới học lớp 6, hay 7 gì đó, đang chơi trò đánh vật với nhau, lại có thể suy nghĩ mà ngay cả lứa tuổi thanh niên như chúng tôi vào thời đó, cũng không thể nào nghĩ ra là “phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường, lạc lối”. Huy Đức viết như vậy, theo chúng tôi, vừa không logic, lại vừa không phản ánh đúng sự thật khách quan của một chú bé mới 13 tuổi. Và rồi, chỉ sau đoạn “sáng tác” này mấy dòng, tác giả Huy Đức còn tiếp tục “sáng tác” thêm: “Những cuốn sách của Mai Thảo, Duyên Anh được các anh bộ đội giấu dưới đáy ba lô đã giúp bọn trẻ chúng tôi biết một thế giới văn chương gần gũi hơn “Rừng thẳm tuyết dày”, “Thép đã tôi thế đấy”. Có thể trong thực tế, có một vài anh bộ đội nào đó “giấu dưới đáy ba lô” của mình một vài cuốn tiểu thuyết như Huy Đức đã viết, nhưng không thể là tất cả “các anh bộ đội”, vả lại, chúng tôi tin rằng, ở lứa tuổi 13 mà Huy Đức đã viết là “bọn trẻ”, không thể nào hiểu hết những gì mà các nhà văn Mai Thảo, Duyên Anh đã viết. Ngay cả chúng tôi, khi vừa giải phóng, đã ở vào lứa tuổi “tam thập nhi lập” khi đọc cuốn “Vết hằn trên lưng ngựa hoang” của Duyên Anh, mà còn chưa hiểu hết những ẩn ý mà nhà văn này đã thể hiện trong tác phẩm của mình. Vậy mà những đứa trẻ mới học lớp 6, lớp 7 như Huy Đức lại ở một miền quê nghèo như Hà Tĩnh lại có thể biết “về một thế giới văn chương gần gũi”, khi đọc các tác phẩm của Mai Thảo, Duyên Anh, thì quả thật là sự “sáng tạo” của Huy Đức rất cần phải xem lại.

Rồi vẫn theo cái mạch “sáng tác” này, Huy Đức tiếp tục diễn giải “Tôi vẫn ở lại miền Bắc, chứng kiến thanh niên quê tôi đắp đập, đào kênh trong những năm “Cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, chứng kiến khát vọng “thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang sơn” của những người vừa chiến thắng trong cuộc chiến ở miền Nam, rồi chứng kiến cũng những con kênh đó không những vô dụng với CNXH, mà còn gây úng lụt quê tôi mỗi mùa mưa tới”. Đây có lẽ là sự ngộ nhận ác ý của tác giả khi đề cập đến nội dung này. Bởi trên thực tế, theo chúng tôi được biết, thì tỉnh Hà Tĩnh trong những năm đầu sau giải phóng làm gì có chủ trương đào con kênh nào đâu. Còn việc làm hồ Kẻ Gỗ, thì hiệu quả như thế nào, có lẽ ai cũng biết. Trên bình diện cả nước, có thể có một địa phương nào đó tiến hành việc “đào kênh” mà hậu quả diễn ra đúng như Huy Đức đã viết trên đây. Nhưng rõ ràng, nếu có, đó cũng chỉ là trường hợp cá biệt. Lấy hiện tượng cá biệt để kết luận là phổ biến  nhằm thông qua đó chuyển tải tới công chúng những suy nghĩ lệch lạc về một chủ trương lớn của một thời “Nghiêng sông đổ nước vào đồng” hay “Nghiêng đồng đổ nước ra sông” đã góp phần không nhỏ làm cho nền nông nghiệp của miền Bắc ngày càng phát triển ổn định vững chắc là điều không thể chấp nhận được.
    
Như vậy, chỉ với vài trang đầu tiên trong “Mấy lời của tác giả”, chúng ta đã thấy nổi lên 3 nội dung cần phải xem xét. Điều đó, đã làm chúng ta có quyền nghi ngờ tính xác thực của toàn bộ những tài liệu mà Huy Đức đã sử dụng trong gần 1500 trang sách Bên thắng cuộc. Mặt khác, chỉ những tài liệu thôi thì không thể làm nên, hay nói cách khác là không thể tái hiện diện mạo của lịch sử. Để phản ánh một cách chân thực và khoa học đối với lịch sử, người viết còn phải có trình độ cần thiết cũng như tri thức và bản lĩnh của người chép sử. Có lẽ chính vì vậy mà sự kiện giải phóng miền Nam và nhiều sự kiện tiếp nối sau đó đã được Huy Đức miêu tả trong Bên thắng cuộc là thiếu khoa học và lôgic lịch sử.
    
Tuy nhiên, những tư liệu về sự kiện lịch sử là một chuyện, cách sắp xếp và xử lý những tư liệu, sự kiện ấy để đưa người đọc tới kết luận theo ý của mình lại là chuyện khác. Rõ ràng là Huy Đức đã sử dụng những tư liệu mà mình đã dày công sưu tầm để được nhào nặn, biến nó thành những chứng cứ phục vụ cho ý đồ riêng của mình. Điều này còn thể hiện khá rõ ở trường hợp Huy Đức bị nhà báo Lưu Đình Triều phản ứng về những gì anh đã viết trong Bên thắng cuộc, đoạn nói về Thiếu úy Việt Nam cộng hòa Lưu Đình Triều gặp lại bố mình là nhà báo Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng Vụ báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương kiêm Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam.
    
Hãy nghe Lưu Đình Triều, người có tên trong tác phẩm của Huy Đức bộc bạch: “Từng là đồng nghiệp với nhau lúc ở báo Tuổi Trẻ, Huy Đức hẳn đã nghe, đã hiểu rõ trường hợp của tôi, kể cả mối quan hệ của cha con tôi. Huy Đức cũng từng ghé nhà ba má tôi ở Hà Nội, khi tôi đang ở đấy. Thật đáng tiếc, Huy Đức đã sử dụng một số thông tin từ những gì anh nghe, từ những gì tôi viết, nhưng anh lại không trích dẫn đầy đủ. Vì thế đã làm cho người đọc ngộ nhận và làm tổn thương tôi cùng gia đình.
    
Anh viết về thời gian tôi đi “học tập cải tạo” như sau: “chỉ huy trại khi ấy cũng biết Lưu Đình Triều là con một cán bộ cao cấp nên chủ động gửi thư cho ông Lưu Quý Kỳ, nói: “chúng tôi biết anh, nếu được, anh lên trại chúng ta nói chuyện về cháu”. Ông Lưu Quý Kỳ có lên nhưng thay vì gặp mặt con và bảo lãnh, ông chỉ viết thư khuyên con: “cố gắng học tập tốt”. Lưu Đình Triều nhớ lại: Tôi vừa đọc thư ba tôi vừa xé và vừa cay đắng khóc…”. Nếu trung thực và làm hết trách nhiệm của một nhà báo thì đoạn viết trên của Huy Đức không chỉ dừng lại ở đó mà phải xử lý đầy đủ thông tin. Đó là, tôi giận, thầm trách ba tôi không thương tôi, lại bỏ tôi “bơ vơ” như thuở nào…tôi đã xé lá thư ấy để rồi sau này mới cảm nhận ra rằng là một cách thương con, rèn con của riêng ba tôi”. Khi nhắc lại chi tiết này một cách lấp lửng, rõ ràng để nhằm mục đích gì thì chính Huy Đức rõ hơn ai hết”.
    
Và cuối cùng, Lưu Đình Triều đã kết luận: “Huy Đức à: “Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Tôi tin Huy Đức cũng biết điều này. Thế nhưng, với tôi (và còn ai nữa) tại sao anh lại “va vấp” một cách đáng tiếc như thế? Và chính vì vậy, tôi phải nói với anh rằng không có hố sâu thực sự, không hề có!”
    
Như vậy là đã rõ, trong kho tư liệu đồ sộ mà Huy Đức đã sưu tầm được, thì việc sử dụng nó như thế nào là quyền chủ quan của anh. Tuy nhiên để phục vụ cho ý đồ của mình, Huy Đức đã sẵn sàng “cắt cúp” theo chủ kiến của riêng mình.
    
Đọc Bên thắng cuộc, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, xuyên suốt trong cuốn sách, có vẻ như Huy Đức chỉ thuần túy nêu sự kiện mà không bình luận, và nếu có phải bình luận thì tác giả cũng dẫn lời của ai đó, với xuất xứ rõ ràng, cụ thể. Mục đích của phương pháp này là Huy Đức đang cố tình muốn cho người đọc nhận thấy sự khách quan, không định kiến và phiến diện của mình. Thế nhưng, dù có ẩn mình tài tình đến mấy, nhưng qua chính những sự kiện mà Huy Đức tung ra trong cuốn sách để phục vụ ý đồ của mình, anh đã dẫn người đọc đến với mục đích mà anh ta đã chọn. Mặt khác, sự thật được Huy Đức phơi ra trước mắt công chúng đã khiến chúng ta nghi ngờ về tính trung thực, khách quan của nó. Các sự hiện được Huy Đức nêu ra trong Bên thắng cuộc đều được tác giả thể hiện theo cách đó. Chính vì vậy mà Huy Đức đã cho người đọc thấy sự tối tăm của chặng đường hơn 30 năm sau ngày giải phóng, đó cũng là cách để chứng minh cho nhận xét, đánh giá phiến diện của Huy Đức khi anh cho rằng từ giải phóng đến nay, cuộc sống của người dân dưới chế độ này chỉ toàn là bi kịch và bi kịch.
    
Do vậy, vì không có quan điểm lịch sử cụ thể và toàn diện, lại xuất phát từ ý đồ không trong sáng, chúng ta có thể khẳng định rằng, Huy Đức, cha đẻ của Bên thắng cuộc đã sử dụng những sự kiện, tư liệu mà mình đã sưu tầm được nhằm cố ý hướng người đọc nhận thức sai về chế độ hiện hành dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự ngộ nhận này quả là rất nguy hiểm. Cái mà cuốn sách đem lại cho người đọc, không có cái gì khác hơn là làm cho công chúng nghi ngờ vào sự lãnh đạo của Đảng, cũng như năng lực điều hành của Nhà nước. Đó là chưa nói tới ấn tượng xấu về đời tư của nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Một ấn phẩm như thế, lẽ nào lại được tung hô một cách quá đáng, dù chỉ mới dừng lại ở cộng đồng dân cư mạng?!
    
Cũng phải công nhận rằng, với sự lao động cần cù và một năng lực hiếm có, Huy Đức đã sưu tầm được một kho tư liệu đồ sộ. Nhưng thật đáng tiếc kho tư liệu đồ sộ ấy đã được Huy Đức sử dụng “chệch hướng” nhằm phục vụ cho ý đồ không trong sáng của mình, bởi một sự ngộ nhận cố ý. Điều này, còn được Huy Đức thể hiện ngay cả việc trích dẫn 2 câu thơ của Nguyễn Duy, được bố trí ngay ở đầu sách mà tác giả coi như là một “tuyên ngôn” của Bên thắng cuộc. Nguyên văn câu thơ của Nguyễn Duy là:
            
            “Nghĩ cho cùng
            Mọi cuộc chiến tranh
            Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”
    
Còn trong Bên thắng cuộc, đã được Huy Đức sửa lại là:
    
           “Suy cho cùng, trong mỗi cuộc chiến tranh
            Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”.
         
Chỉ riêng hai câu thơ này, người ta đã có thể thấy ý đồ sử dụng nguồn tư liệu mà tác giả đã sưu tầm được không có gì khác ngoài việc nhằm phục vụ cho chủ kiến riêng của mình. Bởi ai cũng có thể hiểu được rằng: “nghĩ” khác với “suy”; “mọi” khác với “mỗi”. Từ dẫn chứng này, cùng với việc đã phân tích ở phần đầu bài viết này, chúng ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ tính chuẩn xác cũng như phương pháp sử dụng nguồn tài liệu mà Huy Đức đã kỳ công sưu tầm được, đó là chưa nói tới việc sau khi đã hoàn thành bản thảo, tác giả Huy Đức đã phải nhờ đến sự giúp đỡ, góp ý của khá nhiều người, trong đó đáng chú ý có cả những nhân vật hoàn toàn không có thiện cảm với Nhà nước ta hiện nay… chính nhờ đó, tác giả đã cho ra đời Bên thắng cuộc, một tác phẩm mà khi đọc xin mọi người hãy cẩn trọng và phải thật tỉnh táo.
   

Phan Tất và Hoàng Cơ