Bảo tàng Hồ Chí Minh - Một trung tâm giáo dục lịch sử cách mạng

09:03, 03/03/2013

(LĐ online) -  Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP. HCM hiện tọa lạc tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 là một chi nhánh quan trọng nằm trong hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.

(LĐ online) - Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP. HCM hiện tọa lạc tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 là một chi nhánh quan trọng nằm trong hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.

Tượng đài Bác Hồ trước UBND TP. HCM
Tượng đài Bác Hồ trước UBND TP. HCM


Bảo tàng đặt trong ngôi nhà trước đây là trụ sở Tổng Công ty vận tải Hoàng Đế (Hotel des Messageries Impériales) – một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1862 sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà thiết kế với phong cách kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ “lưỡng long chầu nguyệt” – một kiểu trang trí quen thuộc của đình chùa Việt Nam. Với kiểu kiến trúc độc đáo đó nên trụ sở Tổng Công ty vận tải Hoàng Đế còn được gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên bến cảng Nhà Rồng. Năm 1870, mặt trăng trên nóc nhà được thay thế bằng biểu tượng vương miện, mỏ neo và đầu ngựa. Năm 1955, hai con rồng cũ được thay bằng hai con rồng khác với tư thế quay đầu ra ngoài…

Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh


Một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến cảng Sài Gòn và TP.HCM là vào ngày 5 – 6 – 1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xin làm phụ bếp để đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Để ghi nhớ sự kiện này, sau ngày giải phóng đất nước, Nhà Rồng – biểu tượng của cảng Sài Gòn được giữ lại làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tượng chân dung Nguyễn Tất Thành thuở ra đi tìm đường cứu nước
Tượng chân dung Nguyễn Tất Thành thuở ra đi tìm đường cứu nước


Ngày 30 – 10 – 1995, UBND TP. HCM ra Quyết định chính thức đổi Khu lưu niệm thành Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP.HCM. Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở các tư liệu, hiện vật của Bảo tàng. Nội dung trưng bày đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; mối quan hệ, tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ.

 Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng
Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng


Trong chuyên đề: Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Người có 5 chủ đề chính. Đó là: Thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bước đầu hoạt động yêu nước và cách mạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin và khẳng định con đường cách mạng Việt Nam (1980 – 1920). Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh bảo vệ và vận dụng sáng tạo đường lối của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam (1920 – 1930). Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thắng lợi và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930 – 1954). Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1954 – 1969). Nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới (1969 – nay).

Một góc TP. HCM trên đường phát triển
Một góc TP. HCM trên đường phát triển


Trong hơn 30 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP. HCM đã trở thành một trong những trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng đã đón tiếp trên 30 triệu lượt khách trong nước, quốc tế tham quan; đặc biệt có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và cao cấp các nước đến viếng thăm, tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Sông Sài Gòn nhìn từ bến Nhà Rồng
Sông Sài Gòn nhìn từ bến Nhà Rồng

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh