Đêm Đạ Tẻh nghe chèo

04:03, 20/03/2013

Chèo là một loại hình nghệ thuật được sinh ra trong đời sống lao động, sản xuất của cư dân nông nghiệp. Nó phát triển mạnh nhất ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sân khấu chèo truyền thống là một “chiếu chèo” được trải ra giữa sân đình với 4 mặt khán giả...

Có lần nhà văn Chu Bá Nam nói với tôi: Đối với người xa xứ, cái tên đất, tên làng không còn là tên đất, tên làng nữa mà nó đã trở thành yếu tố biểu trưng, làm nên một thực tại văn hoá, tạo nên giá trị tinh thần cho cả cộng đồng. Đến thôn 4, xã Mỹ Đức, tôi càng thấm thía câu nói đó, khi được chứng kiến những lưu dân Hà Tây đang làm mọi cách để bảo tồn và phát huy các giá trị chèo truyền thống trên quê mới Đạ Tẻh.

Một tiết mục của thành viên CLB Dân ca thôn 4
Một tiết mục của thành viên CLB Dân ca thôn 4


Chèo là một loại hình nghệ thuật được sinh ra trong đời sống lao động, sản xuất của cư dân nông nghiệp. Nó phát triển mạnh nhất ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sân khấu chèo truyền thống là một “chiếu chèo” được trải ra giữa sân đình với 4 mặt khán giả. Giữa diễn viên và khán giả không có khoảng cách. Thường thì các diễn viên chèo ứng tác rất nhanh, diễn không theo một kịch bản định sẵn nào cả, mà theo ngẫu hứng là chính. “Ngày xưa, các cụ đi diễn chỉ mang theo mỗi cái hòm. Trong hòm là đạo cụ và áo quần. Nhạc cụ sử dụng trong chèo, gồm: Trống, đàn nhị, đàn nguyệt, sáo… Nghệ thuật chèo có bản sắc riêng, hết sức phong phú và đa dạng cả về đề tài, chủ đề lẫn tích diễn, diễn thuật… Nhân vật trong chèo hài ra hài, bi ra bi…” - bà Nguyễn Thị Phương (66 tuổi), thành viên Câu lạc bộ (CLB) Dân ca thôn 4, cho biết.

Hà Tây là một trong những cái “nôi” của các làn điệu hát chèo. Thế nhưng, trò chuyện với một số người trẻ, tôi chợt nhận ra rằng: Con cháu Hà Tây hôm nay không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống của quê hương. Bởi theo họ, nó quá đỗi quê mùa và “cổ lỗ sĩ”. Có chăng, tình yêu nghệ thuật chèo truyền thống chỉ còn tồn tại trong những người già. “Tôi sinh ra trên chiếu chèo mà, làm sao lại không mê chèo được!” - Ông Phạm Bá Được (70 tuổi) thật lòng.

Không đành lòng nhìn những giá trị văn hoá của ông cha bị mai một, những người lớn tuổi đã tập hợp lại hát cho nhau nghe. Qua đó, để gìn giữ và phát huy chèo truyền thống của người Hà Tây. Hiện, CLB dân ca thôn 4 có 15 thành viên. Chị Trần Thị Nguyệt - Tổ trưởng CLB Dân ca, tâm sự: “Đến nay, CLB của chúng tôi đã đi vào hoạt động được 2 năm. Mọi kinh phí đều do các thành viên tự đóng góp để hoạt động. Trang phục áo tứ thân thì lấy áo dài cũ sửa lại. Nón quai thao được làm từ tờ lịch cũ. Trống, nhị, sáo… mỗi lần biểu diễn đều phải đi mượn. Khó khăn vậy, nhưng mọi người rất vui vẻ. Hiện nay, chúng tôi đang sưu tập các vở kịch về nông thôn mới, an toàn giao thông… để xây dựng các tiểu phẩm chèo phục vụ bà con trong thôn”. Ông Nguyễn Quang Huy - Bí thư Chi bộ thôn 4, bộc bạch: “Từ bao đời, chèo là hình thức giải trí của cư dân nông nghiệp những lúc nông nhàn. Vào Đạ Tẻh lập nghiệp đã nhiều năm, nhưng những làn điệu chèo cổ vẫn réo rắt trong lòng người con Hà Tây xa quê. Khi làn điệu chèo cổ cất lên, buồn thì buồn đứt ruột, mà vui thì vui tưng bừng. Một cái hay nữa của chèo, đó là tính chất dân dã, mộc mạc. Nhưng thật đáng tiếc, bây giờ nhiều người nghe chèo, họ không hiểu gì cả!”.

Lòng nhiệt thành trong việc bảo lưu những giá trị thuần Việt của các thành viên CLB dân ca thôn 4 (xã Mỹ Đức) là một điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, tìm một hướng đi cho di sản văn hoá dân tộc trong thời buổi này không phải là dễ. Vì nó phục thuộc rất nhiều vào giới trẻ. Thực tế hiện nay, giới trẻ Hà Tây (sinh ra ở Đạ Tẻh) đang dần chối bỏ những nét văn hoá, di sản của quê hương. Nhưng tôi nghĩ, cũng đừng nên trách họ, mà phải thấy trách nhiệm của những người làm công tác bảo tồn văn hoá nghệ thuật dân tộc. Tôi tin, những làn điệu chèo truyền thống của người Hà Tây sẽ được giới trẻ cất lên, nếu họ được hướng dẫn một cách bài bản, chuyên sâu và nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng.

TRỊNH CHU