Không phải là ảo ảnh (truyện ngắn)

02:03, 13/03/2013

Mẹ nó chết bởi một tai nạn giao thông. Một chiếc xe tải mất lái chồm lên vỉa hè, đúng chỗ mẹ nó đang ngồi nhặt rau cho bữa trưa, thân xác không còn nguyên vẹn. Vẫn là cái chết, nhưng chết vì tai nạn giao thông bao giờ cũng đem lại nỗi đau xé ruột vì sự đột ngột của nó.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

Mẹ nó chết bởi một tai nạn giao thông. Một chiếc xe tải mất lái chồm lên vỉa hè, đúng chỗ mẹ nó đang ngồi nhặt rau cho bữa trưa, thân xác không còn nguyên vẹn. Vẫn là cái chết, nhưng chết vì tai nạn giao thông bao giờ cũng đem lại nỗi đau xé ruột vì sự đột ngột của nó.

Đeo chiếc ba lô sách từ trường trở về nhà, nó vào trong buồng. Nhìn người mẹ trùm kín bằng tấm vải trắng, như mọi hôm, nó cất tiếng chào vui vẻ:

- Con chào mẹ! Hôm nay con được điểm mười toán.

Nó bước tới định mở tấm chăn nhưng ngay phía sau đã có một bàn tay ngăn lại và dắt nó ra ngoài.

Mất mẹ! Không hiểu những đứa trẻ lên tám tuổi khác đã biết khổ đau chưa, chứ với nó, trong mấy ngày tang lễ mẹ, nó vẫn chạy nhảy, vui cười như không có điều gì xảy ra, như thể mẹ nó không chết mà chỉ đang ngủ ngon lành trên giường.

Người ta thoáng nghi ngờ về tình mẫu tử của nó. Nhưng dù sao, trong giờ phút đau thương đến tột đỉnh, sự hồn nhiên, khờ dại của cậu con trai lại làm cho bố nó và mọi người có thể vơi đi chút ít nỗi đau. Bởi vì nếu nó cứ gào gọi mẹ suốt ngày đến khản giọng thì chắc sẽ làm những người thân càng thêm đứt ruột. Chắc vì thấy cái tâm lí nhi nhiên của đứa cháu nên ông Hùng, bác ruột nó, một người có vẻ hiểu biết tâm lí trẻ con, đã an ủi một câu đầy mầu sắc huyền thoại:

 - Chết, tức là mẹ cháu chỉ đi rất xa. Đi lâu đấy. Nhưng rồi một ngày nào đó mẹ cháu sẽ trở về.

Vài tháng trôi qua. Nỗi đau về người đã khuất ít nhiều cũng nguôi ngoai. Thi thoảng, người ta đã thấy trên khóe mắt bố nó một thoáng tươi vui chứ không u ám như mấy tháng trước.

Buổi sáng hôm ấy bố nó chợt nghe thấy tiếng chuông báo tin nhắn ở điện thoại di động. Anh mở ra và đọc được một dòng tin thật khó hiểu: “Mẹ cũng nhớ con lắm. Đúng thế con ạ.  Chết, tức là mẹ đi rất xa. Nhưng rồi một ngày nào đó mẹ sẽ trở về với con. Nhất định là như thế con ạ!”.  Đọc dòng tin nhắn anh thấy thật khó hiểu. Anh kiểm tra lại số điện thoại di động của người vừa gửi tin. Đọc số, anh giật mình vì nhận thấy đó chính là số máy của người vợ xấu số của mình. Sao lại có chuyện lạ lùng đến vậy? Sau một tuần ngày vợ mất, anh đã xoá số máy điện thoại và đem trả lại cái “sim” của vợ cho một trạm bưu chính viễn thông. Không phải anh vô tâm, vô cảm mà chính vì anh không đủ sức chịu đựng mỗi khi nhìn thấy bất cứ di vật nào của vợ để lại. Anh hoang mang bấm máy xem lại tất cả phần “các tin đã gửi” trong máy điện thoại của mình, mong tìm ra một điều gì đó. Đây rồi! Anh phát hiện thấy trong điện thoại của mình một dòng tin gửi đi cách đây khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Dòng tin viết sai khá nhiều lỗi chính tả và không hề có một dấu chấm, dấu phảy: “Con chào mẹ con nhớ mẹ lắm bác Hùng bảo mẹ chết tức là mẹ đi rất xa nhưng sao mẹ lâu về thế”. Anh nổi gai ốc vì hiểu rằng cái tin nhắn đó là do con trai anh viết và gửi đi. Ngày mẹ còn sống, thi thoảng nó vẫn dùng máy điện thoại của anh để nhắn tin cho mẹ. Tận bây giờ nó vẫn nhớ số điện thoại của mẹ nó. Anh hiểu, sau khi số sim của vợ anh trả lại trạm bưu chính viễn thông, một người khác đã mua đúng số sim ấy. Anh lặng người. Trời ơi! Dù như vậy thì điều ấy cũng thật khủng khiếp. Suy nghĩ hồi lâu, anh quyết định điện thoại cho người vừa gửi tin nhắn đến. Anh muốn mọi việc rõ ràng hơn và không bị vướng bận vào một sự hiểu lầm đáng tiếc nào.

Tim anh đập mạnh khi nghe tiếng chuông bên kia reo lên. Một giọng phụ nữ rất nhẹ nhõm:

- A lô!

Anh rụt rè cất tiếng;

- Xin lỗi! Hình như chị vừa nhắn tin vào số máy này của tôi?  

Vài giây im lặng. Không phải sự im lặng bình thường mà là sự lặng người đi trong tâm trạng không thể cất nổi thành lời. Không hiểu sao anh lại hình dung ra sự thể như thế. Nhưng rồi “người bên kia” đã lên tiếng:

- À… Vâng! Thì ra đó là số máy của anh chứ không phải của… của… cậu bé đã nhắn tin cho tôi cách đây khoảng hơn một tiếng đồng hồ?

Bây giờ thì chính anh lại ở trong tâm trạng lặng người đi. Cố gắng lắm anh mới nói nổi những lời run rẩy:

- Vâng. Là máy điện thoại… của tôi….Nhưng hình như con trai tôi đã nhắn tin cho chị thì phải. Nó vẫn tưởng đó là số máy của mẹ nó. Nó vẫn tưởng mẹ nó chưa… mất mà chỉ… đi rất xa. Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm phiền chị!

- Không đâu anh. Thực ra ban đầu nhận tin nhắn của cháu tôi cũng thấy rất khó hiểu. Nhưng sau hồi lâu suy nghĩ tôi đã hình dung ra mọi chuyện. Chỉ có trẻ con mới có khả năng làm sống lại những gì đã mất thôi anh ạ. Và chúng ta thì không được làm tâm hồn trẻ thơ thương tổn thêm. Đọc cái tin nhắn của cháu gửi vào điện thoại, tôi đã ngộ ra điều ấy anh ạ. Vì thế tôi mới quyết định viết và gửi cái tin nhắn ấy cho cháu. Có gì mong anh thông cảm.

- Ấy chết! Tôi còn phải cảm ơn chị nhiều lắm.

- Tôi biết rằng cái tin nhắn của tôi có thể sẽ gây ra những phiền phức nhưng tự nhiên tôi thấy thương cháu quá nên không nỡ không nhắn tin lại.

Anh cảm thấy bắt đầu có thiện cảm với người phụ nữ chưa biết mặt này.

- Không có gì phiền đâu chị. Ngược lại, tôi thấy chị có một tấm lòng thật đáng quí.

Một lát. Chừng như để đắn đo, cân nhắc, chị cất tiếng:

- Bây giờ tôi muốn thống nhất với anh một việc không hiểu ý anh thế nào…

- Xin chị cứ nói.

- Tôi muốn anh cứ tạo điều kiện để cháu nhắn những tin nhắn vào số máy của tôi. Tôi hứa với anh là không bao giờ để cháu phải buồn.

Hơi đột ngột, nhưng anh lại cảm thấy vô cùng thoải mái trước lời đề nghị đầy thân thiện ấy. Anh vui vẻ:

- Vâng! Bây giờ làm được những gì để cho cháu bớt đau khổ là tôi rất vui chị ạ. Tôi sẽ có cách để cho cháu tiếp tục liên lạc với chị. Tôi cũng không để cháu biết là tôi đã biết chuyện này.

- Vâng! Vậy là ổn rồi anh ạ. Nhưng thỉnh thoảng anh có thể mở “hộp thư đến” để xem những tin nhắn của tôi và cháu. Có gì anh cứ trao đổi để tôi có thể làm tốt hơn.

- Vâng! Tôi tin và biết ơn chị nhiều lắm. Suy nghĩ một lúc, anh dè dặt - nếu chị cho phép…vào một ngày thuận tiện nào đó tôi có thể… gặp chị ở đâu… chứ chả lẽ…

Anh có cảm giác phía máy bên kia thoảng một nụ cười buồn.

- Điều ấy cũng không quan trọng đâu anh ạ. Cái cần nhất trong lúc này là giúp cháu tiếp tục bước trên đường đời một cách tròn đầy.

Giọng anh hơi ngậm ngùi:

- Vâng! Tôi nghe theo chị.

- Cứ thế anh nhé!

Phía máy bên kia vẳng một tiếng cười khe khẽ nhưng phảng phất buồn.

* * *

Anh mua thêm một cái điện thoại. Cái điện thoại cũ, anh vẫn có thói quen để ở phía trong cái tủ thuốc gia đình, ngay gần bàn học của con trai. Vì thế, cậu bé có thể thoải mái sử dụng vào những lúc anh đi vắng. Cậu không hề  biết đó là “mưu kế” của ông bố. Mỗi khi cầm điện thoại để nhắn tin cho “mẹ”, cậu lại cười thầm về cái tính đãng trí rất hay quên điện thoại của bố mình.

Anh hơi buồn vì sau cái lần đàm thoại duy nhất với người phụ nữ không biết mặt ấy, anh không còn được trò chuyện với chị thêm một lần nào nữa. Mấy lần anh liều mạng bấm số máy của chị nhưng lần nào máy cũng reo hết chuông mà không có trả lời. Rồi mấy tin nhắn của anh gửi đi cũng thế. Không bao giờ có hồi âm. Hình như nhận ra số máy của anh hoặc vì lí do nào đó mà chị không bắt máy. Anh cảm thấy con người này thật kì lạ.

Bây giờ thì anh chỉ còn niềm hi vọng là được “gặp” chị qua những tin nhắn chị gửi cho con trai mình.

Đêm đêm, khi con trai đã ngủ say, anh lại lặng lẽ mở điện thoại, vào mục hộp thư lén đọc những tin nhắn gửi đi và gửi về. Những dòng tin thường gây cho anh những cảm giác xót xa. Đầu tiên anh thấy thương con, rồi dần dần anh thấy thương cảm và mến phục người phụ nữ vô hình ấy. Nhiều đêm anh mất ngủ, ngồi lặng lẽ khóc trước những dòng tin nhắn của chị. “Người ấy” viết tin thật sâu sắc và tràn đầy tình cảm. Chỉ những người hiểu biết và nhân hậu vô cùng mới viết được những dòng như thế. Anh vui mừng xen lẫn chút đau đớn nhận ra rằng, những tin nhắn ấy đã làm cho con anh có một niềm tin là mẹ nó vẫn đang còn sống và đang trò chuyện với nó ở một nơi rất xa nào đó. Những dòng tin nhắn của chị như có ma thuật không chỉ đối với con trai anh mà chính anh cũng bị cuốn vào cái mê hồn trận ấy. Đến nỗi, đôi lần anh đã lẩn thẩn ngẫm nghĩ hay người phụ nữ nọ chính là vợ anh. Có một thế lực siêu nhiên nào đó đã làm cho vợ anh sống lại để giúp bố con anh vượt qua quãng đường đời đầy cô đơn và thiếu hụt này.

Vào những ngày sinh nhật, những ngày lễ… con trai anh vẫn thường xuyên nhận được những món quà của “mẹ” gửi về bằng đường phát nhanh của bưu chính. Hằng năm, vào đầu năm học, bao giờ nó cũng nhận được toàn bộ sách giáo khoa của lớp học mới. Anh thấy băn khoăn, ái ngại nhưng rồi ánh mắt con anh luôn rực sáng trước những món quà như thế nên anh cũng thấy thanh thản ít nhiều.

Đã mấy năm trôi qua. Những sự việc “thần kì” kia vẫn diễn ra đều đặn cùng những hiệu ứng vô cùng tươi đẹp.

Nhưng rồi đến một ngày anh thấy con trai luôn nhìn lên bàn thờ mẹ rồi ngồi lặng đi trong những suy tư thăm thẳm. Anh hiểu, vậy là nó đã lờ mờ nhận ra một điều phi lí nào đó. Có lần nó dè dặt hỏi anh:

- Mẹ con đã… hay là…?

Lần ấy anh đã lẩn trốn câu trả lời. Câu hỏi của con đã làm anh buồn bã mất cả tuần.

Mấy hôm sau, mở máy điện thoại, anh đọc được một tin nhắn của “người ấy”. Những dòng tin đã làm lòng anh ấm áp trở lại: “Bây giờ con đã lớn, nên mẹ không giấu con nữa. Con nói đúng! Mẹ không phải là mẹ con. Mẹ con đã mất từ 3 năm trước rồi. Nhưng con hãy cứ tin rằng mẹ chính là mẹ của con, con nhé! Con hãy tin con đang có một người mẹ ở rất xa, tuy không thể quan tâm được cho con nhiều nhưng không giây phút nào nguôi thương nhớ con”. Đọc xong tin nhắn, anh bàng hoàng và nhoè nước mắt. Chao ôi! Đã lâu lắm tâm hồn anh đã không còn đắm chìm trong không khí của cổ tích, vậy mà, không có cách giải thích nào chính xác hơn là hiện giờ anh đang sống trong chính cảm giác ấy. Rằng, có một cô Tấm từ quả thị chui ra…

Sau cái tin nhắn ấy, anh quyết định gọi điện thoại bằng được cho người phụ nữ nhân từ ấy. Để ít nhất anh cũng được nói với chị một lời cảm tạ, dù có là khách sáo đến bao nhiêu chăng nữa. Nếu không, anh sẽ là một kẻ vong ơn. Vậy mà, mặc dù máy có reo tới hàng chục lần, vẫn không có một tiếng trả lời.

* * *

Sau ngày đỗ thủ khoa một trường đại học, cậu bé đã kể cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện kì lạ ấy.

Tôi tò mò hỏi:

- Chẳng lẽ đến bây giờ bố con cháu vẫn chưa hề một lần gặp được người phụ nữ ấy?
     
Cậu bé nhìn tôi, sửa lại:

- Chú đừng nói là “người phụ nữ ấy” mà phải nói là “mẹ cháu”. Vì đó đúng là mẹ cháu. Một người mẹ cháu chưa biết mặt - giọng cậu chợt trầm xuống -  mà có lẽ cháu sẽ không bao giờ được gặp đâu chú ạ.

Tôi sửng sốt:

- Chẳng lẽ lại đến thế sao?

- Đúng vậy chú ạ. Ngay cả việc nói chuyện trên điện thoại, cháu cũng chỉ duy nhất một lần được nghe giọng nói của mẹ cháu thôi. Nhưng có một điều kì lạ là mỗi lần cháu phải trải qua những nỗi đau buồn, những vấp ngã hoặc định liều làm một hành động sai trái nào đó thì giọng nói ấy lại vang lên bên tai. Nếu không có giọng nói ấy, có lẽ cháu không có được ngày hôm nay.

Tôi buột miệng:

- Kì lạ và phi lí quá!

Cậu bé ngước nhìn tôi, lắc đầu:

- Chỉ kì lạ thôi, chứ phi lí thì… không đâu chú ạ.

Sau này trong một lần gặp lại bố cậu bé, tôi đã nhắc lại chuyện này. Nhưng cũng giống như con trai, anh bảo với tôi rằng điều duy nhất anh “hiểu” về người phụ nữ nọ chỉ là một thoáng cười buồn mong manh mà anh cảm nhận được trong cái lần nghe điện thoại ấy.

Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG