Người tạo “hồn” cho gỗ lũa

03:03, 12/03/2013

Không chỉ là thú chơi dân dã, sản phẩm gỗ lũa còn là những tác phẩm nghệ thuật của những đam mê cái đẹp, dành trọn tâm hồn và trí tuệ cho niềm yêu thích của mình. Ông Nguyễn Văn Ngôn (57 tuổi, ngụ tại thôn 11, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) là một điển hình, hiện đang sở hữu hàng trăm tác phẩm gỗ lũa có giá trị.

Không chỉ là thú chơi dân dã, sản phẩm gỗ lũa còn là những tác phẩm nghệ thuật của những đam mê cái đẹp, dành trọn tâm hồn và trí tuệ cho niềm yêu thích của mình. Ông Nguyễn Văn Ngôn (57 tuổi, ngụ tại thôn 11, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) là một điển hình, hiện đang sở hữu hàng trăm tác phẩm gỗ lũa có giá trị.

Ông Ngôn đang khéo léo thổi “hồn” vào gỗ lũa
Ông Ngôn đang khéo léo thổi “hồn” vào gỗ lũa


Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Bến Tre, thuở nhỏ ông Nguyễn Văn Ngôn đã “có máu” chơi cây cảnh và làm hàng thủ công từ cây lục bình (bèo Tây). Năm 2002, ông cùng gia đình lên vùng đất B’ Lao lập nghiệp. Cũng như bao nông dân khác, ông mua đất trồng cà phê, chè. Khi phát hiện tại vùng đất Đại Lào có khá nhiều gốc cây khô bị bỏ phí, lúc đầu, ông tự tay đi đào gốc cây từ vườn của mình về để làm bàn ghế ngồi chơi. Sau đó, ông mới đi săn tìm mua gốc lũa của người khác.

Anh Dương Quốc Tùng, bạn học của con trai ông Ngôn, cho hay: “Cách đây khoảng 10 năm, cứ mỗi lần đến nhà chú Ngôn chơi, trưa nào tôi cũng thấy chú ngồi mày mò, đục đẽo từng gốc cây sần sùi. Hỏi thì chú chỉ trả lời, rảnh rỗi không có việc gì làm nên làm cho vui”. Nhưng rồi một thời gian sau, anh Tùng quay lại, mới ngỡ người vì nhà ông Ngôn được chất đầy nào là tượng Di Lạc, Bồ Tát, Phật Bà, Phúc Lộc Thọ, Quan Công, Ông Địa… Kể từ ngày ông bắt đầu làm những bộ bàn ghế bằng gỗ lũa đầu tiên, đến nay ông và gỗ lũa đã trở thành người bạn tâm giao được ngót 10 năm. Trong suốt quãng thời gian ấy, ông đã cho ra đời khoảng 500 tác phẩm gỗ lũa lớn, nhỏ. Điều dễ nhận thấy nhất ở những tác phẩm nghệ thuật từ gỗ lũa của ông là mỗi tác phẩm đều thể hiện một dáng vẻ riêng. Ví như khi tạc tượng Ông Địa, các nét chạm trổ của mỗi pho tượng cũng đều khác nhau. Lý giải điều này, ông cho biết: “Tạc tượng phải đam mê nghệ thuật. Ngoài sự cần cù, chịu khó đòi hỏi phải có sự sáng tạo để tạo “hồn” cho tác phẩm. Điều quan trọng hơn là làm nghệ thuật phải có “ngẫu hứng”, phải chế tác làm sao tác phẩm sau đẹp hơn các tác phẩm trước”.

Với những gốc cây ải mục, xấu xí, bỏ đi, vậy mà ông Nguyễn Văn Ngôn đã “thổi” vào nó một sức sống diệu kỳ. Ông Ngôn trao đổi với chúng tôi: “Gỗ lũa có 3 loại: Lũa nằm trong lòng đất, lũa chìm dưới bùn nước và lũa được tạo thành từ các tác động trực diện của mưa gió. Mỗi loại lũa có một đặc điểm riêng. Lũa nằm trong lòng đất có nguyên màu gỗ lũa nguyên thuỷ. Lũa ngâm dưới bùn nước có màu như mun, như sừng. Lũa phơi mưa gió là loại quý hiếm nhất, vì có những đường vân rất đẹp”. Tất nhiên, không phải gỗ nào cũng tạo nên lũa. Lũa được tạo thành từ những gốc gỗ quý như dổi, trai, nghiến, cẩm, trắc… hoặc những loại gỗ có chứa dầu thơm như đinh hương, xá xị, giáng hương…

Hiện nay, tại nhà ông Nguyễn Văn Ngôn có khoảng 200 tác phẩm lớn, nhỏ được chế tác từ gỗ lũa. Mỗi tác phẩm đều là một người “bạn” tâm giao của ông như song tùng bách hạc, lưỡng long tranh châu, song long chầu nguyệt… Bằng sự đam mê nghệ thuật, ông Ngôn đã và sẽ tiếp tục góp phần phát triển nghệ thuật gỗ lũa ở địa phương.

KHÁNH PHÚC