Nơi đáng sống…

03:03, 13/03/2013

Đà Lạt đã bước qua tuổi 120. Từ lâu, người Pháp đã phác hoạ tương lai xứ sở này sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” cho những ai muốn tận hưởng sự dịu ngọt, muốn thấy thời gian chầm chậm trôi… Thiên nhiên ban tặng cho thành phố này nhiều điều kỳ thú, khí hậu mát mẻ quanh năm, là vườn “bách thảo kỳ hoa” giữa không gian thơ mộng...

Đà Lạt đã bước qua tuổi 120. Từ lâu, người Pháp đã phác hoạ tương lai xứ sở này sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” cho những ai muốn tận hưởng sự dịu ngọt, muốn thấy thời gian chầm chậm trôi… Thiên nhiên ban tặng cho thành phố này nhiều điều kỳ thú, khí hậu mát mẻ quanh năm, là vườn “bách thảo kỳ hoa” giữa không gian thơ mộng. Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên, Đà Lạt đang dần hội đủ những yếu tố đáp ứng cho một cuộc sống chất lượng…

Khách quốc tế thư thái du xuân phố núi Đà Lạt
Khách quốc tế thư thái du xuân phố núi Đà Lạt


Mới đây, tôi được đọc một bài viết của GS.TS. Kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), ông cho rằng: Nói đến Đà Lạt, người Việt Nam ai cũng nôn nao. Bởi trong họ, Đà Lạt không chỉ là một đô thị mà còn là một tâm tưởng, có khi là một hoài niệm, có khi là một cảm giác sống tinh khôi, tươi mát mà thâm trầm. Sống ở đây là một trải nghiệm khác thường.

1. Thiên đường lúc năm giờ! Một doanh nhân thành đạt ở xứ sở ngàn hoa Đà Lạt ví von. Tiếng chuông nhà thờ điểm. Năm giờ sáng, năm giờ chiều trên các trục đường quanh đồi Cù, hồ Xuân Hương những đôi chân không biết đâu là du khách, là người Đà Lạt; cũng chẳng phân biệt được đâu là doanh nhân, nông dân đang khoan nhặt, rảo bước. Họ đi trong sương giăng lãng đãng buổi sáng tinh khôi và trong nắng lạnh ngọt lành lúc hoàng hôn thả bóng bên hồ. Có lẽ, họ đang “chậm lại” để lắng nghe nhịp thời gian của cuộc sống, nhịp chảy của tâm thức, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua…

Đà Lạt là nơi hội tụ của nhiều người từ tứ xứ miền quê, là kết quả tổng hợp các tinh hoa nhiều vùng, miền để hình thành cho mình một bản sắc. Từ thuở xưa, nơi đây đã là quê hương lâu đời của người Lạch. Người Pháp trong ý đồ tìm kiếm cho mình nơi nghỉ dưỡng, họ đã đến Đà Lạt. Trong một thời gian dài họ kiến tạo thành phố này... và dấu xưa còn đó. Người Kinh đến Đà Lạt định cư đồng thời với người Pháp. Họ đóng góp sức lực, ý chí lớn lao trong việc xây dựng thành phố và gắn bó lâu dài với vùng đất họ chọn làm quê hương cho mình và con cháu mai sau.

Chắt lọc, tinh chế, tổng hoà đã “đúc” thành một “mẫu người Đà Lạt” có dáng dấp Huế nhưng không phải Huế, Hà thành mà không phải Hà thành, Quảng mà không hẳn Quảng Nam hay Quảng Ngãi… Trong con người Đà Lạt hôm nay có cái tế nhị, trọng lễ nghi... của người Hà Nội nghìn năm văn hiến; có nét quý phái của người cố đô Huế, có sự mộc mạc của người Nam - Ngãi - Bình - Phú… Bản sắc con người Đà Lạt rất dễ cảm nhận và phân biệt, nhưng gọi tên nó là gì vẫn còn là chuyện rất tế nhị. Đến nay có thể nói, hai tiếng Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm thức và là niềm tự hào không chỉ của người dân miền sơn cước; một vùng khí hậu ôn đới, một nơi nghỉ dưỡng thanh khiết, đem lại sự yên tĩnh cho tâm hồn.

Đà Lạt, miền đất khí hậu mát mẻ quanh năm, là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, là thành phố ngàn hoa quanh năm khoe sắc. Khí hậu, hoa… quyện hoà nét duyên của “đôi má hồng đào” của thiếu nữ đã tự nhiên níu chân nhiều người về với Đà Lạt.

2. Những người Pháp đến Đà Lạt vào đầu thế kỷ XX đã tặng cho thành phố này một câu châm ngôn có ý nghĩa “cho người này niềm vui, người kia sự mát lành” (Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem). Đến Đà Lạt, có lẽ mọi người đều quyện hoà theo cách sống nơi đây. Từ nhịp bước chân của người dạo chơi, từ cách nói năng, cử chỉ… đến “kiểu” ngồi cà phê, gọi tính tiền trong quán xá đều diễn ra chầm chậm. Chậm nhưng không trễ nải, đó là cái riêng của người Đà Lạt.

Mỗi người, mỗi giới đến với Đà Lạt đều có cách “đắm đuối” riêng. Nhà thơ Trần Trương đã “cảm” cái hồn Đà Lạt trong bài thơ cùng tên: “…Nhịp sống ở đây chầm chậm/ Dẫu đồng hồ vẫn chạy đúng thời gian…”. Giới văn nghệ sĩ dĩ nhiên là ưa sự lắng đọng, thăng hoa. Giới trí thức, công chức thì ưa sự ổn định không bon chen. Nông dân thì ưa sự thuần phác, an lành. Còn du khách thì đi tìm sự tĩnh lặng, vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi, thư thái.

Chiều nay tôi lại về Đà Lạt và chọn một góc trong quán cà phê tĩnh lặng để ngắm thành phố mùa xuân, để được “trôi tím chiều mận hậu”, được yên bình giữa những ẩm khách lặng lẽ, thong thả những thanh âm vọng hồn theo tiếng tí tách cà phê rơi, nhìn phố phường tấp nập những bước chân không đan ríu vào nhau… Những quán cà phê lịch lãm, lâu đời ở Đà Lạt thường là nơi gặp gỡ của giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, kể cả những nhà hoạt động chính trị… Ở đó, họ có thể ngồi hàng giờ để đàm luận về văn chương, chữ nghĩa, về đời sống… và cả những tin tức thời sự.  

Tôi mạo muội đem chuyện sống chậm ở Đà Lạt “bàn” với nhà “Đà Lạt học” Nguyễn Hữu Tranh (74 tuổi), ông mở lời: Tri túc, tri chỉ! (biết đủ, biết dừng - Lão Tử). Có lẽ do khí hậu, thổ nhưỡng đã ảnh hưởng đến tư tưởng, quan niệm sống của người dân xứ này. Còn nhà thơ Nguyễn Duy đã từng “nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi”… Đà Lạt tĩnh lặng đến lạ kỳ.   

Một lần tri ngộ với người bạn tri âm, anh bạn chất vấn, Đà Lạt có gì để sống chậm? Tôi trầm ngâm, thì… có mùa đông phương Bắc, nắng vàng phương Nam quyện hoà thành “nắng lạnh” dịu ngọt; đến Đà Lạt để được đi ngủ sớm và thức dậy muộn; được hít hà vài món ăn nóng thơm nồng giữa đêm lạnh; được lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ và trải nghiệm bốn mùa trong ngày, để không cần mùa, cần tháng… Du khách đi tìm những giây phút sống chậm, còn với người Đà Lạt đã là nơi sẵn có. Đà Lạt là thế, đem lại cho người này niềm vui, người kia sự mát lành.

3. Còn nhớ quê tôi xưa miền Trung nắng cát, nhưng những nông dân đã biết hưởng cuộc sống chậm một cách hồn nhiên. Trên cánh đồng, dưới đêm trăng, họ vừa tát gàu sòng vừa hát đối, vừa gặt lúa vừa ngâm câu ca dao, trưa nắng hè thì gọi nhau râm ran chè xanh...

Còn ở Đà Lạt từ thưở xưa, đã mang hình ảnh của đô thị vườn và vườn lẫn vào phố. Những cung đường uốn lượn, những khu vườn bao quanh phố xá, bao bọc những nếp nhà bình yên. Cùng khí hậu trong lành, hình ảnh người nông dân Đà Lạt đã tạo nên sắc màu độc đáo cho đô thị miền sơn cước. Cũng là đời nông phu quanh năm với cây cối ruộng vườn, nhưng ở họ luôn toát lên nét tự tại, ung dung như họ chưa từng lam lũ bao giờ.

Môi trường sống Đà Lạt trong lành, tĩnh lặng; nhịp sống không xô bồ, khẩn trương như các thành phố khác. Môi trường ấy làm cho con người thanh tịnh, khoan thai. Đà Lạt hôm nay đã trở thành trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của tỉnh Lâm Đồng, đồng thời đã được khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế.

Song, để Đà Lạt thực sự là “nơi đáng sống”, người ta cần nhiều thứ hơn là những quà tặng miễn phí của tự nhiên. Đà Lạt sẽ là nơi lý tưởng để sống chậm khi hội đủ các yếu tố để tận hưởng thi vị cuộc sống theo chiều sâu, như các dịch vụ giải trí, thư giãn, nghỉ dưỡng, nhà hàng chất lượng, trung tâm mua sắm… và những không gian xanh.

Những yếu tố đó có lẽ sẽ được hội đủ trong tương lai. Bởi, Đà Lạt sẽ là “thành phố vườn” theo ý tưởng của chuyên gia kiến trúc người Pháp và “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” theo gợi ý của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho các chuyên gia quy hoạch đô thị, cùng những ý tưởng khác nữa… trong đồ án “quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Cuộc sống là một bản nhạc, có khi là một bản rock cuộn sôi, có khi là một khúc slow chậm rãi... Với tôi, có lẽ với bạn cũng thế, sống nhanh hay sống chậm là sự lựa chọn của thời điểm, để không vuột mất khoảnh khắc một đàn én mùa xuân chao nghiêng trên mặt hồ Xuân Hương, để tận hưởng “chén rượu ngoại ô ngấm một tiếng… khà” (Thơ Uông Thái Biểu), để được thấy ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi, để chiêm ngưỡng mai anh đào hồng gối trời xanh, bên tách cà phê đen như địa ngục và ngọt ngào như tình yêu…

Lúc ấy, bạn khó lòng mà rời Đà Lạt.

Mai Văn Bảo