Tiếng khóc (truyện ngắn)

03:03, 20/03/2013

Bệnh nhân là một ông già bị ung thư vòm họng. Ông không nói được và tỏ ra đau đớn vô cùng. Cơn đau ngày một tăng vì vậy mà thuốc giảm đau cho ông ngày một nhiều. Ban ngày có người ra người vào còn đỡ sợ, đêm đến vắng vẻ cái đau càng hãi hùng hơn...

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

Bệnh nhân là một ông già bị ung thư vòm họng. Ông không nói được và tỏ ra đau đớn vô cùng. Cơn đau ngày một tăng vì vậy mà thuốc giảm đau cho ông ngày một nhiều. Ban ngày có người ra người vào còn đỡ sợ, đêm đến vắng vẻ cái đau càng hãi hùng hơn. Nằm trên giường bệnh trong cơn bĩ cực, ông không còn muốn sống nữa. Cái đau như muốn cắn xé cổ họng ông, rồi toàn thân, chỗ nào cũng nhức nhối. Cái đau không thoát ra được nên càng tăng lên bội phần. Ông quằn quại trên giường bệnh, muốn chết mà không chết được.

Bác sĩ điều trị đi thăm bệnh nhân, thấy ông vật vã trên giường, ân cần hỏi:

- Bác đau lắm phải không ạ? Để tôi gọi cô y tá đến tiêm thuốc giảm đau cho bác ngay đây.

 Nói rồi bác sĩ về phòng trực. Thoáng cái cô y tá đã mang thuốc đến. Cô nói nhẹ nhàng như muốn chia sẻ với người bệnh:

- Bác chuẩn bị để cháu tiêm. Chúng cháu sẽ cố gắng làm giảm đau đớn cho bác.

Ông gắng gượng đưa tay ra cho cô y tá. Với ông lúc này chỉ có một mong muốn duy nhất là giảm được phần nào sự đau đớn trong những ngày tháng còn phải sống trên cõi đời này.

Vài phút sau ông thấy người nhẹ đi nhiều. Ông mơ màng trong giấc ngủ chập chờn. Ông đùa vui với thằng cháu nội mười hai tuổi, lúc nào cũng quấn lấy ông. Ông muốn dành mọi tình thương cho cháu bởi bố mẹ nó lúc nào cũng bận bịu với công việc, chẳng có mấy thì giờ chăm sóc con. Ông thương đứa cháu gái ngoại phải đi học xa, đường xá nhiều xe cộ. Bỗng ông giật mình choàng tỉnh, như thấy người lơ lửng ở đâu đâu. Thì ra ông vừa nằm mơ thấy một chiếc xe máy chồm lên đè vào cháu gái ông. Người ông vẫn còn run. Tim ông đập mạnh như đánh trống làng.

Bà ấy sớm xa lìa ông đã mấy năm rồi. Mọi tình thương ông chỉ còn biết dành cho con, cho cháu. Hai đứa con, một gái một trai, đứa nào cũng được ông lo cho ăn học, có công ăn việc làm chu đáo. Các con ông ngày một giầu lên. Dù có phải ra đi, ông cũng thanh thản mà nhắm mắt được rồi. Nhưng chẳng hiểu vì sao, chúng nó càng giầu thì ông lại càng lo. Âu đó cũng là cái lẩm cẩm suy nghĩ của tuổi già. Ông muốn nhắc nhở các con phải làm ăn cho chính đáng, nhưng bệnh tình thế này đã không cho ông còn làm được điều đó. Con chim trước khi chết vẫn muốn cất lên tiếng hót. Con người trước khi chết cũng muốn nói lời cuối cùng với người còn sống những điều trăn trở của mình. Nhưng với ông đã lực bất tòng tâm.

Ngày mới nhập viện, mấy đứa con vẫn thường ra vào chăm sóc ông nhưng vì thời gian ốm của ông quá lâu, nên sự chăm sóc ấy có phần thưa thớt dần. Ông nhận ra sự mỏi mệt và chán nản trên gương mặt chúng. Nhất là khoảng một tuần nay, mỗi lần vào thăm ông chúng chỉ đứng bên giường bệnh khoảng mươi phút, khẽ lắc đầu rồi lặng lẽ trở ra. Một nỗi buồn thoảng qua tâm hồn. Nhưng rồi ông tự an ủi: bệnh tình của mình như vậy cũng nên chấp nhận.

Những năm tháng qua, vừa phải làm bố lại vừa phải làm mẹ, nên ông hiểu tính tình từng đứa con với cả những nết tốt cùng những thói xấu. Nhưng chúng là những hòn máu của ông nên dù thế nào, ông cũng chẳng nỡ trách.

Một buổi tối, có một người đàn ông và một người đàn bà còn khá trẻ, áo quần sang trọng đến phòng trực của bác sĩ. Hai người cười rất tươi:

- Dạ, xin chào bác sĩ ạ!

- Vâng, xin chào anh chị. Anh chị là…?- Vị bác sĩ hỏi.

- Dạ, tôi là con trai của bệnh nhân bị ung thư vòm họng mà bác sĩ đang điều trị, còn đây là em gái của tôi.

- À… tôi nhớ ra rồi. Nhưng sao… hàng ngày chỉ thấy có một phụ nữ đã đứng tuổi và thỉnh thoảng có hai cháu đến chăm sóc bác ấy thôi?

- Dạ! Vâng, người phụ nữ đó là người chúng tôi thuê giúp việc gia đình, trực tiếp chăm sóc cha tôi còn hai đứa trẻ là cháu nội và cháu ngoại của ông.

-  À ra là vậy!

 Người con trai của bệnh nhân như có điều gì khó nói. Anh ta ấp úng:

- Thưa bác sĩ… chúng tôi muốn xin phép thưa với bác sĩ một chuyện?

- Có việc gì, anh chị cứ nói?

Người con gái lên tiếng:

- Dạ, thưa bác sĩ, bệnh của cha tôi nặng lắm phải không ạ?

Bác sĩ:

- Đây là một căn bệnh nan y, khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối thì việc chạy chữa cũng gặp nhiều khó khăn.

Người con trai giọng ngập ngừng:

- Thưa bác sĩ như vậy là đằng nào cha tôi cũng không qua khỏi phải không ạ? Xin bác sĩ… làm cách nào để cho cha tôi sớm “ra đi” nhẹ nhàng được không ạ?

Bác sĩ tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại:

- Cái gì, anh vừa nói cái gì?

Người con trai:

- Ý tôi là, xin bác sĩ có thể… tiêm cho cha tôi một liều thuốc… nào đó để ông ấy khỏi phải đau đớn mà thanh thản về “thế giới bên kia” được không?

Bác sĩ bàng hoàng, lặng đi một lúc mới trả lời:

- Chúng tôi không được phép làm như vậy. Luật pháp nước ta chưa được làm điều đó.

Người con gái như muốn đỡ lời cho anh trai:

- Thưa bác sĩ! Đây chỉ là việc thoả thuận của gia đình chúng tôi với bác sĩ thôi. Chẳng ai có thể biết được việc này. Gia đình chúng tôi xin hậu tạ bác sĩ ạ.

Vị bác sĩ đã bình tĩnh trở lại, giọng ông trầm buồn nhưng dứt khoát:
- Tôi xin nhắc lại: điều ấy là không thể!

Người con trai:

-Nhưng thưa bác sĩ. Cha tôi đâu còn có thể sống được nữa, cái chết của ông chỉ còn tính bằng tháng, bằng tuần…

Bác sĩ:

- Tôi biết điều đó. Y học quả là đang bó tay trước căn bệnh ung thư, nhưng với sự hiểu biết nghề nghiệp, tôi cũng xin nói với anh chị rằng, căn bệnh tuy rất quái ác này nhưng cũng có một sác xuất một phần nghìn là tự khỏi. Tại sao ta không nuôi niềm hi vọng dù rất mong manh ấy?

Người con trai cười nhạt:

- Một phần nghìn ư? Thưa bác sĩ, mà có khi đó cũng chỉ là một lí thuyết mang mầu sắc an ủi.

Bác sĩ cười, nhưng là một nụ cười chua xót:

- Không! Đó là sự thật. Y học đã từng chứng minh điều đó. Chỉ có điều hình như cái sác xuất quá hiếm hoi ấy… thượng đế chỉ dành cho những người có tấm lòng thương yêu và niềm tin vượt ra ngoài giới hạn bình thường. Mà chắc anh chị cũng biết câu nói quen thuộc trong dân gian mỗi khi cứu chữa bệnh cho người thân: còn nước còn tát?

Ngừng lời một lát, bác sĩ nói bằng giọng hơi sẵng:

- Thôi bây giờ chúng ta không bàn đến chuyện này nữa. Anh chị cứ về đi.

Hai người con của ông định nói thêm, nhưng bác sĩ đã đứng lên.

 “Thượng đế” đã không dành cái sác suất một phần nghìn cho ông già xấu số ấy. Ông đã “ra đi”, không một lời trăng trối.

Lễ tang của ông được tổ chức linh đình, đầy vòng hoa, lễ vật, phong bao phúng viếng. Còn vài tiếng nữa là lễ truy điệu và an táng được cử hành. Con trai, con gái ông lặng lẽ làm tròn bổn phận theo chỉ dẫn của ban tổ chức. Có lẽ đã quá mỏi mệt nên từ hôm ông trút hơi thở cuối cùng, nước mắt các con ông không thể chảy ra được. Cô con gái của ông đưa tiền cho phường kèn nhờ người ta khóc hộ trong những giờ phút cuối cùng tiễn cha. Tiếng nhạc của phường kèn nổi lên thật bi ai. Và tiếng khóc mướn cũng não nề qua loa phóng thanh mở to hết cỡ:

“ Cha ơi, con là con gái của cha đây!/ Thương cha nước mắt vơi đầy lòng con/ Mẹ con nay đã không còn/ Bây giờ cha lại bỏ chúng con côi cút thế này…

Tiếng khóc của người đàn bà khóc thuê nghẹn ngào nấc lên:

Cha ơi! công cha nghĩa mẹ cao dầy/ Sao trời làm nên cảnh thế này cha ơi! /Tình cha như nước đầy vơi/ Sao cha đã vội xa rời con gái mà đi/ Nhà cao cửa rộng mà làm chi/ Khi cha không ở cha về với cõi cao xanh…

Bài khóc thống thiết chấm dứt. Tiếng nhạc đám ma cũng tạm dừng. Không khí trở nên yên lặng. Người đàn bà khóc thuê nhìn sang cười với bạn cùng phường. Những người đến viếng râm ran trò chuyện. Vẫn chẳng có tiếng khóc nào bên linh cữu người quá cố. Có được tiếng khóc thật khó khăn biết nhường nào. Ban nhạc lại nổi lên những âm điệu bi ai. Người con dâu lẳng lặng ra ngoài. Chị ta cũng lại đưa tiền cho phường kèn và nói nhỏ điều gì đó rồi đi vào ngồi bên linh cữu bố chồng. Tiếng nhạc nổi lên, tiếng khóc mướn cũng não nùng rền rĩ qua tiếng loa:

Cha ơi! Con là con dâu trưởng của cha/ Vợ chồng con và cháu xót xa vô cùng/ Cha đi để lại sầu đong/ Nỗi đau này biết lấy gì bù được trong lòng, cha ơi/ Giời ơi có thấu chăng giời/ Nỗi đau không khóc được thành lời hỡi cha…

Tiếng nhạc và lời than lặng đi. Vẻ như để chuẩn bị cho một đợt khóc mới.

Hình như mải bận bịu với cái tang lễ bi thương và… rộn ràng ấy, không ai để ý đến hai đứa cháu nội và cháu ngoại của ông già quá cố. Cả hai đứa bé ngồi co ro trong góc nhà khóc nấc lên từng hồi, nước mắt đầm đìa vạt áo.

Các nhà ngoại cảm thường nói, trong phạm vi ba ngày, hồn người chết chưa lìa khỏi xác. Nếu như lời họ nói là chính xác thì ông già đã nghe được tiếng khóc của hai đứa cháu. Và như vậy, chắc là ông cũng bớt đi chút ít đớn đau.

Truyện ngắn: Phạm Đức