Tiểu thuyết “Đại ngàn độ lượng” một góc nhìn văn hoá

03:03, 20/03/2013

Tính đến thời điểm này, số nhà báo ở Lâm Đồng viết văn, viết thơ rất ít, viết tiểu thuyết lại càng ít và viết tiểu thuyết, tôi khẳng định là mới có một nhà báo - Võ Khắc Dũng.

Tính đến thời điểm này, số nhà báo ở Lâm Đồng viết văn, viết thơ rất ít, viết tiểu thuyết lại càng ít và viết tiểu thuyết, tôi khẳng định là mới có một nhà báo - Võ Khắc Dũng.

Tiểu thuyết đầu tay của anh có cái tên rất ấn tượng “Đại ngàn độ lượng”, NXB văn học ấn hành tháng 11/2012, tôi đọc liền một mạch, đọc đến đâu, những điều mới lạ mà tôi chưa biết hiện lên đến đó.

Võ Khắc Dũng đưa tôi đến với những buôn làng người Cơ Ho, người Mạ, người Chu Ru ở mảnh đất Nam Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng.

Những giá trị văn hóa (tinh thần, vật chất) với bản sắc dân tộc rất riêng đã được tác giả thổi hồn vào những đoạn văn rất sống động, người đọc thấy không khô cứng như một bản tổng kết, thống kê những số liệu ở Nam Tây Nguyên có bao nhiêu bộ cồng chiêng, cách sử dụng chiêng và có mấy loại thổ cẩm, mấy loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số, mà nó được chuyển tải bằng văn học, người đọc không thấy nhàm chán.

Đọc những đoạn tả về bếp lửa nhà dài, về những cánh rừng già, về những chàng trai cô gái người Mạ, Cơ Ho… ta thấy như chính mình là người đang đứng trước cảnh vật thiên nhiên, con người để rồi cùng hòa nhập với con người, thiên nhiên ở đây. Cứ như ta cưỡi ngựa cùng chàng trai người Mạ, Cơ Ho, đang dạo chơi trong rừng, đang tắm suối, đang ngồi trên bếp lửa nhà dài, cùng uống rượu cần với khách ở xa tới.

Rồi nữa, những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru được giới thiệu kỹ càng, cũng không bằng lời kể khô cứng mà bằng văn học - bằng những hồi tưởng, bằng những đoạn văn tả thực, bằng sự đối thoại của các nhân vật…, chứ không phải là truyện kể thông thường. Chất văn rất đậm trong tiểu thuyết. Nhiều người lầm tưởng rằng truyện ngắn hoặc tiểu thuyết cũng chỉ là những câu chuyện kể thông thường, nhưng thật xa, nó là những câu chuyện được kể bằng văn học, bằng nghệ thuật, mà nghệ thuật đã được tác giả công phu xây dựng. Cụ thể, trong “Đại ngàn độ lượng”, câu chuyện thật đơn giản là một đôi trai gái yêu nhau, nhưng vì chàng trai là con kết nghĩa của gia đình cô gái, được cả buôn làng chứng kiến. Luật lệ hà khắc ở đây đã đuổi người đàn bà ra khỏi buôn, phải sống trong hang với thú dữ hơn 20 năm. Đơn giản chỉ có vậy nhưng được kéo dài trong việc kể ra mối quan hệ huyết thống, dòng tộc, phong tục, tập quán diễn biến tâm lý từng nhân vật. Kéo dài hơn 200 trang mà người đọc vẫn bị lôi cuốn, đọc trang này phải tiếp ngay trang kia cho đến hết, để biết cô gái kia sẽ ra sao, cứ như tác giả và độc giả đang sống, đang chứng kiến chuyện xảy ra ở buôn làng ấy với bao nhiêu tình tiết đan xen, chứng tỏ tác giả có vốn sống phong phú, sự hiểu biết văn hóa dân tộc thiểu số rất sâu sắc.

Gấp cuốn sách lại, đọng lại trong lòng người đọc - đúng hơn là người đọc hiểu được thiên nhiên, con người với cả bề dày văn hóa của một vùng đất thuộc Nam cao nguyên của Tổ quốc.

Kết cấu của cuốn truyện chặt chẽ, cách viết truyền thống (tác giả là người dẫn chuyện) dễ đọc, dễ hiểu, câu văn chau chuốt nhưng không cầu kỳ, những đoạn tả cảnh, tả tình sinh động. Các nhân vật đều có diện mạo, cá tính riêng, cách nói chuyện cũng khác nhau như: Kadi ơn, K’ Dứt, Ka Keo, Lâm Thẩm, Ya Tuyn… đã để người đọc dễ nhớ. Diễn biến tâm lý từng nhân vật trong từng hoàn cảnh được tác giả mô tả cụ thể, sâu sắc, nhân vật như hiện hữu trước mắt ta, như từng trang sách bước ra đời thực. Thông điệp mà tác giả gửi cho chúng ta là hãy sống và yêu thương nhau, bảo vệ nhau, bảo vệ thiên nhiên, tài nguyên đất nước, giữ gìn môi trường sống, bảo vệ bản sắc dân tộc, chống mọi âm mưu chia rẽ, lấn chiếm của những thế lực đen tối.

Đây là mặt thành công chủ yếu của tác phẩm. Tuy nhiên vẫn còn chỗ chưa hợp lý như: Không nên cho người dân tộc thiểu số nói theo cách của người Kinh, một số đoạn dài dòng, kể lể báo chí... Nhưng hạn chế chỉ coi là những hạt sạn, có thể khắc phục được. Được biết Võ Khắc Dũng đã xuất bản 10 cuốn sách riêng (không kể những tác phẩm in chung). Đó là các tập truyện ngắn, bút ký, ghi chép, rồi thơ nữa. Một con số mà những người cầm bút ở địa phương hiện tại đều mong ước.

 Bài viết nhỏ này chỉ là những suy nghĩ của cá nhân, mong được giới thiệu đến bạn đọc gần xa để mọi người biết thêm trong một nhà báo Khắc Dũng còn có một nhà vVăn.

Nguyễn Thanh Hương