Trong “gia tài” hơn 10.000 cổ vật gồm nhiều bộ sưu tập đủ loại qua các thời kỳ lịch sử của nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Đăng Thanh (hội viên CLB UNESCO sưu tầm và nghiên cứu cổ vật Lâm Đồng) chúng tôi bắt gặp và bị cuốn hút bởi những cổ vật, kỷ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...
Trong “gia tài” hơn 10.000 cổ vật gồm nhiều bộ sưu tập đủ loại qua các thời kỳ lịch sử của nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Đăng Thanh (hội viên CLB UNESCO sưu tầm và nghiên cứu cổ vật Lâm Đồng) chúng tôi bắt gặp và bị cuốn hút bởi những cổ vật, kỷ vật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. 1.500 hiện vật là dụng cụ săn bắn, hái lượm, vũ khí đánh trận, giáo đâm trâu, vật dụng sinh hoạt bằng gốm - đất nung (chum choé), dụng cụ đan lát bằng tre, nứa (các loại gùi và dụng cụ đánh bắt cá dưới nước: nơm, đó...); trang sức phụ nữ (vòng, kiềng, chuỗi hạt...) như hiện lên đời sống văn hoá vật chất, tinh thần sinh động của đồng bào các dân tộc thiểu số sống trên dải đất Nam Trường Sơn.
Gùi có nắp đậy được đan công phu |
Ông say sưa nói về từng đồ vật của mình. Đó là dàn cồng chiêng 70 chiếc với đủ kích cỡ, đủ loại của dân tộc qua các niên đại. Trong đó, ngoài bộ chiêng quý 12 chiếc được xem là bộ chiêng Arap biểu diễn trong các lễ hội của Hoàng triều Chăm xa xưa; chiếc chiêng lớn nặng 17kg có đường kính 1,2m, niên đại 200 năm cũng được coi là cổ vật có một không hai. Chum choé đến trên 100 cái, không có chỗ đặt, ông phải đưa cả ra vườn, đặt dưới giàn hoa lan, xếp sau nhà. Mỗi choé mỗi loại, mỗi công dụng khác nhau, lớn nhất 96 cm, nhỏ nhất 10cm (đường kính miệng choé), đều có niên đại từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 20. Đặc biệt nhất có 3 chiếc choé thiết khí của đồng bào K’Ho màu đen bóng do trong vật liệu làm choé chứa kim loại nên nặng hơn những chiếc choé bình thường. Ông Thanh kể: Tình cờ một lần, có người bạn K’Ho ở Di Linh đến chơi cho ông biết: Đây là một loại choé quý, theo phong tục của đồng bào xưa ai sở hữu 1 chiếc choé thiết khí là có quyền được 7 vợ bắt làm chồng (được đi lại sống với 7 người phụ nữ); và choé còn có công dụng “thế mạng”, nghĩa là người có tội với buôn làng thì có thể nộp choé thay cho những hình phạt theo quy ước cộng đồng. Chuỗi vòng lục lạc có từ thế kỷ 17 gồm 63 lục lạc gắn đều đặn trên chiếc đai được đan tinh xảo bằng nan tre, vừa là nhạc cụ, vừa là đồ trang sức đeo vào bụng nhảy múa trong những lễ hội sinh hoạt của người Bana. Mỗi lục lạc đều có khắc chữ “phúc” - điều đó chứng tỏ sự trao đổi giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, các vùng miền diễn ra từ rất sớm. Quả bầu khô lớn chưa từng có với sức chứa 6 lít, có nút làm bằng gỗ trạm trổ hoa văn và sợi dây đeo được tết bằng mây đan rất tinh xảo, đây là dụng cụ đựng cháo của đồng bào Churu để cả nhà có thể ăn trong một ngày đi làm rẫy xa. Mũi lao quý bằng đồng dùng trong những cuộc đi săn, có trạm trổ hoa văn, ông Thanh phỏng đoán phải là của một vị tù trưởng uy quyền giàu có...
Cầm trên tay chiếc gùi lớn, có nắp đậy được đan tinh xảo trong số hàng chục chiếc gùi, nhà sưu tầm cổ vật tưởng tượng: Tây Nguyên xưa 6 tháng nắng, mùa khô mọi người đi rừng đi rẫy, mùa mưa không biết làm gì, họ cùng nhau tạo ra những dụng cụ sinh hoạt mà không tính đến công sức. Vót, đánh bóng từng sợi nan từ cật tre, nứa, mây; tỉ mỉ tạo từng hoạ tiết trên sản phẩm với kỹ thuật chế tác không theo một quy chuẩn, khuôn mẫu nào, không kích cỡ cố định, làm tuỳ hứng tuỳ thích, khi nào xong cũng được, có khi kéo dài cả năm mới hoàn chỉnh. Với lối sinh hoạt trong gia đình ai có gùi thì người đó dùng, có khi mỗi người có đến 3-4 chiếc gùi riêng cho từng công việc cụ thể: gùi để đồ trang sức, để quần áo treo trên vách nhà, gùi đi nương rẫy, gùi đi ra suối giặt giũ...; nên trong các mối quan hệ gùi còn là kỷ vật đan tặng cho nhau thể hiện tình yêu đôi lứa, tình cha con, tình anh em, tình vợ chồng. Vì làm ra để dùng, để tặng, không trao đổi mua bán nên người chế tác gửi gắm cả cái tình vào trong đó mà không kể đến công sức. Vì vậy, các đồ vật của đồng bào Tây Nguyên rất phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức, chắc, bền, bóng, đẹp và có sức cuốn hút kỳ lạ, dùng hàng trăm năm không hỏng. Mỗi sản phẩm tạo ra không chỉ có giá trị sử dụng mà còn mang giá trị thẩm mỹ như một tác phẩm nghệ thuật. Nên có thể nói, tất cả những vật dụng đan lát (gùi, rổ, rá, nơm...) của đồng bào Tây Nguyên là đẹp nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam – Nhà sưu tầm Nguyễn Đăng Thanh khẳng định. Cũng chính vì vẻ đẹp đó mà cách đây 15 năm khi dừng chân chọn Đà Lạt làm nơi sinh sống, ông như bị các đồ vật của đồng bào mê hoặc. Mới đầu chỉ là của 3 dân tộc bản địa: Chu ru, K’Ho, Mạ, sau mở rộng ra các dân tộc ở Gia Lai, Đắc Lắc như Ê-đê, Bana, Rắc-Glai... Nghe nói ở đâu có bán là ông tìm đến. Cầm đến thứ gì ông lại không chỉ nhớ nó được mua ở đâu, mà còn nhớ rất kỹ nó được ra đời khi nào, thậm chí được mua trong hoàn cảnh nào. Không thể kể hết các cổ vật, kỷ vật gắn liền với những kiến thức văn hoá, những câu chuyện lý thú.
Cuộc sống không ngừng đổi thay khi hình thái kinh tế thay đổi nên điều kiện sinh hoạt vật chất tinh thần của đồng bào cũng thay đổi theo, vật dụng cũng dần được thay thế bằng nhiều loại chất liệu hiện đại. Những cổ vật, kỷ vật in dấu thời gian của đồng bào vẫn luôn được ông Thanh trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Ông mong muốn sắp tới kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, có một không gian nhỏ dành cho ông, để ông trưng bày cho công chúng cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp vượt thời gian của các cổ vật, kỷ vật – những di sản văn hoá vật thể của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
QUỲNH UYỂN