Về Phù Ủng tưởng niệm “Người đan sọt”...

02:03, 06/03/2013

Như thường lệ mỗi độ Xuân về, ngày 20-2-2013, tức 11 tháng Giêng năm Quý Tỵ, tại Khu Di tích Lịch sử Văn hoá đền Phù Ủng (thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) nơi sinh ra Tướng quân Phạm Ngũ Lão, Ban Tổ chức lễ hội đền Phù Ủng cùng cán bộ và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 738 năm danh tướng Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc, giữ nước.

Như thường lệ mỗi độ Xuân về, ngày 20-2-2013, tức 11 tháng Giêng năm Quý Tỵ, tại Khu Di tích Lịch sử Văn hoá đền Phù Ủng (thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) nơi sinh ra Tướng quân Phạm Ngũ Lão, Ban Tổ chức lễ hội đền Phù Ủng cùng cán bộ và nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 738 năm danh tướng Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc, giữ nước.

Đoàn rước lễ tại Khu Di tích Lịch sử Văn hoá đền Phù Ủng trong ngày tưởng niệm 738 năm danh tướng Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước
Đoàn rước lễ tại Khu Di tích Lịch sử Văn hoá đền Phù Ủng trong ngày tưởng niệm 738 năm danh tướng Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước


Trước cảnh quê non nước hữu tình và sắc hương của ngày hội giàu ý nghĩa lịch sử, du khách và nhân dân được ôn lại thân thế và sự nghiệp của Tướng quân Phạm Ngũ Lão, làm cho Hào khí Đông A bừng thêm trên mảnh đất anh hùng.

Sử sách ghi nhớ, Phạm Ngũ Lão sinh năm Ất Mão (1255) trong một gia đình làm nghề nông, mồ côi cha khi mới lên 5 tuổi. Từ nhỏ ông đã tỏ ra nhanh nhẹn, thông minh, có sức khoẻ và chí khí hơn người. Tuổi thanh xuân, gặp lúc đất nước có hoạ xâm lăng, Phạm Ngũ Lão nuôi chí lớn giết giặc, giúp nước. Câu chuyện về xuất thân của ông đã trở thành huyền thoại dân gian, chàng trai làng Phù Ủng không đến ăn mừng một người cùng làng đỗ tiến sĩ, chỉ vì “Chí trai chưa lập được công danh rạng rỡ non sông mà đi mừng người ta thì nhục”. Rồi cuộc đối đáp với Hưng Đạo Đại Vương khi Ngài có việc quân qua vùng đất Phù Ủng: "Nhà ngươi bị đâm giáo vào đùi, không biết đau sao mà ngồi yên vậy?”. Phạm Ngũ Lão trả lời: "Tôi đang mải nghĩ mấy câu trong binh thư, không biết có quân của Đức Ông trẩy qua, làm trở ngại việc quân, xin Đức Ông xá tội cho”. Trần Hưng Đạo hỏi về binh thư. Phạm Ngũ Lão ứng đáp trôi chảy; lại còn trình lên Hưng Đạo Đại Vương quyển sách có dòng chữ: "Dùng binh cốt chọn quân tinh nhuệ, không cần nhiều” cùng bài thơ Thuật Hoài: “Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu/ Tam quan tỳ hổ khí thôn Ngưu/ Nam nhi vị liễu công danh trái/ Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”. (Dịch thơ: “Múa giáo non sông trải mấy thâu/ Ba quân hùng khí át sao Ngưu/ Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu”).

Biết chàng trai ngồi đan sọt “mải nghĩ mấy câu trong binh thư” ấy là người có tài, sau khi nắm chắc danh tính, Trần Hưng Đạo tiến cử Phạm Ngũ Lão với vua Trần Anh Tông, giao cai quản quân cấm vệ. Phạm Ngũ Lão đã lập nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288).

Ở Phạm Ngũ Lão, hội tụ đủ những phẩm chất cao quý của người quân tử: nhân, nghĩa, lễ, chí, tín - người tướng tài. Ông đối với quân lính, tình như phụ - tử, đồng cam cộng khổ. Do lập được nhiều chiến công trong vai trò một võ tướng trụ cột của vương triều Trần, nên ông có được sự ưu ái, kính nể và ngưỡng vọng của quần thần văn võ...

Mỗi khi đọc bài thơ Thuật Hoài của ông, người dân Việt Nam qua các thế hệ đều hãnh diện về một dân tộc có truyền thống yêu nước, ý chí quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ gìn cuộc sống bình yên và nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Với những công lao hiển hách, Phạm Ngũ Lão được Vua phong thưởng Kim phù, Vân phù, Quy phù, Hổ phù, Phi ngư phù; phong hiệu “Thượng đẳng phúc thần” sau khi ông mất (1-11 Canh Thân/1320); đồng thời cho lập đền thờ ông ngay trên nền nhà cũ của gia đình tại làng Phù Ủng.

Trong tâm thức dân gian, Phạm Ngũ Lão trước là tướng đánh giặc cứu nước, cứu dân; sau là vị thánh hiển linh tế độ giúp đỡ nhân dân theo giáo lý khuyến thiện, trừng ác của nhà Phật.

Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá đền Phù Ủng toạ lạc trên mảnh đất quê hương Ân Thi anh hùng. Di tích đã được Nhà nước xếp hạng cấp Quốc gia, năm 1988. Đây là di sản văn hoá có giá trị to lớn về nội dung khoa học, lịch sử và nghệ thuật của dân tộc ta. Mỗi lần viếng thăm, du khách được hoà mình vào linh khí địa nhân và hiểu rõ thêm về tài năng, đức độ của "Phạm suý anh hùng, nhất trận phong vân hồng Việt sử”; từ đó giáo dục các thế hệ cháu con phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần tự chủ, tự tôn dân tộc, giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhân dân Phù Ủng vô cùng tự hào về vị danh tướng xuất thân từ mảnh đất quê hương của mình.

HOA FĂNG