Hư vô với văn sĩ bên đồi Đa Thiện

04:04, 10/04/2013

Lâu lắm không trở lại căn nhà nhỏ ẩn mình dễ thương bên hông đồi Đa Thiện (Đà Lạt) kia như lúc ông còn ở dương… trần, dù nơi đó tôi biết toàn người hiền, nhân ái, và rất tự trọng.

Lâu lắm không trở lại căn nhà nhỏ ẩn mình dễ thương bên hông đồi Đa Thiện (Đà Lạt) kia như lúc ông còn ở dương… trần, dù nơi đó tôi biết toàn người hiền, nhân ái, và rất tự trọng.

* “Dù ta rách nát cũng là đàn ông”!

Chân dung Dương Trần
Chân dung Dương Trần

Và ở đời Dương Trần là một người tử tế như vậy khi còn sống. Ông sống đạm bạc, nghèo mà thanh nhã, chân thật, thẳng thớm, mạnh mẽ của một kẻ sĩ thật. Nói “kẻ sĩ thật”, để phân biệt với đám đông kẻ dở hơi, bình dân, nửa mùa, hèn và ảo tưởng bây giờ nhưng cứ nghĩ mình cũng là “kẻ sĩ”. Làm kẻ sĩ khó lắm, phải chân thật với cuộc sống, và vượt qua, đánh đổi chứ không được tất cả lợi lộc mà cũng mê lầm mình đang “kẻ sĩ”. Với Dương Trần, gác “phấn” là đi làm vườn trồng lơgim, đánh vật với khoai tây, cà rốt, sú lơ trên đồi Đa Thiện. Những năm tháng cuốc bộ đi về dạy học ở khu rừng thông heo hút dưới chân đèo Prenn, vùng Định An (Đức Trọng), với tướng mạo dân dã bụi đời kia khiến lắm lần người ta lầm ông với Fulro, bị xét hỏi thường. Khi đã “phê” với lơgim, ông an nhiên xin đi làm bảo vệ trước cổng Trường Đại học Đà Lạt. Làm bảo vệ ở nơi toàn trí thức, giảng viên, sinh viên, nhưng trình độ văn hoá và sự hiểu biết về cuộc sống của Dương Trần làm nhiều người ở đấy phải dè chừng khi đàm đạo, tranh biện. Người gác cổng đặc biệt, có tư cách, và việc nhìn người qua lại kia ở một cái cổng là đang quan sát cuộc đời, thưởng thức nhân gian, chứ không phải băng giá soát kiểm người như một cái máy. Công việc bảo vệ ở đấy rồi cũng có lúc trắc trở, anh bảo vệ xuất thân là một nhà giáo dạy tiểu học này rẽ sang việc cần lao khác, trầm lặng hơn, và sáng tạo tài tử.

Dương Trần tên thật là Dương Uẩn, sinh năm 1949. Quê ông ở bên phá Tam Giang, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Qui Nhơn, khoá 7, ông lên Kon Tum, rồi Tuyên Đức (Lâm Đồng ngày nay) để làm thầy giáo tiểu học, dạy vắt qua hai chế độ. Truyện ngắn của ông từng đăng trên Tạp chí “Trình Bày” danh tiếng trước 1975. Nhưng ông dành tình yêu cho văn chương nhiều hơn kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Có dạo ông cũng hay gửi truyện ngắn, tạp bút cho Báo Lâm Đồng, Đà Lạt Nguyệt san. Có thể điểm qua những tác phẩm tiêu biểu trong văn nghiệp của ông: Sự Chết Đem Cho, Cỏ, Khuôn Mặt, Màu Mắt, Tâm Tưởng, Nắm Cơm, Cùng Một Toa Tàu, Mưa Cuối Mùa, Hy Vọng Cuối Cùng...

Viết lách chơi, tác phẩm không nhiều, nhưng các tác phẩm của Dương Trần đều thuộc hàng tinh tế, tuyệt phẩm, điêu luyện. Không mấy người yêu văn chương hồn hậu, chân thành và cũng chả có ai ở Tây Nguyên viết truyện ngắn điêu luyện, tử tế, mượt mà hơn ông được, kể từ sau 1975 đến ngày ông ra đi, dù ông viết như giỡn chứ không như bao người chăm bẵm viết và “trình diễn” để được gọi là Nhà thơ, Nhà báo, Nhà văn. Người ta túm tụm lại Hội văn nghệ địa phương để ảo tưởng và phô diễn, trong khi Dương Trần cứ lặng lẽ, không chồm ra để giao du, xuất hiện. Ông yêu văn chương kiểu của riêng mình, sáng tạo nó cho chính mình - Chơi văn nghệ. “Chơi văn nghệ” dĩ nhiên quí báu hơn là mượn văn nghệ để có vị trí trong xã hội, trục lấy lợi danh. Dương Trần rong ruổi “xa bờ”, với những văn phẩm xuất bản ở Tp.HCM, Quảng Trị, Nha Trang, Huế, Vũng Tàu… Tạp chí Văn, Cửa Việt, Sông Hương, Nha Trang, Chư Yang Sin… còn lưu tác phẩm ông với tư cách người viết truyện ngắn, Nhà văn. Con chim mạnh và khí khái là con chim không bay thành đàn. Thà làm thường dân yêu cái đẹp của văn nghệ còn hơn là thành viên văn nghệ mà không có… “văn nghệ”. Có người viết suốt mấy chục năm vẫn không có “văn”, không ai nhớ, còn Dương Trần ít truyện nhưng muốn quên cũng khó. Dường như ông chỉ viết những gì có thật trên đời, và chuyện sinh ra trong không gian Đà Lạt. Tất nhiên, khi lập danh những kẻ viết văn xuôi ở Lâm Đồng mấy chục năm qua, không thể để sót tên ông. Bạn đọc ở Tây Nguyên làm sao không nhớ được vẻ đẹp của truyện ngắn “Cỏ”, “Tạ ơn nhau”, hay “Người - nghiệp dư”của ẩn sĩ bên đồi Đa Thiện này. Nếu có phần văn học địa phương được đưa vào trường học, hẳn sẽ khiếm hẫng và thiệt thòi cho tâm hồn em trẻ nếu như vắng tác phẩm của Dương Trần.

Dương Trần chơi “văn” là chính. Thế nhưng bất chợt có lần ông “chơi” thơ, mà hai trong số ấy đã trở thành câu của dân gian, ít ai để ý đến tác giả nữa: “ Xin em một chút đàn bà/ Anh dù rách nát cũng là đàn ông”. Tôi thích những gì ngang tàng và nghĩa khí, thế là chủ ý nhớ cho được bài thơ hiếm hoi của bạn hiền có đủ chất lung linh đó. Ấy là một trưa không lâu ít ngày trước khi bạn “băng hà” (Vua chúa thì mới dùng từ này, nhưng Văn sĩ chắc cũng xứng đáng lắm!), nằm liệt trên chiếc giường be bé, và hình như có gắng cười chút chút, 26/3/2008, Dương Trần đọc thơ mình:

“Xin em một chút đàn bà/ Dù ta rách nát cũng là đàn ông
Xin Trời một chút mênh mông/ Qua cơn mê đắm bềnh bồng mây trôi
Xin đất vũng nước chân đồi/ Một mai rụng cánh ta ngồi ngắm ta
Ừ thì ta cứ ngắm ta/ Trời cao, đất rộng, đàn bà thì… sâu.”

Bạn đặt tên bài thơ là… “Lục bát ăn mày”.  

Sáng tạo là chơi thôi mà. Quan trọng là sống...  
         
* Sống như văn

Đó là những ngày tôi hay la cà và ta bà ở vùng Đa Thiện. Nhiều đêm khuya, về Trại Hầm bên kia hồ Xuân Hương coi vậy mà cũng cách trở giá lạnh, tôi nghĩ đến cái gác hoang của nhà ông. Cái gác hoang tuyệt vời ấy vì vậy mà thường có lúc dành cho Phật, chim sẻ, kỳ đà, mèo hoang và… tôi. Những lúc thế, tôi vứt chiếc City đỏ ngoài sân hoặc bờ rào đầy cây tường vi và dâm bụt trước nhà kia, leo qua để lên gác bằng chiếc cầu thang đặt ngoài trời mà vào ngủ, tiễn đêm chờ ngày mới. Hình như ông thích tôi ở chỗ xem nhẹ vị trí xã hội và vật chất hoang vu này. Chủ nhà nhiều khi sáng ra thấy tôi đi xuống thang và… cười. Có những mờ sáng tỉnh rượu, tôi nghe dưới kia hai đứa trẻ mồ côi được vợ chồng ông nuôi bắt đầu học tiếng Pháp, đọc sử. Sau này ông cất một cái chòi đặt tên kiểu kiếm hiệp là “Tuyệt Tình Cốc” cách ly với căn nhà vài mét và bảo dành để đãi bạn văn nghệ du thủ du thực, và nữa là chứa chấp những thằng hoang dã như tôi. Sau đấy nếu không ngồi uống trà, đi cà phê thì cũng đi mua đồ về làm mồi sơ sài uống rượu “Chào buổi sáng”. Bạn hiền uống rượu nhâm nhi như hiền triết, còn tôi uống như giang hồ Lương sơn bạc. Nhiều khi không cần chợ búa, thịt thà, Dương Trần đã vào bếp là loáng một cái thực vật hay động vật quanh đấy cũng nhảy múa thành mồi. Dĩa mồi nóng hổi bưng ra, rượu cứ thế đủng đỉnh như nhạc Jazz. Ông chẳng bao giờ để vợ làm mồi cho mình nhậu. Và cũng không bao giờ để hai cậu con trai “liên luỵ” đến việc nhậu của mình. Ông tôn trọng vợ con, và học trò của vợ, như tôn trọng rượu và văn chương.

Dương Trần quí bạn hiền, và những người sống chân thật. Ông luôn đề cao sự lung linh và dấn thân. Dương Trần “đọc” người tốt xấu rất nhanh, vì ông khá sắc sảo và thông minh, từng trải. Ông không bao giờ giao du với người hèn và ác. Ví như vào buổi thiên hạ còn xa lánh ông Bùi Giáng, vì ông ấy điên và dơ dáy, thì Dương Trần đã bản lĩnh thờ Bùi Giáng. Dương Trần xếp Bùi Giáng trên Trịnh Công Sơn, và bảo vị Thi sĩ này là “Nhà tư tưởng”, Đại ca của họ Trịnh kia. Bên trên của chiếc bàn cóc đó, Bùi tiên sinh và thơ ông cắt ra từ báo Văn Nghệ soãi chân “ngồi” chình ình trước đám nhậu sĩ: “Đùa với gió, rỡn với vân/ Một mình nhớ mãi gái trần gian xa/ Sương buổi sớm, nắng chiều tà/ Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu”. Bây giờ thì thú thờ ông Bùi Giáng tràn lan, thậm chí các quán xá, hãng tranh thêu còn lập salon riêng cho Thi nhân này ngự để hút khách.

Nhậu với Dương Trần là nói chuyện trên trời dưới biển, nghiêm túc đến phiếm, tiếu, quá khứ, hiện tại, vị lai. Từ Đức Phật đến Đức Chúa. Từ cha Bill Gate bên Mỹ quốc đến anh dân cày đang trồng bắp cải bên đồi xa xa ở khu Đa Thiện kia. Giỡn như thật, thật như giỡn. Sâu sắc và hiện sinh. Bổ ích và vô ích. Rất hư vô. Nhiều bài xã luận Thời sự & Suy nghĩ cho báo Tuổi Trẻ ra ngày hôm sau được tôi viết ngay lúc cụng ly với ẩn sĩ Dương Trần của ngày hôm trước - dĩ nhiên có động tác chạy thoắt ra fax ở bưu cục đường Phù Đổng Thiên Vương rồi quay vô uống tiếp. Ông chơi văn còn tôi chơi báo. Nhưng báo dễ kiếm ra tiền, còn văn thì không. Nhà văn nhậu không mồi vẫn bình tâm, an nhiên. Gia đình thì nghèo nhưng căn nhà gỗ kia thì lạc quan vô tận. Nhậu chay là chính, nhưng sao rượu cứ nồng nàn, đốt thời gian lê thê. Tệ xá của ông hẻo lánh nhưng còn tinh thần văn nghệ rất vô song. Không vị trí xã hội, không nổi tiếng, thế mà dân văn nghệ tử tế ở mọi lĩnh vực từ các tỉnh thành xa chẳng hiểu sao cứ hay đến thăm ông. Lại có khi, một anh chàng hay giúp các đoàn phim khâu tuyển diễn viên quần chúng, lúc bí cũng tạt vào nhờ Dương Trần đi đóng chữa cháy giùm một vai...

 * Tiệc ly hư vô     

Dương Trần là người luôn tỉnh táo, kể cả trước lúc ra đi. Sống rốt ráo. Tổ chức lễ “Chia tay trần gian” có lẽ ít người đủ nội lực và điềm tĩnh để làm như ông. Ông mời văn nghệ giang hồ ân tình buổi trần gian khắp tỉnh thành lên để giã biệt họ, tạ ơn họ lui tới căn nhà kia, bằng bữa tiệc rượu thịnh soạn có lẽ nhất đời ông, trước khi qua đời với “trát” đã nhận từ toà thần chết, bệnh ung thư.

Thuở dương gian, hễ rượu trà, Dương Trần bao giờ cũng lấy phông nền là thanh âm nhạc Trịnh. Ông ước khi chết, được “ra đi” trên cái nền nhạc Trịnh như thế, vừa êm ái sang trọng mà vừa khỏi phiền toái cô bác và nhất là “ô nhiễm” phường phố bởi chiêng trống inh ỏi. Gia đình ông đáp ứng được một phần tâm hồn ông sinh thời. Phần còn lại nhường cho thói quen cổ xưa của đám đông nông nổi chưa thoát ra được sự rối rắm để chạm vào sự giản dị trước tự nhiên.

Trong ông cốt cách nghệ sĩ xuyên suốt, mà có vẻ như trong sâu thẳm từng mơ ước được đi giang hồ. Giang hồ nguyên khởi là người đi qua nhiều sông núi, bể khơi, phiêu lãng, chứ không phải nghĩa “xã hội đen” như người đời nay nghĩ. Lúc còn khoẻ, ông hay mong nấm mộ khi ra đi được anh em giang hồ tứ chiếng cất cho. Chúng tôi từng nối liên lạc với nhau ở tỉnh thành đây đó và “Ok” ngay cho “dự án” đầy thi hứng này, và tôi có thể thành “Kiến trúc sư trưởng” của ngôi mộ. Nhưng người vợ chuẩn mực và đứa con trưởng của ông đã không cho biến người thân trở thành “vật thí nghiệm” của… văn nghệ. Thậm chí ông còn muốn phần mộ của ông phải trở thành cái bàn nhậu, hai bên trái phải là dọc ghế dài. Người thân thăm viếng có chỗ ngồi chơi, và bè bạn ai có nhớ đến thì mang rượu tới uống.

Đến ngày ông khuất núi, ngoài một số người quan tâm ở Lâm Đồng và dân văn nghệ giang hồ đây đó, còn lại không ai biết ông là một Nhà văn hư vô nhỉ. Mới đó mà đã 5 năm bạn hiền “băng hà”!

Bút ký: NGUYỄN HÀNG TÌNH