(LĐ online) - Bên Hồ Tây bốn mùa rì rầm sóng vỗ, Chùa Trấn Quốc là một trong những di tích, danh thắng văn hoá, lịch sử nổi tiếng của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay...
(LĐ online) - Bên Hồ Tây bốn mùa rì rầm sóng vỗ, Chùa Trấn Quốc là một trong những di tích, danh thắng văn hoá, lịch sử nổi tiếng của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Chùa từng được công nhận là một trong 10 di tích của Đông Dương, năm 1989 được nhận bằng di tích Lịch sử - Văn hoá, xếp hạng bảo tồn di tích Lịch sử quốc gia.
Toàn cảnh ngôi chùa bên Hồ Tây |
Chùa Trấn Quốc khai sáng từ thời tiền Lý Nam Đế vào thế kỷ VI (541 – 548) với tên gọi Chùa Khai Quốc ở bến sông Hồng (nay là phường Yên Phụ). Năm 1616, đời vua Kính Tôn nhà Hậu Lê chuyển vào bãi Cá Vàng thì gọi là Trấn Quốc. Có ý cho rằng danh Trấn Quốc có từ thời Lý Trần sau khi đánh thắng giặc xâm lăng phương Bắc…
Vào năm 580, vị Phạm Tăng Tì - Ni - Đa - Lưu - Chi từ Ấn Độ có qua đây rồi đến tu trì ở chùa Pháp Vân. Năm 1639, Chúa Trịnh sửa lại ngôi Tam quan và xây hành lang 2 bên tả, hữu. Chùa trải qua nhiều lần trùng tu, trùng tạo và đón nhiều vị cao tăng và danh nhân thời xưa như Đức Văn Phong Pháp sư, Khuông Việt Thái sư, Ngô Chân Lưu, Thảo Đường, Thông Biên, Viên Học, Tịnh Không, Trần Tú Uyên và các bậc đại dức, hoà thượng đến thụ giáo, tu trì. Trấn Quốc là nơi chốn tổ phái Thuyền Tào Động do vị Tịnh Trí Giác Khoan Thiền sư đời Hậu Lê truyền đến, hiện còn những toà tháp lưu lại. Thời Lý, Thái hậu Ỷ Lan thường mở tiệc Trai Tăng và hỏi Chư tăng về đạo Phật.
Một toà tháp cổ cao tầng, nhiều mặt thờ các tượng Phật và không gian thờ Mẫu, các cao tăng, đại đức… |
Chùa Trấn Quốc từng đón nhiều nguyên thủ các quốc gia đến thăm. Năm 1959, Tổng thống Ấn Độ Pra – sát sang thăm Việt Nam đã thân hành mang tặng cây Bồ Đề lấy ở cây mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thành đạo cách đây trên 25 thế kỷ.
Cây Bồ Đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 |
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh