Đình Kon Hinh thờ Quốc Tổ tại B’Lao

11:04, 18/04/2013

(LĐ online) - Đình làng Kon Hinh xưa và nay là Khu tưởng niệm Đền Hùng chính, là điểm tựa tâm linh của một bộ phận không nhỏ bà con tứ xứ đến lập ấp, lập làng trên đất B’Lao.

(LĐ online) - Tín ngưỡng thờ Quốc Tổ Hùng Vương vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào tối 13 tháng 4 năm 2013. Trải qua 18 đời dựng nước và giữ nước, thời đại các Vua Hùng là một dấu thiêng huyền sử và là điểm tựa tâm linh cho cả dân tộc Việt. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, con dân Việt khắp mọi miền lại vọng bái về đất Tổ Phong Châu - Phú Thọ để thêm phần tự hào mình là dòng giống Rồng - Tiên.

Nghi lễ giỗ Tổ tại Đình Kon Hinh. Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Nghi lễ giỗ Tổ tại Đình Kon Hinh. Ảnh: BÙI TRƯỞNG


Đình làng Kon Hinh xưa và nay là Khu tưởng niệm Đền Hùng chính, là điểm tựa tâm linh của một bộ phận không nhỏ bà con tứ xứ đến lập ấp, lập làng trên đất B’Lao. Theo ông Lê Quang Kết – giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ TP.Bảo Lộc: “Ngày 21 tháng 6 năm 1893, bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin cùng đoàn tuỳ tùng đã vượt đèo Prenn và phát hiện ra Đà Lạt. Sau đó, Paul Doumer đã cử 2 phái đoàn lên khảo sát cao nguyên Lâm Viên. Công cuộc khảo sát, thăm dò hoàn thành vào tháng 10 năm 1898. Năm 1915, con đường đất nối Phan Rang - Đà Lạt hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn sơn lộ Đà Lạt - Sài Gòn dài 300 km thì phải đến năm 1933 mới được hoàn tất.

Cùng với việc thăm dò, khảo sát, khai thông các tuyến đường, năm 1900, tỉnh Haut Donnai (Đồng Nai Thượng) chính thức được thành lập. Thủ phủ đặt tại Di Linh và B’Lao là đơn vị trực thuộc. Trong quá trình người Pháp tuyển phu làm đường, nhiều bà con người Kinh từ miền Trung đã đến đất B’Lao định cư, rồi xây dựng Đình làng Kon Hinh vào khoảng năm 1912 đến 1915”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Quang Kết: “Thật khó để xác định chính xác thời gian các bậc tiền bối xây dựng Đình làng Kon Hinh là năm nào. Chúng tôi chỉ áng chừng là khoảng từ 1912 - 1915, nên đã mạo muội chọn mốc thời gian năm 2013 để Kỷ niệm 100 năm hình thành Đình làng Kon Hinh tại đất B’Lao”.

Sáng 19/4/2013, tại Khu tưởng niệm Đền Hùng và Trường THCS Hùng Vương diễn ra Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Tham dự có đại diện của các cơ quan, ban, ngành và đông đảo nhân dân TP Bảo Lộc. Năm nay, Lễ giỗ Tổ có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Sau nghi thức dâng hương, dâng hoa, dâng lễ vật, ôn lại lịch sử thời Hùng Vương là đến phần hội với các trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống, tập dưỡng sinh… Thông qua Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái được khơi dậy và cũng là dịp để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đến thế hệ trẻ.


Đình làng Kon Hinh ban đầu chỉ là một ngôi đình nhỏ, lợp bằng tranh tre, nứa lá; năm 1949, đã được bà con nâng cấp, tôn tạo lên thành vách ván, mái lợp tôn. Năm 1970, ông Trần Thuận (đã qua đời) đứng ra chủ trì việc trùng tu và lợp mái ngói cho Đình. Năm 1985, Đình làng Kon Hinh được đại trùng tu và đổi tên thành Khu tưởng niệm Đền Hùng. Từ đó đến nay, cứ vào ngày giỗ Tổ, những lưu dân Việt trên đất B’Lao lại nô nức tìm về Khu tưởng niệm Đền Hùng để hoà điệu cùng với con dân trăm họ bái Tổ. Cứ thế, Ngày giỗ Tổ đã trở thành một nét đẹp văn hoá tín ngưỡng truyền thống của cả dân tộc. Mong muốn của bà con là UBND thành phố Bảo Lộc tạo điều kiện hỗ trợ Ban quản lý Khu tưởng niệm Đền Hùng tiếp tục tôn tạo, mở rộng quy mô; đồng thời, kiến nghị Phòng Văn hoá Thông tin TP Bảo Lộc hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình để Khu tưởng niệm Đền Hùng sớm được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp thành phố.

Trước nguyện vọng của bà con, ông Lê Trọng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cho biết: “Chủ trương của tỉnh Lâm Đồng chỉ có một đền thờ Quốc tổ tại Khu du lịch Prenn (Đà Lạt), nên việc mở rộng quy mô Đình làng Kon Hinh khó khả thi. Về phía mình, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Văn hoá Thông tin tổ chức cho bà con giỗ Tổ một cách linh thiêng và giàu ý nghĩa”.

Trải qua biết bao biến thiên lịch sử, với nhiều thăng trầm, nhưng tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bà con trên đất B’Lao bền bỉ trao truyền; qua đó, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm, ý chí của con dân Việt Nam. Sức mạnh nguồn cội, sự trường tồn và không ngừng phát triển của dân tộc Việt Nam nằm ở đấy.

TRỊNH CHU