Đôi mắt Xuân Sơn (truyện ngắn)

03:04, 17/04/2013

Chiều tháng tư ở Xuân Sơn không lạnh một chút nào. Ai bảo Đà Lạt lúc nào cũng lạnh? Xuân Sơn, hai tiếng ấy vang lên cứ như tên một bài thơ. Cũng đúng, sơn là núi, núi mùa xuân, mùa xuân là mùa để cỏ cây hoa lá đua nhau khoe sắc, thơ quá đi chớ?

Minh hoạ: Ngọc Minh
Minh hoạ: Ngọc Minh

Chiều tháng tư ở Xuân Sơn không lạnh một chút nào. Ai bảo Đà Lạt lúc nào cũng lạnh? Xuân Sơn, hai tiếng ấy vang lên cứ như tên một bài thơ. Cũng đúng, sơn là núi, núi mùa xuân, mùa xuân là mùa để cỏ cây hoa lá đua nhau khoe sắc, thơ quá đi chớ? Xuân Sơn đương xuân, xa xa trùng điệp một màu xanh của núi, gần hơn một chút, những vạt cà phê và trà cheo leo trên những sườn đồi cũng một màu xanh. Con đường đổ bê tông nhựa nóng ngoằn ngoèo êm ru chạy ngang một sườn đồi, cảnh vật vụt qua đằng sau chiếc Future Vân đang chở tôi. Vân hơi quay lại:

- Chiều ở đây lặng lẽ quá, anh có thấy vậy không?

Tôi lắc đầu:

- Không, Xuân Sơn thanh bình quá!

Vân hỏi lại:

- Anh nói sao, thanh bình à?

Tôi nói đúng vậy và dõi mắt ra xa, dưới chân núi mây mù che phủ, tôi chỉ tay về hướng đó:

- Vân thấy không, ở dưới chân núi đó mây đang che phủ giống y như cảnh thần tiên trên… Thiên Đàng!

Vân nói:

- Mùa này là cuối xuân, đã tháng tư rồi, nếu anh đến Xuân Sơn vào mùa đông anh sẽ thấy sương mù xuất hiện từ lúc 3 giờ chiều, nhiều khi đi ngoài đường chạm mặt nhau mới biết trên đường còn có người, hết cả hồn!

- Vậy sao?

Vân nói đúng vậy, cây trà mùa khô nhờ những hạt sương nên hương vị nó rất nồng nàn, khác hẳn vùng trà B’Lao, vậy mới có thương hiệu trà Cầu Đất. Bây giờ người ta mang giống trà Ô long bên Đài Loan qua trồng, lạ thiệt giống trà đó không ướp hương vẫn nồng thơm một cách tự nhiên.

 Vân tiếp:

- Nhưng đó là chuyện ở thôn Phát Chi kia! Vân chỉ tay về một đỉnh đồi cao nơi một con đường có vẻ đang cố sức bò lên: - Xuân Sơn thôn em người ta chặt trà gần hết rồi, họ chuyển qua trồng cà phê Catimor, ba em cũng vậy… Còn sương mù em kể anh nghe chơi chuyện ngày xưa thôi chớ bây giờ sương mù là của hiếm, ngay cả trong mùa đông. Thứ mà anh tưởng là mây ngàn dưới chân núi có thể là khói đốt rẫy đó.

Tôi không kịp nhận ra những gì Vân kể, tôi đang nhớ lại tách trà Ô long mà ông nội Vân mời tôi lúc nãy, hương thơm dường như còn phảng phất đâu đây. Ông nội Vân vừa đi đâu về, lúc trưa khi tôi đến nhà Vân không gặp ông. Tôi nhấp một ngụm trà và nháy mắt với Vân, em nói:

- Nội ơi tụi con ra ngoài này chơi chút nghe nội?

Không chờ nội có đồng ý hay không, Vân kéo tôi ra sân chỗ mấy cây đào lúc lỉu trái. Vân giục tôi leo lên hái cho em mấy trái đào má hồng, tôi ngạc nhiên, hỏi lại “má hồng” à? Em cười và hồn nhiên, líu ríu: - Đúng má hồng, anh cứ leo lên cây chọn trái nào một bên có màu hồng căng mịn là trái chín, anh hái rồi thả xuống. Nhớ thả trúng tay em nha… Đào má hồng giòn giòn, chua chua, ngọt ngọt, em phải lòng thứ trái này từ hồi còn nhỏ.

Tôi hỏi lại “phải lòng” à? Vân cười…

- Vậy anh phải lòng em mất thôi!?

Tôi trên cây đào má hồng dòm xuống, em dưới gốc cây ngước lên, bốn con mắt quyện vào nhau, tôi thoáng thấy một màu hồng xuất hiện trên má em.

- Anh ăn gian, ai cho anh phải lòng em hả?

Tôi đang ngẩn ngơ với tiếng “ăn gian” thì Vân đã vụt chạy vào nhà, em dắt xe ra hối tôi:

- Em chở anh ra Xuân Trường, chậm là hết xe buýt đó!

Tôi tiếc ngẩn ngơ. Thời gian sao mà nhanh quá, mới đó mà đã chiều rồi, tôi chần chừ:

- Hết xe thì anh đi bộ, sợ gì?

- Anh đi bộ lên Đà Lạt à, sao không đi xe ôm?

Tôi nói, xe ôm thì mắc quá, chắc là hết nửa số tiền về lại Sài Gòn, anh là sinh viên nghèo mà. Vân cười, vậy thì nhanh lên một chút ông tướng ơi. Ôi Vân, em trở về nhà có mấy ngày mà đã dùng lại ngay “ngôn ngữ Xuân Sơn”, ở Sài Gòn em có nói vậy đâu? Em cười, con gái Xuân Sơn mà, tụi em còn dùng nhiều từ ngữ lạ huơ lạ hoắc hơn nhiều, anh không biết đâu. Nghe vậy tôi ước sao được một lần cùng Vân và đám bạn tung tăng vui vẻ trong cái không gian xanh của Xuân Sơn. Xuân Sơn ai khéo đặt tên? Vân nói anh đi bộ lên đường cái, con dốc này cao quá xe chở hai lên không nổi đâu. Lạ quá chừng, đường cái à, tôi hỏi lại. Em đáp ừ đường cái, em cũng không biết vì sao gọi là đường cái nữa, ba gọi vậy, mẹ gọi vậy em cũng gọi như vậy thôi. Anh đúng là con trai thành phố, ở phố về quê thấy cái gì cũng lạ, cũng hỏi, cũng thắc mắc… Vân cười khoe một cái răng khểnh, tôi thấy màu hồng trên gương mặt em tươi thắm một cách lạ lùng, khác hẳn lúc ở Sài Gòn, chắc là nhờ gió núi mây ngàn? Thấy tôi nhìn hơi lâu, Vân đỏ mặt:

- Leo lên xe đi ông tướng, nhìn gì mà nhìn kỹ vậy?

- Nhìn kỹ để chút nữa về tới Đà Lạt ngồi trên xe Thành Bưởi đỡ nhớ ai đó chớ sao!

Vân mím môi vặn tay ga, chiếc xe bỏ lại đằng sau một chút bụi mờ. Sắp xa Xuân Sơn rồi, một buổi chiều sắp trở thành kỷ niệm, tôi rầu rầu nghĩ, chắc gì mình còn có một kỷ niệm như vậy nữa? Thấy tôi im lặng, Vân gợi chuyện:

- Anh thấy quê em ra sao?

- Anh nói rồi, thanh bình!

- Anh có thích Xuân Sơn không?

- Thích, nhưng không biết người ta có cho mình thích không nữa?

Tôi nói cứ như một lời than hay một lời trách móc, chẳng ai có lỗi trong một buổi chiều mùa xuân với cảnh đẹp như tranh! Hình như Vân mơ hồ nắm bắt được một chút sường sượng trong câu trả lời của tôi, em nói:

- Anh không vui sao?

- Vui chớ, về nhà em mà không vui, mai mốt vô lại Sài Gòn em nghỉ chơi với anh thì chắc là anh buồn… tới chết!

Vân nghiêm mặt, em hỏi thiệt đó, giọng nói của anh có chút gì đó không vui, sao vậy? Bộ chiều nay nhạt nhẽo lắm sao, hay là em tiếp khách Sài thành dở quá, hay ông nội em không cởi mở hả? Ôi, Vân, em, con gái sao mà cả nghĩ, tôi tự than, lần này là một câu than thầm trong bụng. Tôi nói em dừng xe lại đi, mình ngồi với nhau trên bãi cỏ xanh kia chắc là thú vị lắm. Cỏ xanh làm dịu lòng người.

Quả vậy cỏ xanh làm dịu lòng người thật. Ngồi bên Vân tôi quên hết cái ý nghĩ vẩn vơ lúc nãy. Còn Vân thì không, em nói:

- Anh nói đi?

Một cặp mắt mở to, tôi thấy cả trời Xuân Sơn xanh trong đó và một chút lấp lánh khuôn mặt tôi trong con ngươi mắt em. Vân tiếp, sao anh nhìn gì lâu vậy, nói đi chớ? Nếu không thì anh đi bộ ra đón xe còn em quay lại nhà, nội đang chờ… Tôi la lên:

- Đừng… để anh nói, ai vẽ tặng em bức tranh chân dung đó?

- Bức tranh nào?

- Bức tranh có chữ Hồng Mây… Ai đó vẽ em giống lắm, anh đã học môn giải phẫu, những cơ mặt em người ta vẽ cứ như là “đánh cắp” từ gương mặt em ra, những mạch máu anh thấy nó đang chảy dưới làn da hồng hào của em… Chắc tay hoạ sĩ đó đã để hết tâm hồn vào em khi vẽ, là ai vậy cho anh biết được không?

Vân mở to mắt nghe tôi nói, còn tôi cũng căng tai ra để nghe em trả lời. Nhưng em im lặng. Khó trả lời vậy sao, tay hoạ sĩ tài hoa là ai mà em không muốn cho tôi biết chứ? Và nhất là quan hệ ra sao với em? Thắc mắc và dằn dỗi lớn dần lấp gần kín đầu óc tôi khiến tôi mụ mị. Tôi mím môi hỏi:

- Chắc là một chuyện riêng của em, em không kể được phải không?

Lúc này em mới trả lời tôi:

- Anh nghĩ vậy sao? Đúng đó là chuyện riêng nhưng em “kể được” nếu anh muốn nghe?

Cặp mắt em lại nói khác, tôi đọc thấy trong đó một câu hỏi “sao, muốn nghe không ông tướng?”. Tôi trả lời liền:

- Em kể đi, anh đang lắng nghe đây.

Thay vì kể câu chuyện riêng như em nói, Vân hỏi lại tôi:

- Anh thấy nội em ra sao?

Đôi mắt bạc màu thời gian của nội Vân giống như đám mây trắng đang lững lờ trôi trên bầu trời Xuân Sơn tháng tư hiện ra trong trí nhớ tôi. Tôi nói chắc nội Vân đang mang một nỗi buồn nào đó, anh thấy nội ủ dột, tia nhìn cứ thăm thẳm… mà thôi chuyện của người già, còn lâu lắm anh và Vân mới đến tuổi đó, để ý làm chi?

Vân nghiêm mặt, em nhìn tôi dường như trách móc:

- Sao không? Mỗi khi đến tháng tư nội đều buồn, nhất là tháng tư năm ngoái nội càng buồn nhiều hơn khi em mang bức tranh về. Trưa nay nội lại về nhà cũ, vườn nhà em trong đó…

…Cô Hai là chị của ba em, cô Hai tên là Song Mây, cô ba là Tam Mây, ba em thứ tư. Không biết sao nội lại thích tên Mây đến vậy. Nội cưng hai cô em lắm. Thời trước, nghĩa là cách đây lâu lắm, thôn Xuân Sơn của em không như vầy đâu. Thôn cũ cách thôn bây giờ chừng một cây số, trong đó có một con suối nước trong veo, nội lập vườn men theo bờ con suối. Nội từ ngoài Quảng vô, là dân kháng chiến cũ, em nghe nội kể vậy. Vì vậy khi Đội công tác đến Xuân Sơn, nội em vui lắm. Lúc nhỏ nghe nội kể chuyện cũ Xuân Sơn, em không để ý và quên liền. Sau này khi có bức tranh em mới hối hận sao mình thờ ơ với nội quá. Từ đó em mới tìm hiểu kỹ chuyện nhà mình. Là như vầy, cô Hai và cô Ba được nội cho lên Đà Lạt học, hai cô em ở nhờ nhà ông Chín, ngày ngày đi học ở trường Bùi Thị Xuân là trường nữ trung học thời đó. Lạ ghê há anh, con trai học riêng, con gái học riêng không như bây giờ… Mùa hè hai cô em về nghỉ hè và làm vườn giúp ông nội. Năm đó đâu như năm bảy ba, trong kỳ nghỉ hè cô Hai cứu được một anh bộ đội đi công tác lẻ bị thương tại con suối gần nhà, anh bộ đội vướng một quả lựu đạn gài. Anh nói thôn Xuân Sơn của em thanh bình à? Em cũng có lúc nghĩ vậy, nhưng nội kể trước năm bảy lăm, người ta không cho dân ở thôn cũ, sợ dân tiếp tế cho Việt Cộng, họ lùa dân ra chỗ bây giờ, lính hành quân càn quét liên miên, súng đạn liên miên, cái vẻ thanh bình hôm nay anh thấy có được đâu dễ dàng gì… Em không biết những chuyện này, không ai kể cho em nghe chuyện ngày trước cả, một đứa con gái như em ai mà kể chứ?

Tôi hỏi:

- Vậy sao Vân biết?

Em nhìn tôi, đôi mắt màu nâu của em ánh lên một tia tinh nghịch:

- Anh đoán thử coi?

Tất nhiên tôi chịu. Là vầy. Năm ngoái, em đi học đụng một trận mưa to, em phải tấp vô một cái quán ven đường. Đang ngồi nhìn mưa buồn muốn chết, vậy mà có một anh chàng cứ nhìn lén hoài, rồi lại làm quen. Sau một hồi nói chuyện, anh chàng nói trúng phóc là em ở Xuân Sơn và cứ gọi em là Mây, nhưng không rõ Hồng Mây hay Thanh Mây! Em ngạc nhiên ghê lắm nhưng cứ giả tảng để đi hết câu chuyện. Là vầy. Chú anh chàng đi thoát ly và hoạt động ở vùng này, khi đi công tác lẻ, chú Út của Hoàng bị thương và được cô Hai em cứu. Sau một tháng dưỡng thương, chú Út về lại đơn vị, ít lâu sau cô em cũng thoát ly. Hai người hứa hẹn những gì em và Hoàng không biết nhưng cô Hai em tặng cho chú Út một tấm hình. Tấm hình đó chu du ra tận miền Bắc, năm trước, một người cùng đơn vị với chú Út tìm đến nhà nội Hoàng để đưa một cuốn nhật ký, trong đó có ép tấm hình của cô Hai. Bữa đó trời xui đất khiến em vô quán mà Hoàng làm thêm, nghe giọng Đà Lạt của em, Hoàng nhận ra em liền vì em giống cô Hai như đúc. Chỉ có điều Hoàng cứ tưởng tên em là Mây vì trong nhật ký chú Út viết rằng cái tên Mây sẽ đặt cho con gái của cô Hai, sau này khi cô lấy chồng… đại loại là như vậy. Em tưởng câu chuyện chấm dứt ở đó, ai dè một tháng sau Hoàng gởi tặng em một bức chân dung bên dưới có đề mấy chữ “tôi vẫn gọi em là Hồng Mây”, anh chàng đang học năm thứ tư mỹ thuật.

Vậy là đã rõ, nỗi ấm ức nãy giờ cũng được giải toả đôi chút, không biết cái anh chàng tên là Hoàng đó có còn gặp Vân lần nào nữa không? Hai người có qua lại nhau sau một dịp gặp gỡ rất tình cờ, lại có uyên nguyên từ lớp người trước… Nhưng tôi để dành những câu hỏi gai góc đó cho một dịp khác, trong không gian này, chuyện của nhà Vân còn đọng lại những cái lớn hơn rất nhiều mà em chưa kể hết. Tôi hỏi:

- Cô Hai giờ ở đâu?

- Em nghĩ cô quanh quẩn trong thôn thôi, cô Hai yêu Xuân Sơn lắm, nội em nói vậy!

- Vân nói rõ hơn được không?

- Là cô chết vào năm bảy lăm. Ngày hai tháng tư, nhìn dòng người xe cộ lính tráng rã ngũ chạy về Phan Rang, nội đã chờ cô Hai về. Rồi hết tháng tư cũng không thấy cô trở về, nội bắt đầu sốt ruột. Mãi đến cuối năm, người ta mới báo tin cô đã hy sinh.

Giọng em buồn thiu. Tôi tôn trọng tâm trạng của em trong lúc này, tôi quay qua hỏi chuyện chú của anh chàng tên Hoàng. Vân nhìn tôi trách móc, anh không để ý sao, một người bạn chiến đấu cùng đơn vị với chú Út ở tận ngoài Bắc tìm đến nhà nội Hoàng… Chú hy sinh năm bảy tư, chắc trước cô Hai vài tháng.

Tôi im lặng lấy máy ảnh ra và bật chế độ xem lại ảnh. Tôi chụp lại tấm hình này từ bức tranh mà không cho Vân biết. Vân chụm đầu vào cùng xem với tôi, em hỏi:

- Anh chụp lúc nào mà em không biết?

- Lúc em xuống bếp, giờ thì anh rõ chuyện bức chân dung rồi, nhưng vẫn không biết anh chàng Hoàng đó vẽ cô Hai hay là vẽ em?

- Em cũng có lúc nghĩ như anh, anh đoán xem?

99 phần trăm anh chàng Hoàng vẽ Vân rồi, có lẽ hắn ta vẽ Vân qua gợi ý từ tấm ảnh của cô Hai mới ghi mấy chữ “tôi vẫn gọi em là Hồng Mây” chứ? Một nỗi hờn ghen vô cớ xông lên trong đầu óc tôi. Hay cho cái anh chàng Hoàng này. Tôi nhìn kỹ vào tấm hình, bỗng tôi nhớ lại đôi mắt của nhân vật trong tranh, một đôi mắt mở to, cái thần trong đôi mắt ẩn chứa một tia nhìn quyết liệt.

Tôi ngộ ra rằng cái tay Hoàng đó sai rồi, hắn vẽ cô Mây mà cứ gán cho Vân. Thời của cô Mây là một thời binh lửa, còn bây giờ Xuân Sơn đang yên ả một vùng quê, Vân đâu có được một cái nhìn như vậy. Tôi nói:

- Hắn vẽ cô Hai, chính xác là như vậy!

- Sao anh biết?

- Anh nhìn vào đôi mắt trong tranh.

- Anh nói rõ hơn được không?

Tôi không vội trả lời, tôi nhìn thật sâu vào mắt Vân, tôi bắt gặp một nụ cười của em trong đó, đôi mắt của em đã cướp linh hồn tôi từ ngày mới gặp.

Giờ thì tôi biết chắc rằng mình đã lạc vào mắt Vân, một đôi mắt Xuân Sơn.

Truyện ngắn: Võ Anh Cương