Gặp gỡ các nghệ sỹ múa Việt Nam: Múa và Đam mê

03:04, 24/04/2013

Nhân dịp các nghệ sỹ múa Việt Nam tham dự trại sáng tác tại Đà Lạt, phóng viên Lâm Đồng cuối tuần có cuộc phỏng vấn nhanh một số gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu của ngành múa Việt Nam...

Nhân dịp các nghệ sỹ múa Việt Nam tham dự trại sáng tác tại Đà Lạt, phóng viên Lâm Đồng cuối tuần có cuộc phỏng vấn nhanh một số gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu của ngành múa Việt Nam. Với họ, múa là niềm đam mê luôn thường trực trong từng giấc ngủ, gắn bó cả cuộc đời với môn nghệ thuật “không lời” bằng sự khổ luyện, say mê, đã giúp các nghệ sĩ làm nên tên tuổi và để lại nhiều tác phẩm múa có giá trị và đi cùng năm tháng.

NSND Chu Thuý Quỳnh
NSND Chu Thuý Quỳnh

* Nghệ sĩ nhân dân Chu Thuý Quỳnh: Nhắc đến NSND Chu Thuý Quỳnh thì ai cũng biết đến chị với những tác phẩm để đời như vai chính trong “Bà má miền Nam”, “Biết ơn Võ Thị Sáu”, "Út Tịch”, “Tấm Cám”, “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, “Gặp gỡ bên mâm pháo”, “Hò kéo pháo”, “Du kích Ba Tơ”, “Sài Gòn quật khởi”…. Với 57 năm liên tục cống hiến trong nghề, NSND Chu Thuý Quỳnh được coi là tấm gương bậc thầy về mọi lĩnh vực múa và đời riêng để nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn em noi theo. Từng hơn chục năm đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nhà hát Ca múa Nhạc Trung ương, là đại biểu Quốc hội 4 khoá, từng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và nhiều phần thưởng cao quý khác, thế nhưng đời sống riêng của NSND Chu Thuý Quỳnh lại sớm phải chịu nhiều thiệt thòi. Chị mất đi người chồng thân yêu - người bạn diễn ăn ý, tình yêu đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời khi mới ở tuổi 40, để lại nỗi cô đơn không gì khoả lấp được. Tình yêu ấy vẫn cháy tiếp trong chị bởi chị dồn toàn bộ tâm sức cho sự nghiệp múa và đứa con trai và cháu nội giống hệt người bạn đời năm xưa. Hiện NSND Chu Thuý Quỳnh đang tiếp tục giữ trọng trách là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch các Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Phó Ban đối ngoại Liên hiệp các Hội LHVHNTVN. Trao đổi với chúng tôi, NSND Chu Thuý Quỳnh cho biết: Chúng tôi rất tự hào khi nhìn lại chặng đường của múa Việt Nam đã đi qua, lực lượng nghệ sĩ múa hùng hậu, dồi dào sức trẻ, nhiều tài năng, sáng tạo và đặc biệt niềm đam mê luôn cháy bỏng trong lòng mỗi nghệ sĩ chúng tôi. Với 3 giải thưởng Hồ Chí Minh, gần 30 giải thưởng Nhà nước và hàng chục, hàng trăm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cá nhân các nghệ sĩ đã góp phần không nhỏ tạo nên màu sắc phong phú của múa Việt Nam, đủ sức hội nhập quốc tế và tiếp tục phát triển gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam.

Tiến sĩ, NSND Phạm Anh Phương
Tiến sĩ, NSND Phạm Anh Phương

* Tiến sĩ, NSND Phạm Anh Phương: May mắn hơn so với các bạn diễn cùng trang lứa, NSND Anh Phương đã sớm được đào tạo trường múa hệ 7 năm, là giảng viên trường múa 4 năm, đi du học ở Liên Xô chuyên ngành sáng tác và huấn luyện, ở Lê-nin-grát hay còn gọi là thành phố Xanh Pê-téc-pua được coi là cái nôi của nền nghệ thuật múa Nga với phong cách múa Balê cổ điển nổi tiếng và làm nên tên tuổi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Ở đây, NSND Anh Phương đã được học, tiếp cận với nhiều nghệ thuật múa đương đại, cổ điển của thế giới; vừa học, vừa được diễn, giao lưu văn hoá với nhiều nước. Trở về Việt Nam năm 1986, anh tiếp tục công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và giữ cương vị giám đốc từ đó đến nay. NSND Anh Phương được coi là bậc thầy của “Múa đương đại”, chất liệu múa dân gian và hiện đại đã ngấm vào máu, hoà quyện trong tâm hồn của NSND Anh Phương. Vừa giảng dạy phong cách sáng tác múa, vừa sáng tạo tác phẩm, thi thoảng công diễn, NSND Anh Phương đã mang một hơi thở mới đến với ngành múa bằng bộ môn nghệ thuật múa đương đại đã và đang được quan tâm, thu hút đặc biệt của nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ và công chúng yêu nghệ thuật. NSND Anh Phương tâm huyết: “Điều được đội ngũ biên đạo múa chúng tôi quan tâm, phát huy hiện nay chính là nhằm tạo được cái mới mang phong cách riêng của mình, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới nhưng phải phù hợp văn hoá Việt Nam. Tác phẩm phải mang tinh thần cốt cách của người Việt nhưng vẫn phải mang hơi thở hiện đại của ngày hôm nay. Thế hệ trẻ hôm nay may mắn đã và sẽ tiếp tục được thừa hưởng cả 3 dòng nghệ thuật múa dân gian - múa cổ điển và múa hiện đại. Nhiều tác phẩm do anh sáng tác kết hợp giữa phong cách múa dân gian dân tộc kết hợp với múa đương đại nhưsức hút với công chúng như: “Lời ru của rừng”, “Hồn gió Việt”, “Bến luỵ”, “E Đăm”, “Nguồn sáng”… tạo nên những tác phẩm múa dân tộc hiện đại mang bản sắc Việt.

NSND Kim Chung
NSND Kim Chung

* NSND Kim Chung: Đến với nghề múa từ năm 1972 sau khi tốt nghiệp Trường múa Việt Nam và Đại học sân khấu Điện ảnh, NSND Kim Chung sớm thành công với năng khiếu múa trời cho. Chị trở thành diễn viên múa xuất sắc, đóng vai chính của nhiều vở múa, kịch múa, thơ múa của Đoàn Ca múa nhạc Việt Nam. Những vai diễn có sức thuyết phục của chị đã làm nên nhiều giải thưởng có giá trị như Huy chương Vàng và hàng chục Huy chương Bạc toàn quốc về lĩnh vực múa chuyên nghiệp. Năm 2000 chị sang làm biên đạo múa và có nhiều tác phẩm đạt giải cao như: “Men tình”, “Chơi xuân”, “Khát mưa”, “Mùa hái quả”, “Tìm bạn”... Suốt hơn 40 năm gắn bó với múa, may mắn có được người bạn đời biết cảm thông, chia sẻ là nhạc sỹ Quang Vinh, tác giả của bài hát nổi tiếng tại Seagame 22 “Vì một thế giới ngày mai”. NSND Kim Chung được coi là một trong những nghệ sĩ tài năng, gắn bó, thuỷ chung với nghề bằng niềm đam mê cháy bỏng. Chị tâm sự: “Không riêng gì bản thân tôi, là nghệ sĩ múa nếu không có tình yêu, niềm đam mê với nghề thì mình không còn đeo đuổi và cống hiến cho múa đến bây giờ. Múa đòi hỏi sự khổ luyện bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu mới tạo nên những điệu múa biết nói để công chúng nhớ. Chính vì yêu múa nên múa cũng mang lại cho chúng tôi niềm vui, hạnh phúc, sự dẻo dai, sức khoẻ bền bỉ và tuổi thanh xuân dài hơn, trẻ lâu hơn so với những ngành nghề khác. Qua múa, chúng tôi muốn mang đến sự nhẹ nhàng, thư thái, thanh thản cho người xem, múa rất đẹp và thơ. Hy vọng mọi người đã, đang và sẽ tiếp tục đón nhận múa như nó đã từng có chỗ đứng lâu nay trong làng văn hoá nghệ thuật".

Nguyệt Thu