Hậu cần nhân dân trong “Đường lên Tây Bắc”

03:04, 24/04/2013

Bài hát “Đường lên Tây Bắc” đậm chất trữ tình và lãng mạn cách mạng cùng với các tác phẩm “Quân đội ta, quân đội anh hùng” và “Thái Văn A đứng đó” đã sớm đưa tác giả - nhạc sỹ Văn An đến đài vinh quang: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên của Việt Nam.

Bài hát “Đường lên Tây Bắc” đậm chất trữ tình và lãng mạn cách mạng cùng với các tác phẩm “Quân đội ta, quân đội anh hùng” và “Thái Văn A đứng đó” đã sớm đưa tác giả - nhạc sỹ Văn An đến đài vinh quang: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên của Việt Nam.

Một cung đường Tây Bắc hôm nay
Một cung đường Tây Bắc hôm nay


Nhạc sỹ Văn An sáng tác ca khúc “Đường lên Tây Bắc” khi ông tròn 20 tuổi đời và 3 tuổi quân (1949). Tác phẩm đầu tay ấy đi cùng ông đến chót cuộc đời. Nhà thơ - Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo kể lại: Hồi nhạc sỹ Văn An phải vào nằm viện điều trị tai biến mạch máu não, khi ngồi dậy được, “vẫn đôi mắt hấp háy như sắp cười”, ông trò chuyện với khách đến thăm và ôm đàn ghi-ta hát nho nhỏ những bài hát ngày xưa như “Đường lên Tây Bắc…”.

Bài hát được viết ra với giọng Sol trưởng, nhịp đi. “Đường lên Tây Bắc xa xôi nếp nhà sàn thấp thoáng/ Đằng xa tiếng hát dân quân, tiếng reo lưng đồi nương/ Cùng bảo vệ quê hương, sức trai bền gan chiến đấu/ Tay súng dân quân bao phen còn ghi máu thù/ Giặc lên không mong ngày về/ Đồng quê vang khúc mến yêu/ (Lời 2) Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó/ Đằng xa tiếng hát đồng xanh, lúa reo trên đồi cao/ Cùng tập đoàn tăng gia, giữ nương trồng thêm ngô sắn/ Ta quyết thi đua nuôi quân để mau thắng thù/ Cùng nhau ta khơi luống cày/ Gìn giữ nương lúa mến yêu”. Đúng là “những giai điệu đẹp như tơ lụa, mây trời uốn lượn”.

Là những người lính hậu cần quân đội, mỗi khi nghe các ca sĩ, và cả những lúc tự mình hát bài “Đường lên Tây Bắc” của nhạc sĩ Văn An, chúng tôi luôn hình dung ra một trận tuyến hậu cần trong ca khúc nổi tiếng này. Trên đường đi chiến dịch, theo bước chân người vệ quốc, chạm ánh mắt vào Tây Bắc với những nếp nhà sàn thấp thoáng… thì đã thấy ấm áp một cơ sở hậu cần vô tận – Lòng dân! “Tiếng hát dân quân, tiếng reo lưng đồi nương. Cùng bảo vệ quê hương, sức trai bền gan chiến đấu…” khơi dậy truyền thống “Ngụ binh ư nông”, nhưng cũng gợi cảm một trận tuyến hậu cần vừa sản xuất vừa chiến đấu.

Ở lời hai của bài hát, không khí thi đua hậu cần cụ thể như sờ thấy được. Từ chỗ chỉ có thể thấy bằng mắt “…xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng/…Tiếng hát dân quân, tiếng reo lưng đồi nương” giờ đã gần cận “tiếng chim rừng đây đó”, “lúa reo trên đồi cao”. Quân dân sát cánh, “Cùng tập đoàn tăng gia, giữ nương trồng thêm ngô sắn” để nuôi quân thắng thù, bảo vệ quê hương. Hát lên, càng thấy nhộn nhịp không khí tăng gia sản xuất và kháng chiến kiến quốc.

 Không gian nghệ thuật trong tác phẩm là vùng kháng chiến từ miền xuôi lên miền ngược, từ xa tới gần, từ quyết tâm diệt thù “giặc lên không mong ngày về” cho tới “cùng nhau ta khơi luống cày”, gợi hình ảnh một trận tuyến hậu cần rộng lớn, điệp trùng… được kết cấu từ ý chí, tình cảm và hoạt động sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta.

 Ngôn ngữ tác phẩm gợi cho người lính hậu cần sự liên hệ nghề nghiệp: Hậu cần nhanh nhất, tốt nhất là hậu cần nhân dân. Hậu cần có ở tại chỗ. Tại chỗ trong lòng người. Tại chỗ đất quê hương. Cái “tứ” đặc sắc ấy sau này còn được vút lên trong ca khúc “Nổi lửa lên em” của Nhạc sĩ Huy Du: “Đây tuyến hậu cần ta bủa lưới khắp nơi nơi”. Đó cũng chính là một trong những yếu tố rất quan trọng kết thành sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, quật đổ những tên đế quốc đầu sỏ được trang bị phương tiện chiến tranh đến tận răng.

Bức tranh hậu cần nhân dân “Đường lên Tây Bắc”, ở một góc nhìn xác định, là sự hiện thân của truyền thống nuôi quân đánh giặc từ thời ông cha ta dựng nước và giữ nước; của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện… trong chiến tranh chống đế quốc; của tư tưởng Hồ Chí Minh về thực túc, binh cường: “Ruộng rẫy là chiến trường. Cuốc cày là vũ khí. Nhà nông là chiến sĩ. Hậu phương thi đua với tiền phương” (Hồ Chí Minh, Thư gửi nông dân thi đua canh tác, tháng 2-1951).

Bởi giàu tính hậu cần nhân dân, nên ca khúc “Đường lên Tây Bắc” thường được các đơn vị trong Tổng cục hậu cần dàn dựng tại các kỳ liên hoan nghệ thuật quần chúng. Mỗi khi biểu diễn “Đường lên Tây Bắc” trên sân khấu, lại hiện lên trong những người lính hậu cần bóng hình đoàn quân đi giải phóng Tây Bắc năm xưa, “…Cùng tập đoàn gia tăng, giữ nương trồng thêm ngô sắn/ Ta quyết thi đua nuôi quân để mau thắng thù/ Cùng nhau ta khơi luống cày/ Gìn giữ nương lúa mến yêu”.

Mỗi năm, vào lúc Xuân sang Hạ, âm vang Chiến cuộc Đông xuân và Chiến dịch Điện Biên, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến thần thánh của quân và dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, lại làm tôi nhớ tới ca khúc “Đường lên Tây Bắc” với những cảm xúc đặc biệt. Mặc dù nhạc sỹ Văn An tài hoa và yêu mến của chúng ta đã về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn như thấy Văn An đang hiện diện với cặp mắt nheo cười, còn tâm hồn ông phiêu du trên những cung đường Tây Bắc hay hoà cùng ngọn gió cuốn tung bay lá cờ đỏ búa liềm, rồi ông lại dâng đời những nốt nhạc thiết tha, căng tràn sức sống.

PHẠM XƯỞNG