Lâm Đồng đăng cai Festival di sản UNESCO Việt Nam-ASEAN

11:04, 10/04/2013

(LĐ online) - Festival sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 5 - 7 ngày, có mời một số nước đối tác của ASEAN, như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

(LĐ online) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và đại diện các tỉnh, thành phố sở hữu di sản UNESCO của Việt Nam; các bộ, ngành đã họp triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức Festival di sản UNESCO Việt Nam-ASEAN lần thứ nhất năm 2013 và đã đi đến thống nhất chọn Lâm Đồng là tỉnh đăng cai Festival di sản UNESCO Việt Nam-ASEAN 2013.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh Việt Nam UNESCO
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh Vietnam UNESCO


Festival di sản UNESCO Việt Nam-ASEAN lần thứ nhất nhằm tôn vinh và phát huy giá trị các di sản UNESCO của Việt Nam và các nước ASEAN.

Festival sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 5 - 7 ngày, có mời một số nước đối tác của ASEAN, như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Hiện nay, Việt Nam đã có 14 loại hình di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 7 loại hình di sản vật thể và 7 loại hình di sản phi vật thể. Các di sản này là một trong những nhân tố quan trọng góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.

Festival nhằm mục đích: tôn vinh và phát huy giá trị các di sản UNESCO của Việt Nam và các nước ASEAN; tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và các nước ASEAN, UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tăng cường sự gắn kết giữa các di sản ở trong nước và giữa các di sản của Việt Nam với các nước ASEAN để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Góp phần tuyên truyền, quảng bá giúp người dân Việt Nam hiểu thêm về văn hoá các nước ASEAN thực hiện xây dựng cộng đồng văn hoá xã hội ASEAN.

Festival là sự cụ thể hoá vai trò và trách nhiệm của Việt Nam với ASEAN, UNESCO và với tuyên bố Bangkok năm 2000 về di sản văn hoá; là bước cụ thể triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hoá đến năm 2020; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng về chính sách đối ngoại “tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng”.

PV