Mai này Chợ Tình Sa Pa?

04:04, 03/04/2013

Tháng 3. Trong khi phương Nam đã bắt đầu bước vào mùa nắng nóng thì Sa Pa sương mù dày đặc và khí trời vẫn mát lạnh. Chỉ qua một cơn gió nhè nhẹ là mây bay đi rồi lại đến đợt mây sương khác. Cứ thế trời và đất, con người và thiên nhiên quấn quít trong lãng đãng khói sương...

Phụ nữ bản địa với thổ cẩm - một nét văn hoá vùng cao Sa Pa
Phụ nữ bản địa với thổ cẩm - một nét văn hoá vùng cao Sa Pa

Tháng 3. Trong khi phương Nam đã bắt đầu bước vào mùa nắng nóng thì Sa Pa sương mù dày đặc và khí trời vẫn mát lạnh. Chỉ qua một cơn gió nhè nhẹ là mây bay đi rồi lại đến đợt mây sương khác. Cứ thế trời và đất, con người và thiên nhiên quấn quít trong lãng đãng khói sương. Vẫn còn đó một Chợ Tình dù không còn nguyên chất nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ lôi kéo khách đến với thị trấn nhỏ bé này, ít ra là với những người đi du lịch bụi như tôi.

Không dành cho khách bình dân?

Nơi tôi lưu trú là khách sạn Anh Đào (Lotus) nằm trên phố Mã Mây. Dù được một anh bạn làm hướng dẫn viên trên Hà Nội gọi trước đặt phòng theo giá nội bộ nhưng tôi vẫn phải trả 300 ngàn/đêm. Phòng ngủ thì cũng rộng rãi nhưng tiếc là không có tivi xem. Phải đến tối hôm đó khi tôi thắc mắc sao không có ti vi thì nhân viên mới bê cho tôi một cái vừa nhỏ, vừa cũ kỹ. Giấy vệ sinh thì cũng không có sẵn. Thôi thì đã chấp nhận đi bụi nên cũng không “kêu ca quá đáng”. Nhưng đến lúc ăn sáng tại khách sạn thì mới tá hoả là giá những 70.000đ.

Có thói quen ăn cơm bụi nên trong ngày đầu tiên đến Sa Pa tôi quyết định phải đi làm một đĩa cơm bụi nhưng cuốc bộ đến rã chân vẫn không tìm ra. Vào quán ăn hỏi thì họ bảo một suất cơm là 150 ngàn nhưng phải ghép với đoàn mới nấu được. Đoán là quanh bến xe sẽ có cơm bụi nhưng rốt cuộc cũng đành “bó tay.com” và phải ăn một tô phở bò Nam Định trước bến xe khách. Giá thì cũng không đắt vì chỉ 35.000đ nhưng chất lượng hơi tệ. Tìm mãi thì buổi tối tôi cũng mò ra một nhà hàng có bán cơm suất với giá 70.000đ gồm 3 món, nằm đối diện Khách sạn Bình Minh.

Sáng hôm sau, tôi quyết chí đi tìm một quán phở ngon hơn mà dân địa phương thường vào nằm trên con dốc dẫn vào chợ Sa Pa. Quán cũng đề là “phở gia truyền Nam Định”, giá cũng chỉ 35.000đ nhưng chất lượng hơn hẳn. Và tôi đã gặp được một nhóm khách cũng từ TP. HCM ra. Họ sẽ leo núi Fan-xi-phăng sau khi ăn sáng. Chị Minh Hiếu (ngụ huyện Bình Chánh) cho biết: Em đến Sa Pa lần này là lần thứ ba và em cũng có cảm giác chất lượng phục vụ không được tốt lắm, dường như họ trọng khách nước ngoài hơn?

Lang thang cuốc bộ trên nhiều con dốc phố, tôi cũng biết giá ngủ một đêm tại KS 3 sao là 100 USD - một cái giá khá cao nếu so với khách sạn cùng cấp ở TP. HCM, Nha Trang hoặc Đà Lạt.

Lên núi Hàm Rồng ngắm mây

Theo lời hướng dẫn qua điện thoại của anh bạn, tôi cũng cố gắng leo núi Hàm Rồng dù lúc đầu định không đi vì nghĩ công viên thì nơi nào cũng có. Nhưng đến nơi mới thấy không phải vậy. Cảm nhận đầu tiên là cung cách phục vụ khá ân cần từ ngay ngoài cổng vào khu du lịch (KDL). Sau khi nở nụ cười thân thiện, các anh ở phòng vé còn phát cho nhà báo một sơ đồ hướng dẫn tham quan KDL in màu khá bắt mắt. Có 21 hạng mục tham quan như vườn hoa anh đào, khu vui chơi trẻ em, vườn địa lan, vườn hoa trung tâm, khu biểu diễn nhạc dân tộc (từ thứ hai đến thứ năm mỗi ngày 4 suất sáng, chiều; thứ sáu đến chủ nhật mỗi ngày 6 suất diễn). Nhờ có những hòn đá núi đen trũi làm nền - làm cho việc trang trí các bồn hoa dễ nổi bật hơn nhưng cũng phải khen là vườn hoa trung tâm được thiết kế khá đẹp mắt. Sau khi vượt quá Cổng trời, du khách sẽ phải vượt qua những đoạn dốc đá cheo leo để lên Sân mây - đây là điểm dừng chân cuối cùng của khách tại KDL này. Đứng ở đây, khách có thể quan sát toàn cảnh Sa Pa lãng đãng trong mây và mới cảm nhận thêm được cảm giác lãng mạn của mây bay, mây luồn - một thứ đặc sản của Sa Pa là thế nào.

Mai này có còn Chợ Tình?

Có lẽ không ai đến với Sa Pa mà lại không quan tâm đến Chợ Tình bởi nội hàm của nó mang lại đã có sức thu hút với du khách. Đó là một khu đất trống diện tích khoảng 5.000 m2 nằm ngay trước nhà thờ đá, ngay trung tâm thị trấn. Trong sương mây dày đặc, từ sáng sớm những phụ nữ người Mông, Dao đã lục tục kéo đến để bắt đầu cho một ngày buôn bán tại Chợ Tình. Lần lượt các sản phẩm thổ cẩm được bày ra trên các lối đi, trên thảm cỏ. Và buổi tối, nhất là vào hai tối thứ sáu và thứ bảy, đây cũng là một trong những điểm thu hút đông du khách vì ai cũng tò mò muốn xem Chợ Tình.

Một “show diễn” trong đêm Chợ Tình Sa Pa
Một “show diễn” trong đêm Chợ Tình Sa Pa


Hôm nay là tối thứ sáu nên khách rất đông. Đi đâu cũng gặp khách và có cảm giác khách Tây nhiều hơn khách ta. Tuy nhiên, khách Tây có thể do đọc sách hướng dẫn nên ít quan tâm đến Chợ Tình mà chủ yếu là khách Việt. Khi thị trấn vừa lên đèn cũng là lúc các chàng trai cô gái người Mông bắt đầu tụm năm, tụm ba, trai mang theo khèn và gái mang theo ô đến chợ. Chỉ khác là không khí lãng mạn đậm chất sử thi của những đêm hát đối trước phiên chợ sáng chủ nhật hàng tuần đã không còn. Lân la một hồi tôi cũng tìm được người cần tìm. Đó là Chẻo Sử Mẩy (31 tuổi, người Dao đỏ đến từ bản Tả Pìn). Mẩy nói: “Chợ Tình bây giờ không như trước, trước chỉ người Dao hát thôi, nhà xa nên trai gái phải đến chợ từ tối thứ bảy và hát với nhau đến khuya, có khi thi nhau hát cả đêm. Cũng không phải hát ngay chợ như bây giờ mà mang theo chăn, túi nilon trải ra ngay trước nhà người ta mà hát. Có nhiều người hát tình cảm quá, thấy ăn sáng xong là không gặp nhau nữa nhiều người khóc thôi…”.

Khoảng năm 1996-1997, Mẩy cũng có đi nghe hát một lần, có người rủ nhưng cô không hát vì “mắc cỡ không thích hát”. Từ sau năm 2000, khi xe máy trở thành phương tiện đi lại phổ biến của các gia đình người Dao, Mông thì người ta không còn phải đến chợ từ chiều tối hôm trước nên không còn cảnh trai gái hát giao duyên nữa, thay vào đó, người Mông đã biến sân chơi Chợ Tình thành của họ, một thứ Chợ Tình nặng về tính thị trường. Tối hôm đó, chỉ khi có nhóm khách từ Hà Nội lên, trả tiền cho nhóm thanh niên nam nữ người Mông thì họ mới chịu thổi khèn, múa ô. Chẳng thể biết được trong số đó có cặp nào là đến với nhau một cách tự nguyện vì tình hay không? Và cũng chẳng biết ngành Du lịch địa phương có tính tái hiện những phiên Chợ Tình như trước vào những dịp lễ hội sắp tới hay không?   

Văn Phong