Bệnh viện cho ông về, bảo ông thích ăn gì thì cứ cho ông ăn. Chín mươi tuổi rồi, như ngọn đèn hết dầu lụi dần lụi dần. Chẳng có bệnh gì cả. Bệnh già. Lại nằm vào cái giường chăn chiếu nặng mùi nước tiểu cũ. Đầu hói chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc bạc quanh vành tai...
Bệnh viện cho ông về, bảo ông thích ăn gì thì cứ cho ông ăn. Chín mươi tuổi rồi, như ngọn đèn hết dầu lụi dần lụi dần. Chẳng có bệnh gì cả. Bệnh già. Lại nằm vào cái giường chăn chiếu nặng mùi nước tiểu cũ. Đầu hói chỉ còn lơ thơ mấy sợi tóc bạc quanh vành tai. Nước da tái sáp, tưởng dùng dao cắt cũng chẳng rịn máu đỏ. Ông nằm ngửa, miệng há hốc thở ra mùi tử khí. Tôi là bạn già hàng xóm, thường xuyên túc trực, canh chừng. Lúc tỉnh ông vẫn rất hóm:
- Thử xem nó chết từ chân lên hay từ đầu xuống.
- Cái ông này…
Biết ông là người có học, nguyên là luật sư, chánh án nhiều phiên tòa xét xử, tôi hỏi:
- Trong cuộc đời xử án của mình, có bao giờ ông xử người đáng sống lại phải chết, hoặc đáng chết lại được sống?
- Đáng chết cho sống thì nhiều, còn đáng sống mà bắt chết thì không bao giờ.
Ông thiếp đi. Có tiếng tàu cau rụng ngoài sân, choàng tỉnh, mắt thao láo:
- Nó! Đúng nó! Nó mặc bộ quân phục cũ, đầu đội mũ cối không có sao. Đúng nó rồi, còn rất trẻ, về phép thăm mẹ.
- Nó là ai hả ông?
- Là thằng bị tôi xử tử hình.
- Oan à?
- Còn oan nỗi gì, giết người thì đền mạng.
Những lời khai của phạm nhân mấy chục năm trước hiển hiện như phim trong cơn mê của ông.
Nó mặc bộ quân phục cũ, đội nón cối thất thểu đến ngã ba, sà vào một quán nước, kéo ghế ngồi nhìn xéo sang bên kia đường.
Minh họa: Ngọc Minh |
- Họ làm gì bên kia thế bà?
- Mày không biết chữ à? - Bà chủ quán chỉ cái biển: “Thay lốp - vá săm - lộn xích”.
- Có kiếm ăn được không?
- Này, đừng có mỏng môi. Người ta làm gì kệ người ta. Mày ở đâu?
- Cháu ở xóm ngoài.
- Bộ đội về phải không? Giải ngũ hay đảo ngũ?
- Cháu về phép.
- Thế hử? Có đá lửa, dầu Con Hổ không?
- Con chẳng có gì.
- Thế thì mày là lính chuồn rồi. Có tài thì sang kia mà xin việc. Khéo mồm thì đủ ăn đấy.
- Bà cho cháu gói thuốc cuốn. Cháu không có tiền, bà cầm tạm cái bật lửa.
- Thôi được. - Bà già chép miệng. - Sang mà hỏi cái anh mặc áo bay, mặt đầy râu kia kìa.
Nó ôm mũ lom khom:
- Chào các bác!
- Bác cháu đếch gì. Chiến hữu cả thôi. Tao cũng là lính, lính “mổ”, hề hề… - Ngước lên nhìn thằng nhỏ. - Đứt quai ba lô hả?
- Không. Em về phép.
- Phép tắc gì? Đi theo “lối nhỏ”.
Mấy thằng đàn em cất tiếng hát: “Ta không cần ba lô, không cần ô tô. Ta đi theo lối nhỏ là lối an toàn…”.
- Thế nào, binh chủng gì?
- Em đặc công.
Đại ca hiêng hiếng mắt nhìn từ đầu xuống chân.
- Được! Nhập ngũ vào đây. Đơn vị toàn ác ôn, không cần dũng sĩ. Nhập chứ?
- Em biết vá lốp, chữa được xe đạp.
- Không cần. Đây chỉ cần “lính dù”.
- Em bộ binh. - Thằng bé thật thà tưởng “lính dù” là lính dù.
- Sư đoàn nhiệt đới. Mày lên ngọn cây được chứ?
- Em trèo không cần dây, không cần thang.
- Thử xem sao! - Đại ca giục.
Nó ra đường, thấy cành la đà liền nhảy phốc lên túm lấy, chuyền bằng hai tay thoăn thoắt đến gần gốc thân, đu lên như chơi xà đơn, rồi ngồi chồm hỗm trên cành cây.
- Thiện chiến! Thiện chiến! - Đại ca reo lên, chỉ đám đệ tử: - Kiếm con vịt cỏ về đây làm bữa tiết canh đón lính mới.
- Em không dám, không dám! - Nhảy xuống xoa hai tay vào nhau: - Để lúc khác.
- Không. Nay ngày đẹp, trăng non ta có chén rượu uống máu ăn thề. Được chứ?
“Ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, nhưng ở đây là mã đi tầm ngưu. Ông già ngừng kể chêm vào lời bình. Mười tám đôi mươi, nhúng tay vào chàm đâu có biết. Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, uống máu ăn thề rồi. Công việc là đu người trên cành cây, thõng chân xuống thùng xe tải đi qua, móc gói hàng hoặc lốp xe đạp, xe máy… co chân, chuyền tay về phía gốc cây rồi tụt xuống.
Ngày đầu đã có tiền, mua cả cân thịt về bồi dưỡng cho mẹ đang nằm bệnh. “Tiền đâu mà mua nhiều thịt thế con?”. Bà lo lắng. Tội nghiệp, nghèo miếng thịt cũng thành của, mà người lương thiện thì cứ thấy tiền, thấy của là sợ. Khốn nạn con bà, hôm trước hôm sau đã thành người khác.
Nói đến đây ông lại thiếp đi. Tôi tiếp tục chờ. Ông thuyết minh trong mơ:
Nó! Đúng nó rồi. Nó đang đi trên bức tường con kiến như mộng du, không sợ hãi, không chao đảo, khỏi giang tay giữ thăng bằng. Đại ca vỗ tay: “Thôi xuống đi, đủ rồi”. Phần sát hạch kỹ thuật cho qua, bây giờ sang thử thách tinh thần.
Thử với chả thách, chết ông còn chẳng sợ. Thằng nhỏ nghĩ khi ngồi sau xe máy của đại ca. Xe kia là hai thằng vệ sĩ. Đến đầu làng:
- Giờ đi đâu hả đại ca?
- Về nhà mày.
- Em muốn xong bài thi cuối về báo tin vui cho mẹ.
- Không! Về thẳng nhà mày.
Chết, khổ mẹ, phen này mất bốn con vịt với chúng nó rồi. Tài sản của bà là đàn vịt bốn con, một đực ba cái. Vịt đực không kêu, ba con cái để đánh tiếng mỗi khi có người lạ. Sống một mình mép cánh đồng chiêm rìa lũy tre làng tối đến cũng sợ, mặc dù tiền nong vàng bạc chẳng có gì. Túp nhà tranh một gian hai chái, mái rạ cũ bạc phếch, bết thành khe, mạ mọc cả trên mái, động mưa là dột, bao quanh vườn lưa thưa mấy bụi tre khóm chuối mới trồng. Hai xe máy phải để ở rìa lũy tre làng, bốn đứa đi hàng một vào nhà theo con đường độc đạo lớn hơn bờ ruộng một chút. Bước qua rãnh nước là đến cái cổng tre, rút chốt con cò rê cánh cổng vào. Yên tĩnh như nhà mồ, sân rêu, cửa liếp hạ, qua khe cửa nhìn thấy thông phong đèn ngọn lửa hạt đậu xanh lét. Nó gõ cửa liếp. Ba thằng đứng đợi cạnh đống gạch vụn ngoài sân. Vịt đồng thanh kêu toáng.
- Về đấy con? - Bà mẹ vội vã khơi ngọn đèn dầu, ra mở cửa.
- Con còn mấy anh bạn nữa.
- Thế mời các bác ấy vào trong nhà, con.
Nó ngoái ra sân:
- Có mẹ em ở nhà, mời các anh vào.
Vịt lại kêu, sương xuống lạnh, trăng sáng nhờ nhờ. Đại ca không nói gì, chắc đến nhà thẩm tra gia cảnh thấy thế này cũng không nỡ lấy mấy con vịt.
Cánh cửa mở hết cỡ. Lố nhố người ngoài sân. Đại ca bước vào trước, ngắm bà từ chân lên đầu khiến bà lúng túng:
- Thế mời các bác ấy vào. Nhà nghèo… để tôi đi đun nước.
- Khỏi cần!
Đại ca lên tiếng, vẫy thằng nhỏ ra, ghé sát tai, sặc mùi rượu:
- Tao ra lệnh làm ngay nghe không? Ít thời gian lắm đấy.
- Vâng ạ.
Nó trố mắt chờ lệnh. Đại ca nhìn thẳng vào mặt:
- Giang hồ là phải biết quên tình riêng! Thử thách cuối cùng đây, xem mày có làm được không.
Tay chỉ chiếc bệ thờ đắp đất (chắc bên trong đựng thóc), trên trải tấm phên đan nan thuyền đặt bát nhang, đằng sau là ảnh thờ chồng vẽ phỏng theo mặt con trai, đại ca gằn từng tiếng:
- Mày có dám quẳng chiếc bát nhang kia xuống đất không? Có vậy thôi, làm đi!
- Gì thế con?! - Bà khiếp đảm.
Đứa con chạy vào, ôm mẹ quỳ xuống:
- Mẹ ơi!
Đại ca từ bên ngoài xẵng giọng:
- Làm ngay không mày chết bây giờ!
Người con bật dậy làm mẹ loạng choạng ngã bệt sau bệ đất.
Trước bàn thờ tổ tiên, trước vong linh người cha liệt sĩ, nó chắp tay giơ lên, quay ngoắt lại bổ thẳng vào đầu đại ca. Đầu gối thúc đúng háng. Đại ca ngửa người lộn đầu xuống sân. Hai thằng vệ sĩ ù té chạy. Vịt kêu inh tai.
Bà mẹ ngất xỉu trong tay con thổn thức “mẹ ơi, mẹ ơi”. Bà kêu như rên “ối giời ơi! ối giời ơi!”. Nó cầm đèn ra sân soi, bà mẹ lê được ra chõng ngồi run như cầy sấy. Đại ca mắt trợn ngược, đặt ngón tay lên mũi không thấy thở, con quay lại nói với mẹ:
- Nó chết rồi.
- Người nào đấy con?
- Lũ quỷ!
- Bây giờ làm thế nào hả con?
- U kêu “ới làng nước ơi”! - Tự nhiên nó gọi “u” chứ không gọi mẹ. - Kìa, u kêu lên đi! Bà mẹ ú ớ không thành tiếng.
- Kêu lên đi! Không chúng nó quay lại chết hết bây giờ.
- Ới dân làng ơi! Ới các ông các bà ơi!…
Tiếng người, tiếng vịt kêu dậy cả xóm làng, dân quân ập đến, thấy người chết lập tức trói thằng con lại, giải lên huyện ngay trong đêm.
*
Tôi rùng mình. Bức tử một con người, nếu nó không chịu tự hạ nhục mình. Người sao lại có thể nghĩ ra được cái chuyện như vậy, cho dù vô luân vô đạo đi nữa? Thay trời hành đạo, bảo vệ kỷ cương, gia phong, nhân tính mà phải chết thì thật lạ. Tôi không đồng ý với ông, tỏ rõ sự bất bình.
Ông nhắm mắt, nhưng tôi tin vẫn còn đang suy nghĩ.
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM