Nhớ một thuở ấp Nghệ Tĩnh

04:04, 04/04/2013

Một trong những ấp được hình thành rất sớm ở Đà Lạt, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của phố núi mang tên một vùng quê: ấp Nghệ Tĩnh. Dẫu không nổi tiếng như “hàng xóm”, ấp Hà Đông với cư dân Hà Nội làm nghề trồng rau, ấp Nghệ Tĩnh vẫn duy trì được những dấu ấn tốt đẹp từ thuở lập ấp mặc dù nay là một trong những khu vực sầm uất của thành phố Đà Lạt.

Một trong những ấp được hình thành rất sớm ở Đà Lạt, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của phố núi mang tên một vùng quê: ấp Nghệ Tĩnh. Dẫu không nổi tiếng như “hàng xóm”, ấp Hà Đông với cư dân Hà Nội làm nghề trồng rau, ấp Nghệ Tĩnh vẫn duy trì được những dấu ấn tốt đẹp từ thuở lập ấp mặc dù nay là một trong những khu vực sầm uất của thành phố Đà Lạt.

Ấp Nghệ Tĩnh, đúng như tên gọi, là quê mới của những bà con xứ Nghệ xa quê. Ấp được hình thành từ những người mở đường như cụ Nguyễn Thái Hiến, cụ Tôn Gia Huồng và nhất là sự trợ giúp của cụ Phạm Khắc Hoè, lúc đó là quản đạo Đà Lạt đồng thời là một người con xứ Nghệ. Lần theo ký ức của ông Nguyễn Thái Mai, cháu nội cụ Nguyễn Thái Hiến thì cụ Hiến, cụ Huồng vốn đi phu lục lộ, làm đường từ những năm 1934-1935. Do có học, cụ Hiến trở thành giám thị cho các đội phu người Việt.

Nhận thấy Đà Lạt đất rộng người thưa, cây cối tốt tươi trong khi quê hương xứ Nghệ khô cằn sỏi đá, các cụ đã xin với Quản đạo Phạm Khắc Hoè và được cụ Hoè giúp đỡ nhiệt tình, về chiêu mộ bà con, bạn bè hai xứ Nghệ An, Hà Tĩnh vào lập ấp. Vậy là năm 1940, ấp Nghệ Tĩnh được chính thức khai sinh với 70 hộ gia đình thuộc hai huyện Đô Lương, Thanh Chương của Nghệ An và huyện Đức Thọ của Hà Tĩnh. Ấp Hà Tĩnh lúc đó là khu phố Nghệ Tĩnh, phường 8, Đà Lạt hôm nay bao gồm từ Thông Thiên Học, kéo dọc qua khúc cua Bùi Thị Xuân, Phù Đổng Thiên Vương, Trần Khánh Dư…, nằm giáp ranh với ấp Hà Đông.
 

Một góc đình ấp Nghệ Tĩnh
Một góc đình ấp Nghệ Tĩnh

Nằm sát với ấp Hà Đông nhưng theo ông Mai khẳng định, chủ yếu khi đó cư dân ấp Nghệ Tĩnh gắn bó với nghề làm phu lục lộ. Dân ấp theo các đội đi làm đường, bạt đồi và kiêm thêm luôn việc tham gia xây dựng nhiều biệt thự của người Pháp. Ngày đi làm, tối về bà con lại dùng sức người cuốc từng cọng cỏ tranh, san đất thành luống để trồng rau. Vì làm như vậy nên một khoảnh đất có khi phải mất hàng năm trời mới hình thành vườn rau. Những năm đó, Đà Lạt thanh bình, đời sống cư dân khá giả khiến bà con ở quê cũ xứ Nghệ càng thêm yên tâm và nhiều người kéo vào, ngụ cư lập nghiệp nên ấp Nghệ Tĩnh ngày càng đông đúc. Ngoài làm phu lục lộ, nhiều bà con lúc đó đã gắn bó với nghề trồng rau, nhất là những người nhận được khoảnh đất dưới hục sâu, gần suối có nguồn nước tưới dồi dào. Theo ông Mai, khu vực Đa Thiện nằm đối diện với ấp Hà Tĩnh trước đó còn là rừng, sau khi cư dân ấp Hà Tĩnh đông đúc quá, nhiều người mới kéo sang phát cây dựng nhà, làm vườn lập nên khu vực Đa Thiện hôm nay.

Xa quê hương, sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở, những cư dân Nghệ Tĩnh làm việc đầu tiên là dựng đình, nơi thờ cúng các anh linh tiền hiền. Đình ấp Nghệ Tĩnh được xây dựng từ năm 1943 (nay nằm trong đường Trần Khánh Dư) theo phong cách vùng quê Bắc Trung bộ. Sau 80 năm được dựng lên, đình Nghệ Tĩnh vẫn được giữ gìn rất chu đáo trong một khuôn viên rộng rãi và xanh bóng cây. Nhiều nếp sống hay nơi quê hương vẫn được cư dân ấp mang theo giữ gìn. Ông Mai say sưa kể lại tục uống trà xanh mỗi trưa của người dân ấp. Mỗi ngày, một gia đình nhận nấu trà xanh, dọn chỗ để bà con chòm xóm tới uống trà, trò chuyện tâm sự. Tục uống trà này đã giúp tình cảm xóm giềng thêm bền vững và là chỗ dựa tinh thần cho những người xa quê.

Hôm nay, ấp Nghệ Tĩnh đã khác rất xa với thời ông bà mở đất. Ấp hầu như không còn vườn rau, nhà nhà chuyển sang làm dịch vụ, nổi trội nhất là dịch vụ cho thuê nhà trọ phục vụ sinh viên Đại học Đà Lạt. Theo thống kê, khu phố Hà Tĩnh có 750 hộ thì có tới trên 700 hộ đang ký cho thuê trọ. Và khu phố Hà Tĩnh cũng không còn thuần là người Hà Tĩnh nữa mà là nơi sinh sống của cư dân khắp Bắc-Trung-Nam. Nhưng dù nhiều nếp sống cũ đã mất đi, cái hồn của ấp Nghệ Tĩnh vẫn còn. Đó là vào ngày lễ Xuân và lễ Thu, bà con vẫn tụ tập đông đủ nơi đình Nghệ Tĩnh để tế trời đất, cầu quốc thái dân an, tưởng nhớ công ơn các bậc tiền hiền mở đất. Là nếp sống hoà thuận, đoàn kết, gắn bó cùng xây dựng quê mới. Là tình hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn, ngọt bùi chia sẻ của bà con.

Gần một thế kỷ đã đi qua, ấp Nghệ Tĩnh dần chuyển mình, từ khu ấp của những người dân chuyên làm đường, xây nhà, trồng rau nay đã trở thành những người làm dịch vụ khá giả. Nhưng hơn tất cả, cái hồn của ấp, tinh thần của những cư dân mở đất thuở đầu vẫn còn mãi, sống mãi trong tiếng gọi xưa cũ: ấp Nghệ Tĩnh. Và đó cũng là chứng nhân của một thời cư dân đi khai phá đất đai hào hùng, những người đã góp mồ hôi để tạo dựng nên một Đà Lạt toàn vẹn như hôm nay.

Diệp Quỳnh