Cứ mỗi dịp 10-3, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đọc lại bài thơ "Qua Thậm Thình" tôi cứ ngỡ mình như sống lại với những âm điệu trong ngày lễ hội. Đó là những chàng trai cô gái giã gạo làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên tiên tổ.
Thơ chọn - Lời bình:
Qua Thậm Thình
Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này.
Dân dâng một quả xôi đầy
Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi
Đẹp lòng, vua phán bầy tôi
Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà
Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm, tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non.
Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau thành phố khói vờn trong mây
Trời cao. Bóng tỏa đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây… thậm thình!
Nguyễn Bùi Vợi
Lời bình:
Thậm Thình là tên một địa danh thuộc ngoại thành Việt Trì (Phú Thọ). Tương truyền đây là nơi vua Hùng dựng lều giã gạo. Bài thơ "Qua Thậm Thình" của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết theo thể lục bát: Giản dị mà không giản đơn, chân thành mà không cường điệu. Cái nhịp chày giã gạo thậm thình tạo ra tiết tấu nhịp nhàng, khoan thai mà sâu nặng tình nghĩa khi nghĩ về cội nguồn quá khứ "Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm". Thường, cái tứ bắt đầu câu chuyện như vậy dễ dãi bày kể lể nếu như nhà thơ không dùng bút pháp "thi hoạ" có nét tung tẩy mà vẫn đằm sâu bởi tình quê, tình người, tình vua tôi mộc mạc của cái thuở xa xôi bắt đầu dựng nước ấy: "Dân dâng một quả xôi đầy - Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi". Hình ảnh "quả xôi" có gì thật gần gũi nâng niu và chắt lọc tinh chất của lúa gạo để thành những "đặc sản" truyền thống của dân tộc. "Quả xôi" chứ không phải là mâm xôi đó là sự sinh thành vun đắp của sự sống. Bánh chưng và bánh giầy có từ truyền thuyết Lang Liêu nhưng đặt trong khung cảnh này có sức lay động để: "Đẹp lòng vua phán bầy tôi - Tìm đất kén thợ định nơi xây nhà". Tứ thơ được phát triển bằng âm điệu của tiếng chày với bức tranh sơn cước thật đẹp của một đời sống văn hoá tự nhiên toả ra từ tâm linh hướng thiện: "Trăm cô gái tựa tiên sa - Múa chày đôi với chày ba rập rình". Nhịp lục bát đang trải ra bỗng ngắt nhịp tạo sự đung đưa kết nối giao hoà, thân thiện của con người với tự nhiên của cái đẹp. Tôi cứ hình dung trăm cô gái giống tiên sa ấy với trăm người con sinh ra từ bọc trứng mẹ Âu Cơ. Một sự tròn đầy viên mãn của tính cộng đồng xã hội, hai tiếng "đồng bào" đã bắt đầu từ đó. Đây là một bài ca lao động tuyệt đẹp bởi: "Đêm đêm tiếng thậm tiếng thình - Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non". Câu thơ không còn đơn tuyến, đơn lẻ nữa mà nâng lên khái quát thành một đạo lý sống của người Việt. Cứ ngỡ nhà thơ dừng lại đây hình như cũng đã trọn vẹn thì khổ thơ cuối như một hoà âm hoài niệm ngân vọng trong tâm thức trong kí ức. Đó là sự vận động cảm xúc từ ngoài hướng nội của những vòng sóng li tâm khi tả thực đến cái lõi hạt nhân hướng tâm của cõi ảo đan xen nhau thành sự thánh thiện biết ơn nguồn cội.
Cứ mỗi dịp 10-3, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đọc lại bài thơ "Qua Thậm Thình" tôi cứ ngỡ mình như sống lại với những âm điệu trong ngày lễ hội. Đó là những chàng trai cô gái giã gạo làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên tiên tổ. Ta lại càng nhớ hình ảnh vị vua Hùng gắn bó với đồng ruộng thôn quê thật giản dị, khiêm nhường biết nhìn xa trông rộng để lại cho con cháu mai sau một di sản lớn của văn hoá Việt: Từ tiếng chày giã gạo đến những sản vật thiêng liêng bắt đầu từ hạt lúa, hạt gạo - Đó là hạt ngọc của nền văn minh lúa nước.
Nguyễn Ngọc Phú