Quán Dã Quì (truyện ngắn)

03:04, 24/04/2013

Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn mười năm nhưng nếu độc giả cho rằng nó chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua hoặc sẽ xảy ra sau mười năm nữa thì cũng chẳng sao...

Câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn mười năm nhưng nếu độc giả cho rằng nó chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua hoặc sẽ xảy ra sau mười năm nữa thì cũng chẳng sao. Vẫn hoàn toàn hợp lẽ. Nghĩa là nó phi thời gian và thậm chí không có cả không gian, nó cũng mờ ảo như cái thành phố Đà Lạt đẫm sương mù này. Bạn hãy cứ coi là vậy.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Cái quán nhỏ cheo leo trên sườn dốc ấy người ta thường gọi là Quán Dã Quì, nhưng thực ra nó không có tên, không có biển hiệu. Có lẽ do trước cửa quán có một dãy hoa dã quì vàng rực nên khách hàng trông thế mà gọi tên quán.

Cái quán nhỏ hẳn sẽ hết sức tĩnh lặng và chẳng có gì để nói nếu như không có một sự kiện xảy ra vào buổi sáng hôm ấy.

Một sớm mù sương, có một vị khách tuổi đã ngoại lục tuần bước vào trong quán. Ông khách chọn một góc khuất, gọi một tách cà phê không đường và bao ba số rồi cứ thế ngồi lì từ sáng đến tận quá trưa, đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Có lúc người ông như chìm trong khói. Sự xuất hiện ban đầu của vị khách đã làm cho cô chủ quán không giấu được vẻ mừng rỡ. Cái quán nhỏ xa trung tâm thành phố, khách ra vào hàng ngày có thể đếm trên đầu ngón tay này mà có được một vị khách sộp như vậy thì quả là hi hữu.

Vậy mà ngay vào đầu giờ chiều hôm ấy, vị khách lại xuất hiện. Vẫn một cốc cà phê không đường và bao ba số. Cô chủ quán tươi tỉnh và đon đả hẳn lên. Vị khách lại ngồi một mạch đến tận lúc sẩm tối. Nếu như cô chủ quán không húng hắng một cái ho “nhân tạo” và bàn tay không khẽ rung rung chùm chìa khoá cửa thì chưa chắc ông đã đứng dậy.

Lạ lùng hơn, ngày thứ hai, vị khách lại lững thững bước vào quán và vẫn diễn lại toàn cảnh ngày hôm trước.

Cô chủ quán tất nhiên vẫn rất hồ hởi nhưng trong lòng đã khó tránh khỏi sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên thôi chứ không hề khó chịu. Vị khách có thể đem lại số lãi cho cô bằng cả năm, bảy người khách bình thường thì sao cô phải khó chịu.

Nhưng rồi cô đã thực sự kinh ngạc khi vị khách vẫn tiếp tục đến quán  vào những ngày tiếp theo. Sự xuất hiện liên tục của ông đã dẫn cô đến tâm trạng tò mò, ngờ vực. Cô nảy ý định kín đáo quan sát ông khách bất bình thường này. Ngồi trong quầy bán hàng, thỉnh thoảng cô lại đưa mắt liếc trộm vị khách. Và cô nhận ra, mỗi khi cô nhìn về phía ông cũng luôn gặp ánh mắt ông  đang hướng về phía cô. Một ánh mắt nồng nàn và thoáng buồn.

Đến ngày thứ năm thì cô đã hoàn toàn mất bình tĩnh. Cũng như mấy ngày hôm trước, cô luôn bị ánh mắt ông bủa vây. Dẫu sao cô cũng là phụ nữ. Mà đã là phụ nữ thì mấy ai có thể bình thản được trước sự chú ý của ánh mắt đàn ông, kể cả những người đàn ông đã vào tuổi cha chú mình. Cô thoáng rùng mình. Một ý nghĩ vụt thoáng qua: có lẽ nào ông si mê cô? Tuy cô không phải là một phụ nữ quá xinh đẹp nhưng lợi thế là còn trẻ và vóc người khoẻ mạnh, ưa nhìn. Nhưng rồi chỉ ít phút sau đó cô đã xua khỏi đầu cái ý nghĩ bất hợp lí ấy. Không! Ánh mắt của ông tuy chứa chan tình cảm nhưng không hề toả ra dục vọng như nhiều gã đàn ông khác. Đó là một ánh mắt dịu dàng và thấp thoáng nỗi đau. Những câu hỏi đầy nghi hoặc day trở trong lòng cô không dứt. Hay ông là một cán bộ an ninh đang điều tra một vụ việc nào đó mà đối tượng bị điều tra cũng không ngoại trừ cô. Như có một luồng điện chạy dọc sống lưng. Cô giật mình kiểm điểm lại xem mấy năm vừa qua có sơ sẩy điều gì với luật pháp mà không tự biết. Nhưng nghĩ mãi, cô vẫn thấy mình chưa bao giờ làm điều gì sai trái. Tuy nhiên, cô cũng hiểu, ở đời có những chuyện không thể ngờ, biết bao nhiêu cây ngay vẫn phải chết đứng giữa rừng. Qua nhiều nghĩ ngợi, đoán gần đoán xa, cuối cùng cô thấy cần phải tìm cách trò chuyện với ông khách kì lạ nọ.

Vào lúc tách cà phê của ông vừa cạn, cô vội bê một ấm trà hảo hạng đến bên bàn, giọng run run:

- Mời chú! Trà Tân Cương cháu gửi mua tận Thái Nguyên. Chú thưởng thức thử ạ.

Ông khách tươi cười:

- Cảm ơn cô!

Giọng nói trầm ấm của ông làm cho cô mạnh dạn hơn:

- Thưa…Mấy hôm liền…À, vâng! Cháu thấy hình như chú có điều gì…

Ông như thấu hiểu gan ruột cô:

- Việc tôi tới quán mấy hôm nay đã làm cô băn khoăn phải không?

Như một người bị bắt quả tang, cô vội thanh minh:

- Dạ…không…không có chuyện ấy đâu ạ. Chả là vì cháu chỉ muốn biết…

- Muốn biết vì sao tôi lại ngồi lì ở đây năm ngày liền phải không?

Cô thấy tốt nhất là nên thành thật:

- Vâng! Quả…có thế ạ. Nhưng chú không....

Vị khách cười thành tiếng, trả lời với vẻ thản nhiên:

- Tôi đã ngồi đây năm ngày liền, đơn giản chỉ là để… suy nghĩ thôi.
- Suy nghĩ…? Về…về…điều gì ạ…

- Cô muốn biết thật sao?

- Nhưng nếu chú thấy không tiện thì không sao đâu ạ.

Vị khách lắc lắc mái tóc đã điểm bạc.

- Có gì mà không tiện. Nhưng chỉ sợ tôi nói ra, cô không tin thôi.

Không hiểu sao lúc ấy cô lại trở nên quả quyết:

- Chú cứ nói. Nhất định cháu sẽ tin ạ!

- Vậy thì tôi nói.

Uống một ngụm trà trong chiếc tách nhỏ cô vừa rót, ông tiếp tục:

     - Tôi ngồi đây năm ngày chỉ để nghĩ về một câu hỏi dường như không có câu trả lời rằng tại sao đã có rất nhiều năm chung sống hạnh phúc bên nhau mà vợ tôi lại bỏ tôi để đi theo một người đàn ông khác?

Nghe trọn câu nói của ông khách cô hơi sững sờ.

Ông khách khẽ thở dài:

- Thành thật xin lỗi cô. Nhưng cô có biết vì sao tôi ngồi lì ở đây và nhìn cô với vẻ hơi bất nhã không?

Không đợi câu trả lời, ông nói như điểm từng tiếng;

- Chỉ vì một điều đơn giản, buổi đầu tiên vào đây tôi đã phát hiện thấy cô giống y như vợ tôi hồi còn trẻ.

Cô cúi mặt, giấu vẻ lúng túng. Cô nhìn ông khách bằng con mắt cảm thông xen lẫn cảnh giác.

Một lát, cô quay trở lại quầy bán hàng, luống cuống tìm cái khăn khô lau đi lau lại mấy cái phin cà phê đã sạnh bóng. Bàn tay cô run lật bật.

Hình như phía ngoài quán những đụn sương mù trôi chậm hơn trên những tán thông xanh hư ảo.

Thỉnh thoảng bàn tay cầm khăn của cô lại ngập ngừng, trễ tràng một cách lười nhác. Giọng nói trầm buồn da diết của ông đã vô tình làm sống lại trong cô một kí ức buồn mà lâu nay cô đã cố quên. Nhưng cô hơi khác ông. Kẻ bạc tình ấy chỉ vồn vã yêu cô chưa đầy một mùa trăng đã ra đi như một kẻ trốn chạy, để lại trong trái tim cô một nỗi tuyệt vọng khó nguôi ngoai. Và cũng giống như ông, bao năm tháng cô đã tự hỏi mình cái câu hỏi không có tiếng trả lời: với một tình yêu nồng cháy và chân thành như cô, không hiểu tại sao anh ta lại bỏ cô để đi theo một người con gái khác?

Một tháng trôi qua. Trọn ba mươi ngày, vị khách nọ vẫn không chịu dời chiếc bàn nhỏ khuất trong góc quán.

Bây giờ thì ông đã trở nên thân mật với cô hơn. Ông vẫy cô lại gần, giọng hơi suồng sã:

- Cô gái! Cô đã thấy chán lão già lẩn thẩn này chưa?

- Dạ! Cháu đâu dám ạ! Cháu chỉ hơi lạ là vì sao…

Vị khách cắm cúi châm thuốc, rít một hơi dài, nhả khói mù mịt:

- Quả là cô và vợ tôi hồi trẻ giống nhau như hai giọt nước. Giống đến mức không sao tin nổi. Cô có biết không, chính vì cô mà tôi đã ngồi đây cả tháng để tìm lại những gì đã mất.

Với vẻ thiếu kinh nghiệm của một người còn quá trẻ, cô đã buột ra một câu đầy khờ khạo:

- Nhưng chú cứ ngồi ở đây thì làm sao có thể tìm lại được cô ấy?

Vị khách ngừng nhả khói thuốc, nhìn cô, cười chua chát:

- Không! Tôi không tìm ai cả! Tôi chỉ ngồi đây để tìm lại thời gian đã mất!

Cô tỏ ra không hiểu, nhắc lại lời ông một cách vô thức:

- …Tìm lại thời gian đã mất?

Nhìn vẻ ngơ ngác đến chân thành của cô, ông hiểu rằng mình đã nói những lời hơi xa lạ và không phù hợp với một người còn quá trẻ như cô. Hẳn cô chưa bao giờ có dịp biết đến cuốn tiểu thuyết lừng danh “Đi tìm thời gian đã mất” của Proust*

Nhìn theo làn khói thuốc bay mờ, ông như nói với chính mình:

- Thực ra, cuộc đời là một hành trình đi tìm thời gian đã mất cô bé ạ. Nhưng chúng ta lại luôn bất lực. Ai đó đã nói rất chính xác rằng chỉ có thể biến cái thời gian đã mất ấy thành một hành động sáng tạo nghệ thuật mà thôi.

                                                                                                  * * *

Năm năm sau. Cái Quán Dã Quì nhỏ bé sập sệ ngày trước đã được thay bằng một khách sạn ba sao đầy hoa lệ. Lạ kì thay, ông chủ mới đã chính thức đặt tên cho khách sạn của mình là khách sạn Dã Quì. Cũng có thể chỉ là sự trùng lặp vô tình, cũng có thể vì đó là một cái tên đẹp, mang đặc trưng cho cái thành phố ngàn hoa này. Tất cả mọi chuyện chẳng liên quan gì đến cô chủ quán Dã Quì ngày trước. Nghe nói, sau khi bán lại mảnh đất cho người chủ mới, cô gái đã đi đâu đó biệt tăm.

Ngày khánh thành, ông chủ khách sạn Dã Quì không hiểu đã tìm thấy từ đâu một bức tranh sơn dầu rất đẹp về treo trong căn phòng rộng, thoáng mát nhất. Vẻ đẹp của tác phẩm hội hoạ làm xôn xao giới mĩ thuật và người thưởng thức. Bằng những hoạ tiết và những mảng mầu không quá cầu kì, tác giả đã tạo dáng một thiếu nữ đứng bên khóm dã quì. Có người nói, sau khi hoàn thành bức hoạ, tác giả của nó đã chết vì một cơn nhồi máu cơ tim khi nhát cọ cuối cùng vừa kịp quệt lên tác phẩm. Những người có chút am hiểu lịch sử hội hoạ cho rằng lẽ ra phải đặt tên bức tranh là “Thiếu nữ bên hoa dã quì” mới đúng. Ý tứ muốn giống như bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh hoạ Tô Ngọc Vân. Vậy mà tác giả lại đặt tên cho tác phẩm của mình là “đi tìm thời gian đã mất”, vẻ như không ăn nhập gì với tác phẩm.     
 
Đến tận mười mấy năm sau đó vẫn chưa ai, kể cả những hoạ sĩ nổi danh nhất của thành phố có thể “đọc” nổi bức tranh. Thế mới biết, đằng sau mỗi tác phẩm nghệ thuật luôn là những ẩn số khôn lường.

Một buổi chiều sương giăng như cổ tích trên những triền thông, có một người phụ nữ khoảng bốn mươi tuổi, ngẩn ngơ đứng hàng giờ bên bức tranh.

Người phụ nữ hết xoay bên trái lại xoay bên phải, hết nhìn chằm chằm vào cô gái trong tranh, rồi ánh mắt lại như nhìn vào đâu đó rất xa xăm. Bỗng người phụ nữ thốt lên bằng một giọng đau đớn:

     - Đúng là ông ấy! Đúng là ông ấy rồi! Ông ấy đã tìm thấy thời gian đã mất!

Mọi người đổ xô lại phía người phụ nữ. Và chị đã chỉ cho họ cách xem tranh: khi nhìn chính diện, cô gái trong tranh chỉ vào khoảng hai mươi tuổi. Vẫn là gương mặt ấy, nhưng ngắm tranh lệch về phía trái hoặc phía phải thì cô gái bỗng biến thành một bà già tuổi đã ngoài năm mươi.

Mọi người cùng “à” lên một tiếng, tỏ vẻ đã hiểu đôi phần về bức hoạ bí ẩn.
Trong lúc những người hiếu kì xúm quanh bức tranh để thưởng lãm vẻ kì ảo của nó, không ai để ý thấy người phụ nữ lặng lẽ bước ra khỏi quán. Một lúc khá lâu sau, ai đó trong đám người ngờ ngờ phát hiện ra cô gái trong tranh chính là người phụ nữ nọ.

Nhưng khi ngoảnh nhìn ra chỉ còn thấy một màn sương hư ảo.

                                                                                                 * * *

Tôi kể cái “sự tích” khách sạn Dã Quì cho một hoạ sĩ trẻ ngoài Bắc nghe làm cậu ta sướng mê, giao hẹn khi nào có dịp vào Đà Lạt nhất định tôi phải chỉ lối để cậu ta đến nghỉ và chiêm ngưỡng bức tranh ở cái khách sạn ấy.

Mấy tháng sau, từ Đà Lạt trở về, chàng hoạ sĩ gặp tôi với một lời trách:

- Bác chỉ đường thế nào mà em tìm đến nửa ngày vẫn không thấy khách sạn Dã Quì đâu cả. Hỏi người Đà Lạt, ai cũng lắc đầu nói chưa nghe về cái khách sạn Dã Quì và bức tranh kiệt tác ấy bao giờ.

Tôi cười, nói với chàng hoạ sĩ trẻ:

- Cái khách sạn Dã Quì ấy lẫn trong sương mù nên cậu không tìm thấy đấy thôi. À, mà cũng có thể cái tuổi của cậu chưa phải lúc đi tìm thời gian đã mất. Có lẽ, hai mươi hoặc ba mươi năm nữa về Đà Lạt cậu sẽ tìm thấy khách sạn Dã Quì chăng?

Truyện ngắn: HỒ THUỶ GIANG

Chú thích: * Marcel Proust(1871- 1922): Nhà văn hiện đại Pháp đầu thế kỉ XX.