Quan họ và đêm Trương Chi

05:04, 17/04/2013

Mỗi lần nghe Quan họ, tôi lại liên tưởng ngay đến tiếng hát của chàng Trương Chi, “người thì thậm xấu, hát thì thậm hay” rớt vào dòng Tiêu Tương trong huyền sử. Và, tôi tin chắc rằng những lời ca trong vắt, xoắn quyện đến quyến rũ, mê hoặc người nghe này được sinh ra từ những đêm Trương Chi, đêm của mất ngủ, thao thức, mong nhớ

Mỗi lần nghe Quan họ, tôi lại liên tưởng ngay đến tiếng hát của chàng Trương Chi, “người thì thậm xấu, hát thì thậm hay” rớt vào dòng Tiêu Tương trong huyền sử. Và, tôi tin chắc rằng những lời ca trong vắt, xoắn quyện đến quyến rũ, mê hoặc người nghe này được sinh ra từ những đêm Trương Chi, đêm của mất ngủ, thao thức, mong nhớ. Có khác chăng, Dân ca Quan họ Bắc Ninh là tiếng gọi, lời mời chào, là nỗi lòng tỉ tê của giọng nữ sâu sắc, đa tình mà ý nhị.

Một cảnh múa hát Quan họ
Một cảnh múa hát Quan họ


Ngày cuối tuần, về lại Đà Lạt, chẳng hiểu sao tôi lại có cảm giác chông chênh lạ. Không phải Đà Lạt bây giờ không còn đẹp nữa, gái Đà Lạt không còn xinh, mà có lẽ tại mình không còn đủ yêu thương để mà run rẩy. Lòng chợt bùi ngùi, xót xa. Lang thang qua các ngõ phố trên chiếc xe máy “cà tang”, rồi bất chợt rẽ vào nhà ông hai Dũng, khi màn đêm vừa buông, để nghe một canh Quan họ cho vợi bớt cô đơn. Các liền anh, liền chị trong Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã gieo rắc những tâm tư ngời sáng lên những số phận tình yêu xa vắng; những mối tình chơi vơi cùng những lời hẹn hò, chờ đợi, nhớ thương, nỗi niềm xa cách, cô đơn hay ước mơ, hy vọng… Tôi nghe trong tiếng hát của họ có giọt mưa thu thánh thót rơi vào lòng sông Cầu, sông Đuống, sông Thương và có cả nỗi trằn trọc thâu đêm của cô gái vắng chồng, với “nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó chờ ai”.

Theo một số nhà nghiên cứu, Quan họ có từ đời nhà Lý, gắn liền với huyền tích Ỷ Lan: Một buổi chiều nọ, có người con gái tuổi chớm dâng hương, với đôi mắt hiền hậu nhưng cực kỳ sắc sảo đứng tựa cây lan bên chùa Dâu và cất tiếng hát. Vua Lý Thánh Tông trên đường kinh lý, khi nghe tiếng hát, lập tức bị mê hoặc, và nhất quyết vời cho bằng được nàng về cung. Để rồi chính đôi mắt kỳ diệu ấy lại cùng với vua Lý Thánh Tông tài trí trị vì đất nước, làm nên một vương triều Lý hưng thịnh, xanh rờn hạnh phúc tầm tang. Người con gái đứng tựa cành lan mà hát chính là Nguyên phi Ỷ Lan, một liền chị tài sắc vẹn toàn của đất Kinh Bắc.
“Quan họ vốn trọng nhau về nghĩa, mến nhau vì tình, say nhau bởi câu hát. Trong mỗi nếp nhà, xóm giềng, làng mạc, các thế hệ Quan họ âm thầm thay nhau tiếp nối, gửi trao yêu thương và gìn giữ cho Quan họ được căng tràn sức sống, trở thành một di sản văn hoá xuyên thấu thời gian. Người Kinh Bắc hát Quan họ thì đã đành, nhưng đi khắp mọi miền Tổ quốc, đâu đâu tôi cũng thấy người hát Quan họ. Dẫu chỉ thuộc một hoặc hai câu, nhưng người ta vẫn hát. Quan họ hay ở chỗ đấy. Vì nó thấm vào lòng người” - Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổ trưởng CLB Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Đà Lạt, chia sẻ.

Xuất phát từ tình yêu Quan họ mà ông Dũng đã cùng 10 người nữa, là những người con Kinh Bắc đang sinh sống, làm việc tại Đà Lạt đến với nhau và hình thành nên CLB Dân ca Quan họ vào tháng 1 năm 2013. Từ đó đến nay, các liền anh, liền chị của CLB Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã tự nguyện bỏ công sức, tiền của, miệt mài trau dồi vốn văn hoá Quan họ, sưu tầm các bài Quan họ cổ, rồi sáng tác thêm những bài ca mới để truyền dạy lại cho các thế hệ sau. Những liền anh, liền chị này đã luôn coi đó là niềm vui, trách nhiệm của bản thân và khi cần, họ sẵn sàng bỏ việc nhà, sửa soạn áo the, khăn đóng, nón ba tầm, áo tứ thân… tiếp đón, biểu diễn phục vụ người nghe. Ông Nguyễn Trung Dũng tâm sự: “Tôi người gốc Bắc Ninh, từng đi lính rồi chuyển công tác, nhưng lúc nào cũng nhớ về quê, nhất là nhớ Quan họ. Bản thân tôi có thể hát được Chèo, Cải lương, kể cả bài Chòi miền Trung và ca Huế, nhưng Quan họ mới là thể loại dân ca mà tôi tâm đắc nhất!”.

Suốt chiều dài lịch sử, tiếng hát Quan họ vẫn sớm chiều đằm thắm, nâng niu đời sống văn hoá của đông đảo tầng lớp nhân dân. Cứ như thế, tình yêu Quan họ tự thẩm thấu, chảy tràn trong từng huyết quản mỗi người con Kinh Bắc, rồi hoà cảm, cộng hưởng, yêu tin với nhân dân cả nước; thậm chí, cả với bạn bè quốc tế, mà việc UNESCO công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại vào ngày 30 tháng 9 năm 2009 là bằng chứng xác thực nhất cho sự lan toả này.

Đêm Đà Lạt không mưa bụi, không thuyền rồng, không trầu têm cánh phượng, mà chỉ có lời ca trong vắt, luyến láy, quấn quyện của những người con Quan họ xa xứ. Nhưng qua giọng hát, họ đã chạm vào thẳm sâu cỏ cây cùng lòng người phố núi cao nguyên mờ sương một nỗi niềm văn hoá Kinh Bắc nghìn năm. Tất cả đều mang tấm lòng chân thành gửi tới quê hương, khao khát yêu thương, thuỷ chung và hạnh phúc.

TRỊNH CHU