Bài văn tả ông ngoại

03:05, 22/05/2013

Thảo chấm một mạch xong hơn ba chục bài văn. Cũng như nhiều lần chấm văn thường kì, cả lớp chỉ có một số ít điểm khá còn lại hầu hết là điểm trung bình. Chuyện đó không có gì lạ đối với bộ môn văn. Thảo đặt các bài đã có điểm về phía góc bàn...

Thảo chấm một mạch xong hơn ba chục bài văn. Cũng như nhiều lần chấm văn thường kì, cả lớp chỉ có một số ít điểm khá còn lại hầu hết là điểm trung bình. Chuyện đó không có gì lạ đối với bộ môn văn. Thảo đặt các bài đã có điểm về phía góc bàn. Trước mặt Thảo duy nhất còn lại một bài văn chưa có điểm. Thảo lật đi lật lại bài văn trên tay như cố tìm từ phía sau mặt giấy một câu trả lời mà với Thảo thật vô cùng khó khăn. Thảo nhìn chồng lúi húi bên máy tính. Biết anh đang bận, nhưng không có cách nào khác, cô đành lên tiếng:

- Anh Phi ơi, đọc giúp em bài văn này.

Phi quay lại. Anh nhìn Thảo tươi cười:

- Cô giáo lại định khoe một bài văn xuất sắc của học sinh chứ gì.

- Không phải vậy. Em muốn anh đọc và cho ý kiến.

Anh phì cười:

- Ý kiến! Anh mà oai đến thế cơ à? Nhưng em có biết chuyện đại văn hào Gooc - ki làm hộ bài văn cho cậu bé hàng xóm và đã bị cô giáo cho một điểm với lời phê lạc đề không? Văn nhà trường của em với văn chương của các nhà văn nhiều khi rất mâu thuẫn đấy.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Thảo ấn bài văn vào tay Phi:

- Biết rồi! Nhưng anh cứ thử đọc đi. Bài văn này...

Phi lau mắt kính, chăm chú nhìn tờ giấy kiểm tra. Cái đề văn là tả ông nội hoặc ông ngoại. Hoàn toàn không phải là một đề văn hóc búa. Thông thường, chỉ cần biết kết hợp cái đáp án cô giáo đã cho làm mẫu với vài đặc điểm của người ông trong thực tế là học sinh đã có ngay một bài văn hoàn chỉnh. Đúng vậy! Thì đã từng có biết bao nhiêu bài văn tả ông, bà, cha mẹ viết theo kiểu như thế được điểm rất cao rồi sao.

Phi quay lại phía vợ, vẻ khôi hài:

- Có gì đặc biệt đâu em. Với đề văn này thì đại khái cứ viết: lưng ông còng gập. Tay ông run run chống gậy. Mắt ông đã mờ. Chân ông đã chậm, lò dò từng bước. Em rất yêu quí và kính trọng ông vì ông là người sinh ra bố mẹ, ông là tấm gương mẫu mực để cho chúng em noi theo. Cứ thế là đủ nhận điểm bẩy, điểm tám của cô giáo rồi còn gì.

Thảo nghiêm sắc mặt:

- Em không đùa đâu. Em muốn anh cho nhận xét thật khách quan về bài văn.

- Thôi được! Anh xin lỗi. Nhưng em định cho điểm mấy?

- Có thể cho tám hoặc chín mà cũng có thể cho điểm một cùng những lời phê thật gay gắt.

- Chà! Một tình huống đáng giá đây.

Phi cắm cúi đọc.

“Mặc dù đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng ông ngoại em rất trẻ. Ai nhìn thấy ông em cũng đều nói: Trông bác rất phong độ, thanh niên chúng cháu còn thua xa”. Những lúc được mọi người khen như vậy ông thường cười rất to và bảo: “Thanh kưu! Tớ được trời phú mà”. Quả là như vậy. Ông ngoại em có khuôn mặt đẹp như danh thủ Béc - Khăm, có dáng người tráng kiện như dũng sĩ Hec - Quyn. Bắp chân, bắp tay ông em cuồn cuộn, săn chắc. Mỗi khi ra phố chân ông bước phầm phập như con chiến mã thành Tơ - Roa. Những bạn bè cùng lứa tuổi với ông em nhiều người tóc đã bạc phơ nhưng tóc ông em thì vẫn xanh biếc như cỏ mùa xuân và bồng bềnh uốn lượn theo làn sóng trông thật điệu nghệ. Đấy là em nghe lỏm thấy một lần bà Thu Trang bạn của ông rủ rỉ nói với ông như thế chứ em thì làm sao nói hay như vậy được. Nghe ông em chơi đàn ghi - ta mới sướng làm sao. Ông rất hay chơi bài hát... bài hát gì nhỉ? à! Cái bài gì mà “tình yêu bắt đầu từ đôi mắt, ngày mai bắt đầu...”. Những lúc ấy em thấy bà Thu Trang cứ ngẩn mặt ngồi nghe, mắt cứ mơ mơ màng màng nhìn đi đâu ấy. Ông em diện rất oách. Khi ra đường bao giờ ông cũng mặc com-lê thắt ca-ra-vat. Đấy là do ông dạy chứ lúc đầu em không biết cái ca-ra-vát là cái gì. Ông bảo: “ăn mặc lịch sự tức là tôn trọng người khác và tự tôn trọng mình”. Ông em bao giờ cũng nói năng hoành tráng như thế. Nhưng ông không chỉ nói giỏi mà việc gì ông cũng làm được. Ông không những dạy toán, dạy văn, dạy nhạc mà còn dạy cả võ cho em nữa. Trong phòng làm việc của ông treo đầy bằng khen cùng các loại huy chương vàng, bạc đỏ chót.

Hôm qua ông gọi em đến và nói: “Cuối năm nay ông sẽ lấy vợ. Bà ngoại cháu không may mắc bệnh mất đã lâu, từ nay bà Thu Trang sẽ thay bà ngoại chăm sóc cháu, cháu có vui không?”. Tất nhiên là tôi vui quá đi chứ. Bà Thu Trang thì tuyệt vời  rồi. Bà hiền lành, lại rất đẹp và hát chèo thì miễn chê. Ông ngoại em là người như thế đấy. Hỏi rằng làm sao em không tự hào về ông ngoại của mình cơ chứ.

Tâm trí Phi bị cuốn vào bài văn. Anh đọc một mạch, không bỏ sót một từ.

Thấy chồng ngẩng đầu, Thảo vội bước đến gần:

- Thế nào anh?

- Ông ngoại của cậu học trò này có đúng là người như vậy không?

- Em đã nhiều lần gặp ông ấy. Đúng là như vậy anh ạ.

- Vậy thì tuyệt!

- Cái gì tuyệt?

- Một ông ngoại tuyệt vời và một bài văn cũng tuyệt vời. Thì em vẫn dạy học sinh viết văn là phải chân thực phải không?

- Nhưng bài văn tả ông ngoại thì phải khác chứ. Mấy chục năm dạy học em chưa gặp một bài văn nào kì quặc như thế này.

- Nghĩa là khi tả ông thì cứ phải viết theo kiểu da mồi, mắt mờ, chân chậm; khi tả bà thì cứ phải lưng còng gập, tóc bạc phơ, tay run lẩy bẩy chứ gì? Cũng có nghĩa là mấy chục học sinh trong lớp em đều phải có chung một người ông? Một người ông được đúc sẵn trong các đáp án phải không?

- Nhưng mà em vẫn thấy nó thế nào ấy.

Phi vỗ vỗ vai vợ:

- Ngày xưa nghèo đói nên những người lên ông lên bà thường rất già nua, hom hem. Còn bây giờ thì khác rồi em ạ. Anh thấy nhiều đáp án mẫu của một số nhà trường bây giờ đã quá lạc hậu mà vẫn không chịu sửa lại. Nếu anh là học trò của em có khi cũng bị em cho xơi “ngỗng” đấy.

Truyện ngắn: Hồ Thuỷ Giang