Lão già đêm ghì bàn tay gân guốc đẩy khép cánh cửa đêm cuối chân trời. Đàn gió lạnh buốt diễu hành dọc hiên nhà. Búp bê vải ngồi co ro đưa mắt nhìn xung quanh...
Lão già đêm ghì bàn tay gân guốc đẩy khép cánh cửa đêm cuối chân trời. Đàn gió lạnh buốt diễu hành dọc hiên nhà. Búp bê vải ngồi co ro đưa mắt nhìn xung quanh. Căn nhà kho lụp xụp tối om, chỉ có vài sợi ánh sáng mỏng mảnh được vầng trăng thả qua những lỗ thủng trên cánh cửa sổ tồi tàn. Mùi thời gian âm ẩm bốc lên. Thỉnh thoảng có vài tiếng chuột kêu chít chít, những tiếng động ma quái khiến Vải (ngày xưa cô chủ vẫn gọi nó thân mật như thế!) giật mình sợ hãi. Nó ngồi im không dám động đậy, đôi mắt nhìn đăm đắm vào bóng tối đặc quánh như mật ong.
* * *
Minh họa: Ngọc Minh |
Vài năm trước …
- Kho… ông … búp bê co... ơ, búp bê co… ơ! - Tí vừa khóc vừa vùng vằng.
Bà lão run run ôm cô bé vào lòng vỗ về:
- Tí ngoan! Nín đi! Nhà mình nghèo lắm, đến cơm còn chẳng đủ ăn, lấy tiền đâu mà mua đồ chơi cho cháu!
Bà quay đi giấu đôi mắt ươn ướt vào bóng chiều đỏ ối. Thương đứa cháu ngoại mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà già yếu vất vả làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, ai mướn gì cũng làm, rau cháo qua ngày mà cuộc sống vẫn cơ cực. Tiếng khóc của đứa cháu như lưỡi dao cứa vào trái tim bà.
Tối hôm đó, sau khi cái Tí đã say giấc ngủ, bà nhặt nhạnh mấy mảnh vải thừa và cặm cụi khâu thành một con búp bê vải. Nhìn nó và nghĩ đến vẻ mặt thích thú của đứa cháu tội nghiệp, bà nhoẻn miệng cười mãn nguyện. Ấy là nụ cười hiếm hoi đã suốt bao năm rồi mới lại xuất hiện trên khuôn mặt khắc khổ của bà. Và từ đó, búp bê vải và Tí trở thành đôi bạn thân. Hai đứa quấn quýt với nhau như hình với bóng. Những trưa hè, Tí bế Vải chơi trò bán hàng dưới gốc cây xoài trước ngõ với mấy thứ lá cây và vài ba hòn gạch. Cô bé đem búp bê vải theo cả khi cùng bà đi mót lúa trên đồng. Những đêm đông, Tí ôm nó vào lòng nghe bà kể chuyện cổ tích và thiêm thiếp ngủ tự bao giờ…
Hai ba năm sau, bà ngoại Tí ốm nặng và mất. Tí được người ta đón lên ở Trại trẻ mồ côi Hoa Phượng chừng nửa năm rồi được một gia đình khá giả nhưng hiếm muộn nhận về làm con nuôi. Cuộc sống đã đổi thay hoàn toàn. Tí có hẳn một căn phòng riêng xếp chật những thứ đồ chơi hiện đại. Nào là hàng chục những búp bê công chúa, hoàng tử rồi hàng tá gấu bông, mèo bông, lợn bông,… hay bộ đồ chơi nhà bếp với đủ nồi niêu, xoong chảo y như thật vậy,…
Một buổi tối như bao buổi tối khác, búp bê vải ngồi nép vào một góc tối trên tủ kệ. Căn phòng sáng choang. Lũ đồ chơi kia ồn ào bàn tán rôm rả.
Một cô công chúa búp bê điệu đàng khoe bộ váy nhiều tầng sặc sỡ sắc màu và lóng lánh kim sa kim tuyến đỏng đảnh bước đi như người mẫu biểu diễn thời trang:
- Mọi người nhìn xem, bộ váy của tôi mới đẹp làm sao! Còn mái tóc này nữa! Mềm mượt, bồng bềnh như sóng!
Vừa nói cô ta vừa đưa tay vuốt mái tóc màu vàng ánh kim xõa ngang lưng. Mấy tiếng trầm trồ khen ngợi khiến cô nàng càng thấy làm hãnh diện.
Rồi một anh chàng búp bê bảnh bao đến mức đỏm dáng, mặc một bộ gilê đen và chiếc ca ra vát kẻ ca rô, bước vào giữa đám đông:
- Này! Hôm nay cô chủ mới sắm cho tôi một bộ cánh mới! Đẹp đấy chứ!
* * *
Búp bê vải ngồi lặng đi nhìn ra phía ngoài cửa sổ. Phễu đêm sâu hun hút. Chợt một cô búp bê hét toáng lên khi thoáng nhìn thấy Vải:
- Ôi trời ơi! Ở đâu ra cái thứ xấu xí, bẩn thỉu kia!
Mọi con mắt đổ dồn về phía nó.
- Ừ nhỉ, nó ở đâu ra thế nhỉ?
- Đồ nhà quê rách nát!
Lũ đồ chơi chanh chua xúm lại chê bai, xỉ vả, ném về phía búp bê vải những ánh mắt khinh bỉ. Mụ xoong nhựa trên giá nhảy xuống hùng hổ túm lấy nó lôi soành soạch:
- Cút ngay ra khỏi chỗ này!
- Tô…ôi đâu có làm gì mọi ngư…ười! – Búp bê vải phân trần.
- Làm gì à! Mày làm bẩn chỗ này, nghe chưa!
Đám đông nhộn nhạo, chen lấn xô đẩy nhau, bất ngờ một tiếng hét thất thanh:
- A…..aa…..a! – Thì ra cô búp bê công chúa trượt chân ngã xuống đất. Mọi người đổ dồn ra mép kệ nhìn xuống đầy ái ngại.
Tí vội vã chạy vào, cuống quýt:
- Váy hồng của chị ngã có đau không?
- Hu hu….! Cô chu…ủ ơi, con búp bê vải xấu xí kia… hu… đẩy em ngã đấy! Hu hu! – Ả ta mếu máo.
Cô chủ bật dậy, tức giận lắm:
- Mày dám xô ngã Váy hồng yêu quý của tao hả!
- Khô… ông, không phải em…
Nhưng muộn mất rồi, chẳng để Vải giải thích Tí đã túm lấy cổ nó và ném xuống nhà kho.
* * *
Búp bê vải ôm mặt khóc thin thít. Nó vừa buồn vừa giận cô chủ! Cô quên rồi sao những ngày tháng tuổi thơ nghèo đói, quên người bà lam lũ, chắt chiu từng hạt thóc cho cháu ấm lòng,… quên…, quên… Đêm lê những bước chân nặng nề qua. Tiếng mọt trở mình tí tách. Chợt ánh sáng đổ ầm vào căn phòng tối. Vải giật mình ngước nhìn. Cánh cửa mở toang. Cô chủ…! Tí chạy ùa vào dáo dác gọi trong tiếng khóc:
- Va… ải ơi,… vải ơi, em đa… âu rồi!
- Cô chủ!
Tí lặng nhìn búp bê vải bằng đôi mắt ngấn nước rồi ngồi thụp xuống nâng nó trên tay ôm vào lòng, nức nở:
- Búp be… ê vải ơ… ơi, chị… có lỗi vơ… ới em, chị xin lỗi, chị xin lỗi.
ĐÀO MẠNH LONG