Nằm tại địa bàn thôn KhamJrong, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, đền Maxara là một trong những ngôi đền cổ nổi tiếng thờ thần tộc của người Churu trên đất Lâm Đồng còn tồn tại tới ngày nay.
Nằm tại địa bàn thôn KhamJrong, xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, đền Maxara là một trong những ngôi đền cổ nổi tiếng thờ thần tộc của người Churu trên đất Lâm Đồng còn tồn tại tới ngày nay.
Theo lời kể của bà con dân tộc Churu trong vùng thì những ngôi đền này đã có từ lâu đời và được di chuyển địa điểm theo phong tục và cuộc sống du canh du cư của người Churu. Chúng có trước cả đền Sop và Karyo (hai ngôi đền cất giữ báu vật của người Chàm trước đây), tức cách ngày nay khoảng 300-400 năm.
Toàn cảnh ngôi đền Maxara |
Đền Maxara I và đền Maxara II đều thờ vị thần Chớc Long (thần núi cao Maxara). Vị này có tên là Pa Ka Răh. Ông là vị thần bảo hộ của người Churu, là người có công lớn trong việc gìn giữ, bảo vệ đất đai, núi rừng và dạy dỗ dân Churu cách trồng lúa, trồng bắp, làm lao, làm ná săn bắn thú rừng.
Tục truyền rằng ngày xưa người Churu ở đây luôn bị người Col (một dân tộc nào chưa rõ?) sang cướp bóc, quấy nhiễu nên cuộc sống hết sức khổ cực. Ông Pa Ka Răh đã dùng tài năng, sức mạnh của mình lãnh đạo người Churu đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại đất đai núi rừng của tổ tiên.
Sau khi đuổi xong giặc, ông đã dạy bà con Churu cách làm thủy lợi, làm ruộng nước để có nhiều lúa gạo. Là người có tài tiên tri và nghe hiểu được tiếng thú vật, ông đã dùng phép màu bắt trâu, bò rừng về đóng lên lưng chúng những khuôn gỗ lớn để chở đồ đạc, thóc gạo và bảo chúng kéo cày cho người Churu. Ông hái lá cây rừng hóa phép cho biến thành tiền giúp những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Pa Ka Răh còn dạy cho người Churu làm cái ná, cái bẫy và chỉ cho họ đi săn, bắt ở những nơi được nhiều thú rừng nhất.
Sau khi giúp dân đuổi giặc, dạy dân Churu làm lụng có cuộc sống đủ đầy, ông Pa Ka Răh đã biến thành chim và hóa thân vào dãy núi cao Maxara.
Nhưng rồi đến một ngày bọn người Col quay lại tiếp tục xâm lược, chiếm lấy đất đai, bắt người Churu phải đi phu, đi làm tôi tớ cho chúng. Thấy dân làng lâm nạn, cơ cực, rên xiết dưới xiềng xích của bọn xâm lăng, ông Pa Ka Răh đã quay trở lại đầu thai vào làm con trai của chính con gái mình là Mộ (bà) Phúc Mà và con rể là Cay (ông) A.Bộ.
Sau khi được sinh ra lần thứ hai ông đã nói cho mọi người biết mình là ai và vì để cứu giúp dân làng ông đành phải đầu thai làm con của con gái.
Và Pa Ka Răh Con lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu đã trở thành một thanh niên dũng mãnh, ông đã chế ra chiếc ná thần mỗi lần bắn ra bảy mũi tên diệt bảy tên giặc. Ngoài ra, Pa Ka Răh Con còn biết nói chuyện với thú vật, sai khiến chúng trở thành một đội quân giúp ông đánh giặc. Bọn giặc Col bị ông và dân làng đuổi chạy qua vùng Đắc Lắc, chạy dạt qua tận đất Lào và Cao Miên. Từ đó chúng không dám quay trở lại cướp đất của người Churu nữa.
Đuổi giặc xong, ông trở về cùng bà con xây dựng lại buôn làng và đền thờ Maxara Chớc Long tức ông ngoại (kiếp trước của mình). Đồng thời ông là người trực tiếp trông coi đền cho đến khi mất.
Đền Maxara I và Maxara II được xây dựng với kiến trúc khá đơn sơ bằng gỗ, tre, lá. Bên trong có kê một sạp gỗ để đặt các vật dụng và bàn thờ. Trải qua chiến tranh và thời gian, nhiều đồ thờ quí đã bị mất mát, hư hại. Hiện nay chỉ còn lại một vài hiện vật bằng đồng và đồ gốm hoa lam. Riêng ở đền Maxara I còn có 1 hòm nhỏ đựng hài cốt của vị thầy chùa Kay Pơ Hao (1) người có công nhiều nhất trong việc thờ cúng vị thần của người Churu (Pa Ka Răh).
Đền Maxara I và II thường được tổ chức lễ cúng mỗi năm một lần vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Vào những ngày này, bà con dân tộc Churu trong vùng thường tụ tập về đây để tế lễ tưởng nhớ công ơn vị thần của mình. Đồng thời cầu nguyện thần ban cho sức khỏe, mùa màng được bội thu, có nhiều trâu bò, của cải và khi đánh giặc thì tránh được chuyện tên bay đạn lạc…
Thờ cúng tổ tiên, thần tộc là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam nói chung và người Churu nói riêng. Đặc biệt những ngôi đền cổ như Maxara cũng rất hiếm hoi và còn lại quá ít ỏi trên đất Lâm Đồng.Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ các thôn, buôn sửa chữa, tôn tạo và bảo vệ những ngôi đền trên nhằm góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thầy cúng JaBa làm nghi lễ cúng đền |
(1): Hàng năm vào dịp lễ cúng người ta vẫn mang bộ hài cốt này ra lau rửa bảo quản bằng rượu mạnh.
ĐOÀN BÍCH NGỌ