Đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó

03:05, 15/05/2013

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108 và chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng của mình trong một thời gian dài từ năm 1941 đến năm 1945. Ngày 21 tháng 2 năm 1975, Nhà nước đã công nhận Pác Bó là khu di tích lịch sử đặc biệt.

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108 và chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng của mình trong một thời gian dài từ năm 1941 đến năm 1945. Ngày 21 tháng 2 năm 1975, Nhà nước đã công nhận Pác Bó là khu di tích lịch sử đặc biệt.

Đền thờ Bác Hồ nhìn từ dưới lên
Đền thờ Bác Hồ nhìn từ dưới lên


Khu di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới Việt - Trung. Cũng chính trên mảnh đất này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra nhiều chủ trương đường lối và đưa đến những quyết định quan trọng chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám tại Khuổi Nậm - Pác Bó; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Nơi đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam Độc Lập. Đến tháng 11 năm đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo thành lập đội du kích Pác Bó - tiền thân của Đội vũ trang Cao Bằng.

Mười lăm năm sau - tháng 3 năm 2013 - chúng tôi trong đoàn làm phim tài liệu truyền hình đã có dịp trở lại Pác Bó. Vẫn con đường quen thuộc, chúng tôi leo lên từng bậc đá vào hang Pác Bó; thăm nơi Người từng ngồi câu cá, bên tảng đá dịch sử Đảng… và lội xuống dòng nước trong xanh của suối Giàng (suối Lê Nin) trong vắt mà mắt thường vẫn thấy rõ từng đàn cá đang tung tăng bơi lội…

Sau 15 năm trở lại, cảnh vật nơi đây không có nhiều thay đổi; duy nhất có một đền thờ Bác Hồ vừa xây dựng cách đây đúng hai năm vào dịp sinh nhật của Bác là khang trang, đường bệ nhất.

Đền thờ nằm trên ngọn núi cao, lừng lững. Muốn lên đền thờ, du khách phải leo 79 bậc cấp bằng xi măng, lát gạch. Phía trước đền thờ là dòng suối Lê Nin lượn lờ; xa xa là những ngọn núi hùng vĩ bao quanh một dải giang sơn gấm vóc của Tổ quốc.

Ngay ở chính giữa điện thờ là bức tượng Bác Hồ được nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường thể hiện. (Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường là một trong những tác giả có nhiều công trình tượng đài được chọn xây dựng ở các địa phương, trong đó có tượng đài Phụ nữ Đà Lạt). Đó là một bức tượng chân dung Bác Hồ được các nghệ sĩ trong giới đánh giá rất cao. Ở giữa là bốn câu thơ nổi tiếng của Bác:

Non xa xa nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê Nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà

Bên phải đền thờ là dòng chữ ghi lại lời căn dặn của Bác Hồ: Phải tích cực giành cho được độc lập tự do. Phải làm sao cho con em chúng ta ăn no, mặc ấm, được học hành. Nhiệm vụ của cách mạng chỉ có vậy thôi.

Những bức phù điêu được đắp nổi lên tường với những hình ảnh nhân dân xuống đường biểu dương lực lượng với khẩu hiệu: Ủng hộ chính quyền cách mạng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Hoan hô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm…

Trên tường còn có phù điêu về ngày đầu thành lập của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với câu nói của đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho những đội đàn em khác, tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang, nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.

Trong đền thờ Bác Hồ ở Pác Bó còn chạm khắc bốn câu thơ của Bác khi Người trở lại thăm Pắc Bó ngày 20 tháng 2 năm 1961:

Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay…

Ngay chính điện thờ có hai bức trướng với hai vế đối:

Lãnh tụ trở về nhật nguyệt bừng lên trời Pắc Bó
Anh hùng tụ lại tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng

Và phía trên cao là dòng chữ: HỒNG NHẬT CAO MINH được chạm trổ tinh vi.

Trên tấm bia đặt ở bên ngoài đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử Pác Bó, còn ghi rõ: Ngôi đền thể hiện tình cảm và nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đặc biệt là nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Công trình có sự đóng góp về tinh thần và vật chất của nhân dân tỉnh Cao Bằng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An và một số tổ chức cá nhân.

Đền thờ Bác được xây dựng tại một vị trí trung tâm vùng đất thiêng Pác Bó, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sinh khí ngàn năm hội tụ, kiến trúc của ngôi đền là sự kết hợp hài hoà giữa đặc trưng kiến trúc truyền thống Cao Bằng với nét kiến trúc hiện đại, tạo cảm giác uy nghi nhưng vẫn gần gũi, giản dị.

Mặt chính của ngôi đền quay về hướng Nam. Tổng diện tích sàn 1.148 mét vuông; chiều cao 16,02 mét và được khởi công vào ngày 19 tháng 5 năm 2010; Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 2011.

Quần thể di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ được xây dựng lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra suối, thắng cảnh hữu tình; xứng đáng là nơi thờ tự trang nghiêm ở chốn linh thiêng; cũng là một trong những những điểm đến của du lịch Việt Nam trong tương lai.

TRẦN TRỌNG VĂN