Ký ức núi vĩnh cửu

02:05, 08/05/2013

(LĐ online) - Sống với núi là đang sống với thứ xa xưa nhất, cũ kỹ nhất, nhưng không bao giờ nhàm chán với trần gian này. Người trong dân gian cho dù không cần đến trường cũng nghe từ trời đất kiểu tự tình gan ruột: “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”…

(LĐ online) - Sống với núi là đang sống với thứ xa xưa nhất, cũ kỹ nhất, nhưng không bao giờ nhàm chán với trần gian này. Người trong dân gian cho dù không cần đến trường cũng nghe từ trời đất kiểu tự tình gan ruột: “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/ Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”…

Dù mùa khô hay mùa mưa tôi cũng hướng đến những ngọn núi trên cao nguyên này mà đi...

Núi Ngok Linh ở Kon Tum
Núi Ngok Linh ở Kon Tum


TÂM HỒN

Tôi luôn trả tôi về thiên nhiên, và không bỏ mất cái quyền yêu trời xanh và núi non. Đó là năng lượng của tôi. Sau mỗi cái ký sự viết về con người là tôi quay lại núi, sống lại với non xanh. Tôi có cảm giác phố phường không đủ chỗ cho tâm hồn tôi. Tôi nhớ phố phường, tôi yêu những gánh hàng rong, vỉa hè, xe cộ, kiến trúc, cùng những mặt người son phấn, nhưng thế giới của tôi phải là sự chập chùng hoang vu bất tận của những dãy núi mù xa. Kiến trúc nào có thể đứng trên, hay bằng được kiến trúc từ trong thiên nhiên. Nương rẫy chìm xuống, nắng và gió băng qua lồng lộng, dù nó mơn trớn âu yếm hay hành hiện sự tàn bạo của thiên nhiên. Những thị thành, thị tứ, khu dân cư, làng, bon, chợ búa, sông suối, rẫy nương… cứ thế lùi lại đàng sau. Tôi đi trong dã linh của cát bụi và trong điêu linh của núi rừng. Tôi trôi trong màu nhiệm của thiên nhiên và nhục cảm của vũ trụ.

Tôi đang thưởng thức núi thẫm, nhưng cũng có thể bảo rằng đó là hành động tự đày...

*

Đúng nghĩa miền núi, thì mùa khô là lúc dễ tiếp cận với các dãy núi, dễ đi lại. Đây cũng là mùa núi hiện ra nguyên hình, từ tâm hồn cho đến hình thể. Đó là mùa mà những dòng suối trong suốt, nước như vắt lấy giọt từ những thảm thực vật, chảy ra trong sâu thẳm của khe cạn nhỏ tẹo trên đỉnh, để đúng cuộc hẹn hoang giao thành dòng dưới chân núi mà tìm ra suối. Cái tinh thần “Streamline”, những dòng nhạc kiểu Mirage, Screen music… hẳn cố tìm về hơi thở này đây. Cỏ cây hoang dã tiết trời này ở cái đỉnh của sự rạo rực, chồi non trào ra, hoa biếc bừng sắc, chim chóc dậy tiếng. Những sườn núi vàng rực sơn cúc không phải là bản giao hưởng duy nhất của miền sơn cước. Chỉ cận cảnh, mới trông thấy những thảm cây chợt trổ ra thứ lá toàn màu tím biếc, toàn lá đỏ au, thậm chí toàn lá đen thui, đôi khi là những dải cây không thể biết tên mà lá non mới bung màu đã vàng hơn cả lá thu, rồi những thảm cây lá non xanh mềm long lánh như lụa trong nắng núi. Trong những cánh rừng mưa nhiệt đới thường xanh chằng chịt dây leo, trên tầng cao của các cây già kia phong lan bắt đầu lặng lẽ trổ bông và toả hương. Những rừng bằng lăng trắng phơ phơ như những cây san hô khổng lồ dựng nên thành vách, mắc cạn trên miền sơn nguyên. Những rừng trúc thanh khiết muốt tận với thảm thực bì dày dần lên vào mùa đổ lá. Đó là lúc côn trùng sục sôi, mà biểu hiện cho sự đại diện lên trên là rợp trời bươm bướm, ong, hay chuồn chuồn núi…

Trời đất rộng ra hơn với bất kỳ dãy núi nào ở mùa khô. Màu xanh da trời nhuộm xanh những đỉnh núi. Mà nếu màu thiên thanh không nhuộm xanh thì trong cái nắng chói chang kia, mây cũng kéo nhau về chọc ghẹo núi, hay đoàn viên ở đấy. Mùa thiếu nước, nhưng khói sương ở đâu ra mà cứ nhằm mùa khô lại xuất hiện nhiều. Những buổi sớm sương lênh đênh, làm cao nguyên tan chảy theo hư vô, và làm bạc những ngọn núi linh thiêng.

*

Sao mà đếm cho hết những ngọn núi đã qua. Mỗi địa hình có nhiều sơn địa. Mỗi sơn địa có nhiều lớp núi. Mỗi lớp núi có nhiều dãy núi. Mỗi dãy núi có nhiều đỉnh núi. Tạo hoá tạo núi non như trò chơi, chả khác đám trẻ con rẩy tay, vung kéo cây thước xếp ra xa, vung đi vung lại. Giữa mây gió và non ngàn đó, chập chùng nhấp nhô là chập chùng sự kỳ ảo, chập chùng thinh không, mênh mông không động. Sương khói che đi sự ghồ ghề của ngọn núi thì chính nắng của những buổi chiều tàn này đưa núi đi vào hoang liêu, nội tâm của núi, tâm thức núi. Cho dù cái nắng làm phẳng cả cao nguyên vào giờ đứng trưa của mùa khô và làm loã thể cả một ngọn núi thì chúng ta cũng chẳng thể “đọc” được ngọn núi ấy. Cái thực thể đất đá tìm mây mà lên, cao to, án ngữ, chế ngự, chình ình giữa một quê xứ bao la mà ta gọi là núi ấy đừng giỡn mà xem nó bất động. Dù trong một ngày nhưng ở mỗi thời khắc hình hài của núi cũng khác nhau, theo gió, mây, nắng ít hay nhiều, quang hay âm u. Nghĩa là núi biến tấu theo thời tiết. Hình ảnh mây phủ núi làm người xa xứ nhớ nhung. Tưởng núi giống núi, nhưng thật ra nó luôn khác nhau. Như những người đồng chủng, đồng tộc, thậm chí song sinh, nhưng sâu sắc, hoặc ở gần ta sẽ nhận ra sự khác nhau. Hồn vía riêng mà sắc vóc núi cũng riêng.

Ta có thể hiểu một thành phố, một làng mạc, một châu thổ, chứ không bao giờ có thể hiểu được một ngọn núi miền cao chót vót. Có một thứ qui luật bí ẩn chìm sâu, quần thảo của tạo hoá nơi các ngọn núi.

Núi Yok Yang Lac (núi U Bò, theo tiếng M’nông) ở huyện Lak, Dak Lak
Núi Yok Yang Lac (núi U Bò, theo tiếng M’nông) ở huyện Lak, Dak Lak


TÂM LINH

Vì ta hiểu được cái trong tầm tay, trực quan nhìn thấy hay sờ mó được, có đầu có đuôi, có bến có bờ, chứ ta không hiểu được tạo hoá. Mà núi non là từ tạo hoá, thuộc về vô thuỷ vô chung. Giới hạn thời gian ngắn ngủi tuổi người không cho con người thấu thị cái của ngàn triệu năm tuổi. Cái gì không thấu thị nó thuộc về màu nhiệm. Con người có ngồi trong máy bay, hay cái gì kỹ nghệ hơn nữa, để bay trên những rặng núi thì vẫn nghiêng mình trước núi.

Cái gì màu nhiệm hẳn thiêng liêng, cao vời, nuôi dưỡng và che chở tinh thần con người. Nên trên trần gian, quyền uy tuyệt đối là núi, là Yang. May mắn cũng gọi là trời cao ban xuống, mà trừng phạt cũng gọi là trời cao giáng xuống. Con mắt núi nhìn xuống thế gian, nhìn khắp thế gian. Vì không hiểu được núi non của tạo hoá nên từ trong xa xưa con người đã xem các ngọn núi là nơi ở của thần linh, của cái gì thiêng liêng nhất đối với sinh vật người trước vũ trụ bao la. Thần linh ngự trên núi, nơi gần trời, và thanh khiết nhất đó. Những gì ở Hy Lạp, Ba Tư, Hy Mã Lạp Sơn, Nam Mỹ, hay Phi Châu đều chẳng thế. Từ đỉnh Olympus xa xôi cho đến Fanxipan, Ba Vì, Yên Tử, Bạch Mã, Chà Bang, Ba Thê, hay núi Đạ Brian (Đại Bình) ở xứ B’lao. Lật giở sử thi cổ kim, chợt vỡ ra rằng đỉnh cao nào chẳng nhiệm màu. Núi càng cao thần càng quan trọng, lớn, đẹp, bí ẩn, quyền uy và càng nhiều huyền thoại. Mây, gió, nắng, mưa, sấm sét qua các đỉnh núi đều trở nên huyền bí, nhuốm màu tâm linh. Núi là ký ức vĩnh cửu con người trên mặt đất.

Đất nước này dễ nhìn thấy núi. Là xứ sở mà núi đầy dẫy, núi đông đúc, núi chen chúc, núi quen thuộc. Và miền Tây Nguyên này càng thế, điển hình nhất. Giữa mênh mông trời đất, điệp trùng núi, nhưng không ngọn núi nào không tên. Nó có tên vì… con người. Vì nó là điểm tựa của loài người nhỏ bé sống dưới chân nó. Nó là biểu tượng của cộng đồng. Nó là thông điệp của sự kỳ bí thiên nhiên. Nó là nhận thức. Nó là linh hồn quê xứ.  

Tôi cứ đi giữa mênh mông núi non. Và từng cộng đồng dưới chân các ngọn núi cứ hào phóng dạy cho tôi những bài vỡ lòng về núi. Từ Bra Yang ở Di Linh đến Vờnum R’Was (núi Voi), Langbian, Bidoup. Từ Nâm Nung đến Tà Đùng, Chư Yang Sin, Chư Braian. Từ Cư M’ta đến Chư Dang Ya, Chư Prông, Hàm Rồng. Từ Konkakinh đến Chư Sê, Chư Dju, M’non Pantar, Ngok Lum Heo, Ngok Krinh, Ngok Rơo, Ngok Linh. Cho dù thấp so với mực nước biển ở cao độ làng nhàng như núi Da Brian (1244 m) thì người Mạ ở cao nguyên B’lao vẫn vọng lên đó để chiêm bái; như ngọn Nâm Nung (1512m) thì người M’Nông ở cao nguyên M’nông vẫn dõi mắt ngước nhìn; như Langbian (2169m) thì người Lạch luôn tin về nơi hội tụ những gì hiển linh của xứ sở; như Konkakinh (1748 m) thì người Jrai, Banah cứ kiêng nể ngóng trông; như Chư Yang Sin (2406 m) với người Ê Đê tha thiết cậy nhờ sự che đỡ muôn đời. Và như Ngok Linh(2598m) thì người Sê Đăng, Giẻ Triêng tuyệt đối không để trời cao giận dữ khi đảo lộn một cục đá, cành cây hiển linh nơi đỉnh núi, không tự tiện mở đường, xẻ núi... Các sắc dân tưởng chừng nhỏ bé này đã làm tôi mở mắt và mở lòng mà tiếp nhận suối nguồn tri thức vũ trụ, thiên nhiên qua tiếng vọng của núi. Họ kể cho tôi miên man về các truyền thuyết diễm lệ hình thành các ngọn núi đó, mà tất cả đều nếu không oai hùng thì cũng là tuyệt đỉnh lãng mạn. Không ngọn núi nào thiếu tiểu sử, không có riêng một câu chuyện, truyền thuyết. Núi là “nhân vật” xuất hiện nhiều nhất trong bất kỳ sử thi nào của các dân tộc Tây Nguyên. Lúc thì núi hiện ra huyền bí, cao vời, lúc thì trìu mến, thân thương, thậm gần như xóm giềng, thành viên của cộng đồng. Mà chẳng phải sách vở, điều nghiên, tra cứu, cứ hỏi các sắc dân dưới chân núi sẽ nghe ngay câu chuyện về nó. Không cái tên núi nào không ý nghĩa. Thấy sao đặt vậy, giản dị, hiện sinh, có lúc cao siêu, nhưng có lúc thật ngây ngô. Như núi Chư Yang Sin nghĩa là “Cổng vào Trời”, Nâm Nung là Sừng Trâu, Chư Sê là Ngựa, R’was là ngà Voi, Lang-bian là tên của hai người trẻ đẹp yêu nhau ghép lại… Tất cả đều có anh hùng và mỹ nhân, có ân ban của trời đất và ý chí của con người. Vậy đó, qua các ngọn núi, mới hay con người dù tiến hoá đến mấy cũng cứ thuần phục thiên nhiên, nghiêng mình trước những ngọn núi. Có đủ tàn bạo để “thành công” trong việc cạo sạch thảm thực vật trên một ngọn núi thì con người rồi một ngày bỗng rơi vào sợ hãi, hoang mang, khủng hoảng tâm linh. Xa xưa dân gian chẳng bảo “Cáo chết ba năm còn quay đầu về Núi” kia mà. Huống gì con người là động vật trí tri, nhạy cảm, có thể cảm nhận được hoang liêu từ tiếng thì thào của một chiếc lá.

*

Người ở núi thấp nể vì người ở trên cao, luôn thế. Này nhé, như cư dân K’Ho xứ núi Brah Yang (1.200m) ở cao nguyên Di Linh rất nể trọng người K’Ho xứ núi Langbian, dù ngay thế kỷ 21 này. Người K’Ho lý giải điều giản dị này rằng người trên cao sống ở nơi của thần linh. Quí trọng người trên cao vì nơi đó “đẻ” ra đất trời, thế gian. Trọng người ở trên cao vì nơi đó khắc nghiệt hơn khi phải sống. Trọng người ở trên cao vì nơi đó là đầu nguồn nước, tạo ra sự sống. Vì vậy mà trong sâu thẳm, người K’Ho ở Di Linh nghĩ về đỉnh Langbian là chỗ để “hành hương”.

Yàng tập trung trên các đỉnh núi. Vì vậy mà người Tây Nguyên gọi những Yàng ấy là Yàng Núi, “thần Núi”. Nên phải luôn cúng núi. Cho dù bây giờ là thời nhân loại hiện đại, con người có thể biết chuyện toàn thế giới trong một cái nhấp chuột trên Internet thì sự linh thiêng của một ngọn núi ở một quê xứ cứ sừng sững trong lòng bất kỳ ai. Có thể quét sạch mất một cánh rừng nhưng không thể làm biến mất một ngọn núi. Núi vĩnh cửu. Từ xa xưa đến nay, bất kỳ lúc nào vào rừng tìm sản vật mưu sinh, là người ta cúng trước khi bước vào núi, lên núi. Sự kiêng nể “thần núi” này không chỉ ở người bản địa Tây Nguyên mà cả người Chăm ở miền duyên hải. Ngang bướng, liều mạng, và ngay cả dân lục lâm thảo khấu, bị lệnh truy nã của pháp luật như cánh đào đãi vàng mà không đám nào bỏ qua việc cúng vái “thần núi” trước khi cắm xẻng xuống đất, vung mâm ra đãi. Tôn sùng và kính trọng sự màu nhiệm của núi đặc biệt có lẽ là dân tìm trầm hương. Những kẻ hành nghề này tuyệt đối tin vào sự linh hiển của thần núi. Từ trong xa xưa tổ nghiệp của họ đã hành xử với Núi thế. Và nay, ngay buổi rừng núi tanh bành, sinh linh đồ thán, bại hoại cang thường, thần linh đau xót, thì cứ hỏi các đám tìm trầm nào đổ về Khánh Sơn (Khánh Hoà) vừa rồi có đám nào bỏ qua nghi lễ khấn cúng “Mở Núi” để bái lạy thần Núi. Luật tâm linh dân gian, muôn đời này, các sắc dân miền Thượng khi chưa “Mở núi” thì không dám leo lên, không đụng rìu, đụng cây, thu hái cái gì của núi cao.

Chỉ có người vô thần mới hành động mà không cần điểm tựa của trời đất, chân lý, quá khứ. Nên càng vô thần càng hung dữ, càng không kiêng nể cái gì, cho dù là trời xanh hay núi cao. Không có tâm thức tạo hoá thì người ta sẵn sàng tàn phá, và ở ác với thiên nhiên.

Núi Voi ở Định An, Đức Trọng, Lâm Đồng
Núi Voi ở Định An, Đức Trọng, Lâm Đồng


TÂM  TÌNH

Người ta bảo nhìn núi mà đi. Con người, sống trong trời đất, phải vận hành theo những lý lẽ, mách bảo của tự nhiên. “Đọc”, “biết”, “nhớ” núi non mà sinh hoạt, sinh tồn, chứ chẳng lẽ mỗi người sắm một cái GPS, máy định vị, để mỗi khi bước ra khỏi nhà. GPS thì mới chế ra, còn con người Sapien xuất hiện từ bốn mươi ngàn năm trước.

Khó có thể tưởng tượng, nếu không còn những đỉnh núi kia người Tây Nguyên sẽ sống ra sao. Núi thì không mất rồi. Vũ khí tối tân và cực độ tham tàn của  bạo chúa, của các nhà nước cường quyền đâu đó trên hoàn vũ này có thể làm biến mất một dân tộc, dọn sạch một quốc gia, nhưng không thể xoá được một ngọn núi. Mà giả dụ có xoá tan thì nó vẫn còn bàng bạc, lang thang trong ký ức, tâm tưởng của người quanh núi. Bởi chỉ có tạo hoá, mới tiễn biệt được những ngọn núi.

*

Cộng thêm mỗi mùa khô, tôi nhận ra ngọn núi nào cũng ngày một xa hơn. Cái cảm giác ấy chắc do không gian của rừng thênh vắng quanh chân các ngọn núi, chứ núi làm sao biết đi.

Những người Ê Đê ở cao nguyên Đăk Lăk bảo núi ngày một cô đơn hơn. Người  M’nông ở dưới chân Chư Yang Sin lại bảo may mắn khi dãy núi này sung công, thành rừng quốc gia, thay vì giao đứt cho tư nhân đầu tư, quản lý… Núi vẫn nằm đó, nhưng xa lạ. Nó xa lạ vì mất thiêng, không còn là biểu tượng tâm linh của quê xứ. Khi riêng ai ôm ngọn núi đó để làm du lịch, thì cả cộng đồng mất cái quyền tự do lên cúng núi, dạo chơi trên núi. Chủ nhân của ngọn núi thiêng ấy cũng vĩnh biệt luôn những thảo mộc thân quen  trong bữa ăn truyền thống của mình, từ cành lá bép, rau K’siu, K’luôn, son, đến trái rừng Ple mạc, Ple plui, gối, ple k’sui, và cả con cua núi, con cá khe… Cái phúc lợi trời cho đã không còn.

Khi những bước chân du lịch giẫm mòn những ngọn núi thì nguồn cội văn hoá thiêng liêng của vùng đất cũng mòn mỏi, và lụn bại là kết cục ở phía trước. Không ai để ý để thống kê được - mất khi biến các ngọn núi thành cái máy in tiền, hay sự thất lạc của tâm linh, địa văn hoá, sự hẫng hụt trong sâu thẳm của con người  trên các ngọn núi trên quê hương…

Đỉnh Langbian trên cao nguyên Langbian, Lâm Đồng
Đỉnh Langbian trên cao nguyên Langbian, Lâm Đồng


Con người ở đô thị hay làm hòn giả sơn để thoả mãn với cơn thèm nguồn cội tự nhiên. Tôi không làm giả sơn để đánh lừa mình, để trang trí cho ngôi nhà ximăng, thoả mãn hay để ít nhiều bày tỏ nỗi hoài niệm sâu xa về thiên nhiên. Dù hiện đại đến mấy con người vẫn cứ trẻ thơ khi đứng trước núi, còn phải khiêm nhường trước non cao. Đẹp và dễ thương như lời trách móc của trong dân gian miền núi khi một cô nàng dấu yêu vụt mất: “Núi cao chi lắm Núi ơi/ Núi che mặt trời không thấy người thương”.

Holywood làm bộ phim “2012” để giả sử ngày tận thế của nhân loại, ở đó lúc cả trái đất chìm trôi trong nước thì chỗ dành bám víu cuối cùng vẫn là một ngọn núi le lói cuối cùng.

Dĩ nhiên tôi sẽ vẫn ngã người trên đỉnh Prah Yang để nghe tiếp bản sonat kỳ ảo vô tận của thiên nhiên, vẫn ngủ như đứa trẻ hoang nơi rừng Ea Sô mặc cho thế nhân rủ nhau đi chơi trò săn bò tót, kể cả thờ ơ với những đám lục lâm thảo khấu bền bỉ đục rừng Tây Sơn ở dãy Tà Đùng để đãi vàng, khoét thung lũng Dak Song tìm đá saphia, vẫn hổn hển trên nóc nhà miền Thượng là Ngok Linh chẳng phải vì sâm, vẫn hoang vu ở rừng Cát Lộc không phải chờ bóng ma tê giác Rhinoceros Annamiticus hiện về, và vẫn chơi vơi nằm chờ bình minh lên trên đỉnh Langbian để vớt lấy từng mảnh khói mây sà lướt qua tay mình….

Bút ký: Nguyễn Hàng Tình