Thơ với tuổi thơ Trần Đăng Khoa

04:05, 29/05/2013

Nhiều người từng gọi nhà thơ Trần Đăng Khoa là “thần đồng”. Một lần anh trả lời: “Tôi rất cảm ơn một vài bạn đọc đã ưu ái “phong” cho tôi danh hiệu thần đồng...

Nhiều người từng gọi nhà thơ Trần Đăng Khoa là “thần đồng”. Một lần anh trả lời: “Tôi rất cảm ơn một vài bạn đọc đã ưu ái “phong” cho tôi danh hiệu thần đồng. Đấy là cái danh hiệu nghe ngồ ngộ, mà quả thật tôi chả hiểu nó ra làm sao cả. Thực tình tôi chỉ là một cậu bé lũn cũn, nhem nhuốc, quần áo xộc xệch, nhoe nhoét mực xanh mực tím. Tóc cũng đỏ hoe như lông bò thui và cũng khét nắng như… lông bò. Ngoe nguẩy sau lưng là con chó vàng. Con chó cũng tất tả như chủ. Cả hai đều suốt ngày phơi nắng…”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa (bên trái) và Nhà văn Kim Lân (1996)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (bên trái) và Nhà văn Kim Lân (1996)


Tháng 5 năm 1996, tôi gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa ở nhà sáng tác Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc. Vẫn bộ áo quần bộ đội giản dị, người thấp đậm, tóc cắt ngắn, dáng vẻ của anh giống nông dân nhiều hơn là một nhà thơ như quan niệm xưa nay của nhiều người. Tuy có chức vụ cao ở Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng lúc nào anh cũng bình dị, vui vẻ, dễ mến, dễ gần, không quen lên lớp, đạo mạo như mấy bác văn sĩ, nhà thơ khác.

Sau này chúng tôi còn có dịp gặp nhau nhiều lần, tặng thơ, nói chuyện thơ, nói chuyện đời. Nhà thơ Trần Nhuận Minh, anh trai Trần Đăng Khoa có lần kể: Ngày còn bé, tưởng Khoa chết, gia đình, bà con lối xóm lấy nẹp tre bó chặt, chuẩn bị đem đi chôn thì cũng may có anh bác sĩ quân đội gần nhà phát hiện cứu sống. Suýt nữa thì làng văn nghệ Việt Nam mất đi một “thần đồng Thơ Việt”.

Trần Đăng Khoa có cách kể chuyện rất hay. Ai một lần nghe Trần Đăng Khoa kể, không khỏi ôm bụng cười ngặt nghẽo, thích thú. Riêng Khoa thì tỉnh rụi. Khoa không nhận mình là nhà thơ lớn, là trạng nguyên thơ, là thần đồng Thơ Việt như những kẻ háo danh, tự huyễn hoặc mình. Khoa khiêm tốn nhận mình chỉ biết võ vẽ làm thơ thế thôi.

Gặp nhau ở Hà Nội, Trần Đăng Khoa ký tặng tôi tuyển tập thơ mới của anh. Ngoài thơ của Trần Đăng Khoa, trong tập còn đăng những mảng ký ức, những trang hồi ký, những cuộc trao đổi xung quanh chuyện bếp núc trong nghề. Một số bí mật lâu nay của thơ Khoa đã được hé mở… Một tuyển tập thơ rất có ý nghĩa và bổ ích, giúp cho các thầy cô giáo dạy văn có điều kiện làm rõ xuất xứ, hoàn cảnh ra đời những bài thơ thiếu nhi của Khoa đã từng đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

Năm 1968, lúc đó Trần Đăng Khoa mới 10 tuổi học lớp ba trường làng, Ty Giáo dục Hải Dương đã xuất bản lần đầu tập thơ “Góc sân và khoảng trời”. Đến năm 1973, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã cho in lại tập thơ này của Trần Đăng Khoa với số lượng 50 ngàn bản. Từ đó, thơ Khoa được tái bản nhiều lần, với nhiều nhà xuất bản khác nhau - tạo nên một tiếng vang lớn trong làng văn nghệ Việt Nam. Nói đến thơ thiếu nhi Việt Nam, người ta thường nhắc đến tên tuổi Trần Đăng Khoa.

Nhà thơ Xuân Diệu khi còn sống đã từng đến nhà Khoa ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đập vào mắt ông đầu tiên là góc sân nhà Khoa, nơi đó như một sân khấu mà Khoa đã đưa vào thơ của mình. Ông tâm sự: “Tôi đã nhìn thấy, quanh sân, những “nhân vật” đã đi vào trong những bài thơ thứ nhất của bé Khoa; những nhân vật rất thông thường, nhưng đượm sắc thần tiên của hồn con trẻ, và đượm tình mến yêu của trái tim thơ ấu; đây “ngọn mồng tơi - nhảy múa”, xa hơn một chút, đây “muôn nghìn cây mía – múa gươm”, xa hơn chút nữa, đây mấy cây bưởi vạn đời, mà lần đầu tiên mới có những con mắt thấy ra là “hàng bưởi đu đưa – bế lũ con – đầu tròn trọc lóc” đúng thế thật! Xa hơn chút nữa, kia là “cây dừa – sải tay – bơi”, xa xa hơn là “bụi tre tần ngần – gỡ tóc”… Có nhìn mảnh sân nhỏ của nhà Khoa, tôi mới thấm thía giác ngộ hơn nữa về cái sức mạnh của nội tâm, chính tâm hồn bên trong của con người quy tụ cảnh vật bên ngoài vào quanh một cái trục, biến vật vô tri thành ra tình cảm; tôi đã bước trên sân nhà em Khoa, đi qua đi lại với thái độ trân trọng, tôi đang ở trong bầu thế giới đầu tiên của bé Khoa”.

Sinh ra rồi lớn lên ở làng quê Việt Nam nên mọi vật xung quanh đều trở nên quen thuộc, gần gũi như người thân trong gia đình. Trần Đăng Khoa đã từng nghe lời mẹ xé chiếc khăn tang ra thành hàng trăm mảnh khi bà ngoại mất để đeo vào cây cối trong vườn. Cả khu vườn trắng xóa một màu tang. Người xưa bảo, người chết cây cối, súc vật trong nhà cũng buồn, cũng nhớ. Anh cũng nhận ra cây cối, trâu bò, gà lợn, chó mèo cũng có niềm vui, nỗi buồn như con người. Tình cảm ấy Trần Đăng Khoa tiếp nhận được từ mẹ. Mẹ anh từng bảo: “Phải dạy trẻ con yêu thiên nhiên, yêu cây cối và các con vật trong nhà. Một đứa trẻ bẻ ngọn cây non mới trồng, bắn chết một con chim đang bay, hay phang gẫy chân con gà, con chó thì rồi sau này lớn lên, chúng nó cũng sẽ làm điều ác đối với con người…”.

Với Trần Đăng Khoa, những bài học đầu đời ấy của mẹ anh đối với anh cho đến bây giờ vẫn còn thấm thía, sâu sắc.

Người đọc đã từng biết đến nhiều bài thơ của Trần Đăng Khoa viết về những con vật gần gũi ở nông thôn với một cách nhìn nhân bản như: Sao không về Vàng ơi!, Ò ó o…, Gà con liếp nhiếp, Đám ma bác Giun, Con trâu đen lông mượt, Tiếng chim kêu, Cháu và con mèo, Tiếng chim chích chòe… hay những cây cối trong vườn như: Cây bưởi, Cây xoan, Cây dừa, Đánh thức trầu, Hoa lựu, Cây đa,… Những bài thơ về những người thân thuộc trong gia đình cũng rất đỗi yêu thương, sâu nặng.

Tôi không thể nào quên bài thơ “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa. Đây là một bài thơ viết về mẹ để lại nhiều ấn tượng trong tôi:… Mọi hôm mẹ thích vui chơi / Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu / Lá trầu khô giữa cơi trầu / Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay / Cánh màn khép lỏng cả ngày / Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa / Nắng mưa từ những ngày xưa / Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan... Hay như: Cả đời đi gió về sương / Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi / Mẹ vui, con có quản gì / Ngâm thơ, kể chuyện, rồi thì múa ca / Rồi con diễn kịch giữa nhà/ Một mình con sắm cả ba vai chèo…

Đọc đi đọc lại mãi những câu thơ như thế làm sao không xúc động; làm sao không cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những câu thơ làm thức tỉnh bao người như thế!

Bài thơ “Dặn em” tặng Giang – em gái Khoa lúc 4 tuổi. Trần Đăng Khoa đã viết; “Mẹ cha bận việc ngày đêm / Anh còn đi học, mình em ở nhà / Dặn em đừng có chơi xa / Máy bay Mỹ bắn không ra kịp hầm / Đừng ra ao cá trước sân / Đuổi con bươm bướm, trượt chân, ngã nhào / Đừng đi bêu nắng nhức đầu / Đừng vầy nghịch đất, mắt đau, lấm người / Ốm đau là mất đi chơi / Làm cho bố mẹ mất vui trong lòng /… Mẹ cha bận việc ngày đêm / Anh ngồi trong lớp lo em ở nhà…”. Một bài lục bát, tưởng rằng giản đơn nhưng gửi gắm bao ý tứ sâu xa của một người anh với đứa em gái nhỏ tuổi của mình.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã sử dụng thơ bốn chữ để viết bài thơ “Kể cho bé nghe” rất tự nhiên: Hay nói ầm ĩ / Là con vịt bầu / Hay hỏi đâu đâu / Là con chó vện / Hay chăng dây điện / Là con nhện con / Ăn no quay tròn / Là cối xay lúa / Mồm thở ra gió / Là cái quạt hòm / Không thèm cỏ non / Là con trâu sắt / Rồng phun nước bạc / Là chiếc máy bơm / Dùng miệng nấu cơm / Là cua, là cáy / Chẳng vui cũng nhảy / Là chú cào cào / Đêm ngồi đếm sao / Là ông cóc tía / Ríu ran cành khế / Là cậu chích chòe / hay múa xập xòe / Là cô chim trĩ…

Trong thế giới thơ của tuổi thơ mình, bài thơ “Hạt gạo làng ta” được Trần Đăng Khoa viết khi mới 11 tuổi đang học lớp năm trường làng là một bài thơ hay. Bài thơ đã nói lên được nỗi vất vả của người nông dân một nắng hai sương, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đầu tắt mặt tối, mưu sinh cũng vì cuộc sống: “Hạt gạo làng ta / Có vị phù sa / Của con Kinh Thầy / Có hương sen thơm / Trong hồ nước đầy / Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay…/ Hạt gạo làng ta / Có bão tháng Bảy / Có mưa tháng Ba / Giọt mồ hôi sa / Những trưa tháng sáu / Nước như ai nấu / Chết cả cá cờ / Cua ngoi lên bờ / Mẹ em xuống cấy…

Thơ với tuổi thơ Trần Đăng Khoa là chuỗi một thời gian đầy ắp những sự kiện, những kỷ niệm khó phai mờ. Những gì bắt gặp từ “góc sân nhà em”, đến những gì diễn ra hàng ngày trên vùng đất quê mẹ và với những quan sát tinh tế, tư duy độc lập của một cậu bé đã giúp Khoa có một cách nhìn hiện thực qua lăng kính của mình. Từ đó, Khoa đã có được nhiều bài thơ hay trong độ tuổi thiếu nhi của mình.

Đó cũng là một giai đoạn, sau Trần Đăng Khoa, văn nghệ thiếu nhi do chính các em thiếu nhi viết đã được hình thành và tạo được dấu ấn riêng, như: Chu Đình Quý, Phan Thị Vàng Anh, Khánh Chi… nhưng có lẽ thế giới thơ với tuổi thơ của Trần Đăng Khoa mãi mãi vẫn còn ở lại trong lòng người đọc hôm nay.

TRẦN NGỌC TRÁC