Những trang ký về nghề của Hoàng Văn Bổn - đọc và ngẫm (*)

04:05, 22/05/2013

Trước nay, tôi quen nghĩ, Hoàng Văn Bổn là nhà văn của những bộ sách đồ sộ về quê hương, kháng chiến và cách mạng, đâu có ngờ ông còn là tác giả của những trang viết xúc động và thấm thía về nhiều nhà văn tên tuổi như Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Chế Lan Viên,…

Trước nay, tôi quen nghĩ, Hoàng Văn Bổn là nhà văn của những bộ sách đồ sộ về quê hương, kháng chiến và cách mạng, đâu có ngờ ông còn là tác giả của những trang viết xúc động và thấm thía về nhiều nhà văn tên tuổi như Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Chế Lan Viên,… cùng với những chi tiết sống động mà giàu ý nghĩa về văn chương của một thời đã qua đi mà vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa. Những trang viết như vậy thật sự vượt thoát khỏi khung ký ức mang tính nghề nghiệp để ghi dấu một chặng đường từng trải qua của dân tộc, đem lại những bài học quý giá đối với các thế hệ tới sau. Có được sự thay đổi thói quen này là nhờ sự dẫn dắt của một người sinh ở xứ Nghệ mà hầu như cả đời văn gắn bó mật thiết với đất và người, cả hiện tại lẫn quá khứ của xứ Đồng Nai là cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ (1955-2001). Sinh thời, anh như dồn cả sự ân tình ân nghĩa đối với một trong vài tên tuổi văn chương chói sáng của miền Đông qua bài viết Hoàng Văn Bổn - thao thức dòng Đồng Nai. Theo ý tôi, đây là một trong những dòng ký ức xúc động và sống động nhất về nhà văn khả kính Hoàng Văn Bổn. Một ý nghĩ có thể là riêng tư nhưng rất mực thành thực của anh như chợt bừng sáng trong tâm trí tôi: “Đọc ông tôi lại thích nhất là thể loại ký sự”. Thế là, như có một sợi dây linh diệu nơi tâm hồn, mỗi khi nhớ tới một trong những tên tuổi tiêu biểu của khu vực Đông Nam Bộ Hoàng Văn Bổn, tôi lại trân trọng lần giở từng trang ký trĩu nặng chất sống, ấm nồng cảm xúc và chất chứa suy tư ấy, cùng ông trở lại những năm tháng đã xa nhưng vẫn còn nóng hổi, cứ như diễn ra mới đây thôi. Tôi chủ tâm hướng về những con người và những sự kiện văn chương. Chẳng phải các nhân vật đại diện cùng các sự kiện nổi bật ấy đã góp phần chính làm nên diện mạo và thành tựu của một giai đoạn văn chương đặc biệt của dân tộc đó sao! Nhớ lại nghĩa là sống lại những kỷ niệm văn chương ấm nóng ấy đối với chúng ta là luôn cần thiết, vì xem ra trong nhịp sống hối hả của ngày hôm nay, chúng như đang vô tình trôi rất nhanh vào quá vãng, đặc biệt là trong tâm tưởng của thế hệ những người cầm bút trẻ hôm nay.

Một lần, Hoàng Văn Bổn kể về buổi nghe giảng văn chương Pháp do Đặng Thai Mai đảm nhiệm ở lớp học Bồi dưỡng viết văn tại Quảng Bá thời kháng chiến chống Mỹ: “Ông bước lên bục giảng… Chúng tôi im lặng chờ đợi…”. Người đọc trong tâm thế đón đợi như chính tác giả. Rồi điều gì sẽ xảy ra đây? “Ông vừa đi đi lại lại, vừa bắt đầu đọc bằng tiếng Pháp các kịch bản cổ điển của Molie, Sechxpia… như Angdromac, Edip làm vua, Vua Lia…”. Nhớ nhất là chất giọng đầy cảm hứng của nhà sư phạm bậc thầy: “Giọng ấm áp và diễn cảm theo tình huống trong tác phẩm”. Và, như một nghệ sỹ sân khấu thực thụ, ông “đôi khi làm cả điệu bộ” nữa. Có thể đạt được tâm thế cùng tư thế ấy là bởi: “Ông đọc thuộc lòng, không cần văn bản tác phẩm”. Cứ như diễn ra trong huyền thoại xa xăm... Nên nhớ đây là những vở kịch rất dài. Không phải bằng tiếng mẹ đẻ. Lại vào thế kỷ khác, gần như hoàn toàn xa lạ với không khí chung quanh. Viết đến đây, cây bút văn xuôi lịch lãm Hoàng Văn Bổn như được dịp phát huy mọi ưu thế: “Cả lớp liêu xiêu, mơ màng theo ông… Trong số học sinh chúng tôi có nhiều người chưa thông thạo tiếng Pháp, thậm chí có nhiều người còn chưa qua a,b,c… Thế mà ai cũng hiểu, cũng hòa nhập vào thân phận con người xưa, những oan khiên, oái oăm, ức hiếp”. Cứ như cuộc đời đang diễn ra trước mắt và quanh ta vậy. Quả đúng như Hoàng Văn Bổn suy luận: “Ông không giảng, mà ông hồi tưởng, suy nghĩ, nhấm nháp, chiêm ngưỡng một nền văn học cao cả của nhân loại. Từ chiêm nghiệm mà rao giảng, tự thân truyền đạt cho chúng tôi”. Bài giảng có sức cảm hóa vô cùng đặc biệt. Hãy nhìn vào tư thế lắng nghe của những bậc thầy văn chương thời ấy cũng đủ rõ. Trong con mắt của người viết, nhà văn đa cảm Nguyên Hồng “gật gù, thỉnh thoảng vuốt râu cằm, mắt nheo nheo”. Nhà văn “nông dân” Kim Lân đội mũ biên phòng thì “tai mũ bó sát đôi má nhọn, đầu gối quá tai”. Trong khi nhà văn Nguyễn Đình Thi lại đăm đăm “nhìn lên trần nhà” hầu như bất động (Lần đầu gặp nhà văn Đặng Thai Mai). Hoàn toàn bị hút hồn vào thế giới sự kiện và nhân vật qua sự truyền dạy của ông thầy tài hoa. Là một người dạy văn lâu năm, đôi khi tôi cứ miên man với ý nghĩ rằng, tại sao ta không nghiêm túc học theo tấm gương sáng của nhà giáo Đặng Thai Mai nhỉ? Giờ dạy và học văn chắc sẽ không tẻ nhạt và buồn chán như thường thấy!

Còn đây là dòng hồi ức trong Gặp nhà văn Nguyễn Công Hoan. Nhà văn lão thành hỏi nhà văn trẻ với vẻ ngạc nhiên không kìm nén nổi: “Cậu đấy hử?” Kèm theo là lời nhận xét: “Chà, người gầy ốm mà bản thảo nào cũng dày cộp”. Nguyễn Công Hoan muốn nói tới tập Bầu trời mặt đất của Hoàng Văn Bổn. Như nhiều bản thảo thường thấy hồi đó, nó “viết trên giấy in báo”. Lại in đậm dấu vết chiến trường do “rất dày” vì nhiều lý do: “bùn đất, bụi bặm… bị mảnh bom xén nhiều bản”. Nó được “mang theo khắp Trường Sơn” mà. Thậm chí, ông “phải dán bồi thêm lên. Mực bút bi lại nhòe nhoẹt vì mưa, nước suối, sương rừng…”. Rất khó đọc! Nhưng lại vô cùng dễ cảm! Chưa hết. Nhớ một lần ông nhận được tin buồn từ nhà văn Đoàn Giỏi: Bản thảo tiểu thuyết Bông hường bông cúc của ông đã bị thất lạc trên đường tập kết ra Bắc. “Tôi đành nuốt nước mắt - Hoàng Văn Bổn hồi hiện - ngày lao động nặng nhọc với anh em, đêm đốt đuốc nứa ra rừng hồi nhớ, viết lại… Có đêm, quá mệt mỏi, buồn ngủ, tàn thuốc rơi xuống cháy tóc khét lẹt, mới giật mình tiếp tục cầm bút. Vắt bám đỏ chân, cổ” (Gặp nhà văn Tô Hoài). Biết được những điều phía sau số phận những dòng chữ kia, giờ đây, khi cầm cuốn tiểu thuyết ra đời trong khói lửa đạn bom đúng nghĩa, liệu ta có thể dửng dưng! Tuy nhiên, sự chú ý của tác giả khi gặp Nguyễn Công Hoan khi đó lại chừng như hướng về phía khác: mọi cử chỉ, điệu bộ của bậc trưởng lão văn chương ấy rất “lúng túng”. Ấy là khi Nguyễn Công Hoan “phải nói điều gì đó về mình”. Lúc này, theo quan sát tinh tế của người viết, “tay chân, ánh mắt, nụ cười” của nhà văn bậc thầy tỏ ra rất “thẹn thùng”. Phải chăng đấy là cách biểu hiện của những bậc lão thực! Tôi còn để ý tới chi tiết này: Hoàng Văn Bổn kể lại diễn biến cuộc họp tại Hội Nhà văn phê phán tiểu thuyết Trên mảnh đất này của mình. Nguyễn Công Hoan chợt “nhếch mép cười ruồi”. Rồi, “bỗng ông nhổm người về phía tôi, gần như thì thầm: ‘Đừng quan tâm nhiều đến chuyện ấy… Mọi thứ rồi cũng qua thôi. Cái còn lại là tác phẩm và tác phẩm…’”. Tác giả không quên lưu lại nơi ký ức: “Trong tư thế chồm tới, tôi thấy ông lù lù như quả núi, phía sau là khoảng trời lồng lộng Sông Hồng”. Cứ như một bức chạm khắc điển hình! Có hình có nền. Rất bật nổi. Ý nghĩa hoàn toàn vượt thoát lên trên mọi chi tiết cụ thể. Nó có sức gợi mở gần như vô tận…

Bài Chút kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Đình Thi lại khai thác ký ức nghề nghiệp ở khía cạnh khác. Hoàng Văn Bổn kể lại chuyện xảy ra vào những năm 1952-1953 khi đang còn theo học Phân hiệu Lục quân Trần Quốc Tuấn Nam Bộ, mở ở rừng U Minh, Rạch Giá: “Chúng tôi, những sỹ quan lục quân tương lai tranh nhau, đọc ngốn ngấu hai cuốn tiểu thuyết…”. Đó là Thép đã tôi thế đấy và Xung kích. Tác giả dồn sự chú ý vào cuốn tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi “được ai đó chép tay, nhòe nhoẹt và mặn đắng nước biển Hà Tiên”. Thế rồi ngoài giờ tập luyện, báo động, họ phân công thay phiên nhau chép tay quyển tiểu thuyết. Do độc bản ư? Không hẳn thế! Với những người cầm bút Nam Bộ khi ấy tác phẩm Xung kích đã thực sự trở thành “một bằng chứng sống về chiến khu Việt Bắc”, thậm chí còn hơn thế, tác phẩm minh họa cho “khái niệm cuộc kháng chiến của miền Bắc”. Đây chính là lần đầu tiên trong đời Hoàng Văn Bổn được trực tiếp đọc một tác phẩm miền Bắc kháng chiến “hết sức xa xôi” mà vô cùng thân thiết. Nên nhớ hồi đó đâu có phim ảnh tài liệu, cũng không có đài cá nhân, báo chí càng không có. Cho nên “Việt Bắc kháng chiến đối với lớp trẻ chúng tôi - Hoàng Văn Bổn viết tiếp - là hết sức mênh mông, hư hư thực thực”. Giờ có dịp đọc tác phẩm sống động kia, Việt Bắc đột nhiên “có thật”. Đến từng chi tiết. Sự gần gũi lan tỏa từ tác phẩm tới con người. Sau này có dịp diện kiến Nguyễn Đình Thi, ông nhớ lại: “Chúng tôi gọi đùa nhau là chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ, vì nước da bánh ít, đôi lông mày đen, rậm, mi mắt hình như cũng viền đen, râu bó hàm được cạo phún xanh, tướng đi hơi lệch về một phía như vội vàng, như chợt tỉnh, tự hãm lại”. “Điệu bộ, dáng dấp” ấy như nói lên một điều gì thầm kín tự bên trong. Lần theo con chữ của Hoàng Văn Bổn, tâm sự khó nói ấy dần dà hé lộ: “Tưởng anh có cuộc đời nhàn nhã, tài hoa, rất tài hoa, như Văn Cao. Nhưng giờ đây nhìn lại, chẳng nhàn nhã một chút nào. Nhạc. Thơ. Tiểu thuyết. Kịch như Con nai đen. Sau này có thêm Nguyễn Trãi ở Đông Quan và nhiều kịch khác… Bao nhiêu năm được biết anh như thế, tôi vẫn có ấn tượng anh luôn kiềm chế mình, có ẩn giấu cái gì đó trong anh đã góp phần làm nên tài hoa của anh?”. Không dừng lại ở những cảm nhận, cho dầu là những cảm nhận tinh tế, tác giả kịp nâng lên thành những khái quát rộng dài ý nghĩa: “Trong lịch sử văn học Việt Nam đương đại, anh là một hiện tượng đặc biệt. Trong nhiều loại hình, anh mở đầu đã chễm chệ trên đỉnh cao”. Là những trang ký mang đậm tính cá nhân, Hoàng Văn Bổn không ngại đưa ra những suy tưởng phải thừa nhận là thật đặc sắc: “Hình như anh tự biết điều ấy, nên sau đợt thành công bước đầu mà đã tự đứng trên đỉnh cao đời mình, anh lập tức nhảy sang lĩnh vực thử sức và tìm kiếm đỉnh cao cho mình… Hiếm hoi lắm”. Nhiều dịp đọc những ý nghĩ của các nhà văn tên tuổi viết về Nguyễn Đình Thi, thế mà ghi chép cùng cảm nghĩ tưởng “tiện đâu kể nấy”, “tiện đâu cảm đấy” của Hoàng Văn Bổn vẫn có chỗ đứng riêng trong ký ức văn học của tôi.

Bài viết Nhớ anh Chế Lan Viên trở về với những kỷ niệm nồng ấm mà không ít khắc khoải khác vào thời bom đạn đã qua đi. Trong cuộc đời không ít truân chuyên của mình, Hoàng Văn Bổn không sao quên được lời giới thiệu chí tình của nhà thơ lớn với chị Mácta ở Sứ quán Cuba ngày còn chiến tranh: “Nhà văn Hoàng Văn Bổn là người đội bom đạn Mỹ nhiều nhất trong chúng tôi”. Nó ẩn chứa sự thật, nhưng trên hết nó toát lên một niềm kiêu hãnh chính đáng không cần che đậy. Chẳng riêng với một ai cả! Tuy nhiên, theo trường liên tưởng ấy, ngay lập tức, tự trong thẳm sâu của cõi lòng, một cơn sóng ngầm chợt ập tới: “Thế mà giờ đây, khi viết những dòng này, tôi hiểu rằng đội nhiều bom đạn chưa hẳn là gian truân, nặng nề bằng đội những thứ khác của tình đời”. Từ đó, ký ức đưa ông trở lại bữa cơm cuối cùng khá là đạm bạc tại Hội Văn nghệ Đồng Nai sau giải phóng trong nỗi chạnh lòng thật chua chát. “Nghĩa đời cũng đen bạc lắm anh” - Tác giả tự rút ra một chiêm nghiệm. Cho mình hay cho người? Cái câu “tồn tại hay không tồn tại” Chế Lan Viên thường căn dặn ông rất rõ ngụ ý rằng: “Mọi người rồi phải chết, tồn tại là cái khác, là tư tưởng, tâm hồn, cách sống và tác phẩm”. Bài viết này cùng một mạch cảm hứng với Nỗi niềm “ai điếu” gửi người “điếu ai”. Ngay việc chọn cái tên cũng mang đầy tâm trạng. Tôi chẳng lấy làm lạ lùng khi đọc những dòng sau: “Giờ đây, đất nước đang chuyển sang bước ngoặt mới. Và… anh cất cao bài “Ai điếu”. Điếu ai đây? Điếu anh, điếu tôi, điếu lũ chúng mình. Điếu phần lớn cái gọi là sự nghiệp văn chương kháng chiến của thế hệ chúng mình… Đau lắm chứ? Dũng khí lắm chứ?”.  Dồn dập, dồn dập những câu hỏi cật vấn. Với mình và người. Với hôm qua và hôm nay. Để làm nổi bật một đòi hỏi da diết: Nếu không “ai điếu những cái cần ai điếu thì đất nước không lớn lên được nữa, dòng xoáy khủng khiếp bị ứ đọng, sẽ quay trở lại tàn phá những cái cũ đã hình thành theo dòng chảy xưa của nó”. Ở đây, dường như còn ẩn chứa những bài học nghề nghiệp mang ý nghĩa rộng hơn: “Buổi ban đầu, anh tôn thờ nó (nhà văn và nghề văn) như thần thánh, về sau, gặp khó khăn, thất bại, trắc trở, anh vẫn đeo đuổi nó tới cùng. Nếu buổi ban đầu anh coi nó như trò chơi, về sau gặp khó khăn, lập tức anh chuồn sang nghề khác ngay” (Gặp nhà văn Tô Hoài). Bởi tôi được biết Hoàng Văn Bổn từng bỏ Đại hội Nhà văn lần thứ IV năm 1989 ra về giữa chừng. Không khí căng thẳng của Đại hội nghề nghiệp “nhân văn bậc nhất” hình như vượt quá sức chịu đựng có hạn của ông. Ông nói với nhà văn Lý Văn Sâm mà như nói với chính mình: “Ủa, anh Hai Lý ơi, tụi mình ra đây làm quái gì thế này?”. Sự lúng túng đến ngơ ngác, đến tội nghiệp của một người đã từng nếm trải không biết bao nhiêu cay đắng, ngọt bùi của cuộc đời. Lại trước sự đổi thay ghê gớm, nhãn tiền, thực mục sở thị của đạo nghề và tình nghề. Tự điều đó thôi cũng đã nói lên bao điều với những ai từng dính líu tới cái duyên phận lạ lùng của nghề cầm bút.

Để kết thúc bài viết, tôi muốn “nhớ lại và suy nghĩ” về Hoàng Văn Bổn cùng với một người vốn được ông ân cần dìu dắt vào nghề văn nhưng lại đi vào cõi vĩnh hằng trước ông là nhà văn Nguyễn Đức Thọ. Trong bài Hoàng Văn Bổn - thao thức dòng Đồng Nai, Nguyễn Đức Thọ có lý khi nghĩ rằng: “Lạ lùng thay sau 30 năm đời lính trải đủ chiến trường, nhờ có điều kỳ diệu nào đó, có lẽ một người cõi trên nào đó đi theo phù trợ cho nên ông không hề bị một vết thương nào trên da thịt. Thế mới biết bom đạn tránh người! Nhưng chắc chắn trong lòng, ông đã bị không ít những vết thương mà chỉ có phương thuốc kỳ diệu, ấy là thời gian, cũng chưa chắc đã xóa lành”. Nhà văn Nguyễn Đức Thọ không quên nhắc lại, khi cha mẹ anh ngỏ lời cảm ơn sự giúp đỡ chí tình của ông đối với sự nghiệp văn chương của con mình, ông chỉ mỉm cười hiền lành bảo: “Anh chị đừng bận tâm, tui vốn là bộ đội, thằng Thọ con anh chị cũng xuất thân từ bộ đội, cái tôi chờ đợi là nó có dám làm nhà văn hay không? Làm cái nghề này, cực trời đất!”. Bài học quý giá nhất mà Nguyễn Đức Thọ rút ra từ cuộc đời và văn nghiệp của Hoàng Văn Bổn là gì vậy? Có lẽ được kết đọng trong những dòng chữ chân tình mà lóng lánh ý nghĩa này: “Thế hệ nhà văn các ông là thế hệ may mắn dù nhiều thời gian khó và có lúc cay đắng. Thế nhưng khi kể lại, ngòi bút của ông dường như không cay cú, không hờn dỗi… Một thế hệ nhà văn đã sống hết mình với đại nghĩa dân tộc và hết mình với văn chương, chỉ luôn mang trong mình mặc cảm lương thiện, viết cái gì cho xứng đáng với danh hiệu nhà văn”. Bởi, theo chính sự suy tư của Nguyễn Đức Thọ thì hình như văn đàn giờ đây đang thiếu thiếu cái “không khí văn chương chính đạo” thì phải?!

* Tất cả những đoạn trích trong bài rút từ Bộ sách Hoàng Văn Bổn - những tác phẩm tiêu biểu, Tập 2, Nxb Đồng Nai, 2006.

PHẠM QUANG TRUNG