Tháng 5, đọc lại truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc L’Enfumé, suy nghĩ về những nhân vật trung tâm của văn học hiện nay

05:05, 29/05/2013

Truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc L’Enfumé (Người bị hun khói) được đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp ngày 22 tháng 7 năm 1922. Ở thời điểm lịch sử ấy chủ nghĩa thực dân đang phủ đêm đen lên châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin; nước Nga xô - viết là quốc gia xã hội chủ nghĩa độc nhất trên thế giới vừa ra khỏi cuộc nội chiến và sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc, khắp nơi còn ngổn ngang cảnh tàn phá, đổ nát, đói rét, tật bệnh...

Truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc L’Enfumé (Người bị hun khói) được đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp ngày 22 tháng 7 năm 1922. Ở thời điểm lịch sử ấy chủ nghĩa thực dân đang phủ đêm đen lên châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin; nước Nga xô - viết là quốc gia xã hội chủ nghĩa độc nhất trên thế giới vừa ra khỏi cuộc nội chiến và sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc, khắp nơi còn ngổn ngang cảnh tàn phá, đổ nát, đói rét, tật bệnh. Nhưng qua sự mô tả trực tiếp của tác giả về cuộc diễu hành quần chúng và qua lời kể của Kimengo - nhân vật trung tâm của tác phẩm - người đọc hiểu rằng Nước Cộng hòa liên hiệp Phi đã đạt tới xã hội cộng sản chủ nghĩa, chế độ thực dân đẫm máu đã bị đẩy lùi vào quá khứ. Tạo dựng nhân vật Kimengo như một nô lệ của chủ nghĩa thực dân trở thành một lãnh tụ kiểu mới của phong trào giải phóng dân tộc “am hiểu tường tận mọi nơi sự kiện của thời đại”, có khả năng thức tỉnh và đoàn kết các dân tộc da đen và da trắng trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc, dẫn dắt nhân dân tiến tới chủ nghĩa cộng sản, Nguyễn Ái Quốc vẽ ra trước mắt bạn đọc hình mẫu con người toàn diện, hoàn thiện - hài hòa với xã hội, hài hòa với tự nhiên - của đấu tranh cách mạng và của xã hội tương lai.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tours. Ảnh: TL
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tours. Ảnh: TL


Những người đương thời đọc những văn phẩm của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp, trong đó có truyện ngắn L’Enfumé, thường tự hỏi “những bài báo ngắn gọn, sao lại có thể khuấy động được tâm hồn của những người mất nước, của người lao động bị áp bức đến thế” và cảm thấy “người rần rật như có lửa đốt bên trong” (1). Những văn phẩm này chọc thủng “vòng lưới sắt” của thực dân Pháp, về Việt Nam, vài các thuộc địa khác của thực dân Pháp. Thanh niên trí thức nước nhà "mê mải đọc, làm như học trò gạo cụ vậy" (2) những văn phẩm của Nguyễn Ái Quốc và "suốt ngày nghĩ đến nó" (2). Những điều như vậy giúp bạn đọc hôm nay hình dung một cách cụ thể lịch sử sự lay động tâm hồn, sức thấm sâu về tư tưởng và thẩm mỹ của những văn phẩm Nguyễn Ái Quốc, bao gồm L'Enfumé, đối với độc giả lúc bấy giờ.

Vì sao truyện ngắn L'Enfumé với nhân vật Kimengo lan rộng và thấm sâu vào nhận thức của độc giả?

Thứ nhất, viết truyện ngắn này, Nguyễn Ái Quốc đã nương theo tâm lý lạc quan lịch sử có tầm vóc nhân loại trong những năm 1920 của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới tiên cảm cuộc cách mạng toàn cầu đang xích lại gần. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 như sự khởi động dòng thác lịch sử "biến người nô lệ thành người tự do" (3) đã tạo nên tâm lý lạc quan vĩ đại đó. Sống trong và sống bằng tâm lý lạc quan lịch sử này, Nguyễn Ái Quốc đủ cảm hứng để viết một truyện ngắn như vậy với một nhân vật trung tâm như vậy. Tâm lý lạc quan lịch sử ấy cũng chính là tầm đón nhận của độc giả đương thời dành cho L'Enfumé và những văn phẩm khác viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc.

Thứ hai, khắc họa hình tượng Kimengo và Nước Cộng hòa liên hiệp Phi, Nguyễn Ái Quốc tìm chỗ dựa ở Lê-nin, ở những phẩm chất cách mạng đã được rèn luyện và kết tinh ở chính tác giả, ở nước Nga xô-viết, ở các dân tộc thuộc địa lúc bấy giờ đang thức tỉnh... Nơi đây bộc lộ khả năng phi thường của văn học chăm chú theo dõi, tìm kiếm và khám phá những mạch nguồn vận động của cuộc sống - xã hội trong một hệ thống lớn hơn - hệ thống mang lại những quan hệ mới, những tác động qua lại mới, những phương tiện mới, hệ thống, nhờ nó nhà văn có thể nhận thức đúng hơn và rõ hơn sự phát triển của hệ thống nhỏ. Nhờ vậy, văn học có thể đưa ra trước mắt bạn đọc những điển hình nghệ thuật chưa có những nguyên mẫu trong cuộc sống - xã hội ở hệ thống nhỏ ấy, nhưng sớm muộn chính ở đây sẽ xuất hiện những điển hình hiện thực tương hợp trong mức độ này hay mức độ khác với những điển hình nghệ thuật đó. Thật vậy, Cách mạng tháng Tám 1945 đã giới thiệu với nhân dân ta và toàn thế giới Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lãnh tụ kiểu mới của phong trào giải phóng dân tộc; nhìn vị lãnh tụ hiện hữu trước quốc dân đồng bào Việt Nam, người ta nhớ đến nhân vật Kimengo của truyện ngắn Nguyễn Ái Quốc L’Enfumé.

Thứ ba, viết truyện ngắn L’Enfumé, Nguyễn Ái Quốc vận dụng những kinh nghiệm nghệ thuật đã được thử thách qua thời gian của phương Đông và phương Tây - như nghệ thuật gián cách không gian, thời gian, nghệ thuật mô tả cuộc sống trong hình thức cụ thể - lịch sử và cả trong hình thức ước lệ, khi hình thức cụ thể - lịch sử tỏ ra bất lực, không giúp tác giả thể hiện thành công sự vận động của quy luật phát triển xã hội. Viết truyện ngắn này, Nguyễn Ái Quốc đã đón được sự chờ đợi về thể loại văn học của độc giả phương Đông và phương Tây - những độc giả quen thuộc với những tác phẩm có tính chất viễn tưởng, như Đào hoa nguyên ký (bài ký suối đào hoa) của Đào Uyên Minh, La Città del Sole (thành thị mặt trời) của Lampanella, Sur la pierre blanche (trên phiến đá trắng) của Anatole France… Nhờ thế, tác giả đã thể hiện một cách tự nhiên, thoải mái sự vận động của thời gian, sự thay đổi của không gian từ chủ nghĩa thực dân lên chủ nghĩa cộng sản bằng một truyện ngắn, nghĩa là dồn nén một tiểu thuyết sử thi nhiều tập vào một L’Enfumé.

Độc giả Việt Nam vui mừng trước sự đa dạng, phong phú của văn học đất nước trong hơn hai chục năm nay. Thế nhưng, bạn đọc cũng nhận thấy sự thiếu vắng trong văn học hôm nay những nhân vật nghệ thuật được khắc họa như những con người trung tâm của cuộc sống - xã hội (4). Vì sao có sự thiếu vắng này? Nguyễn Khoa Điềm giải thích rằng sự thiếu vắng đó có nguồn gốc sâu xa từ “cuộc sống đang ở giao điểm những trạng huống phức tạp nhất, đầy biến động, ở tầm mức quốc gia và quốc tế, trong từng biểu hiện cụ thể…” (4).

Để phát triển, Việt Nam đã mở cửa ra thế giới và về phía kinh tế thị trường. Đó là chuyện kinh thiên động địa, lạ và mới ở đất nước chúng ta. Và đất nước đang phát triển, hướng tới một cuộc sống - xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tất nhiên, sự phát triển của đất nước không thể không kèm theo những trạng huống được coi là những thách thức, những nguy cơ. Những trạng huống đó đẩy tâm lý của một bộ phận người đến gần tâm lý của Hegel hồi cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, rằng cái anh hùng không có đất dụng võ trong điều kiện lớn lên vùn vụt của đầu óc trọng thương, của những quan hệ buôn bán biểu hiện một cách nổi bật trong toàn bộ cuộc sống – xã hội, trong nội dung tinh thần của nó. Theo tôi, cái tâm lý này thực sự là cản ngại nghiêm trọng trên con đường sáng tạo những tác phẩm có tầm cao của thẩm mỹ – tư tưởng, với những nhân vật văn học có sức tỏa sáng của những tình cảm lớn và sự nghiệp lớn, mà vẫn rất gần gũi với cuộc sống và con người. Tôi nghĩ: điều mà cả các nhà văn, cả các độc giả Việt Nam hôm nay cần chính là một trạng thái tinh thần lạc quan lịch sử ở tầm mức cho phép chúng ta liên tưởng đến trạng thái lạc quan lịch sử của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1920. Thiếu cái tâm lý đó, các nhà văn khó lòng sáng tạo những tác phẩm lớn với những nhân vật nghệ thuật lớn, thiếu cái tâm lý đó, độc giả khó có khát vọng đọc những tác phẩm như vậy với những nhân vật nghệ thuật như vậy.

Ao thu. Ảnh: Đặng Văn Thông
Ao thu. Ảnh: Đặng Văn Thông


Nguyễn Khoa Điềm nhận định: “… Chính nhân vật của trung tâm cuộc sống đang vật lộn để tự khẳng định mình. Họ đã có mặt trên mọi nẻo đường đất nước, đang làm ra những đổi thay" (4). Nếu các nghệ sĩ ngôn từ chúng ta đang sống trong hoàn cảnh như thế, thì quả là các nghệ sĩ ngôn từ đó đang có những thuận lợi to lớn để viết những tác phẩm lớn với những nhân vật nghệ thuật lớn. Trong hoàn cảnh như vậy, độc giả mong muốn các nhà văn nghiên cứu cẩn thận những mầm non của cái mới hết sức quan tâm đến chúng, bằng mọi cách giúp đỡ chúng trưởng thành, nghĩa là mong muốn đọc những nhân vật nghệ thuật được mô tả như những con người tích cực, năng động và hiểu biết đang đẩy tới sự nghiệp phát triển đất nước. Trong điều kiện như thế, xét về mối quan hệ thẩm mỹ giữa nghệ thuật và hiện thực, các nhà văn Việt Nam hôm nay có nhiều thuận lợi hơn, so với Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1920... Tất nhiên, với thời gian, những nhân vật trung tâm của cuộc sống - xã hội sẽ định hình; lúc ấy "cơ cấu mới của cuộc sống" sẽ vận hành trong hiện thực của đất nước chúng ta. Lúc ấy những nhân vật trung tâm của cuộc sống sẽ thành đội ngũ lớn, sẽ thành "đại trà", thành những thành viên bình thường của xã hội. Những con người như thế sẽ khúc xạ vào trong sáng tác nghệ thuật; bằng cách đó, nghệ thuật làm nổi bật sự ưu thắng của nền dân chủ mới đã ngập tràn trong mọi tế bào của xã hội, trong lòng người, thành tình cảm, hành vi tự nhiên của con người trong cuộc sống chúng ta... Rồi cuộc sống - xã hội đòi hỏi sự xuất hiện một lớp người mới để thúc đẩy nó tiến lên phía trước. Các nhà văn lại sẽ bắt đầu một quá trình sáng tạo mới, hướng sự chú ý vào lớp người này, từ khi nó chưa có hình hài, cho đến khi nó đâm chồi nảy nụ, rồi trở thành vườn cây hoa thơm quả ngọt...

Như vậy, có thể hình dung ba "cấp độ" sau đây về mối quan hệ thẩm mỹ của văn học đối với nhân vật trung tâm của cuộc sống - xã hội ở một thời đại: 1. Những nhân vật nghệ thuật dự báo những nhân vật trung tâm của cuộc sống - xã hội sẽ xuất hiện; 2. Những nhân vật nghệ thuật tái tạo những nhân vật trung tâm của cuộc sống - xã hội đang trong quá trình hình thành; 3. Những nhân vật nghệ thuật tái hiện những nhân vật trung tâm của cuộc sống - xã hội đã trở nên phổ biến, bình thường.

Viết L'Enfumé, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận thẩm mỹ với nhân vật trung tâm của phong trào giải phóng dân tộc kiểu mới ở cấp độ thứ nhất. Văn học Việt Nam hôm nay đang tiếp cận thẩm mỹ với những nhân vật trung tâm của cuộc sống - xã hội mình ở cấp độ thứ hai.

Tiếp nhận và tích lũy vốn văn hóa, nghệ thuật của dân tộc và của nhân loại, lựa chọn và sử dụng thi pháp của thể loại, để thể hiện trong sáng tạo những nhân vật trung tâm của cuộc sống - xã hội mình, các nhà văn Việt Nam hôm nay gặp những thuận lợi chưa từng có.

Văn học của một thời đại thể hiện muôn mặt của đời sống - xã hội, của con người, với tất cả sự phức tạp, sự thống nhất - mâu thuẫn của chúng. Văn học của một thời đại có những cống hiến nghệ thuật và thi pháp thể loại đặc trưng cho thời đại mình. Thế nhưng, có thể nào hình dung được văn học của một thời đại mà ở đó lại thiếu vắng những hình tượng nghệ thuật cần mô tả như những kiến trúc sư của thời đại ấy?

(1) Bùi Lâm, Gặp Bác ở Pa-ri, trong sách Bác Hồ, Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội, 1960, tr.39.
(2) Thép Mới, Từ mảnh đất Thăng Long (Báo Nhân Dân số ra ngày 26 tháng 1 năm 1975).
(3) Nguyễn Ái Quốc, Nhật ký chìm tàu.
(4) Nguyễn Khoa Điềm, Vài cảm nhận về đời sống văn chương hôm nay (Văn nghệ số 35, ra ngày 27 tháng 8 năm 1974).

LÊ CHÍ DŨNG